Biến động khí hậu với báo cáo của Stern- PGS-TS Hoàng Xuân Nhuận dịch và giới thiệu
Ngay 30/06/2006, Sir N. Stern và đội đặc nhiệm của Kho bạc Hoàng gia (HM Treasury) đã hoàn thành nhiệm vụ và công bố báo cáo tổng quan “Những vấn đề kinh tế học của biến động khí hậu” dày khoảng 700 trang. Công trình nghiên cứu nghiêm túc này đã gây được tiếng vang lớn và được biết đến với cái tên Báo cáo Stern hoặc Tổng quan Stern (Stern Review). Sau đây là những kết luận đã gây được quan tâm rộng lớn.
Vẫn còn thời gian để tránh tác động xấu nhất của biến động khí hậu nếu chúng ta hành động quyết liệt ngay từ bây giờ.
Hiện đã có dư chứng cứ khoa học rằng: biến động khí hậu là nguy cơ toàn cầu trầm trọng và cần được đối phó khẩn cấp ở quy mô toàn cầu.
Báo cáo tổng quan này đã xem xét chứng cứ trong một phạm vi rộng về tác động của biến động khí hậu, về chi phí kinh tế và đã sử dụng một lượng lớn công cụ khác nhau để đánh giá chi phí và rủi ro. Chứng cứ mà Báo cáo tổng quan thu được, theo những phương hướng như đã nêu ở trên, dẫn tới một kết luận đơn giản là: lợi ích do hành động sớm và quyết liệt vượt xa chi phí kinh tế trong trường hợp không hành động.
Biến đổi khí hậu sẽ động chạm đến những yếu tố cơ bản của đời sống nhân loại trên phạm vi toàn cầu – nước, lương thực, sức khỏe và môi trường. Hàng trăm triệu người có thể phải lâm nạn đói, thiếu nước và lụt lội tại vùng ven biển do trái đất nóng lên.
Sử dụng kết quả thu được từ các mô hình kinh tế hình thức, báo cáo tổng quan dự toán rằng nếu chúng ta không hành động, tổng chi phí và rủi ro, do biến động khí hậu gây ra, tương đương với thiệt hại mỗi năm ít ra là 5% GDP toàn cầu kể từ nay trở đi. Nếu xét đến rủi ro và tác động với biên độ rộng hơn thì thiệt hại (hàng năm) được ước tính là 20% GDP hoặc lớn hơn.
Ngược lại, chi phí cho hành động giảm phát thải (khí nhà kính GHGs), nhằm tránh những tác động xấu nhất của biến động khí hậu, có thể được giới hạn trong phạm vi 1% GDP hàng năm.
(Cơ cấu) đầu tư trong vòng từ 10 đến 20 năm tới sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến khí hậu vào nửa cuối của thế kỷ XXI và sau đó. Hành động của chúng ta ngay từ bây giờ và trong vài chục năm tiếp theo tiềm ẩn những rủi ro đổ bể kinh tế xã hội một cách cơ bản, với quy mô tương tự như những gì mà các cuộc đại chiến và suy thoái kinh tế đã gây ra trong nửa đầu của thế kỷ XX. Và những biến động đó là rất khó hoặc không thể đảo ngược được.
Chính vì thế hành động năng động và quyết liệt rõ ràng cần được bật đèn xanh. Do biến động khí hậu là vấn đề toàn cầu, nên đối phó với nó là một nhiệm vụ mang tính quốc tế. Nó phải được đặt ra trên nền tảng chia sẻ những mục tiêu dài hạn; thỏa thuận về khung hoạt động sẽ được đẩy nhanh trong thập niên tới và được xây dựng theo hướng tăng cường lẫn nhau những cố gắng tiếp cận ở các cấp quốc gia, khu vực và quốc tế.
Biến động khí hậu có thể ảnh hưởng trầm trọng đến tăng trưởng và phát triển.
Nếu không hành động để giảm phát thải, thì chưa đến năm 2035, nồng độ khí nhà kính trong khí quyển có thể tăng lên gấp đôi so với thời kỳ tiền công nghiệp, vì thế chúng ta hầu như sẽ lâm vào tình trạng nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng lên trên 20C. Nếu cứ như vậy, trong thời gian lâu hơn, thì với xác suất trên 50%, nhiệt độ có thể tăng trên 50C. Sự tăng nhiệt độ như vậy thực sự là rất nguy hiểm, nó tương đương với biến động nhiệt độ trung bình (toàn cầu) kể từ thời kỳ băng hà cuối cùng cho đến nay. Sự biến động như vậy về địa lý tự nhiên toàn cầu ắt dẫn đến những biến động căn bản về địa lý nhân văn – địa bàn và cách thức sinh sống của dân chúng.
Ngay cả với mức độ ấm lên nhẹ hơn, việc nghiên cứu chi tiết những tác động của các hình thái khí hậu đang biến động lên các khu vực và các lãnh vực, bằng các mô hình đánh giá hiệu ứng kinh tế toàn cầu, đã cung cấp chứng cứ cho thấy rằng biến động khí hậu sẽ tác động nghiêm trọng đến năng suất sản xuất, đời sống và môi trường trên phạm vi toàn thế giới.
Tất cả các quốc gia đều bị ảnh hưởng. Những nạn nhân nhậy cảm nhất, bao gồm các quốc gia và các tầng lớp dân chúng nghèo nhất, sẽ phải hứng chịu sớm nhất và nặng nề nhất, mặc dù họ lại góp phần nhỏ nhất trong việc tạo ra các nguyên nhân biến động khí hậu. Những phí tổn do các hiện tượng thời tiết cực trị gây ra, trong đó phải kể đến lũ lụt, hạn hán, bão, đã bắt đầu gia tăng ngay cả đối với những nước giàu.
Hoạt động thích ứng với biến động khí hậu – có nghĩa là từng bước chấp nhận những chi phí linh hoạt và tối thiểu – là bức thiết. Mặc dù nó không còn đủ hiệu lực ngăn chặn những biến động khí hậu sẽ xẩy ra trong vòng hai hoặc ba thập niên tới, nhưng sẽ cho phép bảo vệ các xã hội và các nền kinh tế khỏi tác động của biến động khí hậu ở mức độ nhất định – thí dụ, cung cấp thông tin tốt hơn, cải thiện công tác quy hoạch, cung cấp các giống cây và hạ tầng cơ sở với khả năng thích nghi cơ động hơn. Chỉ riêng tại các nước đang phát triển hoạt động thích ứng đòi hỏi chi phí hàng chục tỷ USD hàng năm và sẽ còn tiếp tục tăng sức ép lên nguồn lực hạn hẹp của họ. Những cố gắng thích ứng cần được tăng tốc, đặc biệt là tại các nước đang phát triển.
Chi phí cho hoạt động bình ổn khí hậu là đáng kể nhưng quản lý được; trì hoãn là nguy hiểm và cái giá phải trả đắt hơn nhiều.
Những rủi ro, do tác động tồi tệ nhất của biến động khí hậu gây ra, có thể được giảm đi đáng kể nếu nồng độ khí nhà kính được giữ bình ổn ở mức 450 đến 550 ppm CO2 tương đương (CO2e). Nồng độ hiện tại là 430ppm CO2e, và sẽ gia tăng với tốc độ lớn hơn 2ppm/năm. Để giữ bình ổn nồng độ khí nhà kính trong khoảng nêu trên cần giảm phát thải khoảng 25% so với mức hiện nay cho đến tận năm 2050 và có thể là nhiều hơn.
Kết cục là, hoạt động bình ổn – dù ở mức độ nào đi chăng nữa – đòi hỏi phải giảm phát thải và duy trì ở mức dưới 80% so với hiện tại.
Đó là thách thức chủ yếu, tuy nhiên hành động lâu dài và bền vững cho phép đạt mục tiêu bình ổn với chi phí thấp hơn so với những rủi ro bởi không hành động. Nếu chúng ta bắt đầu hành động một cách quyết liệt ngay từ bây giờ, thì dự chi hàng năm nhằm bình ổn ở mức từ 500 đến 550 ppm CO2e sẽ vào khoảng 1% GDP toàn cầu.
Chi phí thậm chí là thấp hơn, nếu đong đếm được những thu nhập chính nhờ nâng cao hiệu quả hoặc nhờ những lợi nhuận liên kết mạnh – như giảm ô nhiễm không khí chẳng hạn. Chi phí sẽ cao hơn nếu việc đổi mới công nghệ tiêu thụ ít carbon xảy ra chậm hơn dự kiến, hoặc các nhà hoạch định chính sách thất bại trong hầu hết cố gắng xây dựng những công cụ kinh tế cho phép giảm phát thải mọi nơi, vĩnh viễn và để làm điều đó một cách rẻ nhất.
Việc đạt mục tiêu bình ổn ở mức 450 ppm CO2e đã là rất khó khăn và tốn kém. Nếu tiếp tục trì hoãn, ta sẽ bỏ lỡ cơ may đạt được bình ổn ở mức 500 – 550 ppm CO2e.
Biến động khí hậu đòi hỏi tất cả các quốc gia phải hành động và cần tránh sa vào tư duy (đối kháng) vì tăng trưởng của các nước giàu hoặc các nước nghèo.
Chi phí để thực hiện hành động được phân phối không đồng đều giữa các lãnh vực và giữa các nước khác nhau trên thế giới. Ngay cả trong trường hợp, nếu như các nước giàu nhận trách nhiệm cắt giảm phát thải 60 – 80% vào năm 2050, thì các nước đang phát triển cũng phải hành động một cách đáng kể. Tuy nhiên, các nước đang phát triển sẽ không phải đơn phương gánh vác chi phí cho các hành động của mình. Thị trường carbon tại các nước giàu đã bắt đầu khơi nguồn các dòng tài chính hỗ trợ cho phát triển tiêu thụ ít carbon, trong đó có dòng thông qua Cơ chế phát triển sạch. Hiện nay, để hỗ trợ các hoạt động ở quy mô cần thiết cần điều chỉnh các dòng tài chính nói trên.
Hành động (ứng phó) với biến động khí hậu sẽ còn tạo ra những cơ hội kinh doanh đáng kể, bởi vì các thị trường mới về công nghệ năng lượng, hàng hóa và dịch vụ tiêu thụ ít carbon sẽ được mở ra. Đây là những thị trường có thể sẽ tăng trưởng và có giá lên đến hàng trăm tỷ USD mỗi năm và do vậy việc làm trong các lãnh vực này sẽ được mở rộng một cách tương ứng.
Thế giới không cần phải lựa chọn giữa ngăn chặn biến động khí hậu hoặc đẩy mạnh tăng trưởng và phát triển. Sự biến đổi về công nghệ năng lượng và về cơ cấu của các nền kinh tế tạo ra cơ hội thuận lợi để phân lập tăng trưởng với phát thải. Kết cục là, việc nhắm mắt lại trước biến động khí hậu thực sự chỉ làm tác hại đến tăng trưởng.
Ứng phó với biến động khí hậu là sách lược vì tăng trưởng ở quy mô dài hạn và có thể được thực hiện theo cách né tránh tư duy (đối kháng) vì tăng trưởng của các nước giàu hoặc các nước nghèo.
Có nhiều phương án lựa chọn để cắt phát thải, xác lập chính sách một cách thấu đáo là động lực thúc đẩy thực hiện chúng.
Phát thải có thể được cắt thông qua những biện pháp như sau: nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, thay đổi nhu cầu, phát triển công nghệ sạch trong các lãnh vực năng lượng, cấp nhiệt và giao thông vận tải. Đến năm 2050, lãnh vực năng lượng trên toàn thế giới cần được phi carbon hóa ít ra là 60% để giữ bình ổn nồng độ khí nhà kính trong khí quyển ở mức dưới 550ppm CO2e, không chỉ vậy, mà phát thải trong lãnh vực giao thông vận tải cũng phải được cắt giảm một cách đáng kể.
Đến năm 2050, cho dù việc sử dụng năng lượng tái tạo và các nguồn năng lượng ít carbon khác được mở rộng một cách quyết liệt nhất, thì nhiên liệu hóa thạch vẫn sẽ chiếm hơn 1/2 nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu. Than đá vẫn tiếp tục là chủ bài trên chiếu bạc năng lượng toàn cầu, ngay cả đối với các nền kinh tế phát triển nhanh. Việc thu hồi và tàng trữ carbon trên phạm vi rộng cho phép tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch mà không làm tác hại đến bầu khí quyển.
Việc cắt phải thải trong các lãnh vực không liên quan đến năng lượng, thí dụ như nạn phá rừng, các quá trình sản xuất nông nghiệp và công nghiệp, cũng là cần thiết.
Bằng sự lựa chọn chính sách một cách quyết liệt và căn cơ có thể đồng thời giảm phát thải của các nền kinh tế phát triển cũng như đang phát triển ở mức độ cần thiết nhằm bình ổn (nồng độ khí nhà kính) trong khoảng cho phép mà vẫn tiếp tục tăng trưởng.
Biến đổi khí hậu dẫn đến sự đổ bể thị trường trầm trọng nhất, so với những gì mà thế giới đã từng chứng kiến, và nó tác động tương hỗ với những bất hoàn thiện khác của thị trường. Để đối phó có hiệu quả trên phạm vi toàn cầu cần bao quát được cả 3 yếu tố trong khâu hoạch định chính sách. Thứ là nhất việc định giá carbon thông qua các công cụ thuế, thương mại và điều tiết. Thứ hai là chính sách hỗ trợ đổi mới và triển khai công nghệ tiêu thụ ít carbon. Và thứ ba là các hoạt động tháo gỡ những chướng ngại kiềm hãm hiệu quả sử dụng năng lượng, cản trở việc cung cấp thông tin, giáo dục và thuyết phục dân chúng về những gì mà họ có thể làm để đối phó với biến động khí hậu.
Biến động khí hậu đòi hỏi sự đối phó mang tính quốc tế, dựa trên sự chia sẻ những mục tiêu dài hạn và sự đồng thuận về khung hành động.
Nhiều nước và khu vực đã hành động rồi: EU, California và Trung Quốc thuộc số những nơi có chính sách tham vọng nhất về giảm phát thải khí. Nghị định thư Kyoto của Liên hiệp quốc về biến động khí hậu đặt cơ sở cho hợp tác quốc tế trên một phạm vi rộng về các mặt liên kết và phương hướng tiếp cận. Tuy nhiên, tình thế hiện nay đòi hỏi phải hành động với kỳ vọng lớn lao hơn trên phạm vi toàn cầu.
Các nước, do phải đối mặt với những hoàn cảnh khác nhau, sẽ có hướng tiếp cận khác nhau để đối phó với biến động khí hậu. Tuy nhiên hành động của từng nước riêng lẻ là chưa đủ. Mỗi nước, dù lớn đến mức nào đi chăng nữa, cũng chỉ là một bộ phận của vấn đề. Bởi vậy, việc kiến tạo sự chia sẻ quốc tế về các mục tiêu dài hạn, xây dựng khung hành động quốc tế để hỗ trợ từng nước thực hiện bổn phận của mình trong việc đáp ứng những mục tiêu chung là hoàn toàn cần thiết.
Khung hành động quốc tế tương lai cần bao quát những yếu tố then chốt sau:
· Mua bán phát thải: Mở rộng và kết nối các hệ thống mua bán phát thải đang tăng trưởng trên toàn cầu là biện pháp mạnh để xúc tiến giảm phát thải trên nền tảng chi phí – hiệu quả và để mở rộng hành động đến các nước đang phát triển: những mục tiêu ráo riết tại các nước phát triển sẽ khơi dòng cho đầu tư hàng chục tỷ USD mỗi năm để hỗ trợ giai đoạn quá độ sang đường hướng phát triển tiêu thụ ít carbon.
· Hợp tác công nghệ: Hiệu quả của đầu tư cho đổi mới trên phạm vi toàn thế giới có thể được nâng cao thông qua những hiệp định chính thức cũng như thông qua những hợp tác không chính thức. Cần gia tăng tài trợ trên phạm vi toàn cầu cho R&D trong lãnh vực năng lượng ít ra là gấp đôi và cho triển khai các công nghệ mới tiêu thụ ít carbon gần gấp 5 lần. Hợp tác quốc tế về tiêu chuẩn sản phẩm là phương hướng hữu hiệu để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.
· Hành động nhằm giảm nạn phá rừng: Sự thu hẹp rừng tự nhiên trên toàn thế giới đóng góp lượng phát thải (biểu kiến) nhiều hơn cả lãnh vực giao thông. Kiềm chế nạn phá rừng là phương hướng giảm phát thải có hiệu quả cao; những chương trình pilot quốc tế lớn, nhằm tiếp cận cách làm tốt nhất theo hướng này, cần nhập cuộc một cách mau lẹ.
Thích ứng: Các nước nghèo nhất là những nước nhậy cảm nhất với biến động khí hậu. Biến động khí hậu nhất thiết phải được lồng ghép một cách toàn diện vào chính sách phát triển sao cho các nước giàu có thể thực hiện đầy đủ cam kết của họ về tăng cường viện trợ thông qua các hình thức trợ giúp phát triển hải ngoại. Cải thiện việc cung cấp thông tin khu vực về tác động của biến động khí hậu và nghiên cứu các giống cây trồng thích nghi mềm dẻo hơn với hạn hán và lũ lụt cũng cần được quốc tế tài trợ.