Cần có một thể chế thích hợp để tiếp nhận nhanh những trí thức tinh hoa của đất nước- KS Doãn Mạnh Dũng
Ảnh : Chủ tịch Hồ Chí Minh , Tổng thống Ấn Độ Rajenda Prasad và đoàn thiếu nhi Hà Nội năm 1959, trên hậu trường Lễ đài Ba Đình. Tác giả là cậu bé 13 tuổi có dấu đỏ.
Tháng 1/1970 Đại hội sinh viên toàn quốc lần thứ IV được tổ chức ở Nhà hát lớn Hà Nội. Tôi được trường Đại học Đường thủy cử tham gia Đại hội. Khi đó trường Đại học Đường thủy và Đại học Hàng hải, Hải Phòng đang thực hiện sự sáp nhập. Trưởng đoàn sinh viên của hai trường là anh Phạm Quang Vinh – sau này là Phó Giám Đốc Công ty Vận tải Biển Việt Nam ( VOSCO) – là sinh viên Khoa lái trường Đại học Hàng hải, Hải PHòng.
Trong Hội nghị trên, Thủ tướng Phạm Văn Đồng có hỏi sinh viên Việt Nam suy nghĩ gì về tình hình miền Nam và trách nhiệm của sinh viên đối với đất nước. Tôi giơ tay và được mời lên gặp Thủ tướng trình bày ý kiến của mình.
Tôi nhớ mãi, tôi đã nói khát vọng của sinh viên là mong muốn tham gia thực hiện thống nhất đất nước và xây dựng lại đất nước.
Mùa hè năm 1971 ra trường, lớp Khai thác kỹ thuật Vận tải biển khóa 7 chúng tôi được phân công xuống các tàu biển làm thủy thủ , thực hiện nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa cho Khu IV trong bom đạn. Trong thời gian này, bạn Nguyễn Doãn Trượng bị thương nặng khi tàu vượt qua khu vực bom nổ chậm ở vịnh Hạ Long. Cả lớp đều hoàn thành tốt nhiệm vụ dưới tàu cho đến ngày ký Hiệp định Pari chấm dứt chiến tranh năm 1973.
Để thực hiện lời hứa xây dựng đất nước, ngày 1/6/1997 tại Hội nghị Quy hoạch du lịch Vân Phong , Đại Lãnh ở Nha Trang do Tổng Cục Du lịch Việt Nam và Tỉnh Khánh Hòa tổ chức, tôi công bố tư duy xây dựng Cảng Trung chuyển quốc tế Vân Phong để chia sẽ thị trường với cảng Hồng Kông và Singapore.
Rất tiếc đến năm 2022, tư duy Cảng Trung chuyển quốc tế Vân Phong mới bắt đầu được sự quan tâm đúng mức của Chính quyền Việt Nam.
Để thực hiện lời hứa với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, tôi phải dùng 27 năm để nuôi khát vọng và tìm mọi giải pháp để có thể nghiên cứu vịnh Vân Phong thành công.
Nhưng để thuyết phục Chính quyền Việt Nam, dự án phải cần đến 25 năm.
Tôi muốn nhắc lại câu chuyện trên để gửi đến thế hệ trẻ hôm nay. Chúng ta đang sống trong thời đại văn hóa trí thức. Sự đóng góp có hiệu quả cao nhất cho đất nước là trí tuệ. Khi trí tuệ nhận thức sai, hậu quả là tác hại không lường. Nhưng khi trí tuệ nhận thức đúng thì đó là đòn bẩy để thay đổi rất nhanh bộ mặt kinh tế của đất nước và cũng là di sản xứng đáng để chúng ta không ân hận với những năm tháng của tuổi trẻ. Để xác định đúng hay sai và phạm vi giới hạn của trí thức, giải pháp tối ưu là đối thoại.
Tôi mong Việt Nam cần có một thể chế thích hợp để tiếp nhận nhanh những trí thức tinh hoa của đất nước. Như vậy Việt Nam mới sớm sánh vai với các cường quốc Năm Châu như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.