Văn hóa tự lập và cao thượng của thế hệ chúng tôi !
H là kỹ sư cơ khí bách khoa niên khóa 1966-1971. Khi nhà máy Satake ở chợ đệm hình thành, H được điều động đến. Vì là kỹ sư, nên H phải trực lảnh đạo.Nhà máy do Nhật thiết kế và cung cấp thiết bị nên có một nhóm chuyên gia Nhật thường xuyên theo dỏi sự vận hành. Nhưng nhà máy chỉ chạy khi có khách đến thăm, được khoãng 15 phút thì tự động ngưng lại. Khách tham quan ai đến thăm cũng ca ngợi nhà máy nhưng không ai biết khiếm khuyết trên.
Bà Ba Thi có lần xuống nhà máy vào buổi tối. Đêm hôm, thấy cô bé lạ, nhỏ bé và quá giản dị đến chặn hỏi. Nghe trả lời bằng giọng Bắc nên hỏi bảo vệ :
– Xứ này hết người sao lại nhận cô bé này.
Lảnh đạo nhà máy trả lời :
– Cô ấy là cán bộ kỹ thuật của nhà máy.
Nghe vậy bà Ba Thi hỏi tiếp :
– Cô là cán bộ kỹ thuật, cô cho biết tại sao nhà máy chỉ chạy cứ 15 phút rồi phải dừng ?
H trả lời:
– Cháu sẵn sàng nói, nhưng bác phải giữ bí mật nguồn thông tin này là từ cháu.
Bà Ba Thi chấp nhận.
– H nói nguyên nhân và chỉ cả nơi vật tư đang có trong nhà máy.
H trực đêm. Sáng dậy tỉnh dậy đã nghe thấy tiếng ồn ào. Bà Ba Thi đã quay lại nhà máy và ra lệnh thay toàn bộ đường dây cáp điện chính. Nguyên nhân sự đại khái của các Kỹ sư Nhật và Việt Nam khi lắp ráp đường điện chính vào các máy đã không sử dụng đúng chuẩn dây như thiết kế. Dây nhỏ, bị nóng nên tự động cắt điện cứ sau 15 phút chạy máy. Dây nguội, máy lại vận hành.
Sau khi mọi việc thành công, bà Ba Thi gọi H đến và kêu nhóm chuyên gia Nhật đến để giới thiệu người phát hiện nguyên nhân sự cố.
H kể, tôi cảm thấy tự hào khi các chuyên gia Nhật đến và họ cuối đầu chào tôi.
Nhưng bà Ba Thi đến khi mất cũng không hề biết rằng H là con gái đầu của một người bà đã từng gặp và kính trọng khi bà tháp tùng thủ trưởng của bà là ông Võ Văn Kiệt đến thăm và đàm đạo với ba của H về đất nước và cải cách đất nước. Ba của H cũng không gửi gắm người con mà mình yêu quý. Và H cũng không để ai biết truyền thống gia đình mình.
H có một con với người chồng là liệt sĩ đi B. H đi bước nữa, lại thêm hai con nhưng một mình phải nuôi cả ba con trong những năm khó khăn của đất nước. Dù vậy, nền giáo dục biết tự trọng, tự lập và cao thượng mà thế hệ chúng tôi nhận được từ thầy cô đã giúp chúng tôi vượt qua mọi thử thách và sống tự lập.
Tôi nói :
– Số phận bạn thật không may và khó khăn quá !
H nói :
– Tôi còn may hơn cả một người bạn thân từ lúc bé – đó là chị ruột của đương kim Bộ trưởng Bộ NG -đã bị mất ở Liên Xô.
Đến thăm cô Trương Mộng Hoàn cùng H, tôi bồi hồi nhớ lại một nền giáo dục tuyệt vời mà thế hệ chúng tôi được đón nhận từ các thầy cô có trái tim vàng.
Chia tay H, tôi lại thấy xấu hổ với chính mình. Mới hôm 31/8/2016, lảnh đạo Đảng ủy Phường tôi tố chức phát danh hiệu cho các đảng viên lâu năm 60, 55, 50,40 và 30 tuổi Đảng . Tôi được mời đến nhận huy hiệu 40 năm tuổi Đảng. Cán bộ chuyên trách đọc lý lịch tóm tắt của tôi, công bố nhiều chức vụ và công việc của tôi trong thời chiến tranh và xây dựng đất nước và đọc tên các huân chương mà tôi được tặng. Khi nghe đọc tên mình với nhiều huân chương, tôi ngạc nhiên vì tôi chẵng có huân chương nào cả ! Tôi muốn thanh minh nhưng không có khoãng thời gian trống nào để phát biểu với mọi người. Thật ra, tuổi trẻ chúng tôi đã làm việc và hy sinh hết mình vì đất nước. Anh bạn cùng lớp đại học với tôi, cùng ra trường, cùng về một cơ quan nhưng được nhận các huân chương dù không một lần theo tàu đi khu IV trong chiến tranh. Còn tôi chịu dựng đêm ngày nguy hiểm suốt gần hai năm bom đạn trên tuyến đường biển Hải Phòng- Hòn Ngư và Hòn La cho đến khi hòa bình lập lại 1973. Nhưng khi bàn chuyên kê khai để nhận huân chương, nền giáo dục Hà nội năm xưa không dạy chúng tôi hành động. Mọi nhiệm vụ là trách nhiệm đương nhiên của công dân.Đôi dòng này xin thay lời thanh minh rằng tôi chẵng có huân chương nào cả như sự nhầm lẩn của Ban tổ chức buổi lể trên.
Nhớ Hà Nội năm xưa, tôi tiếc các con tôi không có cơ may để tiếp nhận nền giáo dục trong sáng đó.
KS Doãn Mạnh Dũng