Chiến tranh thương mại Mỹ -Trung là cơ hội hiếm và bất ngờ đối với ngành hàng hải Việt Nam
Chính Trung Quốc cũng hiểu điều đó nên họ rất mong muốn sớm hình thành các Đặc khu kinh tế tại các vùng ven biển Việt Nam để đối phó với Mỹ. Trong bối cảnh trên, đây là cơ hội hiếm và bất ngờ đối với ngành hàng hải Việt Nam.
Trong ngành hàng hải có 2 dịch vụ cơ bản: dịch vụ cảng và dịch vụ vận tải.
Dịch vụ cảng là dịch vụ kinh doanh dựa vào tài nguyên thiên nhiên hay nói cách khác là tài nguyên cảng. Dịch vụ vận tải là dịch vụ kinh doanh dựa vào năng lực đóng tàu, khai thác và điều khiển tàu. Trước đây ngành hàng hải chọn dịch vụ vận tải là lực lượng trụ cột của ngành. Đó là chiến lược sai. Vì với một đất nước còn nghèo và lạc hậu như Việt Nam, sự khởi nghiệp phải bắt đầu từ cách sử dụng tối ưu tài nguyên thiên nhiên.
Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp vận tải biển ngày càng khó khăn còn các doanh nghiệp khai thác cảng vẩn sống tốt và phát triển. Đặc biệt sau cổ phần hóa, các doanh nghiệp cảng có tổng doanh thu tăng không nhiều nhưng lợi nhuận tăng rất nhanh, có nơi tăng gấp 6 lần.
Để đón cơ hội khôi phục và phát triển ngành hàng hải Việt Nam, Chính phủ nên nhanh chóng có hành động ngay với ngành hàng hải và nên ưu tiên bắt đầu từ dịch vụ cảng. Cần tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia đầu tư xây dựng và khai thác cảng, kho bãi cũng như hệ thống logictic sau lưng cảng. Muốn thực hiện dịch vụ cảng thành công, việc đầu tiên cần biết chọn vị trí cảng hợp lý, chọn nơi có độ sâu tự nhiên, độ kín gió và vùng có mặt nước thích hợp sau đó mới đến trang thiết bị cảng. Nếu làm ngược lại thì chi phí nạo vét để duy trì độ sâu của cảng sẽ chiếm hết lợi nhuận của cảng. Hiện nay cơ cấu hệ thống cảng biển Việt Nam chưa thích hợp trong cạnh tranh khu vực, nên cần nghiên cứu rõ hơn để thống nhất trong hành động.
Hoạt động cảng biển Việt Nam luôn luôn nhạy cảm với chủ quyền ở Biển Đông. Vì vậy cần cân nhắc chọn lựa các nhà đầu tư để vừa phát triển kinh tế vừa bảo đảm sự an ninh lâu dài của đất nước.
Ks Doãn Mạnh Dũng