Tạm biệt ấm lên toàn cầu – Mặt trời sẽ rơi vào tình trạng thiểu năng hoạt động sâu trong gần một thế kỷ. PGS. TS Hoàng Xuân Nhuận
1. Biến động khí hậu (CC-Climates Changes): sự thay đổi của các tham số khí hậu do những nguyên nhân thiên nhiên, trong đó có sự biến đổi theo chu kỳ của cường độ bức xạ mặt trời (SC – Solar Cycles);
2. Ấm lên toàn cầu (GW – Global Warming)- sự tăng nhiệt độ của bề mặt trái đất do tác động của con người, mà trong đó hiệu ứng nhà kính (GHE – GreenHouse Effect) đóng vai trò ngự trị.
Thế là “sinh lưỡng cực” rồi nhé, còn kết cục chắc chắn sẽ là “bát quái” biến hoá vô cùng. Dân cảng-đường thuỷ sẽ khó sống hơn, vì ngoài chuyện “bến chờ luồng”, “cảng chờ đường” bây giờ lại phải phân biệt CC với GW và SC với GHE.
Phần lớn thế giới cảm thấy khó ở bởi GW, bởi vậy họ phải tài trợ cho VN làm cái kịch bản, mà mấy bác Khí hậu nhà ta vừa loan báo. Thế nhưng từ năm 2006? có một gã lập dị cứ một mực cho rằng GHE là sản phẩm ảo của máy tính, chưa được kiếm chứng, còn GW, nếu diễn nôm ra, thì là sự nhầm lẫn chết người. Vấn đề là không có con người thì vẫn cứ có CC, SC và đó là sự thật khách quan đã được kiểm chứng cả triệu năm rồi. Gã lập dị đó là K. Abdusamatov – TSKH, Giám đốc Phòng nghiên cứu vũ trụ của Đài thiên văn Pulkovo và đồng thời kiêm nhiệm Giám đốc chương trình quan trắc bức xạ của Trạm vũ trụ quốc tế (MKC). Vậy là có chuyện rồi đấy…
Số là mặt trời bức xạ với cường độ không ổn định. Khi bức xạ mạnh thì bề mặt của mặt trời có nhiều vết, còn khi ít vết thì bức xạ yếu hơn và nếu không có vết nào như hình trên thì yếu lắm. Sau hơn 250 năm bới lông tìm vết mặt trời (kể từ 1755) người ta đã phát hiện được cường độ bức xạ của mặt trời biến thiên theo các chuẩn chu kỳ như sau:
o Chu kỳ Schwabe 11 năm (9-12 năm);
o Chu kỳ Halle 22 năm;
o Chu kỳ Gleissberg 87 năm (70 – 100 năm)
o Chu kỳ de Vries 210 năm .
Còn những chu kỳ dài hơn nữa, như chu kỳ Milankovitch chẳng hạn. Nhưng thôi, vậy là tạm đủ rồi. Trong bốn chu kỳ vừa nêu thì hai chu kỳ de Vries được quan tâm nhiều từ năm 2005 đến nay. Có nhiều nhà khoa học cho rằng chu kỳ này đóng vai trò quan trọng đối với biến động khí hậu và họ cố gắng tìm quan hệ giữa các tham số khí hâu với chỉ số vết (sunspot number) được trung bình trượt với chu kỳ 11 năm để loại bỏ các biến động theo chu kỳ Schwabe (đường đen đậm trên hình bên cạnh, R.A. Rohde, Wikipedia ).
Theo nghiên cứu của Abdu-samatov thì trong suốt thế kỷ 20 cường độ bức xạ không ngừng tăng và đạt cực đại lớn bất thường trong giai đoạn đầu thập niên 1990 và đó mới là nguyên nhân đích thực làm cho trái đất nóng lên. Ông cũng dự báo rằng trong giai đoạn từ 1998 đến 2005, trái đất sẽ vượt qua cực trị bức xạ của chu kỳ de Vries và đến cuối năm 2007, khi chu kỳ Schwabe thứ 23 kết thúc, thì trái đất sẽ ổn định bước vào giai đoạn bức xạ yếu kéo dài khoảng 100 năm với cực tiểu bức xạ xẩy ra vào năm 2041. Do ảnh hưởng của nhiệt lương được tích luỹ trong nước biển, nhiệt độ trái đất sẽ giảm chậm pha so với bức xạ, đạt cực tiểu trong khoảng thời gian 2055 – 2060 và giai đoạn cực tiểu nhiệt độ sẽ kéo dài tổng cộng từ 45-65 năm. Như vậy, vào khoảng giữa thế kỷ 21, trái đất không chỉ tạm biệt GW mà còn bước vào kỷ Tiểu băng hà như 200 năm trước đây (LIA = Litle Ice Age).
Để minh chứng cho lý thuyết của mình Abdusamatov đã chỉ ra rằng: “trong 9 năm gần đây, nhiệt độ trái đất đã ngừng tăng, trong khi nồng độ khí CO2 trong khí quyển đã tăng thêm không dưới 4%”. Ông còn cho biết thêm rằng trên sao Hoả, mặc dù không có lấy một mống người, nhưng nhiệt độ cũng tăng đồng pha với trái đất và đi đến kết luận chắc như đinh đóng cột: “Nếu như trong giai đoạn từ 2007 đến 2010 mà nhiệt độ toàn cầu không tăng, thì rõ ràng rằng GW chỉ là huyền thoại”.
Theo NASA thì trong năm 2008, mặt trời hoạt động rất yếu, khoảng 73% số ngày trong năm không quan sát được bất kỳ vết mặt trời nào. Còn hơn 90% trong số 99 ngày đầu của năm 2009, vệ tinh SOHO chỉ thấy mặt trời trong veo (ảnh ở đầu bài báo, theo G. Murphy &L. Hecht). “Đã phát hiện được năm với số ngày mặt trời không có vết chiếm đa số, chúng ta đang trên đường trở lại năm 1913” – NASA tuyên bố.
Thế đấy, “biến động khí hậu là nguy cơ lớn nhất mà nhân loai sẽ phải đối mặt trong thế kỷ 21” (báo cáo Stern), nhưng dự báo ra sao và kịch bản thế nào thì còn nhiều chuyện phải suy đi tính lại đấy.
28/08/2009. HXN