CƯỚP BIỂN SÔMALI VÀ HÀNG HẢI THẾ GIỚI-Ngô Lực Tải( Phó chủ tịch Hội KHKT & KT biển Tp HCM)

Sự hình thành của Ngành hàng hải thế giới và nạn cướp biển
Như chúng ta biết, Ngành hàng hải được hình thành rất sớm. Theo nhiều dữ liệu lưu trữ thì loài người cho rằng Hàng hải xuất hiện trước khi phương thức sản xuất phong kiến ra đời ở một số khu vực biển trên thế giới, còn tư liệu nghiên cứu hàng hải ở phương Tây ghi chép là Hàng hải có từ thế kỷ 8 sau Công Nguyên khi mà tộc người Viking (Bắc Âu) biết dùng thuyền 26 mái chèo gọi là “DraKar” đi biển xa để cướp bóc của cải, nô lệ và xâm chiếm đất đai của những bộ tộc khác nhằm mở rộng lãnh thổ. Trải qua nhiều thế kỷ kế tiếp, những quốc gia như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh Quốc v. v… đã nâng Ngành hàng hải lên tầm cao mới bằng việc Christopher Columbus tìm ra Châu Mỹ vào năm 1492 (thế kỷ 16).
Từ đó Hàng hải được mở rộng ra toàn cầu. Tuy nhiên, song song với việc phát triển này thì nạn cướp biển cũng xuất hiện nhiều nơi trên các vùng biển xung yếu của trái đất, tập trung ở bờ biển Bắc Mỹ, Vịnh Mêhicô, biển Caribê, buộc thế giới thời đó một phen phải họp sức đối phó trong gần hai thế kỷ 17, 18, cho đến đầu thế kỷ 19 tình hình trên biển mới có thể coi như tạm yên. Đến thế kỷ 20, Hải quân nhiều quốc gia lớn mạnh vượt bậc thường xuyên tuần tra trên biển để bảo vệ chủ quyền quốc gia, hạn chế đáng kể hành động cướp bóc, côn đồ trên biển cả. Mặt khác, nhân loại đang bước vào kỷ nguyên toàn cầu hóa, giao lưu và phát triển kinh tế ngày một sôi động, vận tải biển chiếm gần 90% hàng hóa ngoại thương giữa các quốc gia. Biển cả và Đại dương không còn là “ao nhà” của bất cứ ai? Do đó việc nạn cướp biển trở lại, Hải tặc Sômali hoành hành đó là một thách thức thời đại đối với thế giới này.
Vài nét về sự xuất hiện Hải tặc Sômali
Vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, nhiều nước Châu Phi vốn đã lạc hậu, nghèo đói vì đất đai bị sa mạc hóa do biến đổi khí hậu gây ra, lại chìm trong nội chiến liên miên từ những cuộc tranh chấp quyền lực, sắc tộc, tôn giáo, trong đó có Sômali một quốc gia với diện tích 838 nghìn cây số vuông, 8,3 triệu dân ở phía Đông Châu Phi, giữa Vịnh Aden và Ấn Độ Dương, một vị trí trọng yếu mà chúng ta thường gọi là “Sừng Châu Phi” nằm án ngữ tuyến hàng hải huyết mạch từ biển Đỏ ra Ấn Độ Dương để đến các nước Châu Á, Châu Úc và Thái Bình Dương. Vào năm 1991 nước này rơi vào tình trạng vô chính phủ thời gian dài, dẫn đến làn sóng đánh bắt cá bất hợp pháp và đổ bừa bãi chất thải công nghiệp xuống vùng biển Sômali từ những quốc gia khác. Trong tình hình hỗn loạn và rối ren như vậy, ngư dân những địa phương ven biển đã thành lập các nhóm vũ trang để bảo vệ lãnh hải và bắt giữ tàu thuyền vi phạm chủ quyền. Nhưng do thiếu kiến thức luật pháp quốc tế về hàng hải, cũng như không được chỉ đạo của cấp vĩ mô, lại bị tác động từ lợi nhuận cao thu được nhờ những khoản tiền chuộc phương tiện và người, nên những nhóm nói trên dần dần biến thành những băng cướp biển nguy hiểm. Đến năm 2006 hoạt động công khai, có tàu thuyền và phương tiện hành nghề hiện đại, được trang bị vũ khí hỏa lực mạnh để thực hiện những vụ bắt cóc tàu chẳng những ngay trên vùng biển của mình mà cả các vùng biển quốc tế ở Ấn Độ Dương và lân cận.
Từ năm 2008 đến 2010 đã xảy ra gần 300 vụ cướp biển, trong đó có hơn 100 tàu lớn nhỏ bị bắt và số tiền chuộc lên đến hàng trăm triệu USD.
Tính đến tháng 2 năm 2011, chúng đang nắm trong tay ít nhất là 47 tàu và 800 con tin. Thông tin từ Sômali cho biết hiện có 1000 tên cướp biển lập căn cứ vững chắc ở Eyl, một thị trấn thuộc khu vực tự trị Puntland của Sômali. Theo thống kê của tổ chức One Earth Future, Mỹ tổng thiệt hại do cướp biển Sômali gây ra cho thế giới trong năm 2010 là 12 tỷ USD gồm tiền chuộc, bảo hiểm, sửa chữa tàu, tăng cường thiết bị an ninh và chi phí cho hải quân.
Lúc khởi đầu Hải tặc Sômali chỉ cướp những tàu cá đánh bắt xa bờ, tàu thương mại tải trọng nhỏ và du thuyền. Nay thì mục tiêu chính là những tàu khổng lồ, với hàng hóa có giá trị cao.
Tháng 09-2008 chúng bắt cóc tàu chở vũ khí “Faina” của Ucraina mang trên đó 33 xe tăng T72 cùng nhiều vũ khí khác, lấy tiền chuộc tàu và thuyền viên lên đến 3,2 triệu USD. 
Ngày 4/8/2009 tàu “Hansa Stavanger “ của Đức trọng tải 210.111 DWT bị bắt cóc phải chuộc lại 2,75 triệu USD.
Tàu “Siriusz Star” mang cờ Libêria chở khoảng 2 triệu thùng dầu giá trị 100 triệu USD được trả tự do ngày 9/1/2009 sau khi phải trả 3 triệu USD tiền chuộc. 
Ngày 4/4/2010 tàu chở dầu thô Hàn Quốc “Sambo Dream” chở 2 triệu thùng dầu thô, trị giá 170 triệu USD chuộc tới 9,5 triệu USD.
Gần đây nhất, tháng 2/2011 tàu Irene SL mang cờ Hy Lạp, dài 333m, một trong những tàu dầu khổng lồ đi từ Vịnh Pécxich đến Mêhico, chở 266.000 tấn dầu thô, trị giá 150 triệu USD bị hải tặc Sômali bắt cóc, chưa biết giá chuộc chính thức là bao nhiêu, có thể lên đến hàng triệu USD. Hiện chủ tàu đang thương lượng với bọn cướp.
Qua những vụ bắt cóc trên, các chủ tàu lớn của thế giới có thể thúc dục chính phủ các nước hành động nhiều hơn để chống lại nạn cướp biển đang hoành hành ở Ấn Độ Dương. Nếu không, sợ rằng xảy ra sự gián đoạn việc cung ứng dầu mỏ trên toàn cầu.
Ứng xử của người trong cuộc 
Liên Hiệp quốc (UN) là Tổ chức lớn nhất của các quốc gia, luôn quan tâm đến mọi sự kiện quan trọng diễn ra trên thế giới và hành động theo nguyên tắc đồng thuận của những nước thành viên. Liên Hiệp Quốc và một số quốc ga rất quyết tâm bài trừ nạn cướp biển và không ngần ngại đối đầu với Hải tặc Sômali trên cơ sở thiết lập sự ổn định về mặt chính trị ở nước này trước để tạo điều kiện thuận lợi cho một chính quyền mạnh tự giải quyết công việc thuộc nội bộ của Sômali. Dựa theo tiêu chí trên, trong vài năm gần đây khoảng 30 nước đã gửi tàu chiến đến vùng biển Sômali để tuần tra ngoài hải phận quốc tế, song tuyệt nhiên không hề vi phạm chủ quyền nước sở tại. 
Phía chính quyền Sômali, sau hơn 18 năm nội chiến kéo dài, đến nay vẫn chưa kết thúc hẳn và cũng chưa kiểm soát được hoàn toàn lãnh thổ quốc gia. Nạn nghèo đói tiếp tục hoành hành, một bộ phận nhân dân đang sống nhờ cứu trợ của Liên Hiệp Quốc. Vì vậy, việc giải quyết vấn đề hải tặc trong lúc này là bất khả thi đối với họ.
Với Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), tuy phạm vi hoạt động và mối quan hệ với các chủ tàu biển thế giới rất rộng rãi nhưng họ vẫn là cơ quan quản lý luật pháp – khoa học kỹ thuật thuộc lĩnh vực hàng hải của Liên Hiệp Quốc, thực thi nhiệm vụ dựa vào Công ước quốc tế về luật biển năm 1982 và những văn kiện được ký kết theo sự đồng thuận của những quốc gia thành viên, nên vấn đề Hải tặc Sômali không thuộc quyền hạn và chức trách của IMO. 
Cuối cùng còn lại là các chủ tàu lớn, những tập đoàn hàng hải đa quốc gia và giới vận tải biển thế giới mà lâu nay giữ “im lặng” do bị cuốn vào cơn lốc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, phải chịu ảnh hưởng ngay và trực tiếp nhận hậu quả thua lỗ trong kinh doanh. Đa số phó mặc việc này cho Nhà Nước và Liên Hiệp Quốc lo, phần mình cố gắng duy trì hoạt động bình thường trên những tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới để hạn chế và đối phó với tình trạng khan hiếm hàng hóa, giá nhiên liệu tăng, chi phí khai thác và dịch vụ lên cao, luật lệ bảo vệ môi trường ngày càng siết chặt đối với hoạt động sản xuất kinh doanh trên biển…
Họ sẵn sàng bỏ tiền ra mua bảo hiểm, thậm chí “bảo hiểm chống cướp biển” (một sản phẩm bảo hiểm mới do Hãng Lloyd’s vừa tung ra) cũng như chịu tiền chuộc phương tiện và thuyền viên nếu rủi ro xảy ra sự cố tàu bị bắt cóc, vì xét ra những chi phí này thấp hơn nhiều so với kinh doanh thua lỗ. Một ít chủ tàu đề xuất thiết lập “vùng cấm”, “thuê lính hộ tống”, “trang bị vũ khí cho thủy thủ đoàn”.v.v… Nhưng xem ra đều thất bại.
Theo thiển nghĩ của của chúng tôi, nên tìm giải pháp chính trị ổn định Sômali để rồi quốc gia này tự giải quyết công việc thuộc nội bộ của họ với sự giám sát tích cực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và sự đồng thuận cao của các quốc gia Châu Phi cũng như của cả thế giới, thì việc loại trừ Hải tặc Sômali sẽ khả thi hơn.
Lời kết
Thế giới đã bước sang thập niên thứ hai của thế kỷ 21 với nhiều thách thức lớn như “Biến đổi khí hậu”, “Khủng hoảng kinh tế toàn cầu kéo dài” gây nhiều tổn thất về sinh mạng và của cải cho loài người, trong đó phải kể đến nạn cướp biển trở lại và Hải tặc Sômali hoành hành trên Ấn Độ Dương. Đây có thể coi là một bước thụt lùi của nền văn minh nhân loại được phát triển khá rực rỡ từ ba thế kỷ nay, sau cuộc đại Cách mạng Công nghiệp toàn cầu. Đến nay, việc chống lại nạn cướp biển vẫn chưa tìm được lối ra. Mới đây, Tổ chức Chathan House (Anh) đưa ra cảnh báo là thương mại toàn cầu có nguy cơ bị gián đoạn, các tuyến đường biển có thể bị thay đổi nếu Hải tặc Sômali gia tăng và kết nối với các lực lượng vũ trang khác. Nguy hiểm hơn khi nó trở thành tập quán bình thường trên biển cả giống như những gì đã xảy ra ở thế kỷ 17 và 18.
 
 
 
Tháng 3/2011