Tàu Cửu Long và ý chí của người đi biển.                                     KS. Doãn Mạnh Dũng

Tàu Cửu Long và ý chí của người đi biển.                                     KS. Doãn Mạnh Dũng

Ông Trần Khánh Dư – Thuyền trưởng tàu Cửu long dầu 1500 tấn năm 1971.

Nhân dip gặp nhau cuối năm của ngành hàng hải, phóng viên báo chí tìm gặp Thuyền trưởng Trần Khánh Dư. Vì tuổi đã trên 90, Thuyền trưởng Trần Khánh Dư mời tôi đến hổ trợ vì trí nhớ của tuổi già. Các phóng viên vui khi gặp tôi, vì tôi  là thủy thủ của Thuyền trưởng Trần Khánh Dư.

Tôi là Kỹ sư Doãn Mạnh Dũng, tốt nghiệp lớp Khai thác kỹ thuật vận tải biển khóa 7 ( 1966-1971 ) trường Đại học Đường Thủy ( nay sáp nhập vào trường Đại học Hàng hải- Hải Phòng ) . Vừa ra trường cuối tháng 8-1971 tôi được điều động xuống Giải phóng 35 do ông Hàn Dũng là thuyền trưởng. Khi tàu GP 35 đang xếp hàng tại Hải Phòng thì đê Gia lương bị vỡ, tôi được giao đưa 3 xà lan đi hàn đê Gia  lương. Xong việc , giữa tháng 9/1971, tôi được điều xuống tàu Cửu Long dầu 1500 tấn chuyên chạy tuyến Bạch Đằng -Hòn Ngư do ông Trần Khánh Dư làm thuyền trưởng.

Khi đó tàu Cửu long là con tàu duy nhất chuyên chở xăng , dầu cho chiến trường B ở cung đoạn từ tàu Liên Xô neo ở Bạch Đằng – Hải Phòng hoặc từ vùng neo Hạ Long –  Quảng Ninh đi Hòn Ngư – cửa sông Lam, Nghệ An ,hay đến Hòn La – Quảng Bình. Từ Hòn Ngư hay Hòn La  tàu Tự lực dầu 50 tấn đưa dầu vào Vinh hoặc Quảng Bình và bơm vào Trường Sơn. Tàu chạy với mật độ rất căng, 2 ngày hoàn thành một chuyến vòng tròn dù mọi trạng thái thời tiết. Một tháng 30 ngày, tàu Cửu Long cung cấp cho chiến trường 22.500 tấn xăng, dầu.Tôi tin rằng , xăng cho xe tăng tiến vào Dinh Độc lập là xăng từ con tàu Cứu Long 1500 tấn.

Ban chỉ huy tàu khi đó, thuyền trưởng là ông Trần Khánh Dư, Chính ủy là ông Cao Quang Sản người Nam Bộ, Máy trưởng là ông Huỳnh Tùng người Bình Định. Khi đó tôi là thủy thủ trực tiếp lái tàu, năm đó tôi mới 25 tuổi, năm nay đã 78 tuổi rồi.

Dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Trần Khánh Dư, chúng tôi làm việc hết sức nghiêm túc. Mọi người đều hoàn thành tốt công việc của chính mình. Thủy thủ đi ca như tôi khi tàu neo thì  không được phép đứng hay ngồi tại chỗ, mà phải luôn luôn di động, đi lại quan sát, không cho bất cứ phương tiện nào tiếp cận vì có thể bị cháy, nổ. Khi tàu chạy phải quan sát rất kỹ để chống biệt kích. Có lần  tôi được ông Đoàn Đình Long – Phó 2 – giao nhiệm vụ đứng ôm cột mũi, quan sát biệt kích  khi tàu chạy giữa gió mùa đông bắc cấp 7-8 trên hành trình trở về Hải Phòng.  Tôi nhớ mãi phải mặc bộ đồ chống ướt, bên trong mặc nhiều áo cho ấm. Tàu không có hàng, chỉ có nước dằn hầm tầng đáy nên mũi trồi lên cao như con ngựa bất kham. Đứng ở mũi, cơ thể bị dồn lên, nén xuống theo mũi tàu, thời gian tính từng giây, phút. Đó là sự khủng khiếp với sức chịu đựng của con người.Sau chuyến  đi ca này, mọi công việc của cuộc đời sau này chỉ là chuyện vui cười, nhẹ nhàng trong cuộc sống. Khi nhận hay giao hàng, chúng tôi phải canh chừng tràn dầu. Nhưng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe là hơi xăng dầu kéo dài trong thời gian ở tàu dầu đã gây ra nhiễm độc nặng đến sức khỏe và năng lực học tập.

Tàu Cửu Long đã cung cấp nhiên liệu cho xe tăng ,hệ thống vận tải cho chiến trường B và Lào, góp phần thực hiện thống nhất đất nước 5/1975.

Lảnh đạo ngành hàng hải lúc đó đã cho sơn trắng tàu dầu Cửu Long và kẻ địch đã nhầm lẩn giữa nó là tàu chuyên dụng chở dầu của miền Bắc Việt Nam với các tàu nước ngoài.

Nhớ ngày 31/12/1971, mới khoảng 7 giờ sáng, tàu đang trả hàng tại Hòn Ngư thì Mỹ đánh Vinh.  Máy bay Mỹ bị bắn rơi. Phi công nhảy dù xuống biển. Thủy phi cơ lao đến cứu phi công. Tàu còn 30 tấn xăng, được lệnh kéo neo ra Hải Phòng. Khi tàu chạy đến Lạch Trường vùng nước Biển Sơn Thanh Hóa khoảng 9 giờ. Trời trong xanh, thì  2 máy bay Mỹ sau khi vào thả bom Lạch Trường-Thanh Hóa và  quay ra biển. Máy bay Mỹ phát hiện tàu chúng tôi.

Ông Huỳnh Tùng , Bí thư chi bộ lệnh:

  • Thuyền viên chuẩn bị chiến đấu.

Tôi mặc áo phao, cầm cây súng trường đứng tại vị trí sau lái theo quy định.

Khi đó tôi hiểu cuộc đời đã đến những giây phút cuối cùng. Tôi nhớ mãi những điều mà tôi đã cầu nguyện khi phải vĩnh biệt cuộc đời.

Đột nhiên ông Huỳnh Tùng lệnh:

  • Tất cả vào cabin, không khiêu khích.

Từ vị trí sau  lái tôi vẩn quan sát kỹ, 2 máy bay Mỹ đã  bay quanh tàu 2 vòng, không phân biệt được tàu của nước nào nên họ bay về hạm đội 7.

Chuyện cách đây đã 53 năm, nhớ lại, tôi thật sự thương các anh em cùng tàu. Mọi người đã làm việc hết sức nghiêm túc để con tàu vượt qua rất nhiều thử thách khắc nghiệt từ tình huống trước sự sống và cái chết, từ mọi động tác để con tàu không va chạm, không bị cháy nổ …

Công lao đó, trước hết từ người thuyền trưởng mà tôi kính trọng là ông Trần Khánh Dư. Tuổi trẻ chúng tôi chỉ biết làm theo lệnh của thuyền trưởng và học tập từ thế hệ lớn tuổi hơn.

Những năm tháng làm việc dưới tàu đã dạy tôi tính kỹ luật, sự đoàn kết và ý chí tự tin của người đi biển.

Sau Hiệp định Paris 1973, tôi được lên bờ đi học, nhưng khó khăn nhất là tôi đã bị nhiễm độc xăng dầu.

Nhưng ý chí của người đi biển đã dạy tôi tự tin và từng bước vượt qua sức khỏe của chính mình.

Năm 1980, tôi sang giúp nhân dân Kambodia lập Công ty đại lý và môi giới tàu biển tại Phnom Penh ( Kamsab)

Năm 1991, tôi sang làm việc tại Lon don- nước Ạnh. Ông chủ của công ty liên doanh mời tôi đưa gia đình sang định cự tại Lon don nhưng tôi đã từ chối. Tôi hiểu trách nhiệm của những người Việt Nam đã may mắn sống sót sau chiến tranh.

Sau khi nghiên cứu kỹ thị trường hàng hải thế giới, tôi quyết định trở về nước và năm 1997 trình Chính phủ Việt Nam chiến lược sử dụng vịnh Vân Phong để cạnh tranh với khu vực và hội nhập thế giới.

Sau khi về hưu, tôi có nhiều thời gian tự do hơn nên đã nghiên cứu thành công nguồn Tài nguyên động năng dòng hải lưu ở miền Trung Việt Nam và công nghệ chuyển đổi động năng dòng chảy tự nhiên thành điện năng.

Việt Nam đang quyết tâm làm bạn và hội nhập với nền văn minh của thế giới. Ý chí đó từ truyền thống của người Việt Nam trên hành trình khai phá đất phương Nam. Khát vọng độc lập tự do như cánh chim giữa biển, chấp nhận đối đầu với phong ba bão táp để tồn tại, để tìm hạnh phúc cho dân tộc và cho chính mình.

Hôm nay cũng là ngày kỹ niệm 50 năm ngày 17/1/1974 Trung Quốc tấn công quân đội Việt Nam Cộng Hòa ở Hoàng Sa.

Người Việt Nam luôn tin rằng, Hoàng Sa sẽ trở về Việt Nam.

Một dân tộc không biết cúi đầu, dân tộc đó có quyền sống trong độc lập, tự do và hạnh phúc ./.

 

Ghi chú : Tác giả đã đọc bài  viết này để Thuyền trưởng Trần Khánh Dư nghe và ông rất xúc động. Đó là một trong các câu chuyện kỹ niệm lớn khi ông là Thuyền trưởng.

Những thuyền viên còn sống đến hôm nay từng có mặt trên chuyến tàu Cửu Long 1500 tấn ngày 31/12/1971 là ông Trần Văn Chấp ( Khi đó là Máy 2- Tổng Cục phó Tổng Cục Đường Biển ), ông Nguyễn Ngọc Liên ( Khi đó là thợ máy – Phó Giám đốc Cty Vitranschart ) . Lúc 11:40 h ngày 18/1/2024.