Đừng để ao làng mang chiếc áo cảng biển


Cách đây hai ngày (12.9), tại buổi làm việc với bộ Giao thông vận tải, ông Dương Anh Điền, chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng than phiền rằng, luồng vào cảng Hải Phòng giảm độ sâu là sự lãng phí rất lớn. Ông Điền ví dụ: Năm 2010, nếu luồng vào cảng Hải Phòng được giữ ở độ sâu –7m, thì lượng hàng hoá thông qua có thể tăng lên 43,4 triệu tấn, thay vì chỉ trên 38,5 triệu tấn, từ đó sẽ tăng thu thêm khoảng 10.000 tỉ đồng. Theo ông Điền, nếu duy trì độ sâu luồng thực hiện cùng với đổi mới công nghệ khai thác, quản lý điều hành tốt, thì các cảng khu vực Hải Phòng có thể đạt sản lượng 54 triệu tấn/năm trở lên, với điều kiện luồng vào cảng được khơi thông. =Vào tháng 8.2010, theo thông báo của cơ quan Bảo đảm an toàn hàng hải, luồng vào các cảng khu vực Hải Phòng nơi sâu nhất (đoạn Lạch Huyện) là –6,3m và nơi thấp nhất (từ cửa kênh Đình Vũ đến cảng Hải Phòng) là –5,5m. Đến tháng 3.2011, thông báo độ sâu luồng vào các cảng khu vực Hải Phòng đã thay đổi thành nơi sâu nhất (đoạn Lạch Huyện) là –6,1m, và nơi thấp nhất (từ cửa kênh Đình Vũ đến cảng Hải Phòng) là –5,7m.Còn theo thông tin về độ sâu của luồng Hải Phòng do cảng vụ Hải Phòng công bố ngày 15.7.2011, đoạn luồng Lạch Huyện sâu –5,8m, đoạn luồng sông Cấm khu vực cảng Hải Phòng có độ sâu –5,3m. Trước đó, từ tháng 1.2006, tuyến luồng Lạch Huyện – một tiểu phần của dự án Cải tạo và nâng cấp cảng Hải Phòng giai đoạn 2 (sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản) được đưa vào hoạt động với độ sâu (–7,2m), đủ phục vụ tàu 20.000 tấn đầy tải ra vào làm hàng.Như vậy, sau năm năm vận hành, độ sâu của luồng vào các cảng khu vực Hải Phòng đã giảm trên 1m so với độ sâu thiết kế khi cải tạo. Thực tế, độ sâu này chỉ phục vụ bình thường với các tàu có trọng tải 10.000 tấn, còn đối với tàu có trọng tải 20.000 tấn, phải chờ thuỷ triều, hoặc giảm tải để có thể ra và vào được an toàn. Có hai lý do dẫn tới việc luồng vào cảng Hải Phòng không phục vụ được cỡ tàu như thiết kế. Về khách quan, đây là khu vực cửa biển, có lượng sa bồi lớn. Khảo sát của tư vấn Nhật Bản giai đoạn cải tạo cho thấy, mỗi năm tuyến luồng này cần được nạo vét khoảng 3,8 triệu m3 bùn đất mới có thể đảm bảo độ sâu cần thiết.Tuy nhiên, đến giữa năm 2008 – hơn hai năm sau khi được cải tạo – luồng tàu Hải Phòng mới được cho nạo vét duy tu lần đầu tiên với khối lượng 780.000m3 đất bùn, đạt gần 20% yêu cầu. Đến đầu năm 2010, luồng tàu được duy tu lần hai với khối lượng 920.000m3 đất bùn, đạt khoảng 25% yêu cầu thiết kế, nhưng lại chưa bằng 15% yêu cầu để trả lại độ sâu của luồng ban đầu của năm 2006 (–7,2m). Như vậy, cảng Hải Phòng đang bị biến thành… ao là do ngành chức năng chưa quan tâm đến việc cho nạo vét thường xuyên để duy trì độ sâu của luồng vào các cảng khu vực Hải Phòng.Đề xuất phương án tháo gỡCách đây năm năm (năm 2006), cơ quan Bảo đảm hàng hải ước tính mỗi năm cần khoảng từ 70 – 80 tỉ đồng để nạo vét định kỳ đoạn luồng, nhưng thực tế chỉ được cấp khoảng 40 – 50 tỉ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, điều đáng chú ý trong đề nghị của ông Dương Anh Điền là bộ Giao thông vận tải cần nên xây dựng cơ chế hình thành nguồn tài chính cho công tác duy tu, nạo vét luồng Hải Phòng. Cụ thể là trích số thu vượt thuế hải quan cho địa phương để tăng thêm nguồn kinh phí cho công tác duy tu, nạo vét. Một cán bộ cảng vụ Hải Phòng nhẩm tính, đề nghị này nếu được chấp nhận, hàng năm sẽ có thêm trên 150 tỉ đồng dành cho công tác duy tu, nạo vét luồng, đủ để đưa luồng về độ sâu thiết kế.

Địa phương đã đề nghị phương án như vậy, không hiểu bộ Giao thông sẽ xử lý như thế nào, bởi vì, luồng vào các cảng khu vực Hải Phòng là luồng cửa ngõ của cả các tỉnh, thành miền Bắc. Cho nên, nếu luồng này cạn, việc luân chuyển hàng hoá của các tỉnh, thành miền Bắc sẽ bị… bóp nghẹt. Do đó, bộ Giao thông vận tải cần sớm nhanh chóng có giải pháp về tài chính nhằm bảo đảm cho luồng vào các cảng khu vực Hải Phòng được nạo vét đủ cho tàu có tải trọng 20.000 tấn ra vào cảng an toàn. Nếu không, các cảng khu vực Hải Phòng chẳng khác gì ao làng được mang chiếc áo cảng biển.

Quốc Dũng