Các chuyên gia Thế giới bàn về “Kinh tế của biến động khí hậu” PGS-TS Hoàng Xuân Nhuận
Jame Mirlees
Giải Nobel kinh tế 1996
“Với sự chấp nhận đầy đủ những yếu tố bất định, báo cáo của Stern mang đến cho chúng ta thông điệp cực kỳ rõ ràng: biến đổi khí hậu là gì, những việc có thể và cần phải làm để giảm nhẹ nó. Báo cáo cung cấp số liệu về tác động kinh tế và về các chính sách kinh tế cần thiết. Nó xứng đáng được lưu hành rộng rãi. Tôi mong rằng báo cáo sẽ mang lại ảnh hưởng lớn nhất có thể có. Các chính phủ có trách nhiệm rõ ràng và trực tiếp trong việc chấp nhận những thách thức đã được đặt ra.”
Amartya Sen
Giải Nobel kinh tế 1998
“Những viễn cảnh ảm đạm về biến động khí hậu và những cái giá phải trả về kinh tế và sinh mạng đã được làm sáng tỏ trong công trình khảo cứu này. Điều gây ra ấn tượng đặc biệt, đó là nó đã xác định được phương hướng và phương tiện nhằm giảm thiểu cái giá phải trả cho việc hành động ngay lập tức mà không đợi đến khi cuộc sống của chúng ta bị đè bẹp bởi tai ương đang mau lẹ tràn tới. Thế giới sẽ thiếu khôn ngoan nếu quay mặt lại với thông điệp thực tiễn, quyết liệt và bị ràng buộc chặt chẽ về mặt thời gian này.”
Joseph Stiglitz
Giải Nobel kinh tế năm 2001
“Báo cáo tổng quan của Stern: “Các vấn đề kinh tế học của biến đổi khí hậu” cung cấp những phân tích thấu đáo nhất và chặt chẽ nhất từ trước đến nay về chi phí và rủi ro do biến động khí hậu gây ra và để giảm phát thải. Đã làm sáng tỏ rằng, vấn đề không phải là ở chỗ chúng ta đủ sức hay không đủ sức hành động. Chắc chắn là còn có những yếu tố bất định, nhưng chính vì báo cáo đã làm sáng tỏ những yếu tố bất định – bị làm trầm trọng thêm bởi động thái phức tạp do sự chậm trễ dài hạn, bởi sự tương tác phức tạp và bởi tính phi tuyến mạnh, cho nên buộc phải hành động. Báo cáo đã đưa ra một chương trình nghị sự toàn diện – khả thi về các mặt kinh tế và chính sách – mà nhờ nó toàn thế giới có được cơ may cùng chung lưng đấu cật khắc phục nguy cơ hiểm yếu nhất đối với sự thịnh vượng trong tương lai.”
Paul Wolfowitz
Chủ tịch WB
“WB có bổn phận giải quyết những hiểm họa do biến động khí hậu gây ra và đã đạt được những tiến bộ cơ bản trong việc xây dựng Khung đầu tư cho Năng lượng sạch và Phát triển sạch. Tôi rất hân hạnh đón nhận báo cáo tổng quan của Stern, bởi vì nó cung cấp những phân tích phê phán kinh tế vô cùng cần thiết cho những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, cung cấp những bổ sung cho đánh giá công nghệ do IEA vừa thực hiện và cho các văn bản của WB về Khung đầu tư cho năng lượng sạch (EIF). Hiện nay WB đang hợp tác chặt chẽ với khách hàng và các đối tác để áp dụng những phân tích của chúng tôi vào thực tiễn và sẽ cố gắng đạt được sự gia tăng đáng kể các luồng đầu tư của mình cũng như của các lãnh vực tư nhân.
Bước cơ bản tiếp theo là thu hút lãnh vực tư nhân vào EIF. Vì thế tôi hân hạnh được hỗ trợ cho sự cộng tác giữa WB, Diễn đàn kinh tế thế giới và Ủy ban doanh nghiệp thế giới về Khung đầu tư bền vững. Ngài Thống đốc Gordon Brown và tôi sẽ cùng chủ trì cuộc hội thảo, được tiến hành vào đầu năm tới, nhằm khởi sự cho việc cộng tác.”
GS. Jeffrey D. Sachs
Giám đốc Viện Trái đất thuộc Đại học tổng hợp Columbia
Cố vấn đặc biệt cho Tổng thư ký Liên Hiệp quốc Kofi Annal
“Báo cáo tổng quan của Stern: “Những vấn đề kinh tế học của biến động khí hậu” là một bước sống còn nhằm kiến tạo một chính sách toàn cầu về biến động khí hậu. Dưới sự chỉ đạo của một trong số những nhà kinh tế học hàng đầu của thế giới, báo cáo tổng quan của Stern đã chỉ ra một cách thuyết phục rằng những ích lợi của việc hành động sớm nhằm giảm nhẹ biến động khí hậu sẽ lớn hơn nhiều so với chi phí. Báo cáo đã xác định được: đường lối hiện thực để hành động (trên cơ sở bình ổn lâu dài mức trần của khí nhà kính), những yếu tố cốt lõi của chính sách toàn cầu đủ hiệu quả (định giá carbon, chính sách công nghệ và tháo gỡ các chướng ngại vật cản trở sự thay đổi) và khung hợp tác quốc tế bao quát tất cả các nước phát triển cũng như các nước đang phát triển. Báo cáo tổng quan của Stern đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thế giới đồng thuận về chính sách hậu Kyoto.”
Claude Mandil
Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA)
“Các vấn đề kinh tế học của biến động khí hậu phát đi một thông điệp rất quan trọng và kịp thời: đó là lợi ích của hành động sớm và quyết liệt để đối phó với biến động khí hậu vượt trội so với chi phí. Đây là một kết luận mà Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) hoàn toàn chấp nhận, đặc biệt là trong tài liệu “Năng lượng Thế giới – Tầm nhìn 2006″ sẽ được công bố vào tuần sau. Chúc mừng Sir Nick Stern và nhóm đặc nhiệm của ông vì đã thực hiện một bản tồng quan mang vai trò bước ngoặt, tôi không hề nghi ngờ rằng nó sẽ tăng cường quyết tâm thay đổi chính sách của các chính phủ trên toàn cầu.”
Kirit Parikh
Ủy viên, Ủy ban Kế hoạch, Chính phủ Ấn Độ
“Biến động khí hậu có thể gây ra nhiều phí tổn cho nhân loại, đặc biệt là cho những người vô tội. Tính bất định, được sử dụng như một lý do để không hành động, tác động như con dao hai lưỡi. Thảm họa có thể sẽ xây ra, nếu như tác động vượt quá ngưỡng dự báo. Báo cáo của Sir Nick Stern có giá trị vì nó chỉ ra rằng cần phải hành động ngay và chi phí cho hành động là phải chăng. Hy vọng rằng, nó sẽ thúc đẩy những người, đã gây ra nguy cơ đó, phải hành động.”
Adair Turner
Nguyên Giám đốc Liên hiệp Công nghiệp và kinh tế Anh quốc.
Cố vấn của Ủy ban phát triển bền vững
“Đã có dư chứng cứ khoa học về sự nóng lên toàn cầu, thế nhưng một số nhà bình luận và nhóm lobby vẫn tiếp tục cản trở các hoạt động bình ổn trên nền tảng (lợi ích) kinh tế và tính cạnh tranh. Báo cáo toàn diện và có căn cứ xác đáng này làm sụp đổ những luận cứ của họ và lý giải một cách rõ ràng những vấn đề kinh tế học phức tạp của biến động khí hậu. Nó đã làm sáng tỏ rằng phát thải có thể được cắt giảm triệt để với cái giá cho nền kinh tế thấp hơn nhiều so với cái giá phải trả về kinh tế và sức khỏe con người mà biến động khí hậu có thể gây ra.
Cameron Hepburn
Đại học Tổng hợp Oxford
“Khi mà lịch sử đối phó với biến động khí hậu của thế giới được viết ra, thì Báo cáo tổng quan của Stern sẽ được thừa nhận như một bước ngoặt.
Sir Stern và nhóm nghiên cứu của ông đã chứng tỏ năng lực lãnh đạo về mặt trí tuệ nếu nhân loại bước vào cuộc chiến với thách thức lớn nhất này.
Trong khi chờ đợi các chi tiết được thảo luận sáng tỏ, thì báo cáo đã đặt lên bàn nghị sự luận điểm mấu chốt, đó là theo dự kiến thì việc ngăn chặn biến đổi khí hậu mang lại lợi ích vượt trội hơn nhiều so với chi phí. ”