Văn hóa doanh nghiệp và tinh hoa Phương Đông- Nguyễn Thanh Lâm
Kinhtebien online : ông Nguyễn Thanh Lâm- trưởng thành từ phong trào học sinh thời VNCH và du học tại Liên Bang Đức- tin rằng Văn hóa Phương Đông sẽ bổ sung thêm những tư duy hữu ích giúp doanh nghiệp thành công trong kinh doanh. Kinhtebien online xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết quan trọng của ông Nguyễn Thanh Lâm.
Phần 1: Niềm tin cơ bản nhất
Văn hóa đích thực luôn đâm chồi nở hoa trên mảnh đất của tinh hoa triết học, theo nghĩa thực tế và thực chứng nhất của cả hai. Thiếu tinh hoa của trí tuệ thì cỏ dại bao phủ. Vì thế, việc tìm hiểu ảnh hưởng của ngọn đuốc soi đường của Phương Đông, bên cạnh biểu tượng ngọn lửa từ đuốc soi đường khoa học duy lý Prometheus của Phuơng Tây sẽ bổ sung thêm những góc nhìn hữu ích.
Nổi bật nhất chính là Phật học, tư tưởng Khổng-Mạnh, Lão–Trang, triết lý Ấn Độ, Kim Cang Tây Tạng và dòng tư duy từ thời Minh Trị của Nhật Bản với những Yikichi Fukuzawa, Hideki Yukawa…
Những dòng nước tươi mát của tinh hoa Phương Đông cho chúng ta thấy rõ hơn các khái niệm và giá trị cốt lõi như Niềm Tin, Trách Nhiệm, Chất Lượng, Tôn trọng Trong Ứng Xử, Tận Tâm và Đoàn Kết Thương Yêu Nhau …
Về Niềm Tin: Đạo Phật tổng kết rất hệ thống về 4 khía cạnh có cơ sở, có thực chứng: Phật, Pháp, Tăng và Niềm tin vào khả năng bản thân.
Đạo ở đây là con đường và cũng là phương cách (tiếng Anh dùng chữ The Way rất hay trong trường hợp này, và dùng chữ Tao như 1 biểu ý bao trùm hơn của Đức Phật, Chúa Jesus và cả Lão Tử , người dùng chữ này đầu tiên ( ) trong Đạo Đức kinh (Tao Te Ching) để siêu nhiên hóa sự thật và chân lý)
Chính từ tinh thần đó mà Lão Tử viết câu đầu tiên trong cuốn sách kinh điển này là “Đạo khả Đạo, phi thường Đạo”
Có đến 45 định nghĩa về Đạo.
Văn hoá và văn hóa doanh nghiệp chính là phương cách và con đường (the Way) của suy nghĩ, hành động và tương tác (to think, to act and interact )
Niềm tin vào khả năng bản thân rất quan trọng, và khả năng đó phải được tu tập. Theo Đạo Phật: Tu là sửa và Tập là thực hành Bát Chánh Đạo bao gồm chánh kiến (hiểu biết chấn chỉnh), chánh tư duy (suy nghĩ chân chính), chánh ngữ (lời nói chân chính), chánh nghiệp (hành vi chân chính), chánh mạng (nghề nghiệp chân chính), chánh tinh tấn (học tập và tu sửa chân chính), chánh niệm tỉnh giác (kiểm soát Tâm trong sáng) và chánh định (chú Tâm trong chánh niệm, có Tầm có Tứ, giữa tâm an trụ).
Hiểu một cách đơn giản về hệ thống này không dễ! Nhưng nói chung là dựa trên nên tảng văn hóa chân chính để xây dựng con người và cộng đồng chân chính, nhờ đó mà có niềm tin vào bản thân tốt đẹp và có ích cho cộng đồng miễn dịch với cái xấu, cái không Thiện.
Như vậy niềm tin là gì và tin vào cái gì ?. Đây là vấn đề mà mỗi người phải tự vấn để thẩm định giá trị niềm tin của mình. Nếu tin tưởng vào một điều gì đó một cách quá thái thì nó trở thành cuồng tín. Còn tin mà không hiểu điều mình tin là gì thì đó là mê tín.
Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tín là căn nguyên của đạo, là mẹ của mọi công đức, nuôi lớn hết thảy thiện pháp, đoạn trừ lưới nghi“. Vì vậy, theo Đạo Phật, niềm tin đó không gì khác hơn là tin vào chính mình, tin vào định luật Nhân quả, tin nguyên lý Duyên khởi, tin chân lý của cuộc đời là Tứ diệu đế.
Niềm tin vào chính bản thân mình là nền tảng quan trọng nhất.
Đức Phật đã dạy: “Hãy tự xem con là hải đảo của con. Hãy tự xem con là chỗ nương tựa của con. Không nên tìm nương tựa nơi ai khác“ “lòng tin và hiểu biết phải cùng có đủ để làm cội gốc” (Kinh Niết Bàn).
Niềm tin trong đạo Phật là niềm tin trên cơ sở hiểu biết, trí tuệ. Đức Phật đã từng dạy: “Đừng nên tin bất cứ điều gì chỉ vì điều ấy từng được nghe nói đến, đừng nên tin bất cứ điều gì chỉ vì điều ấy được quảng bá rộng rãi, đừng nên tin bất cứ điều gì chỉ vì điều ấy do truyền thống để lại, đừng nên tin bất cứ điều gì chỉ vì điều ấy được kinh điển truyền tụng, đừng nên tin bất cứ điều gì chỉ vì điều ấy do một vị giáo chủ nói ra, đừng nên tin bất cứ điều gì chỉ do suy đoán, đừng nên tin bất cứ điều gì chỉ do suy luận, đừng nên tin bất cứ điều gì chỉ vì mình thấy điều đó có lý, đừng nên tin bất cứ điều gì chỉ vì điều đó phù hợp với thành kiến, quan điểm nhận thức của mình, đừng nên tin bất cứ điều gì chỉ vì điều ấy do thầy mình nói ra. Nhưng chỉ khi nào tự mình biết rằng những điều đó là không đúng, những điều đó không chính đáng, những điều đó bị người hiền trí phê phán, và khi chấp nhận, khi thực hành sẽ đưa đến tai hại và khổ đau thì các ngươi hãy từ bỏ những điều đó. Khi nào chính các người biết rằng những điều đó là chân chính, những điều đó không bị chê trách, những điều đó được người hiền trí khen ngợi, những điều đó khi được chấp nhận và thực hành sẽ dẫn đến an lạc hạnh phúc, thì các người phải nỗ lực mà thực hành” (Kinh Kalama, Tăng Chi Bộ kinh I).
Như vậy là phải có phương pháp tư duy độc lập! Chính vì thế mà Mạnh Tử đã nói một điều rất đúng cho cả thời internet, facebook, youtube, tiktok,… “hoàn toàn tin sách, thà chẳng có sách còn hơn” (tập tin bất như vô thư)
Xin tóm lại: Niềm tin phải đi đôi với nhận thức đúng đắn, chân chính và sáng suốt, nhất là niềm tin vào khả năng của bản thân là khởi đầu của mọi khởi đầu, nguyên nhân của mọi nguyên nhân trong mối quan hệ với khách hàng, với đồng nghiệp, với cấp trên, với cộng đồng xã hội.
Khi bản thân không được tin tưởng, thử hỏi làm sao ta có thể tin tưởng người khác được. Người mà không còn tin vào bản thân nữa thì chẳng còn tin ai cả và chẳng khiến cho ai tin người này.
Hình thức không quyết định niềm tin mà chính là nội dung.
Tin ở bản thân, đi tới đâu cũng an lạc và chuyển hóa năng lượng tích cực đó thành “niềm tin vào người khác và của người khác” thì sẽ nhận từ người khác những điều tốt đẹp. Xây dựng niềm tin không phải bằng cách ra lệnh mà cuộc cách mạng thường xuyên thay đổi con người của chính ta tốt hơn lên mới là “men trong bột”.
Nếu xây dựng niềm tin không vững chắc, hoặc niềm tin có được trên cơ sở nhận thức cảm tính mà không xuất phát từ lý trí, từ kinh nghiệm thực tiễn thì sớm muộn niềm tin ấy cũng bị đổ vỡ.
Khi mọi thành viên chỉ tin vào những gì đem lại an lạc hạnh phúc cho mình, cho người trong hiện tại và tương lai, văn hóa doanh nghiệp của EVN sẽ có khả năng chi phối nhận thức, quy định thái độ và định hướng, điều chỉnh hành vi và tạo động lực.
Phần 2: Tinh thần trách nhiệm trong ứng xử
Về tinh thần trách nhiệm, bao gồm cả trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR / corporate Social Responsibility), sự quan tâm lẫn nhau và quan hệ ứng xử, văn hóa doanh nghiệp luôn cần đến nhân sinh quan và thế giới quan văn minh, nhân văn và phù hợp.
Tinh hoa Phuơng Đông đã có những bước tiến rất xa so với thời của Khổng Tử, người đã dày công xây dựng hệ tư tưởng về một trật tự xã hội dựa trên Tứ Thư Ngũ Kinh, gieo ảnh hưởng gần như được luật hoa bằng tập tục văn hóa ở khá nhiều nước quanh Trung Hoa.
Ngày nay, việc luật hóa những giá trị về nhân phẩm, bình đẳng, bình đằng giới, dân chủ, công bằng, tự do và xã hội văn minh, con người văn minh dựa trên dòng suy nghĩ mới của nhân loại, nhưng vẫn là lòng từ bi (đồng nghĩa với bác ái) và hướng đến sự bình an mà mọi triết thuyết lớn và tôn giáo chân chính đều rao giảng truyền bá rộng rãi bằng nhiều phương cách.
Những giá trị nhân văn đó đòi hỏi rất nhiều ở mỗi người, và đi kèm với nó chính là trách nhiệm. Việc sẵn sàng nhận lấy trách nhiệm đầu tiên và lúc nào cũng trước tiên là trách nhiệm về cuộc đời mình, chính là điểm xuất phát của lòng tự trọng. Trách nhiệm là cái giá của tự do, theo nghĩa rộng, và chỉ làm tròn được trách nhiệm nếu có đủ đức hạnh, phẩm chất và năng lực. Chính vì thế mà văn hóa doanh nghiệp luôn nêu cao và tổ chức thực thi trách nhiệm thật tốt, quan tâm và đối xử tốt với mọi người trong và ngoài doanh nghiệp, nhất là với gia đình và đồng nghiệp, khách hàng và đối tác.
Lão Tử đã nói: Lo thắng người thì loạn, lo thắng mình thì bình!; Biết người là trí, biết mình là sáng; Việc gì dễ thì xem là khó, việc gì khó thì xem là dễ.
Trang Tử nói: Người chân thành là tột bậc tinh tế và thành thật; nếu không tinh tế và thành thật thì chẳng thể nào cảm động được người khác
Tư tưởng của Lão Tử và Trang Tử đã có tác dụng như những công án ( koan) trong Zen, để “khai mở” và kích hoạt dòng tư duy của Fukuzawa và Yukawa từ chỗ “nowhere” như được diễn tả trong kinh Kim Cang: “Từ cõi hư vô, tinh thần xuất hiện” (“Out of nowhere the mind comes forth”)
Vạn thế sư biểu Khổng Tử viết Luận Ngữ: Không quan trọng việc bạn đi chậm thế nào, miễn là đừng bao giờ dừng lại; Bất cứ nơi nào bạn đi, hãy đi bằng tất cả trái tim; Dở nhất trong cái đạo xử thế là không thấy cái lỗi của mình; Người quân tử hòa mà không đồng, kẻ tiểu nhân đồng mà không hòa; Làm việc bất chính, đọc sách vô ích. Làm trái lòng người, thông minh vô ích; Đừng làm điều gì mà bạn không muốn người khác làm cho mình (Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân).
Mạnh tử lưu ý: Phải biết có những điều không được làm, rồi sau mới biết có những điều được làm (Nhân hữu bất vi dã, nhi hậu khả dĩ hữu vi)
Đức Phật dạy chúng ta đừng làm tổn thương cho chính mình, hoặc đừng làm tổn thương cho bất cứ ai, là giúp chúng ta có ý thức trách nhiệm về hành vi tạo tác của tự thân. Quy trách nhiệm về cho mỗi cá thể là điểm nổi bật dễ nhận thấy trong toàn bộ lời dạy của Đức Phật.
Trách nhiệm xã hội của Phật giáo chính là trách nhiệm đạo đức. Nhiều giáo lý căn bản của nhà Phật cũng là các đức hạnh căn bản, và các đức hạnh đó cũng thể hiện trách nhiệm đối với người khác, đối với nhân sinh, đối với xã hội. Vì vậy, có thể hiểu trách nhiệm theo Phật giáo chính là ngũ giới (giới sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối và uống rượu), thập thiện, là tứ vô lượng tâm (từ, bi, hỉ, xả), là lục độ Ba la mật (bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, trí tuệ), là tứ nhiếp (bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự).
Từ bi là một cách sống đẹp, cao thượng và không vị kỷ. Từ bi là nguyên tắc ứng xử phù hợp giữa người với người, rất có ích cho việc duy trì đạo đức xã hội hiện nay.
Kinh (những chỉ dạy của đức Phật), Luật (những Giới luật), Luận (những luận bàn, giảng giải về Kinh và Luật). Về chi tiết có thể kể ra như: Tứ Diệu đế, vô thường, vô ngã, duyên sinh, 37 phẩm trợ đạo, nhân quả nghiệp báo, luân hồi,…
Trong đạo Phật, con người được đặt vào vị trí cao nhất với đầy đủ khả năng và quyền quyết định số phận, vì thế con người phải tự chịu trách nhiệm trước hành động của mình theo luật nhân quả.
Luật nhân quả là ánh sáng dẫn đường cho tinh thần trách nhiệm, cách đối nhân xử thế và tương tác với tự nhiên, xã hội và chính mình.
Không có những điều nêu trên làm nên những điều kiện tốt, tức là Tạo Duyên Lành, thì hậu quả sẽ “Như người không có tay, tuy đến núi châu báu cũng không lấy được gì” (Kinh Tâm Địa Quán).
Xin tóm lại: Tinh thần trách nhiệm, sự quan tâm lẫn nhau, quan hệ ứng xử và tình đoàn kết thương yêu gắn chặc với nhau trên nền tảng của Niềm Tin và Ý Thức Tự Giác cao nhất của chính bản thân mỗi người. Niềm tin vào bản thân là rường cột của văn hóa doanh nghiệp. Trong quá trình học tập, rèn luyện, phấn đấu để nâng cao đức hạnh, phẩm chất (tư tưởng, đạo đức và lối sống) cũng như năng lực (kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng và thái độ), Quy Tắc Ứng Xử là 1 cẩm nang văn hóa doanh nghiệp theo cách của chính mình. Những tinh hoa Phương Đông đã vượt qua thử thách trên 2600 năm là những giá trị góp phần giúp chúng ta hoàn thiện con người, tập thể, nhân sinh quan và văn hóa doanh nghiệp.