“Hãy đi biển” – một lời kêu gọi của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO)

“Hãy đi biển” – một lời kêu gọi của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO)

Chiến dịch hướng sự quan tâm của các Chính phủ, tổ chức quốc tế và ngành vận tải biển tới không chỉ bản chất và mức độ thiếu hụt thuyền viên, đặc biệt là sỹ quan được dự báo trên toàn cầu, mà còn tìm kiếm các nỗ lực phối hợp giải quyết vấn đề, đang là nỗi bận tâm thực sự – nỗi bận tâm mang cả khía cạnh số lượng lẫn chất lượng. Khi thực thi chiến dịch, có nhiều lĩnh vực trong đó IMO, các Quốc gia thành viên và ngành hàng hải có thể hành động, riêng rẽ hoặc hợp tác. Chiến dịch nhấn mạnh vai trò quan trọng của Chính phủ trong hoạt động huấn luyện thuyền viên, ban hành chính sách thỏa đáng đối với người đi biển… Nội dung Chiến dịch “Hãy đi biển!” được phản ánh tại Thông tư của IMO số 2922, ngày 21/11/2008 gửi các Quốc gia Thành viên, Liên hợp Quốc, các Tổ chức Liên Chính phủ để cùng hưởng ứng và hành động. Dưới đây, Tạp chí Hàng hải Việt Nam xin trân trọng được giới thiệu tới độc giả bài viết của ông Efthimios E. Mitropolous, Tổng thư ký IMO đăng trên số 4, 2008 của IMO News. Ông Efthimios E. Mitropoulos Sự thiếu hụt thuyền viên trên toàn cầu, đặc biệt là sỹ quan, đã đạt tới tỷ lệ đáng kể và hiện nay điều đó là nỗi lo lắng thực sự đối với những người tham gia ngành công nghiệp vận tải biển. Đồng thời, nhu cầu về nguyên liệu thô, thành phẩm, thực phẩm, năng lượng và xa xỉ phẩm tăng lên hàng năm song hành với nhu cầu thương mại toàn cầu – và tôi không nghĩ cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay tác động nghiêm trọng lên khối lượng của, ít nhất là những hàng hoá cơ bản vận chuyển đường biển. Ngay từ xa xưa, nhu cầu đó đã được đáp ứng bởi ngành công nghiệp vận tải biển quốc tế, mà ngày nay ngành đang vận chuyển trên 90% lượng hàng hóa thế giới một cách an toàn, an ninh, hiệu quả và ít tác động tới môi trường và chi phí so với bất cứ loại hình vận tải số lượng lớn nào khác. Là ngành công nghiệp tự phát triển liên tục, từ đầu thập niên này vận tải biển đã được đánh dấu bằng số tàu mới đặt đóng kỷ lục để đáp ứng nhu cầu của ngành thương mại quốc tế đang mở rộng hơn lúc nào hết, và với những con tàu đang và mới hoạt động phù hợp với các tiêu chuẩn mà IMO đặt ra, chúng ta sẽ cần nhiều thuyền viên chất lượng cao, có trình độ và kinh nghiệm bổ sung. Một báo cáo mới đây do các nhà tư vấn Drewry Shipping công bố cho thấy chỉ số ảm đạm về thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng. Bản báo cáo đánh giá về thâm hụt sỹ quan trong đội thương thuyền toàn cầu đã là 34.000 người, so với yêu cầu là 498.000. Thêm nữa, dựa vào dự đoán sự phát triển đội thương thuyền của Drewry Shipping, và cho rằng cung ứng sỹ quan tiếp tục tăng ở mức độ hiện tại, báo cáo dự đoán rằng đến năm 2012, thiếu hụt sỹ quan sẽ lên tới 83.900 người. Bất kể suy thoái hiện tại phản ánh lên thực trạng kinh tế toàn cầu ra sao, thì vẫn còn những vấn đề nghiêm trọng liên quan tới cung ứng nhân lực cho lượng lớn tàu đóng mới đã có kế hoạch hoạt động. Một ước tính từ trong chính nền công nghiệp hàng hải, cho thấy rằng cần có khoảng 400.000 thuyền viên và 45.000 sỹ quan để biên chế cho 10.000 con tàu dự định bổ sung vào đội thương thuyền toàn cầu trong 3 năm tới. Sự tăng trưởng đó làm gia tăng khan hiếm nguồn nhân lực, cả về khía cạnh thuyền viên, cả trong số những người cung ứng kỹ thuật trên bờ mà ngành hàng hải cần đến (giám sát viên hàng hải, cảng vụ, hoa tiêu hàng hải, nhân viên VTS và SAR…). Và do những người thuộc đối tượng thứ hai hầu hết được chọn từ những người đã đi biển, nên ngành vận tải biển cần phải thu hút thêm nữa những thuyền viên làm việc – và giữ họ lâu dài về sau. Hiện nay, thiếu hụt nhân lực đang được khắc phục bởi lực lượng lao động hiện có – nhưng, theo báo cáo, thì các sỹ quan đang phải làm việc thêm giờ và hiếm khi hoặc không có ngày nghỉ. Một số người được đặc cách để giúp họ đảm nhiệm các chức vụ mà họ chưa thật sự có khả năng chuyên môn. Thời gian đào tạo bị rút ngắn, vội vã thăng hạng sớm cho thuyền viên trẻ, những người có thể thiếu kinh nghiệm cần thiết gánh vác chức vụ cao hơn. Tàu có thể được phép hoạt động ngắn hạn với thuyền bộ ít hơn định biên an toàn tối thiểu được yêu cầu. Trong lúc đó, sự mất cân đối cung cầu buộc mức lương tăng lên, việc này dẫn tới mà sẽ có hiệu quả thu hút những thuyền viên quá tuổi không nghỉ việc, thêm nữa làm tăng độ tuổi lực lượng lao động. Tác động gộp lại của tất cả những vấn đền này chỉ có thể gây bất lợi cho chất lượng dịch vụ. Những đòi hỏi phi lý dẫn tới tình hình căng thẳng, mệt mỏi và sụp đổ. Với tất cả nhận thức này nên “ Hãy đi biển!” – Một chiến dịch nhằm thu hút những người mới tham gia công nghiệp vận tải biển, đặc biệt là sỹ quan tàu biển – đã được IMO phát động, phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế, “Hội nghị bàn tròn”của các tổ chức vận tải biển (BIMCO1, ICS2/ISF3, INTERCARGO4 và INTERTANKO5) và Liên đoàn Công nhân Vận tải Quốc tế. Chiến dịch kêu gọi chính phủ, ngành hàng hải và IMO, được ILO và các tổ chức quốc tế khác hỗ trợ, tiến hành các hành động cụ thể, trong lĩnh vực hoạt động của mình, tăng cường tuyển dụng thuyền viên để giải quyết những vấn đề trên. Đây là một hành động quan trọng, và cần phải hành động ngay bây giờ./. Người dịch: Thanh Hoàn