Đầu xuân Ất Mùi bàn về “Tái cơ cấu nền khoa học và công nghệ Việt Nam”
Điều tôi muốn làm rõ hơn ở đây là Việt Nam cần sản xuất hay cung cấp dịch vụ gì cho thế giới khi hội nhập ?
Để sản xuất hàng hóa hay cung cấp dịch vụ phải dựa vào ba yếu tố chính : lao động cơ bắp, lao động trí tuệ và tài nguyên. Trong đó lao động trí tuệ là nhân tố chính. Còn vốn là yếu tố chỉ rõ quy mô của sản xuất hay dịch vụ.
Xét về lao động cơ bắp, người Việt Nam có truyền thống lao động rất cần cù.
Xét về trí tuệ thì người Việt Nam cần rất nhiều thời gian để có thể ngang bằng với nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Vì vậy nếu chỉ lấy cơ bắp và trí tuệ của Việt Nam để cạnh tranh trên thương trường thế giới thì Việt Nam chắc chắn gặp rất nhiều gian truân.Nhưng nếu biết sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam thì chúng ta sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong giai đoạn đầu hội nhập.
Việt Nam là một vùng đất có đầy đủ các yếu tố thiên nhiên để phát triển nông nghiệp và kinh tế biển. Vậy tại sao chúng ta không tập trung chính vào nông nghiệp và kinh tế biển mà lại lo phát triển công nghiệp máy bay, ô tô,điện tử … trong giai đoạn đầu ?
Hệ thống công nghiệp phụ trợ tại sao không hướng vào các máy móc chế biến và bảo quản nông , thủy sản ?
Hệ thống công nghiệp đóng tàu của Việt Nam lại sớm quan tâm công nghiệp đóng tàu vận tải xuất khẩu mà lại không quan tâm đến đóng tàu cá cho ngư dân ?
Để phát triển kinh tế biển, tại sao chúng ta không biết dựa vào các vịnh nước sâu tự nhiên để xây dựng các cảng chuyên dụng mà lại đi cải tạo những vịnh bị bồi lấp để làm cảng ?
Chỉ với nhận thức đơn giản trên, sự sai lầm dù cố ý hay vô ý cũng góp phần làm nghèo đất nước.
Hảy cùng phân tích hiện tượng đầu tư điển hình trong năm qua.
Năm 2014, khởi động xây dựng cảng Lạch Huyện vì cảng Đình Vũ không đáp ứng được độ sâu.Nguyên nhân sâu xa, vì hệ thống đê sông Hồng đã được đắp trên 1000 năm nên đã cố định chiều ngang của dòng chảy, vì vậy cửa sông Hồng ra biển bị cạn. Dòng chảy khó ra biển bằng cửa Ba lạt nên bị đẩy qua sông Đuống về Phả Lại rồi qua Kinh Thầy về cảng Hải Phòng. Việc đắp đập Định Vũ đã biến luồng Nam Triệu thành luồng chính nên sa bồi làm cạn cửa Nam Triệu. Vì vậy mục tiêu cảng nước sâu Đình Vũ bị phá sản. Dự án Lạch Huyện được tách ra làm 2 dự án : Dự án cảng Lạch Huyện và Dự án đường ô tô Tân Vũ – Lạch Huyện cắt ngang luồng Nam Triệu. Hiện nay luồng Nam Triệu là luồng thoát sa bồi của sông Cấm.Khi xây dựng đường ô tô Tân Vũ- Lạch Huyện phải đóng hệ thống cọc dày đặc xuống luồng Nam Triệu, ta hiểu rằng sa bồi sẽ khó thoát ra cửa Nam Triệu và chắc chắn sẽ bị đẩy ra cửa Lạch Huyện. Vậy số phận luồng Lạch Huyện trong tương lai sẽ ra sao khi nó là cửa thoát sa bồi cho sông Cấm ?
Từ việc ” đắp đập Đình Vũ” đến ” cảng nước sâu Đình Vũ “đã hai lần sai lầm nghiêm trọng nhưng người Việt Nam vẩn không thích tìm nguyên nhân của sự thất bại và nay lại tránh nguyên nhân thất bại xưa bằng cách tách thành 2 Dự án để không ai có thể góp ý. Chuyện này chẵng khác gì một bệnh nhân vì uống rượu nên bị ung thư gan, nay lại được ông lang cho thuốc chỉ dùng ngâm rượu để uống ! Vì vậy cần điều chỉnh thiết kế đường ô tô Tân Vũ -Lạch Huyện sao cho số cọc đóng xuống luồng Nam Triệu là ít nhất để tránh hậu họa !
Quan điểm của tuổi trẻ với nghề nghiệp
Cách đây vài năm, trong mùa tuyển sinh vào đại học, trong chương trình thời sự 19 giờ, VTV1 phỏng vấn nguyện vọng chọn trường của một nam học sinh lớp 12. Em sinh viên trên trả lời:
– Em học kém, nên em chọn thi vào trường Đại học Công Đoàn.
Trường Đại học Công đoàn đào tạo những nhà lảnh đạo giai cấp công nhân và họ sẽ đưa ra quyết sách cho sự phát triển của đất nước theo thể chế chính trị của Việt Nam. Với những nhà lảnh đạo giai cấp công nhân và nhà nước như em học sinh trên thì đất nước tất yếu phải có nhiều bài học lớn như ở Hải Phòng trong mấy chục năm qua.
Vì vậy muốn” Tái cơ cấu nền khoa học và công nghệ Việt Nam” trước hết cần tái cơ cấu thể chế chọn nhân tài quản trị đất nước.
Có phái giới ” Khoa học Việt Nam ” không có công trình nghiên cứu “chưa có tác dụng thiết thực đối với kinh tế, xã hội ” ?
Giới khoa học ngành hàng hải Việt Nam đã từng kiến nghị Chính phủ và những người có quyền lực sử dụng vịnh Vân Phong và vịnh Sơn Dương ( Nam Vũng Áng- Hà Tỉnh ) cho ngành hàng hải Việt Nam. Nhưng vịnh Vân Phòng đã từng định giao cho Hàn Quốc làm nhà máy thép, sau đưa ra chương trình xây dựng 2 cầu cảng nhưng lại giao cho những con người – hiện đang đợi thi hành án tử hình ( Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc). Còn vịnh Sơn Dương thì đã giao cho Trung Quốc dưới danh nghĩa công ty của Đài Loan.
Hay nói cách khác, những thành quả nghiên cứu tốt nhất của giới khoa học Việt Nam đã được sử dụng không vì mục tiêu xây dựng đất nước.Nguyên nhân vì sao ?
Phải chăng xã hội Việt Nam đã hiểu sai lời của cựu Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh ?
Ông Nguyễn Văn Linh nói với các văn nghệ sĩ và các nhà hoạt động văn hóa trong hai ngày 6-7/ 10/1987:
“Trước hết tôi nghĩ Đãng phải cởi trói, Cởi trói trong lỉnh vực tổ chức, chính sách trong các quy chế, chế độ”.
“Không thể có ai khác hơn là các đồng chí phải tự làm. Nghe các đồng chí nói tôi rất thông cảm. Chính vì thông cảm mà sáng nay tôi ngứa miệng kêu : hảy tự cứu lấy mình trước khi trời cứu “
Ý ông, muốn các văn nghệ sĩ tự cởi trói để có những tác phẩm lớn. Nhưng từ đó, cả Việt Nam mọi cơ quan, đoàn thể đều áp dụng khẩu hiệu “Hảy tự cứu lấy mình trước khi trời cứu”.
Khi các cơ quan quyền lực “tự cứu lấy mình” thì xã hội không thể công tâm chọn Dự án tốt cho đất nước và sự tham nhũng tất yếu thành “dầu nhớt” để bộ máy quyền lực hoạt động. Khi đó lợi ích nhóm đã được đặt trên lợi ích của cả dân tộc. Đó là thách thức khắc nghiệt mà xã hội Việt Nam hiện đang đối mặt. Để điều chỉnh lại, chúng ta cần tôn trọng các nhóm lợi ích khác nhau, nhưng lợi ích dân tộc phải trên lợi ích nhóm. Đó là nguyên tắc để đất nước được tồn tại. Muốn vậy, sự công khai và minh bạch cách sử dụng tài nguyên thiên nhiên, các nguồn ngân sách, chọn lựa nhân tài là nhu cầu thường xuyên của cộng đồng. Đó là nền tảng để thực hiện cuộc cách mạng khoa học và công nghệ. Và đó là sức mạnh cơ bản để Việt Nam có thể tự đề kháng với bất cứ tham vọng lảnh thổ hay sự phụ thuộc dưới bất cứ hình thức nào từ ngoại bang !
KS Doãn Mạnh Dũng