7 lý do để doanh nghiệp cần E-Learning-Nguyễn Thanh Lâm
Triết lý học và phương pháp học
Không cần đi sâu lắm vào cuộc tranh cãi nảy lửa về triết lý giáo dục, không riêng chỉ ở nước ta, mọi người đều có thể thấy tầm quan trọng của giáo dục. Cả Đức Phật và Chúa Jesus đều dặn dò trước lúc rời khỏi thế gian là phải chăm lo giáo dục, chuyển giao tri thức, cách sống có nhân cách và giàu tình thương. Giáo dục để dạy thành người. Đào tạo để giỏi nghề mưu sinh.
Một trong những mục tiêu lớn của việc học là tiến tới… tự học. Chỉ có tự học với phương pháp tư duy đúng đắn và có óc phê phán cùng với chủ ý đầy động lực thì mới thấu hiểu và có thể thông tuệ, để có thái độ đúng và hành động đúng. Đó là còn chưa nói đến học để sáng tạo là nguồn sản sinh ra của cải vật chất, của cải tinh thần và làm cuộc sống cá nhân hạnh phúc hơn, tiến tới cả xã hội hạnh phúc và văn minh hơn.
Con người đến một lúc không đi đến trường nữa, nghĩa là đã trưởng thành và biết đúng sai. Không có ngôi trường, mà trường đời là trường ở mọi nơi, mọi lúc và không có thầy cô. Nay với E-Learning, thầy cô như người bạn luôn có mặt trên màn hình để trò chuyện với chúng ta, nói không mệt mỏi, nói đi nói lại hoài nếu ta yêu cầu, và vui vẻ đi ra ngay khi ta không muốn nghe hay bận việc khác.
Phương pháp học rất quan trọng, học không phải để nhồi nhét tri thức, mà có thể học như một cuộc dạo chơi. Học như chơi. Chơi mà học. Không có áp lực của thời gian hay roi vọt, không phải tính nhẩm bể cả đầu hay cố lục lại trí nhớ, mà là phương pháp luận hiện đại, buộc kho tàng tri thức của nhân loại phục vụ cho ta những gì ta cần. Học viên là ông chủ chứ không phải là nô lệ, là người tự do tìm đến các nguồn tri thức để mạnh mẽ và bản lĩnh hơn chứ không phải để việc học đày đọa mình. Roi vọt và áp lực thi cử quá đáng là sự thất bại của khoa sư phạm.
E-Learning ra đời trong chiều hướng ấy.
E-Learning thay đổi thể giới
Với Internet băng thông rộng, việc truy cập thông tin và học tập với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin + video/phim ảnh + nghệ thuật diễn đạt đã được hệ thống hóa cho từng mục tiêu nhỏ lẫn mục tiêu lớn lao và phức tạp. E-Learning tận dụng mạng Internet, mạng vệ tinh, đĩa CD, CD-Rom và Facebook để tạo nên sự hấp dẫn, sự tiện lợi mọi lúc mọi nơi, sự tương tác, thảo luận trực tiếp và diễn đàn. Mô phỏng đã từng được ứng dụng để dạy phi công và bác sĩ, thì nay được ứng dụng rộng rãi để tạo hình 2D hay 3D và những kịch bản.
Các trò chơi hay câu đố dựa trên ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm để đánh giá thành quả học tập, dù đôi khi phải làm đi làm lại nhiều lần nếu chưa thật sự hiểu bài vẫn không tạo thành áp lực cho người học.
Kết quả do máy chấm nên rất công bằng, lại rất khoa học với bảng điểm có thể có cả hệ số thích ứng cho từng câu hỏi. Học để cảm nhận vẻ đẹp của toán chẳng hạn, như Einstein nói. Hoặc hiểu về vũ trụ đầy bí hiểm mà hài hòa, về lỗ đen và sự hình thành các hành tinh, hiểu khoa vật lý thiên văn vốn khô khan bằng những phim đồ họa hay streaming video thì hay hơn học “chay” rất nhiều.
Thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Nếu trước thế kỷ 18, vốn tri thức của nhân loại chỉ tăng gấp đôi trong mỗi 100 năm, thì nay là 5 năm. Nhiều đến nỗi không thể biết hết được, dù chỉ là biết nó đang nằm ở đâu. Nhiều đến mức học mà không có phương pháp thì sẽ bị “tẩu hỏa nhập ma”. Thông tin vàng thau lẫn lộn trên mạng bây giờ rất phù hợp với điều mà Mạnh Tử đã nói cách đây hơn 2.300 năm rằng đọc sách mà tin sách thì thà không đọc tốt hơn.
Vì thế, tên tuổi của người giảng viên rất quan trọng. Nó là niềm tin và sự bảo chứng.
Thế giới đòi hỏi học phải có phương pháp hỗ trợ mỗi cá nhân tìm đến được điểm mạnh, sở thích và tài năng của mình. Thế giới cởi mở với mọi luồng tư tưởng và củng cố nền tảng khoa học cơ bản, khoa học thực nghiệm.
Tất cả những gì thuộc về con người đều không thể xa lạ đối với mỗi người.
Sau 20 phút nghe giảng, một người bình thường chỉ còn nhớ 60%. Sau 24 tiếng đồng hồ thì chỉ còn nhớ 30% và về lâu về dài chỉ còn giữ lại được 15%. Vào đời, tri thức ứng dụng được từ việc học mười mấy năm ở trường chỉ là 5%.
Vậy nên phải học cái mình cần, không thể học hết cái nhân loại có. Học để hành. Và trước hết là để thực hành tại doanh nghiệp, tại cơ quan. Có thể rất cần học “cách nói chuyện qua điện thoại”, “thay đổi cách sắp hàng hóa trên kệ để thành công hơn”… Có thể chỉ là học cách sử dụng hệ thống định vị để người lái taxi của một thành phố như London không phải thuộc hết 25.000 tên đường. Mỗi bài học qua video có minh họa chỉ cần khoảng 10 phút. Và 10 phút học mỗi ngày trong một tháng sẽ hiệu quả hơn ngồi “gạo” 5 tiếng đồng hồ liền.
Có 7 lý do để doanh nghiệp cần có E-Learning
Thứ nhất, gần như mọi nhân viên, kể cả cấp cao nhất đều phải được đào tạo nâng cao, đào tạo kiểu đo ni đóng giày cho phù hợp với công việc thực tế của doanh nghiệp hay tổ chức. Thậm chí phải đào tạo lại. Việc học tập suốt đời là một sự cần thiết để nắm bắt những cái mới trong nghề, những kỹ thuật và công nghệ mới, những thay đổi của tổ chức để làm việc hiệu quả hơn, nhanh hơn, nhiều hơn, giá thành rẻ hơn, sức cạnh tranh cao hơn và phát triển bền vững hơn.
Thứ hai, việc tổ chức học tập cho hàng vạn và hàng trăm ngàn nhân viên của các tập đoàn, hay những xí nghiệp quá chuyên sâu về một mặt hàng, nhất là các doanh nghiệp lớn và vừa, rất cần E-Learning. Đó là giải pháp thay thế báo tường, phòng truyền thông hay nội san vì nó là tài sản độc đáo có thể được tích hợp và cập nhật từng giây một.
Với các doanh nghiệp nhỏ, họ có thể làm hệ thống E-Learning gọn nhẹ và vẫn được truy cập dễ dàng qua máy tính, điện thoại thông minh.
Thứ ba, E-Learning là một công cụ mới của các phòng nhân sự, đào tạo và phòng kế hoạch sản xuất. Các bộ phận này có thể đưa thông tin lên mạng mà không phải lo sợ bị sao chép hay rò rỉ ra bên ngoài, nhờ hàng rào mật khẩu và lập trình phân quyền. Qua đó, những người đứng đầu bộ phận trên cũng kiểm soát được sự tham gia của từng học viên để đánh giá đúng và nâng đỡ nhân viên thăng tiến nghề nghiệp, thậm chí xem đó là một tiêu chí để nâng lương.
Thứ tư, sự khai phóng sức sáng tạo của từng cá nhân và của mọi đội ngũ phải thông qua việc học, và tự học là con đường của sự trưởng thành và ý thức cao, dẫn đến hiệu quả tốt nhất.
Cái thời của “thầy đọc, trò chép” đã qua. Có khoảng 70% sinh viên của các đại học đào tạo từ xa ở châu Âu đã chuyển qua học E-Learning. Đại học Harvard và Stanford đã cho sử dụng miễn phí hệ thống E-Learning của họ. Đã có những công ty Việt Nam chuyên về công nghệ thông tin và tư vấn đào tạo tận dụng các cơ hội của thế giới ảo và thông minh nhân tạo đem lại.
Thứ năm, người sáng lập, lãnh đạo tổ chức có thể tham gia giảng dạy hoặc gửi thông điệp sinh động một cách nhanh chóng đến mọi nhân viên. Đối với nhiều doanh nghiệp, các giáo sư hàn lâm không thể thay thế kinh nghiệm và sự hiểu biết sâu về nghề nghiệp bằng các nhà doanh nghiệp giỏi giang, lăn lộn và sống chết với nghề.
Thứ sáu, E-Learning là công cụ rẻ, chất lượng cao, hiệu quả rộng rãi, học mọi lúc mọi nơi, vừa là lợi thế cạnh tranh tốt vừa là vốn nhân sự quý báu.
Thứ bảy, E-Learning có những ưu điểm về khả năng truy cập được (accessibility), tính khả chuyển (interoperability), tính thích ứng (adaptability), tính sử dụng lại (reusability), tính bền vững (durability) và tính giảm chi phí đào tạo (affordability).
Bảy điểm nêu trên là bảy bước để các doanh nghiệp, các tổ chức và mọi trường học của tương lai (dù có ngôi trường hay không) tiến đến thành công trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và hữu dụng.
(*) Non scholae, sed vitae discimus