Một số nét văn hóa trong lịch sử chinh phục vùng biển và hải đảo Việt Nam. TS. Dư Văn Toán
Trên thế giới, nhiều quốc gia ven biển và nhiều thành phố ven biển đã trở thành những trung tâm công nghiệp và thương mại, cảng quốc tế. Đáng lẽ Việt Nam chúng ta cũng phải có những thành phố công thương nghiệp rất phát triển và sầm uất nằm ven biển dọc theo bờ biển Việt Nam.
Đa số các sách sử Việt Nam như “Việt Nam Sử Lược”, “Việt Sử Toàn Thư”, “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” v.v… đều viết về lịch sử Việt Nam từ thời thượng cổ, và bắt đầu lịch sử bằng Thời Hồng Bàng, thời điểm khoảng 3000 năm trước CN, tức cách đây khoảng 5000 năm. Qua những sách sử đó, người Việt Nam chúng ta thường tự hào có 5000 năm lịch sử. Nhưng chúng ta muốn biết trước 5 nghìn năm đó, dân tộc Việt chúng ta từ đâu đến và chúng ta đã từng làm gì để xây dựng lên một đất nước Việt Nam từ thời Hồng Bàng cho đến ngày nay? Có phải dân tộc Việt Nam đã từng có một nền văn minh dựa trên việc trồng lúa nước và những hoạt động hàng hải trên biển hay không? Đó là những câu hỏi khó có câu trả lời chính xác và cần được đầu tư nghiên cứu, đánh giá bài bản.
Hiện trạng thông tin về lịch sử văn hóa biển Việt Nam. Gần đây cuốn sách “Địa đàng ở Phương Đông” của tác giả Oppenheimer [1] đã gây dư luận lớn trong giới nghiên cứu. Cuốn sách đưa ra giả thuyết rằng nôi của nền văn minh Đông Nam Á chính là Biển Đông, bao gồm cả Vịnh Bắc Bộ và khu vực Biển Đông Việt Nam. Nếu những giả thuyết trên có cơ sở đúng, thì Vịnh Bắc Bộ và Biển Đông không những chứa đựng nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, mà còn có thể chứa đựng cả những chứng cứ lịch sử về nguồn gốc dân tộc Việt nói riêng và nguồn gốc các dân tộc sống ở vùng Đông Nam Á nói chung. Do vậy chúng ta cần có những nghiên cứu thích hợp để tìm về cội nguồn dân tộc. Trong các nghiên cứu đó, chúng ta cần có những nghiên cứu nghiêm túc và có hệ thống về biển, lịch sử hàng hải và đóng tàu của Việt Nam.
Cho đến nay chúng ta đã được biết 1 số thông tin quan trọng như: Vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam rộng hơn một triệu km vuông, lớn hơn gấp 3 lần so với lãnh thổ. Trong đó bờ biển dài hơn 3.260km từ Móng Cái đến Hà Tiên, có hơn 3.000 hòn đảo mà nổi tiếng là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nước ta có 148 huyện thuộc các vùng biển, đảo và ven biển (102 huyện ven biển, 34 quận, thị xã, thành phố ven biển trực thuộc tỉnh và 12 huyện đảo) thuộc 28 tỉnh (25 tỉnh và ba thành phố trực thuộc Trung ương); Diện tích tự nhiên hơn 65.000 km2, chiếm khoảng 20% diện tích cả nước, dân số vùng biển, đảo của nước ta là 29,2 triệu người (theo Tổng cục thống kê, 2006), bằng 34,6% dân số cả nước.
Năm 2009 đã tìm thấy di chỉ Hòn Kê, Bàn mài rãnh tại đảo Cô Tô, Quảng Ninh của cư dân Văn hoá Hạ Long, có niên đại cách ngày nay khoảng 4.000 năm. Tuy nhiên, di chỉ mới được tìm thấy này đang bị xâm hại bởi một con đường mới chạy ngang đè qua một phần di chỉ. Trước đó, vào năm 1997, các nhà khoa học thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam và cán bộ Bảo tàng Quảng Ninh đã tìm thấy một dấu tích thuộc Sơ kỳ đồ đá mới trên đảo Mã Cháu (Thuộc quần đảo Cô Tô). Các hiện vật tìm thấy gồm các công cụ Ghè đẽo, được xác định có niên đại cách ngày nay khoảng 20.000 năm. Các hiện vật tìm thấy hiện đang được trưng bày tại nhà Lưu niệm Bác Hồ trên đảo Cô Tô.
Tài liệu khảo cổ học cho biết đã có những di tích người nguyên thuỷ sinh sống ở các miền ven biển cách đây khoảng 6.000 – 3.000 năm, hình thành các văn hóa Khảo cổ như văn hóa Hạ Long (Quảng Ninh), Cái Bèo (Hải Phòng), Đa Bút, Hoa Lộc (Thanh Hóa), văn hóa Quỳnh Văn (Nghệ An), Thạch Lạc (Hà Tĩnh), Bàu Tró (Quảng Bình). Các nền văn hóa ven biển này có nhiều yếu tố gần gũi với văn hóa Hòa Bình – Bắc Sơn ở miền núi và thung lũng, có niên đại từ khoảng 12 – 8000 năm cách ngày nay.
Dấu tích thức ăn của con người để lại là lớp vỏ ốc dày hàng mét trong các hang động miền núi, vỏ sò điệp tạo thành cồn dài hàng chục mét ven biển, trong đó còn có mộ táng, công cụ đá mài, mảnh gốm, bếp và than tro lẫn xương thú, xương cá… Động vật thủy sinh là nguồn thức ăn đạm động vật phổ biến của những lớp cư dân cổ. Những nhóm cư dân miền núi và ven biển này là những cộng đồng cư dân sinh sống bằng nghề trồng trọt sơ khai và khai thác sản phẩm tự nhiên từ rừng núi, từ sông từ biển. Phải chăng sự thật lịch sử này đã được huyền thoại hóa thành truyền thuyết khởi nguyên của người Việt “con rồng, cháu tiên“, chia đôi con cháu nửa lên núi, nửa xuống biển khai phá mở mang Đất – Nước?
Vào khoảng nửa sau thế kỉ thứ nhất trước công nguyên, hoạt động giao thông đường biển đã phát triển ở Việt Nam, tạo điều kiện cho việc đi lại, tiếp xúc, trao đổi giữa các nhóm cư dân ven biển nước ta với khu vực hải đảo Đông Nam Á. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, trên mặt trống đồng Đông Sơn có khắc hình chiếc thuyền lớn với hình người cùng những nghi lễ, đầy đủ lương thực, vũ khí… chính là hình dáng của những con thuyền của tổ tiên ta vươn ra khai thác sông biển từ rất sớm. Đảo Sulawesi, hòn đảo lớn thứ tư của Indonesia, còn được gọi là vương quốc của những mái nhà cao vút hình con thuyền mà cư dân ở đây, người Toraja gọi đó là những Tongkonan. Những Tongkonan xếp thành hàng chạy dài thẳng tắp trông giống như những chiếc thuyền buồm kiêu hãnh đang neo đậu giữa một vùng sơn cước. Theo truyền thuyết của bộ tộc Toraja, tổ tiên họ từng sống ở đồng bằng trong lục địa phía bắc từ hàng ngàn năm trước, do những biến cố xã hội cả cộng đồng Toraja đã giong buồm vượt biển đi tìm đất mới. Họ đã đến được vùng đất mà ngày nay gọi là Makassar, phía nam đảo Sulawesi. Họ quyết định chọn nơi đó làm quê hương thứ hai, và những mái nhà Tongkonan hình con thuyền lớn vượt đại dương được dựng lên và luôn hướng về hướng bắc như để con cháu không quên cội nguồn, quê hương…
Ở phía Nam, văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung và văn hóa Đồng Nai ở vùng cửa biển Cần Giờ đã để lại nhiều dấu ấn của những đoàn thương thuyền đến từ Ấn Độ, như đồ trang sức bằng ngọc, bằng thủy tinh, bằng vàng… Dấu tích thương mại Trung Hoa là những đồng tiền Ngũ Thù, gương đồng, bình gốm thời Hán tìm thấy khá nhiều ở một số di tích khảo cổ ven biển. Quan hệ buôn bán với Ấn Độ và Trung Quốc diễn ra ở vùng ven biển từ rất sớm, khoảng 1,2 thế kỷ trước công nguyên. Đặc biệt đồ gốm trong mộ táng chum vò của văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Đồng Nai rất giống đồ gốm trong các di tích mộ táng ở Philippine, mà các nhà khảo cổ cho rằng đó là bằng chứng của sự trao đổi sản phẩm và kỹ thuật sản xuất giữa cư dân vùng ven biển và hải đảo.
Đến đầu công nguyên, các vương quốc cổ Phù Nam, Chămpa ở phía Nam hình thành và phát triển thành những vương quốc giàu mạnh nhờ khai thác thủy hải sản, lâm sản, nông nghiệp và nhất là nhờ có hệ thống cảng thị ven biển để buôn bán và làm dịch vụ cho con đường thương mại trên biển nối liền lục địa Ấn Độ đến lục địa Trung Hoa. Ở phía Bắc, từ đầu thế kỉ 10 quốc gia Đại Việt dành được nền độc lập tự chủ. Các triều đại Lý – Trần bắt đầu mở cảng Vân Đồn tiếp nhận thương thuyền nước ngoài. Đến thời Lê, Dư địa chí của Nguyễn Trãi còn nhắc đến các cửa biển Càn Hải, Hội Thống (Nghệ An), Hồi Triều (Thanh Hoá)… Từ thế kỉ 17, chính quyền Chúa Nguyễn đàng trong đã tiếp tục phát triển Đại Chiêm hải khẩu thành cảng thị Fai Fố – Hội An, xây dựng cảng Bến Nghé mở đường ra biển cho vùng Gia Định – Đồng Nai. Trong thời Nguyễn nhiều đảo và quần đảo ven biển Đông đã được khám phá, khai thác tài nguyên và xác lập chủ quyền, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Về mặt sinh kế, tại Bắc bộ và Nam bộ, người Việt ra biển rất muộn lại vì các lý do khác. Người Việt vốn là cư dân nông nghiệp, vấn nạn của người nông dân Việt mãi cho tới những năm 90 của thế kỷ XX vẫn là lương thực. Do đó trong tâm thức cũng như trong thực tế, họ chỉ hướng về ruộng đồng. Ðể có thêm ruộng trồng cấy, người Việt – nhất là người Việt tại Bắc bộ – khi tiếp xúc với biển đều ưu tiên khuynh hướng “quai đê lấn biển” để có ruộng làm nông nghiệp và họ đã “kéo dài văn hóa nông nghiệp” ra bờ biển cả. Theo hướng đó, người Việt đã trồng sú vẹt, ngăn biển tiến, quai đê lấn biển, khai hoang, thau chua rửa mặn… tạo nên những cánh đồng bát ngát, những xóm làng trù phú dọc theo ven biển. Người Việt tại Bắc bộ và Nam bộ chỉ mới vươn ra biển đánh cá nước mặn trong thời gian chưa bao lâu. Một mặt do kỹ thuật, thuyền bè, chài lưới kém không thể đánh cá ngoài biển được chưa nói đến chuyện trước đây khi dân số chưa đông, đồng bằng Nam bộ chưa ngập nước, lắm tôm nhiều cá, chưa có thị trường, người nông dân chỉ khai thác cá tự cấp tự túc cho nhu cầu thường nhật thì đánh cá biển xa bờ chưa phải là điều bức thiết? Bởi thế mà theo một số nhà dân tộc học thì cho tới gần đây, người Việt ở Bắc bộ vẫn chưa có thói quen ăn cá biển – khi chế biến cá biển họ thường sử dụng các món gia vị làm cho cá biển mất mùi khiến món ăn này có hương vị giống với cá đồng…Nhưng ở Trung bộ, nhất là cực nam Trung bộ thì lại khác. Do kiến tạo, các luồng hải lưu trên biển đã dẫn dắt các luồng cá lớn vào gần bờ, hơn thế về mặt địa hình, tại miền Trung, núi ăn xuống sát biển, đất nông nghiệp cằn cỗi và chật hẹp, song ngòi ngắn, nước chảy xiết, ít ao hồ, rất ít cá nước ngọt, nên khi thiên di tới vùng đất này, người Việt đã có cách thức lựa chọn khác: Sắm thuyền lưới vươn ra ngoài biển cả đánh bắt cá để sinh tồn. Nếu cho rằng sở dĩ người Việt đưa ra sự lựa chọn này là do họ tiếp thu được truyền thống biển của người Chăm, thì đó cũng chỉ là một giả thuyết. Trên thực tế, trong toàn bộ cộng đồng người Chăm cư trú tại 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận thì chỉ có 1 làng làm nghề đánh cá biển mà nghề cá của họ cũng không mấy được phát triển. Do đó có thể lý giải theo cách khác: Khi di chuyển vào miền Trung, ít ruộng đồng để trồng cấy, ít ao hồ, không có cá nước ngọt, mà tại vùng biển này lại lắm tôm, cá vào sát bờ nên người Việt đã lựa chọn thích nghi với biển cả nhằm kiếm sống lâu dài. Vì vậy, tại các tỉnh miền Trung nhất là khu vực Nam Trung bộ, tính chất biển có thể nói là rất đậm đặc trong văn hóa của người Việt. Bởi thế mà trong cộng đồng ngư dân sinh sống tại khu vực Trung bộ, nhất là cực Nam Trung bộ đã hình thành được một nếp sống văn hóa biển. [3].
Nhận xét và đề xuất: Từ bao đời nay công đông dân cư ven biển và hải đảo đã tích lũy nhiều kỹ năng quản lý văn hóa xã hội, và khai thác kinh tế biển. Để quản lý biển tốt hơn chúng ta cần có nghiên cứu nhiều hơn về xuất sứ địa lý văn hóa và quá trình lịch sử cư trú của các công đồng dân cư ven biển.
– Về tổng kết sự phát triển các vùng biển và hải đảo Việt Nam với các ranh giới hiện tại. Chúng ta đã phát triển và có 1 vùng biển và hải đảo rất rộng lớn, cần có phương pháp tuyên truyền và phổ biến đến tất cả nhân dân, đặc biệt thế hệ trẻ đễ giữ gìn lãnh thổ-lãnh hải của Quốc Gia.
– Cần mở ra dự án, đề tài nghiên cứu về địa văn hóa và lịch sử của các vùng biển Việt Nam, giúp công tác nghiên cứu khẳng định chủ quyền, phát triển kinh tế xã hội bền vững các vùng biển Việt Nam, các mối quan hệ với các vùng địa lý trên lục địa khác của Việt Nam và Thế giới.
– Trong thời kì Biến đổi khí hậu, vấn đề truyền thống văn hóa và lịch sử biển đảo sẽ đóng vai trò cực kì quan trong trong ứng phó với các thiên tai, và phát triển hàng hải và đánh bắt hải sản của các cộng đồng dân cư ven biển và hải đảo.
– Quản lý Nhà nước về biển và hải đảo có dựa vào kiến thức văn hóa lịch sử chinh phục biển đảo giúp đạt hiệu quả bền vững hơn.
– Cần tôn vinh và ghi nhận cấp quốc gia những Danh nhân đóng góp, có công cho quá trình chinh phục biển, hải đảo.
– Thành lập Bảo tàng biển tổng hợp quốc gia về lịch sử, văn hóa, nhân văn, hàng hải quân sự và tự nhiên ghi nhận vị thế quốc gia biển của Việt Nam trên thế giới.
Tài liệu tham khảo:
1. Oppenheimer, Stephen (2005), Địa đàng ở phương đông – Lịch sử huy hoàng của một lục địa bị chìm ngập, bản dịch tiếng Việt của Lê Sĩ Giảng và Hoàng Thị Hà, Trung Tâm Văn Hóa Ngôn Ngữ Đông Tây, NXB LĐXH Hà Nội, Việt Nam. (470 tr).
2. http://www.lib.utexas.edu/maps/vietnam.html
3. Nguyễn Duy Thiệu, 2009. Ðậm đà văn hóa biển miền Trung. Bản tin ĐHQG Hà Nội.
4. Phát hiện 1 số di tích văn hóa Hạ Long tại đảo Cô Tô. 2009. (www.dantri.com.vn)
5. Trần Trọng Kim. 2008. Việt Nam sử lược. NXB ĐHSPHN.
6. Võ Trí Chung, 2009. Giá trị kiến thức truyền thống địa phương đối với ứng phó biến đổi khí hậu vùng ven biển và hải đảo. TT HTKH “Môi trường và phát triển bền vững”. Tr.241-248.