Mục tiêu và phương tiện- KS Doãn Mạnh Dũng

Mục tiêu và phương tiện- KS Doãn Mạnh Dũng

Năm Tân Sửu, đại dịch Covid-19 lan đến Việt Nam. Trong hoạn nạn, con người mới biết hết lòng người. Chúng ta thật sự xúc động với những người lính áo trắng, những cán bộ khu phố, những con người tự nguyện … xông pha nơi hiểm nguy lo đưa người đi cấp cứu, lo từ bó rau , túi gạo, suất cơm cho bà con khó khăn. Một dân tộc biết thương yêu nhau, đó là sức mạnh tiềm tàng để dân tộc đó hoàn toàn có quyền được sống trong độc lập tự do hưởng cuộc đời hòa bình và hạnh phúc.

Tuổi thơ ấu, dù cha đang bị giam cầm trong nhà tù thực dân Pháp, Sài Gòn có nhiều trường phái chính trị khác nhau nhưng tôi vẩn được vào học trường công ở Tiểu học Bàn Cờ, quận 3 và gia đình vẩn nhận được sự đối xử thân tình từ nhiều người, kể cả đồng bào và sĩ quan từ miền Bắc di cư vào Sài Gòn năm  1954. Những tình nghĩa đó đã theo tôi suốt một hành trình từ Nam ra Bắc và từ Bắc vào Nam.

Tôi đã từng sống trong những ngày bom đạn cơ cực nhất ở đất Bắc, với thiếu thốn đủ bề,kể cả hạt muối. Dù trong khó khăn đói kém, trái tim mọi người luôn luôn tràn ngập tình yêu, cùng chia sẽ khó khăn, cùng lo việc nước.

Nhưng sau những ngày đại dịch, các thông tin về  chuyện kít tét Việt Á  hay  “Những chuyến bay giải cứu” đã làm lòng người bàng hoàng về sự tha hóa của một nhóm người tuy có học nhưng lại có hành vi rất hoang dã. Những người già nhìn con cháu mà mong rằng chúng sẽ không phải là  nạn nhân hay là thủ phạm của những chuyện tương tự trong tương lai.

Vậy nguyên nhân là từ đâu ?

Ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa kết thúc cuộc cách mạng tháng tám.Tuyên ngôn độc lập đã chỉ rõ xứ này là nơi mọi người sinh ra đều có quyền bình đẵng, quyền mưu cầu hạnh phúc . Đó là khát vọng của cả dân tộc Việt Nam đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố với toàn thể nhân loại. Đó là sợi dây liên kết sức mạnh toàn thể dân tộc Việt Nam.

Nhưng thực dân Pháp đã không chấp nhận sự độc lập của Việt Nam và họ quay lại bằng bạo lực. Chỉ sau ba tuần được độc lập, Nam bộ đã phải cầm tầm vông chống giặc. Người nông dân Nam bộ vào bưng biền, lập chiến khu và hát : “ Mùa thu rồi ngày hăm ba, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến … “ . Tiếng hát đã chỉ rõ kẽ sĩ đất phương Nam cầm tầm vông chống giặc chỉ vì lòng yêu nước. Bài hát là sức mạnh tiềm ẩn để giúp tôi vượt qua rất nhiều thử thách của cuộc đời. Tác giả bài “Nam bộ kháng chiến ” là ông Tạ Thanh Sơn, con của chủ hãng rượu lớn nhất miền Tây Nam Bộ.

Thực dân Pháp mở rộng chiến tranh, nên đến ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh phải ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Trong thế đối đầu không cân sức giữa lực lượng kháng chiến  Việt Nam và thực dân Pháp, học thuyết đấu tranh giai cấp dù không có trong Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng đã được Việt Nam chọn lựa để tập hợp thêm sức người , lương thực và vũ khí chống giặc. Đó là một lô-gic tất yếu phải đến của một dân tộc đang bị dồn vào thế hiểm nguy.

Vị tham tán của Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh nói với chúng tôi – khi đó là lưu học sinh tại Trường đại học Sư phạm Thiểm Tây ở Tây An ,Trung quốc- vào mùa hè năm 1966 rằng :

– Đối ngoại phải phục vụ đối nội.

Thế hệ chúng tôi hiểu rằng mọi chính sách đối ngoại của Việt Nam chỉ là phương tiện vì mục tiêu độc lập  tự do và thống nhất đất nước Việt Nam.

Vốn là dân Sài Gòn, nên  tôi không khó khăn khi nhận thức về bản chất “ Học thuyết đấu tranh giai cấp.” Thực tiển sản xuất đã chỉ rằng, mọi sản phẩm được sản xuất phải dựa vào 3 yếu tố : Tài nguyên sức lao động, Tài nguyên thiên nhiên và Tài nguyên trí tuệ. Các yếu tố sau đem nhiều lợi nhuận hơn yếu tố trước. Học thuyết đấu tranh giai cấp đang được giảng dạy hiện nay trong các trường đại học là Học thuyết một Tài nguyên : Tài nguyên sức lao động. Ai đã đọc” Học thuyết đấu tranh giai cấp” thì biết công thức  tạo nên giá trị thặng dư  giữa thế kỹ 19 là  V=c+v+m .  Trong công thức đó, V là giá trị hàng hóa, c là  giá trị vật tư  không thay đổi, chỉ có v và m là biến đổi. Nhà tư bản trả v cho người lao động và chiếm hữu m. Công thức không quan tâm đến Tài nguyên thiên nhiên và Tài nguyên trí tuệ.

( Trích : “ b) Tư bản bất biến và tư bản khả biến – Tư bản bất biến ký hiệu là c, Tư bản khả biến ký hiệu là v  “ Trang 160 – Giáo trình Kinh tế học Chính trị Mác- Lênin – NXB Chính trị Quốc gia 2002)

Sự thật, Tài nguyên thiên nhiên ở các vị trí khác nhau sẽ khác nhau từ đất, nước, khoáng sản và nhiệt độ… Thời đó, tỷ lệ trí tuệ trong sản phẩm rất nhỏ bé. Nhà tư bản phải tìm lợi nhuận từ việc tăng cường độ lao động và thời gian lao động . Với nhận thức  sự hình giá trị thặng dư như trên, logic tư duy dẩn đến  suy luận rằng sự tích lũy của nhà tư bản sẽ đẩy mâu thuẩn giữa giai cấp công nhân và nhà tư bản ngày càng gay gắt. Vì khi tăng cường độ và thời gian lao động thì “  Giai cấp công nhân sẽ là người đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản.” Bài hát Quốc tế ca cũng phản ảnh nội dung trên : “Đấu tranh này là trận cuối cùng ….”. Nhưng theo thời gian, khoa học và công nghệ ngày càng phát triển. Khi hàm lượng trí tuệ trong sản phẩm ngày càng cao, giai cấp tư bản không chỉ có lợi nhuận nhiều hơn mà còn thừa chi phí để hổ trợ người công nhân có thể gắn bó lâu dài với nhà tư bản.

Với một nước nông nghiệp lạc hậu như Việt Nam thời đầu thập niên 1950, việc sử dụng học thuyết đấu tranh giai cấp gắn kết với chủ nghĩa yêu nước để tập hợp lực lượng là giải pháp cuối cùng để đối phó với đòn thù của thực dân Pháp. Chiến lược trên đã thể hiện rõ trong chiến thắng lịch sữ Điện Biên Phủ và đưa đến Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954. Đất nước bị chia cắt. Mỹ vào thay thế vai trò của Pháp. Học thuyết đấu tranh giai cấp và chủ nghĩa yêu nước  lại được ứng dụng để đưa đến Hiệp định Pari 1973  và  sau đó là ngày Thống nhất đất nước 30/4/1975.

Với người dân Việt , dù khác biệt về chính trị, nhưng người Việt Nam có một điểm chung rất lớn đó là lòng yêu nước. Bài học lịch sử Trịnh – Nguyễn phân tranh vẩn ám ảnh và luôn nhắc nhở với mọi người từ Bắc đến Nam mà điển hình là bài thơ “Hận sông gianh”. Lời ông Nguyễn Cao Kỳ nói với bạn hữu khi về Việt Nam rằng :

“Tôi và họ đã không làm được, những anh em bên kia làm được … thì mình  phải chấp nhận … đó là lịch sử và đất nước đã được thống nhất rồi. ”

Kẻ sĩ Việt Nam dù ở  hoàn cảnh  bất lợi nhất nhưng luôn luôn đặt quyền lợi của Tổ quốc lên trên hết. Tôi thật sự xúc động bởi những lời nói và hành động cuối đời của ông Nguyễn Cao Kỳ. Tác giả xin có đôi lời này thay nén hương ngày Tết Nhâm Dần (2022) – để gửi đến anh linh một kẻ sĩ mà tôi quý trọng. Dân tộc chúng ta dù còn có nhiều chuyện cần hòa giải để hòa hợp,  nhưng trong mỗi chúng ta đều có dòng máu chung là yêu tự do, yêu những con người nghĩa khí và luôn luôn hướng đến  sự độc lập và thống nhất đất nước Việt Nam.

Khi đất nước đã Thống nhất, vì sự phức tạp trong tương quan các lực lượng trên thế giới vào thời  điểm đó, kể cả sự lo lắng chuyện phản bạo lực bằng bạo lực và cùng với sự nhận thức hạn chế nên Việt Nam đã  không thể học tập được cách hòa giải của nước Mỹ sau cuộc chiến Nam-Bắc năm 1865. Phương tiện “Học thuyết đấu tranh giai cấp” lại được chọn làm mục tiêu cho hòa bình. Vì vậy Chính phủ Việt Nam đến hôm nay vẩn phải hành trình, tiếp tục thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc. Hòa giải và hòa hợp dân tộc là khát vọng của cả dân tộc nhất là người miền Nam. Tôi muốn nói sự thật về điều này vì nhiều dòng họ, tình cảm  bà con ở miền Nam đã bị chia rẽ, không nhìn mặt nhau sau năm 1975. Tôi có đứa cháu gái Huỳnh Bội Trân ở  Biên Hòa, từng được giải văn học sinh lớp 12 ở miền Nam năm 1975 với chiếc khánh bằng vàng của bà Nguyễn Văn Thiệu, đã viết thư cho tôi vào đầu mùa xuân năm 1976 :

“Tết năm 1976 trời miền Nam lạnh khác thường . Phải chăng miền Bắc vào đây đã mang theo cái lạnh của đất Bắc! “.

“Mùa xuân đầu tiên “  để từ đây, “người biết thương người” đã không đến như khát vọng của Văn Cao mà mở ra một hành trình mới đầy hoang dã với các kiểu chiếm đoạt và tha hóa. Những người chiến binh già ngở ngàng, không giải thích được những gì phải chứng kiến mà cả cuộc đời đã cống hiến và hy vọng.

Việc xây dựng đất nước  là thử thách quá lớn với một dân tộc mà lịch sử chỉ là những trang sử chống ngoại xâm. Người lính khi rời tay súng để xây dựng đất nước là  phải học quy luật của tự nhiên  để tạo ra cái bánh, nhà ở, áo mặc… Muốn vậy cuộc đấu tranh này không phải là trận cuối cùng mà phải là trận bắt đầu để vượt qua chính mình từ sự lười biếng, để có sức khỏe, trí tuệ, kỹ năng và cả con tim biết yêu thương. Xây dựng đất nước lại chọn giải pháp đấu tranh giai cấp làm nền tảng thì   tất yếu dẩn đến sự  chia rẽ và tha hóa. Con người khi chỉ lao vào kiếm tiền bằng mọi hành vi, học các kỹ thuật chiếm đoạt từ tinh vi đến trắng trợn, từ  thuyết “3 lợi ích’ tất yếu dẩn đến vụ kít tét Việt Á, từ tư duy đồng hương đến tư duy vùng miền được hình thành theo chính sách chia rẽ của thực dân Pháp, từ bắt tay với xã hội đen đến bắt tay với ngoại bang …đã đưa đất nước đến sự yếu hèn. Học thuyết đấu tranh giai cấp đầu thế kỹ 19 đã bị những kẻ cơ hội mang nặng  tư duy văn hóa phong kiến phương Đông lợi dụng để tiếm quyền vì danh, vật chất và tình dục. Nhìn vào tài sản kẻ tiếm quyền là người dân hiểu tất cả. Muốn làm giàu hảy lập doanh nghiệp kinh doanh theo luật. Sự tha hóa không phải vì nền kinh tế thị trường mà vì nền tảng văn hóa trong gia đình họ còn quá hoang dã nên hành vi trở nên hổn loạn.Tham gia công việc nhà nước là để cống hiến chứ không phải để chiếm đoạt hay hưởng bổng lộc. Đó là nguyên nhân của sự tham nhũng và tha hóa của xã hội Việt Nam hôm nay.

Sau khủng hoảng giữa thập niên 1980, Chính quyền Việt Nam đã nhận thức được sự việc và từng bước  đã điều chỉnh lại mục tiêu của đất nước là : “ Dân giàu , nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh ”. Mục tiêu đã rõ vì vậy phương tiện phải phù hợp.

Học thuyết đấu tranh giai cấp không có trong Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Học thuyết đấu tranh giai cấp là học thuyết một Tài nguyên , là phương tiện để tiếp nhận sự ủng hộ quốc tế trong tình thế chính trị thế giới thời điểm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Học thuyết đấu tranh giai cấp ứng dụng xây dựng đất nước trong hòa bình là nguyên nhân gây ra tha hóa xã hội Việt Nam và làm chậm sự phát triển đất nước. Để điều chỉnh mâu thuẩn trong xã hội  khi phát triển  nền kinh tế thị trường cần sử dụng chính sách thuế để điều tiết. Khuyến khích con người sử dụng Tài nguyên trí tuệ. Cần công bằng, công khai, minh bạch khi sử dụng Tài nguyên thiên nhiên và khi chọn  lựa nhân sự quản trị đất nước. Cần có luật kiểm soát công khai hệ thống tài chính khi tổ chức và cá nhân trong nước hợp tác  với nước ngoài vì mọi mục đích. Giáo dục con người tham gia chính quyền là để cống hiến vì sự văn minh của đất nước, không vì chiếm hữu danh, vật chất và tình dục theo văn hóa phong kiến phương Đông.

Để cải cách đất nước, tác giả cho rằng mọi việc nên bắt đầu từ đối thoại. Vì khi mục tiêu đã rõ ràng, thì  chỉ có  đối thoại công khai và minh bạch mới có thể tìm ra  giải pháp hợp lý  để thực hiện  Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Giao thừa Nhâm Dần – Tp Hồ Chí Minh, 29/01/2022 ./.