Nên cân nhắc khi làm cảng tại mũi Kê Gà
Để xây dựng cảng, con người cần sử dụng các điều kiện thiên nhiên để giảm chi phí xây dựng. Ở miền trung Việt Nam các vịnh sâu và kín sóng gió phải là các vịnh có cửa vịnh quay về hướng nam và không có dòng sông lớn đổ vào vịnh. Vịnh Vân Phong, vịnh Cam Ranh, Vũng Rô sâu vì lý do trên. Bản chất của hiện tượng trên là có dòng hòan lưu chảy tầng đáy từ cực bắc về Xích đạo do chênh lệnh nhiệt. Vì trái đất quay từ tây sang đông nên dòng hòan lưu không chỉ vừa di chuyển từ bắc xuống nam mà còn di chuyển từ đông sang tây. Sự di chuyển trên đã đùn cát từ đáy biển vào vịnh nếu vịnh có cửa vịnh quay về hướng bắc như vịnh Dung Quất hay Chân Mây.Tại mũi Kê Gà hòan tòan không có những yếu tố trên nên buộc phải làm các đê chắn cát và sóng nhân tạo theo mô hình cảng Vân Phong và Cam Ranh.
Thời Pháp họ làm ngọn hải đăng tại mũi Kê Gà. Việc xây dựng hải đăng nhằm mục đích giúp con tàu xác định được vị trí địa lý của chính mình để chuẩn bị nhập bờ vào cảng hay để đổi hướng hay tránh chướng ngại vật nguy hiểm.Hải đăng mũi Kê Gà nhằm vào hai mục đích sau.
Bạn quan sát kỹ thì thấy rằng khi tàu từ bắc xuống nam đến Phan Thiết thì phải chạy hướng bắc nam để về Vũng Tàu. Nhưng khi đến mũi Kê Gà thì tàu phải đổi sang hướng đông tây.
Vì sao có tên gọi là mũi Kê Gà ? theo thuyền trưởng Nguyễn Văn Lâm thì khu vực này có tên địa phương gọi Khe Gà. Nhưng vì phiên âm sang tiếng Anh, người ta viết tắt Ke Ga nên người Việt gọi là Kê Gà.
Để hiểu dòng chảy khu vực mũi Kê Gà, bạn nên đọc cuốn “Tình hình một số yếu tố Khí tượng Hải Dương vùng biển Việt Nam và lân cận” của Phòng Bảo đảm hàng hải –Bộ Tư lệnh Hải quân, xuất bản năm 1985. Trong lời giới thiệu cuốn sách trên có đọan “ Riêng vùng ven bờ Thuận hải đến Vũng tàu, cần chú ý đến dòng biển có vận tốc khá lớn (có khi tới 31,0 hải lý/ giờ ) trong một dải khá hẹp ép sát bờ biển vũng mũi Kê Gà. Hướng của dòng biển ở đây chia thành hai mùa rõ rệt: mùa gió Đông bắc chảy về hướng Tây nam, mùa gió Tây nam chảy về Đông bắc ”
Chúng ta thấy vùng biển Vũng Rô, Vân Phong, Cam Ranh có đường bờ theo hướng bắc nam nên chịu chủ yếu gió Đông bắc. Còn vùng bờ biển Kê Gà có đường bờ theo hướng từ Đông bắc xuống Tây nam nên nó không chỉ hứng gió Đông bắc mà còn hứng cả gió Tây nam. Chính yếu tố này gây rất nhiều khó khăn hơn khi xây dựng cảng tại mũi Kê Gà.
Còn tốc độ dòng chảy tại mũi Kê Gà như sách của Hải quân hướng dẩn thì đó là vùng nguy hiểm khi điều động quay trở con tàu dù xuôi hay ngược nước. Hơn nữa vùng mũi Kê Gà với tốc độ dòng chảy trên là rất khó thả neo và tàu dể bị trôi neo. Chỉ có những người thiếu thực tế thì không quan đến những yếu tố này. Thuyền trưởng Nguyển Công Hệ đã nói với tôi về thực tế dòng chảy bắc nam rất mạnh và nguy hiểm tại mũi Kê Gà.Vì vậy hải đăng tại mũi Kê Gà không những giúp xác định vị trí đổi hướng mà còn lưu ý tàu thuyền cần tránh xa mũi Kê Gà khi đi từ Nam lên Bắc để tránh dòng nước ngược , còn khi đi từ Bắc xuống Nam thì cần tránh dòng chảy đẩy vào bờ và tàu dể bị mắc cạn.
Bạn quan sát mũi Kê Gà với vị trí đứng nhìn từ phía Nam. Bình thường phía Nam bãi cát hay phía Nam của đảo ở miền Trung luôn luôn lặn sóng, nhưng ở đây phía Nam có nhiều sóng gió.
Trong trường hợp Chính phủ cương quyết xây dựng cảng Kê Gà thì buộc phải xây dựng đê chắn sóng để chống dòng ngầm bắc nam, gió Đông Bắc và cả gió Tây nam.Hơn nữa vùng neo của tàu khi chờ đón hoa tiêu là không đơn giản.Chắc chắn chi phí xây đê chắn sóng để thay đổi môi trường biển là vô cùng lớn có giá trị gấp nhiều lần giá trị xây dựng nhà máy luyện bô xít tại Lâm đồng.Đó là chưa tính đến vùng đáy biển định làm cảng mà có nhiều đá thì vô phương cứu vản. Chúng ta biết vịnh Hòn La ở Quảng Bình tuy có bố cục đẹp, cửa vịnh quay về hướng Nam nhưng đáy biển nông và tòan đá. Vì không thể nâng độ sâu Hòn La nên người ta phải cải tạo vịnh Sơn Dương phía nam Vũng Áng còn hơn là phải phá đá đáy biển ở Hòn La.
Với phân tích trên việc xây dựng cảng Kê Gà là một cuộc phiêu lưu lớn về tài chính và bõ lỡ nhiều thời gian cho cơ hội kinh doanh khác.Ở miền Trung Việt Nam có nhiều vị trí có thể cải tạo thành cảng nước sâu.
Nếu dời cảng Kê Gà về một địa điểm khác thì Chính phủ nên đặt hàng một cách công khai để các nhà khoa học có thể tự do sáng tạo đưa giải pháp hợp lý nhất.
KS Doãn Mạnh Dũng