Tản mạn chuyện đổi mới sáng tạo- Hoàng Tụy

Nếu chỉ kể về mức độ lạc hậu, Lào và Campuchia hiện xếp sau Việt Nam nhưng nếu họ cứ tiếp tục đứng trên ta về chỉ số đổi mới sáng tạo thì với đà này, chẳng mấy chốc thứ tự đó sẽ đảo ngược, chắc chắn họ sẽ bỏ lại ta ở phía sau.
Muốn thoát ra khỏi trì trệ, cần sự bứt phá, đột phá thực sự. Hãy hình dung một cỗ xe bị sa lầy, nếu cứ đẩy tới đẩy lui mà không có một lực kích đủ mạnh thì không thể nào kéo nó ra khỏi bãi lầy. Đối với hiện tình đất nước cũng vậy, nhiều người đã nêu nhu cầu bức thiết tạo đột phá để tiến lên, chẳng qua tôi chỉ nhắc lại ý đó. Trước hết và căn bản phải có đột phá về thể chế để có nhiều tự do, dân chủ hơn, chỉ khi đó tư duy con người mới thoáng đạt, dễ dàng cởi mở, hướng đến đổi mới, sáng tạo. Chính với ý ấy mà trong buổi tọa đàm “Tái cơ cấu nền khoa học và công nghệ” vừa qua tôi có phát biểu rằng những vấn đề chúng ta bàn trong buổi họp đó sẽ chẳng có mấy ý nghĩa thực tế nếu thể chế vẫn y nguyên không thay đổi.
Đột phá về thể chế là một vấn đề lớn, trong khuôn khổ bài này, tôi chỉ xin nêu một câu hỏi dễ hơn: trong khi chờ đợi, ít ra chúng ta phải và có thể làm gì? Theo tôi có hai vấn đề nền tảng đã đến lúc không còn có thể trì hoãn thêm nữa.
Vai trò công nghiệp phụ trợ
Trong xây dựng đất nước, chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam trở thành một quốc gia công nghiệp hóa theo hướng hiện đại. Từ nay đến đó chỉ còn năm năm nữa, liệu thời gian còn đủ để thực hiện mục tiêu này không?
Suy ngẫm về đường lối công nghiệp hóa, phải nhìn nhận chúng ta đã thất bại, nói nhẹ hơn là chưa thành công. Sai lầm của chúng ta là muốn xây dựng ngay những ngành công nghiệp lớn, sản xuất những thành phẩm phức tạp, tinh vi, như công nghiệp ô tô, đại cơ khí, điện tử… mà không qua bước phát triển công nghiệp phụ trợ, nên sau nhiều thập kỷ mà rôt cuộc ngành nào cũng chỉ mới dừng lại ở trình độ lắp ráp. Chúng ta đã nhận được sự đầu tư của các hãng sản xuất công nghiệp nổi tiếng thế giới như Toyota, Samsung…; riêng Samsung đã rót vào Việt Nam hàng tỉ đô la, kết quả là ta đã có nhà máy lớn, hiện đại, sản xuất điện thoại di động xuất khẩu khắp thế giới. Tuy nhiên điều đáng buồn là mức đóng góp của Việt Nam trong sản phẩm xuất khẩu của Samsung mới chỉ ở khâu lắp ráp, tức là lao động với năng suất thấp nhất, còn tất cả chi tiết, phụ tùng, từ cái đơn giản nhất cũng chưa làm đuơc mà đều phải nhập khẩu. Thậm chí đã từng có chuyên gia nước ngoài nhận xét cả nước Việt Nam không tìm đâu ra nơi nào sản xuất nổi cái đinh vít cho đúng với tiêu chuẩn quốc tế.
Tương tự, với ngành công nghiệp xe hơi cũng vậy. Vừa qua báo chí đăng tin có mấy doanh nghiệp Việt nam định hợp tác sản xuất xe hơi nhãn hiệu Việt Nam, nhưng khi xem xét kỹ chiếc xe hơi do công ty Trường Hải ở Đà Nẵng mới chế tạo thì hóa ra cũng chỉ là lắp ráp các chi tiết, phụ tùng nhập khẩu chứ phần làm ra thật ở Việt Nam chẳng có mấy. Như thế thì giá thành không thể rẻ, chất lượng không thể cao, làm sao cạnh tranh nổi trên thị trường quốc tế. Đành rằng rồi sẽ cải tiến dần, nhưng con đường đó vừa lâu vừa không hiệu quả.
Từ hàng chục năm nay đã có nhiều chuyên gia trong nước và nước ngoài khuyến cáo chúng ta phải từ công nghiệp phụ trợ mà đi lên công nghiệp hiện đại. Cũng đã có nhiều ý kiến phân tích tầm quan trọng của công nghiệp phụ trợ về mặt kinh tế (2) . Ở đây tôi chỉ nhấn mạnh khía cạnh liên quan của nó với công cuộc đổi mới sáng tạo và phát triển khoa học, công nghệ. Ví dụ, nhìn lại lịch sử, khi nhà phát minh Thomas Edison nảy sinh ý tưởng dùng điện để thắp sáng, muốn hiện thực hóa ý tưởng đó thành chiếc bóng điện như ngày nay ta dùng, ắt phải có công đoạn làm ra cái bóng với những sợi giây điện bên trong, cho đến cái chuôi để lắp bóng đèn vào lưới điện. Nếu không có công nghệ phụ trợ thì nhà sáng chế cũng đành phải bó tay, không thể làm được gì. Muốn sáng chế ra cái gì mới, trước hết phải có ý tưởng nhưng để thể hiện ý tưởng thành một hình hài vật chất cụ thể thì không thể không có công nghiệp phụ trợ.
Những năm qua, ta cũng từng có nhiều ý tưởng đổi mới, sáng chế nhưng đều theo hướng chưa phù hợp với thực tiễn nên thất bại. Chẳng hạn, trong lĩnh vực khoa học, cái dự án chế tạo máy bay của ngành cơ học cách đây khoảng 15 năm là một kinh nghiệm. Muốn chế tạo máy bay nhãn hiệu Việt Nam, nhưng lại lấy một chiếc máy bay cũ bên Canada mang về rồi chỉnh sửa thì phỏng có ý nghĩa gì. Cuối cùng tất nhiên dự án phải đình chỉ. Trường hợp các nông dân sáng chế các loại máy nông nghiêp cũng tương tự. Khi “Hai Lúa” nghiên cứu sáng chế những chiếc máy phục vụ sản xuất nông nghiệp tất nhiên việc đó rất đáng trân trọng và biểu dương về ý chí, quyết tâm, nhưng làm sao đi xa được theo con đường ấy nếu mọi phụ tùng chi tiết phức tạp đều không thể tự làm ra mà phải mua từ nhập khẩu. Những ý tưởng sáng tạo, đổi mới chỉ nằm trong khâu thiết kế và lắp ráp, cho nên cuối cùng chỉ làm ra được một số chiếc máy làm mẫu, đến lúc muốn sản xuất qui mô để phục vụ nhu cầu thực tế thì vấp ngay khó khăn là giá thành quá đắt do phải nhập khẩu các chi tiết, phụ tùng cần thiết. Lúc đó nhiều người đã trách cứ giới khoa học công nghệ và Bộ KH&CN không tich cực hỗ trợ các nhà sáng chế nông dân thực hiện những ý tưởng sáng tạo của họ, nhưng thật ra ai có thể làm gì được để hỗ trợ sáng chế phát minh trong tinh hình công nghiệp phụ trợ thiếu vắng, èo uột như thế này?
Thời đại ngày nay muốn đổi mới sáng tạo trong bất cứ ngành hoạt động sản xuất nào cũng cần đến công nghiệp phụ trợ. Phải học bảng chữ cái rồi mới viết ra văn được chứ. Nước nào đi lên công nghiệp hiện đại cũng đã trải qua bước này còn chúng ta thì đang theo quy trình ngược, chưa có công nghiệp phụ trợ phát triển đã đòi xây dựng công nghiệp hiện đại thì làm sao thành công được. Huống chi ngày nay chẳng còn mấy ai làm công nghiệp từ A đến Z, nước đi sau chỉ có thể đi lên bằng cách phấn đấu chen chân vào các khâu có giá trị gia tăng cao dần trong các chuỗi cung ứng. Đổi mới sáng tạo phải bắt đầu trên nên tảng công nghiệp phụ trợ là vì thế.
Tôi có cảm giác chúng ta chưa nhận thức đầy đủ vai trò chủ động của mình trong chuyện này mà còn thiên về đổ lỗi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Thật ra trong những điều kiện tương tự Việt Nâm, Mexico khi đón nhận đầu tư của các hãng xe hơi Nhật Bản đều chủ động yêu cầu phía đầu tư phải có kế hoạch ngay từ đầu giúp đỡ phát triển công nghệ phụ trợ đi kèm. Ngay trong nước ta mới gần đây cũng có tin đáng mừng Bình Dương đã bắt đầu đi theo hướng đó. Chúng ta từng có chủ tương đúng đắn yêu cầu các hãng công nghiệp lớn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam tăng dần tỷ lệ nội địa hóa các chi tiết, phụ tùng máy móc sản xuất ở Việt Nam. Nhưng thực tế cho thấy chủ trương đó không thực hiện được tốt, do không chú ý phát triển công nghiệp phụ trợ.
Công nghiệp phụ trợ phát triển chủ yếu dựa vào doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ở một nước còn lạc hậu như Việt Nam, mà chủ trương doanh nghiệp nhà nước, kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo thì tất nhiên công nghiệp phụ trợ phải ì ạch. Do tính độc quyền cao trong khối doanh nghiệp nhà nước, yếu tố kích thích cạnh tranh ở đây không có hoặc không đủ mạnh để thúc đẩy đổi mới công nghệ, thúc đẩy R&D có hiệu quả.
Chúng ta thường trách khoa học Việt Nam chưa có tác dụng thiết thực đối với kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, chỉ đổ lỗi cho các nhà khoa học là không đúng và không công bằng. Không kể tác dụng kìm hãm gò bó của ý thức hệ lỗi thời trong khoa học xã hội và nhân văn, ngay những thành tựu khoa học tư nhiên và kỹ thuật cũng rất khó được ứng dụng, nhất khi các thành tựu ấy nảy sinh ngay trong nước. Ở đây tôi chỉ lấy ví dụ từ những vấn đề mà tôi biết và chứng kiến rõ (tôi chắc còn nhiều ví dụ tương tự ở nhiều ngành khác). Tối ưu toàn cục là một ngành học xuất xứ từ Việt Nam và mấy chục năm qua đã có biết bao ứng dụng quan trọng ở nước ngoài nhưng đến nay, ở Việt Nam vẫn chưa có ứng dụng nào đáng kể, mặc dù Việt Nam vẫn được kể đến là địa chỉ hàng đầu về phát triển lý thuyết cơ bản của nó. Từ mươi năm nay, những công trình nghiên cứu mới về tối ưu đơn điệu do chúng tôi khởi xướng và phát triển đã nhận được sự quan tâm rộng rãi của giới chuyên môn quốc tế và gần đây nhất đã có ứng dụng quan trọng trong công nghệ truyền thông không dây. Tôi biết điều này do các thông báo trên mạng về hai cuốn sách chuyên khảo vần đề ứng dụng tối ưu đơn điệu trong truyền thông không dây mà các tác giả là những nhà khoa học Hongkong, Thụy Điển, Pháp, Đức (3) . Trên mạng, tôi cũng đã thấy thông báo về các xêmina ở Đại học Phục Đán (Thượng Hải) và Đại học Quốc gia Singapore với chủ đề ứng dụng tôi ưu đơn điệu trong các vấn đề nói trên. Ngoài ra tât nhiên đã có hàng loạt công bố quốc tế trên các tạp chí khoa học xung quanh đề tài này. Qua đó, tôi được biết chẳng hạn do lưu lượng truyền thông toàn cầu năm 2012 mỗi tháng lên đến 885 petabyte, tức là gấp 10 lần lưu lượng truyền thông trong cả năm 2000, cho nên để hệ thống này hoạt động thông suốt đã nảy ra nhiều bài toán tối ưu phi tuyến không thể giải bằng các phương pháp cổ điển mà đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới theo tối ưu đơn điệu. Thế nhưng đáng tiếc, các doanh nghiệp và tổ chức hữu quan trong nước không hề hay biết những ứng dụng đó, chứng tỏ họ không theo dõi thường xuyên chứ chưa nói tìm cách ứng dụng những thành tựu mới ở nước ngoài. Nói chung, doanh nghiệp tư nhân chưa đủ mạnh còn doanh nghiệp nhà nước thì it có động cơ nghiên cứu khoa học để cải tiến, đổi mới sáng tạo. Trong tình hình đó làm sao có thể đổ lỗi hết cho các nhà khoa học Việt Nam là chỉ nghiên cứu trên trời, chưa có tác dụng thiết thực với kinh tế, sản xuất. Nếu có nhiều đoanh nghiệp tư nhân làm công nghiệp phụ trợ, và có chính sách thich hợp khuyến khích đổi mới sáng tạo để nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế thì các nghiên cứu ứng đụng mới có cơ may phát huy hiệu quả.
Đó là chỉ mới nói về liên quan giữa phát triển công nghệ phụ trợ với phát triển đổi mới sáng tạo. Chưa nói đến liên quan với phát triển giáo dục. Một vấn đề lớn trong cải cách giáo dục hiện nay là đảm bảo để học hết THCS phần lớn học sinh sẽ theo học nghề để sau vài năm đào tạo có được một nghề để kiếm sống đồng thời cung cấp nhân lực phục vụ các ngành công nghiệp phụ trợ, thay vì dồn hết lên THPT để sau đó thi vào đại học và cao đẳng, tạo ra một nút thắt cổ chai khó giải quyết, khiến mỗi năm hàng triệu học sinh không lọt được vào đại học và cao đẳng đành phải vào đời kiếm sống mà trong tay không có nghề, phải chấp nhận làm lao động giản đơn nếu không muốn thất nghiệp sau mười hai năm đèn sách.
Điều trớ trêu là trong khi cần có nhiều trường nghề để giải quyết đầu ra cho THCS thì do công nghiệp phụ trợ không phát triển, các trường nghề dù còn rất it vẫn sống lây lắt vì không có đầu ra nên không có sức hút đối với học sinh học hết THCS. Cái vòng luẩn quẩn ấy còn kéo dài thì giáo dục còn nhiều khó khăn, từ đó ảnh hưởng ngược lại đối với khoa học, công nghệ.
Cơ sở hạ tầng tâm lý xã hội
Muốn xây dựng thành công một nước công nghiệp thì phải có cơ sở hạ tầng vật chất phù hợp, gồm đường sá, cầu cống, giao thông, thông tin liên lạc… Trải qua mấy thập kỷ xây dựng, nhận thức của chúng ta về cơ sở hạ tầng vật chất đã dần dần được nâng lên theo đà hội nhập quốc tế. Nhưng có một thứ cơ sở hạ tầng cũng quan trọng nữa để xây dựng một xã hội công nghiệp hiện đại mà lâu nay ít được chú ý là hạ tầng cơ sở tâm-lý-xã-hội, tức là cái mà chúng ta vẫn hay gọi chung là văn hóa. Nhiều người cho rằng văn hóa của chúng ta đã suy đồi đến ngưỡng nguy hiểm. Quả vậy, nói đến hạ tầng cơ sở tâm-lý-xã-hội là nói đến não trạng, tâm thế, cung cách tư duy, tập tục, thói quen lao động và ứng xử, đạo đức xã hội, đạo đức nghề nghiệp… những thứ ấy ở Việt Nam hiện nay xem ra đều đang có vấn đề trầm trọng, gây cản trở lớn cho sự nghiệp phát triển.
Nhân ái bao dung, trung thực, sáng tạo là mấy đức tính cơ bản cho xã hội hiện đại. Nhưng xã hội ta bây giờ dường như tràn ngập sự tàn bạo, bệnh giả dối, thói quen sao chép, bắt chước, lười suy nghĩ. Tại sao như vậy? Đó là câu hỏi cần được trả lời nghiêm túc, dù đau đớn và có thể khó chấp nhận đối với một số người.
Điều rất không may là đất nước trải qua mấy chục năm chiến tranh liên miên, tuy chủ yếu là chống xâm lược, giành độc lập, thống nhất, nhưng không phải không có phần nội chiến, xung đột ý thức hệ. Trong chiến tranh thì thông tin một chiều, khêu gợi hận thù, đề cao dũng cảm trên chiến trường có thể hiểu được, nhưng hòa bình đã bốn thập kỷ rồi mà vẫn còn quản lý xã hội theo kiểu đó thì tránh sao văn hóa khỏi suy đồi. Vừa qua khi bàn về cải cách giáo dục, có cô giáo đã phát hiện sách giáo khoa của ta qua các thế hệ đầy rẫy những trang mô tả, ca ngợi cảnh bạo lực, thử hỏi học sinh được dạy dỗ để làm quen với bạo lực từ rất sớm như thế làm sao lớn lên không coi bạo lực như một điều tự nhiên. Trước đây Phan Châu Trinh từng nói chúng ta thua Pháp vì văn hóa chậm một thời đại, nay có lẽ chăng chúng ta thua thiên hạ cũng chỉ vì văn hóa chậm một thời đại?
————————————————————
Chú thích:
1: vietnamnet.vn/vn/kinh-te/21497nam3/viet—het-trong-doi–trai-thap-de-hai-.html
2: http://nld.com.vn/kinh-te/cong-nghiep-ho-tro-nuoc-da-den-chan-201501272209039.htm
3: Hai chuyên khảo đó là:
– Y. J. Zhang, L. Qian, J.W. Huang (2013): Monotonic Optimization in Communication and Networking Systems, Foundation and Trends in Networking, vol. 7, No 1 (2012), 1-75.
– E. Bjornson, E. Jorswieck (2013): Optimal resource allocation in coordinated multicell systems, Foundation and Trends in Networking, vol. 9, Nos 2-3 (2012), 113-381.