Tư duy luận
Với con người bình thường không có điều kiện học tập thì “Lao động cơ bắp” là sự chọn lựa ưu tiên. Với người có quyền lực hoặc gắn với quyền lực thì “Tài nguyên thiên nhiên” là sự chọn lựa. Nhưng với người quan tâm đến sự khai sáng thì chọn “Tài nguyên trí tuệ”. Vậy làm sao bạn có thể vươn lên tiếp nhận nguồn “Tài nguyên trí tuệ” của loài người ?
Chúng ta bắt đầu từ cách tiếp nhận thông tin.
Phương pháp tiếp nhận thông tin từ các giác quan gọi là “Duy giác luận” (Sensationlism)
Người ta làm một thực nghiệm sau. Một lồng sắt có hai ngăn, cách ly nhau bằng một cánh cửa di chuyển theo hướng đẩy ngang sang trái. Ngăn thứ nhất nhốt con tắc kè. Ngăn thứ hai có một con sâu. Con tắc kè nhìn thấy con sâu nhưng không biết cách đẩy cánh cửa trượt ngang sang trái để qua bắt con sâu. Người ta chiếu một đoạn phim có con tắc kè khác, biết đẩy cánh cửa trượt ngang sang trái và vào ngăn đối diện để bắt con sâu.Sau khi xem phim, con tắc kè lập tức biết cách đẩy cửa và vào bắt con sâu thành công.
Con tắc kè chưa có đũ tư duy để phân tích kết cấu của cánh cửa, nên không thể đưa ra giải pháp đẩy cửa trượt ngang sang trái. Nhưng nhờ xem phim, thị giác đã giúp con tắc kè biết cách hành động.
Phương pháp nhận thức bằng các giác quan được gọi là duy giác luận. Ta thấy ở đây, thị giác có trước và nhận thức có sau nên phương pháp nhận thức trên mang thuộc tính của duy vật biện chứng.
Như vậy tư duy mang màu sắc duy vật biện chứng đã có ở động vật cấp thấp như con tắc kè.
Xem hiện tượng có từ cảm giác là tất yếu hay là siêu nhiên gọi là “Duy thần luận” (Deism).
Loài người thường phải chứng kiến nhiều thảm họa như thiên tai, chiến tranh , bệnh tật. Để giảm nổi đau tinh thần cho nạn nhân và cả cho người thân trước thảm họa, con người thường bất lực và chọn sự ngụy biện rằng đó là điều tất yếu từ siêu nhiên.Như vậy chính thảm họa và sự bất lực của con người là nguyên nhân hình thành niềm tin tôn giáo. Như vậy thảm họa có trước và tôn giáo có sau nên phương pháp nhận thức trên mang thuộc tính của duy vật biện chứng. Việc thừa nhận sức mạnh của siêu nhiên gọi là “Duy thần luận”.
Với sự tiến hóa của loài người, con người ngày càng biết nhiều hơn quy luật của thiên nhiên và sử dụng những quy luật đó cho cuộc sống ngày càng tốt hơn. Tuy vậy con người vẩn bất lực trước nhiều thảm họa từ thiên nhiên và cả từ con người nên niềm tin tôn giáo vẩn là sự cần thiết.
Với cách tư duy này, chúng ta có thể giải thích và đồng cảm những nhà duy vật biện chứng Việt Nam ngày càng quan tâm xây dựng và phát triển nhiều cơ sở tâm linh, hơn nữa còn xác nhận sau khi chết sẽ gặp các bậc cách mạnh tiền bối.
Một biến thể trong “Duy thần luận” là sống chung với siêu nhiên. Khi bất lực trước siêu nhiên, người có trách nhiệm trong chính quyền thì chọn giải pháp đơn giản nhất là sống chung với nó để phủi sạch trách nhiệm với số tiền thuế của dân đóng góp trả lương cho họ. Với các nhà khoa học mà trống rỗng trong trí tuệ và lại lười biếng thì cũng phụ họa ngợi ca giải pháp sống chung với thảm họa.
Vậy phương pháp tư duy nào tích cực hơn ?
Đó là phương pháp “Duy lý luận theo lớp” (Rationalism with layers) do I. Kant nhà triết học Đức ( 1724- 1804 ) tìm ra.
Để dể hiểu, chúng ta bắt đầu từ phương pháp sử dụng chiếc la bàn. Người Trung Quốc phát minh ra la bàn để đi biển. Chiếc la bàn nhiểm từ sẽ chỉ hướng Bắc- Nam. Nhưng sóng gió làm hướng chỉ của la bàn không chính xác. Để khắc phục, người châu Âu dùng khung A để đở la bàn, khung B để đở khung A, khung C để đở khung B… Như vậy càng có nhiều khung đở thì chiếc la bàn càng chỉ hướng chính xác, dù xung quanh con tàu có nhiều sóng gió. Đó là phương pháp cát đăng hay phương pháp khung đở la bàn và mang biểu tượng các lớp được xếp cao dần như Kim tự tháp.
I. Kant lập luận :
“Cảm giác là một kích thích chưa được tổ chức, tri giác là cảm giác được tổ chức, tri thức là hiểu biết được tổ chức, sự minh triết là đời sống được tổ chức ” ( Trg 228- Câu chuyện Triết học – Will Durant – NXB Hồng Đức- 2014) .
Từ quan điểm của I. Kant ta có thể chia các lớp tư duy như sau :
Như vậy lớp tư duy đầu tiên là lớp Cảm giác như khung A chứa các thông tin mà các giác quan đem đến như thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác.
Lớp tư duy thứ hai là lớp Tri giác như khung B, chứa các cảm giác được định nghĩa, phân tích các thuộc tính và tinh lọc nó.
Viết đến đây, tác giả nhớ công thức giá trị thặng dư của Mác và đây là nền tảng của triết học Mác nhằm chỉ ra : ” Giai cấp công nhân là người đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản.”
G= c +v +m
Trong đó “G” là giá trị hàng hóa.”c” là khấu hao máy móc và vật tư có giá trị không đổi. “v” là lương trả cho người công nhân. “m” là thặng dư mà nhà tư bản chiếm hữu.
Thời tiền tư bản, lợi nhuận chủ yếu từ “Lao động cơ bắp”. Mác cho rằng , “c” là không đổi nên sự giàu có của nhà tư bản là ăn cắp lao động từ công nhân do đó mâu thuẩn giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư bản là mâu thuẩn đối kháng. Ta thấy nhận thức của Mác phản ảnh sự thật nhìn thấy vào thời tiền công nghiệp . Đó là tư duy ở lớp “Tri giác” của I. Kant.
Thực ra “c” là biến vì trong máy móc và vật tư có “Tài nguyên thiên nhiên ” và “Tài nguyên trí tuệ”. Vì vậy mâu thuẩn giữa giai cấp tư sản và giai cấp công nhân có thể dung hòa khi tìm kiếm lợi nhuận hướng vào nguồn “Tài nguyên trí tuệ”.
Lớp tư duy thứ ba là lớp Tri thức như khung C chứa các quy luật hình thành chúng về chất và lượng.
Lớp tư duy thứ tư là lớp Minh triết như khung D là đời sống được tổ chức. Những nhóm thông tin cùng loại gọi là miền. Phần giao nhau giữa các miền là những phát minh. I.Kant mô tả sự minh triết trong phát minh bằng hình tượng “dệt” từ những tinh hoa của tri thức.Nếu một con người lười biếng từ nhỏ thì khó có những nguyên liệu để dệt thành những bức tranh đẹp.
Như vậy muốn có phát minh, những kiến thức cơ bản phải được tích lũy chính xác và sắp xếp có hệ thống. Các kiến thức cơ bản được tinh lọc ở lớp thứ ba và được tích hợp ở lớp thứ tư để hình thành phát minh .
Với bài viết này, ta thấy “Duy giác luận”, “Duy thần luận”, ” Duy lý luận theo lớp” đều mang thuộc tính của duy vật biện chứng. Tất cả bắt đầu từ những thông tin mà các giác quan tiếp nhận được. Duy giác luận là phổ quát cho các loài động vật. Duy lý luận theo lớp là một phát minh của I.Kant là phương pháp tư duy của nền kinh tế trí thức.
Thiên nhiên đa dạng muôn loài. Xã hội đa dạng tư duy. Giải pháp hòa bình là tôn trọng cách tư duy của người khác vì đó là niềm tin tôn giáo và song hành với mặt bằng nền văn hóa mà họ thực có. Nhưng để có một cuộc đời không hối tiếc, giải pháp khôn ngoan hơn là biết đón nhận những tinh hoa của người khác để trang bị cho chính mình. Mong rằng bài viết này gợi mở một phương pháp tư duy hữu ích.
Khai bút giao thừa Đinh Dậu – 27/1/2017
KS Doãn Mạnh Dũng