“Hiến pháp không phải để ban ơn cho nhân dân”-PGS-TS Nguyễn Như Phát

 Do đó, bản Hiến pháp đầu tiên này có những giá trị rất cấp tiến, tư duy mạch lạc, thể hiện tư tưởng tiến bộ của chủ nghĩa lập hiến hiện đại. Theo đó, Hiến pháp là “văn bản ủy quyền” của nhân dân cho Nhà nước, trao cho Nhà nước hệ thống quyền lực cụ thể của nhân dân, ấn định việc phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực và các nguyên tắc, phương pháp thực thi quyền lực Nhà nước cũng như ghi nhận và xác lập trách nhiệm của Nhà nước trong việc đảm bảo thực thi các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Tinh thần của Hiến pháp 1946 như vậy nên ngay cả việc sắp xếp các chương thì quyền con người, quyền công dân cũng nằm ở chương hai trong khi trong Hiến pháp hiện hành là chương năm. Sắp tới, bản Hiến pháp sửa đổi chắc sẽ có sự thay đổi và quay về cách sắp xếp của bản Hiến pháp ban đầu.
Mặt khác, Hiến pháp vẫn là văn bản quy phạm pháp luật và phải có giá trị thi hành. Điều đó có nghĩa là quyền của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp có giá trị áp dụng trực tiếp, không có nhu cầu cần phải cụ thể hóa. Những quyền của công dân trong Hiến pháp 1946 thể hiện rõ nhất điều đó chứ không kèm thêm câu “theo quy định của pháp luật” như từ Hiến pháp 1980 trở đi.
Trên thực tế thì quyền và nghĩa vụ công dân trong Hiến pháp thường cần đến luật quy định cụ thể. Muốn điều chỉnh những quyền này của công dân thì Nhà nước phải có luật nhưng không phải là cắt xén tinh thần của Hiến pháp. Luật đó chỉ mang tính chất trình tự thủ tục và dĩ nhiên, ở một xã hội văn minh thì quyền đó phải được thực hiện trong một khuôn khổ và trình tự nhất định. Tuy vậy, việc hạn chế quyền của công dân có thể được thể hiện theo quy định của luật (chứ không phải của mọi pháp luật) và phù hợp với Hiến pháp chứ không phải hạn chế vì lợi ích Nhà nước.
 
Giữ gìn sự thiêng liêng của Hiến pháp 
. Vậy quyền của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp 1946 có gì khác so với hiện nay? 
+ Trước giờ chúng ta vẫn quen đánh đồng lợi ích công cộng với lợi ích Nhà nước là một nhưng hoàn toàn không phải như thế. Nhà nước chỉ là một chủ thể trong xã hội và có lợi ích riêng của mình còn xã hội có rất nhiều chủ thể có lợi ích riêng. Những quy định hạn chế một phần, hạn chế quyền của công dân để đảm bảo lợi ích công cộng đều phải được cân đong đo đếm để phù hợp với tinh thần của Hiến pháp.
Theo tôi, cần phải nhận thức đúng về Hiến pháp theo nghĩa Hiến pháp không phải là thứ ban ơn của Nhà nước dành cho công dân, không phải Nhà nước cho thế nào được thế nấy. Đây là sự khác biệt rất lớn về tư tưởng lập hiến từ Hiến pháp năm 1980 trở đi so với Hiến pháp 1946.
Từ Hiến pháp 1980, triết lý lập hiến của ta là mọi quyền cơ bản của công dân đều phải được thực hiện trong khuôn khổ của pháp luật nhưng cách ban hành pháp luật của chúng ta lại có vấn đề. Nếu hiểu theo cách đó thì theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, những ông nghị làng nghị xóm cũng có thể xóa đi một điều trong Hiến pháp. Đơn giản là do các ông ấy có thể ra nghị quyết (được coi là pháp luật) mà nghị quyết này trên thực tế lại không bị kiểm soát. Hơn nữa, trên thực tế, rất ít thấy việc văn bản pháp luật của cấp dưới bị hủy bỏ bởi cấp trên. Như vậy, sự thiêng liêng của Hiến pháp đã bị ảnh hưởng.
Pháp luật không phải để cai trị 
. Từ triết lý lập hiến như vậy, ông có suy nghĩ gì về cơ chế ban hành pháp luật hiện nay? 
+ Cách thức, tư duy làm luật cũng không khác gì so với việc ban hành Hiến pháp. Lâu nay người ta vẫn nghĩ pháp luật là của Nhà nước, là công cụ mà Nhà nước dùng để cai trị và quản lý xã hội. Vì thế, hiểu theo nghĩa thô thiển, cơ quan ban hành pháp luật dễ “tự do” ấn định ý chí của mình vào văn bản pháp luật để cho dân thực hiện. Đặc biệt, cách tư duy như vậy sinh ra tư tưởng làm luật ban ơn, Nhà nước ban phát đến đâu, dân hưởng đến đó.
Cạnh đó, mọi người vẫn nghe khẩu hiệu đưa pháp luật vào cuộc sống song chưa ai đặt ra vấn đề đưa cuộc sống vào pháp luật. Nếu không đưa cuộc sống vào pháp luật thì pháp luật đang tồn tại có được coi là pháp luật hay không? Đó là chưa bàn tới câu chuyện nó có khả năng thực thi hay không. Luật không phản ánh nhu cầu thật của xã hội thì làm sao xã hội có thể thực hiện nó, ấn nó vào xã hội làm sao được? Đây là vấn đề về tính chính đáng của pháp luật.
. Ông có thể đưa ra những ví dụ cụ thể? 
+ Thí dụ việc giao cho Bộ Công an chủ trì soạn thảo Luật Biểu tình thì đương nhiên Bộ Công an phải nghĩ làm sao cho hoạt động an ninh được đảm bảo. Và người ta sẽ có những quy định về biểu tình để đảm bảo an ninh theo nghĩa của những người làm an ninh chứ chưa chắc đã phải là của nhân dân.
Một thí dụ khác là trong ngành tài chính của ta, từ cơ quan nhỏ đến cơ quan to cứ chăm chăm làm sao thu được nhiều thuế của dân. Nhưng kinh tế học chứng minh đó là tư duy sai lầm, kể cả khi việc đó phục vụ cho mục tiêu làm giàu ngân sách quốc gia. Anh thu nhiều thuế, thu thuế cao thì người ta không đóng và sinh ra đủ kiểu trốn thuế. Không có nhà nước nào khôn hơn dân và không có nhà nước nào mạnh hơn dân cả!
Cân đối lợi ích trong ban hành pháp luật 
. Thế tại sao tư duy làm luật này vẫn còn tồn tại, thưa ông? 
+ Theo tôi, hệ thống thực thi pháp luật, trình tự thủ tục hành chính, tư tưởng đạo đức của con người trong bộ máy nhà nước đang làm cho vấn đề này càng trầm trọng thêm. Thêm vào đó là vấn đề quan trí. Báo chí cũng đã từng lên án về tệ chạy chức chạy quyền. Có mua ắt có bán. Đây là thị trường béo bở mà nhà đầu tư kém cỏi nhất cũng nghĩ đến chuyện hoàn vốn. Trong đó thời gian hoàn vốn chính là nhiệm kỳ, đó là một trong những vấn đề sinh ra tư duy nhiệm kỳ. Tư duy chính trị, truyền thống lập pháp, thực trạng của hệ thống quản lý trên đều là những yếu tố có thể giải thích nguyên nhân tại sao luật pháp lại hay vơ vào cho Nhà nước như vậy.
Bên cạnh đó, tham nhũng chính sách là thứ vô cùng nguy hiểm. Loại tham nhũng này được dựa trên những cơ sở của pháp luật, xuất phát từ vai trò chủ trì soạn thảo pháp luật. Loại tham nhũng này dựa trên cơ sở hợp pháp nên có hậu quả khôn lường.
Lợi ích và cục bộ ngành cũng là vấn đề làm suy yếu Nhà nước. Các bộ, ngành, các địa phương đều cùng ngồi trong một con thuyền là Nhà nước. Nếu họ không cùng phối hợp nhịp nhàng và trên tinh thần phục vụ nhân dân toàn quốc vì sự phát triển chung và đồng đều của đất nước thì sẽ không là những vector cùng chiều để tạo thành sức mạnh chung cho Chính phủ.
Trên thực tế, có những vấn đề vượt phạm vi của một ngành, một bộ, buộc họ phải ngồi lại cùng nhau để ban hành chính sách hay pháp luật (thí dụ như thông tư liên bộ). Những vấn đề lớn hơn sẽ phải do tập thể Chính phủ bàn bạc và quyết định (dưới dạng nghị định). Những vấn đề quan trọng của đất nước phải do Quốc hội quyết định. Trong quá trình đó, nếu không “cân đối” được lợi ích ngành, địa phương với lợi ích quốc gia thì quản lý đất nước sẽ không minh bạch, không thông suốt và tạo kẽ hở cho tiêu cực trong hệ thống và lãng phí xã hội, tạo cơ chế xin – cho.
Những hiện tượng như các địa phương, các ngành tìm cách để xin cơ chế riêng, thậm chí cả các đoàn đại biểu Quốc hội có thể tạm quên đi lợi ích quốc gia mà phấn đấu cho lợi ích địa phương mình… đều là những biểu hiện của chủ nghĩa cục bộ. Những “phi vụ” đó thành công thì cơ chế và chính sách sẽ được hợp pháp hóa. Nếu không đổi những tư duy này từ gốc thì pháp luật của chúng ta không thể làm bà đỡ cho xã hội phát triển.
. Xin cảm ơn ông. 
THANH LƯU thực hiện