02.Chiến dịch VT5 – Chiến dịch vận tải tranh thủ ngừng bắn .               Trần Đình Đức

02.Chiến dịch VT5 – Chiến dịch vận tải tranh thủ ngừng bắn .               Trần Đình Đức

Cuối năm 1968, chúng tôi kết thúc năm học thứ ba, cũng là lúc Đảng và Chính phủ mở chiến dịch vận tải hàng hóa, vũ khí, đạn dược cho chiến trường miền Nam với biệt danh “VT5: Vận tải tranh thủ tụt thang”, chiến dịch vận tải lớn được thực hiện trong khoảng thời gian từ Noel năm 1968 đến hết Tết Nguyên đán (đầu năm 1969). Trong thời gian này, ta và địch thỏa thuận ngừng bắn. Đây chính là cơ hội để chúng ta tăng cường lực lượng, tập kết vũ khí, lương thực chuẩn bị cho chiến trường miền Nam.

Những ngày ấy đối với chúng tôi là những kỷ niệm không thể nào quên. Từ nơi sơ tán ở một làng quê ở Hải Dương, hai lớp khoa Máy 6521 và 6522 chúng tôi được lệnh hành quân (đi bộ đến nơi tập kết – cơ sở 1 Trường Hàng hải ở Quý Cao, Hải Phòng – khoảng 15 kilomet). Trước ngày lên đường, ai cũng háo hức chuẩn bị ba lô, tư trang và vòng lá ngụy trang để che mắt máy bay địch. Nơi chúng tôi sơ tán, bà con trong đội sản xuất đã đóng góp gà, heo, gạo nếp để làm một bữa liên hoan tiễn chúng tôi lên đường đi chiến dịch.

Người dân ở đây hiểu rằng chúng tôi đi tham gia chiến dịch vận tải để góp phần giải phóng miền Nam và có thể sẽ có hy sinh, mất mát và có thể sẽ có người không trở về. Vì vậy, trong buổi tiễn đưa đã có nhiều người không cầm được nước mắt, họ chúc chúng tôi chân cứng đá mềm, hoàn thành nhiệm vụ để trở về. Chúng tôi rất tự hào vì đã thực hiện tốt câu khẩu hiệu “đi dân nhớ, ở dân thương”. Đứng trước hàng quân chuẩn bị xuất phát, lớp trưởng của chúng tôi đã thay mặt lớp, hứa với những người ở lại là quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ để mau chóng trở về tiếp tục con đường học tập của mình.

Ở nơi tập kết, chúng tôi hòa vào tập thể các khoa khác của trường, bao gồm những sinh viên và các thầy giáo được chọn đi tham gia chiến dịch. Chúng tôi nhớ mãi câu nói trước tập thể chuẩn bị hành quân từ cơ sở 1 về thành phố Hải Phòng của thầy hiệu trưởng: “Trong chúng ta đây, nếu ai còn sợ hy sinh, sợ gian khổ thì hãy bước ra khỏi hàng, trước khi tôi phát lệnh xuất quân”. Tất nhiên là không một ai trong chúng tôi muốn tách mình ra khỏi một tập thể đang hừng hực khí thế lên đường vì đồng bào miền Nam ruột thịt. Và chúng tôi đã lặng lẽ hành quân ngay trong đêm ấy với quãng đường hơn 25 kilomet để tránh sự dòm ngó của máy bay địch, đúng như lời một bài ca của nhạc sĩ Vũ Trọng Hối: “Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình”. Ngày hôm sau chúng tôi đã được phân công ngay xuống tàu –các con tàu của đội tàu Giải Phóng – với chức danh là thợ máy chứ không phải là thực tập sinh. Đội tàu Giải Phóng gồm 38 chiếc, trọng tải 100 tấn mỗi chiếc, tốc độ cao và chịu được sóng gió, được thiết kế theo đơn đặt hàng của ta với mục tiêu phục vụ chiến dịch vận tải. Tàu do Trung Quốc đóng, được trang bị máy chính của Nhật Bản có công suất 900 mã lực, vũ khí để phòng vệ là 2 khẩu 12 ly 7 ở mũi và lái tàu. Tàu có thể chạy với tốc độ 18 – 20 hải lý/giờ, hoạt động tốt trong thời tiết gió mùa cấp 7 – 8. Trên tàu chỉ có 4 chiếc giường treo, nhưng biên chế đến 20 người. Vì vậy chúng tôi mỗi người một chăn, một chiếu ngủ dưới sàn tàu, nhường giường cho Thuyền trưởng, Máy trưởng và các thuyền viên lớn tuổi. Chúng tôi thật sự trở thành người chiến sĩ vận tải, mỗi tập thể trên mỗi con tàu là tập hợp những con người từ mọi miền Tổ quốc, được đào tạo từ các trường trong và ngoài nước, là những sĩ quan từ binh chủng Hải quân chuyển sang, là những thủy thủ tàu đánh cá chuyển đến, họ là những cán bộ giàu kinh nghiệm và nhiều năm thâm niên đi biển. Người ta đặt tên tàu là Giải Phóng cũng chính là trao cho con tàu trọng trách góp phần cùng quân và dân ta giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đội tàu chúng tôi lao vào chiến dịch không kể ngày đêm, thời tiết, chúng tôi không hề biết lễ Noel đã qua chưa hay đêm 30 Tết đang đến gần. Mỗi con tàu mang trên mình hàng trăm tấn vũ khí, đạn dược, quân trang, lương thực, nhắm hướng Nam mà thẳng tiến, với đích đến là cảng sông Gianh, Quảng Bình. Quãng đường hơn 300 hải lý tính từ Hải Phòng, vậy mà tốc độ vận chuyển của chúng tôi thường đạt được 10 chuyến/tháng khép kín, có tàu còn lập kỷ lục 11 chuyến/tháng.

Hình ảnh những con tàu Giải Phóng tranh giành nhau cầu cảng ở hai đầu bến để bốc xếp hàng đã nói lên tinh thần của chúng tôi thời bấy giờ. Ở cảng Gianh, thời gian bốc xếp có tàu đã đạt kỷ lục 1 giờ 30 phút cho 100 tấn hàng, nhờ đội ngũ thanh niên xung phong và những em học sinh phổ thông cấp ba được huy động đi phục vụ chiến dịch. Họ bốc hàng bằng chính đôi vai của mình chứ không dùng cần cẩu của tàu hay cẩu bờ. Cứ xếp dỡ hàng xong là chúng tôi nổ máy lên đường không kể sóng gió như thế nào. Có tàu bị sóng đánh gãy cánh giảm lắc, họ tự đưa tàu lên cạn, dùng cưa sắt cắt phần cánh còn lại để tiếp tục lên đường. Bờ Nam cảng Gianh những ngày này, hàng hóa chất cao như núi, hàng ngàn con người, phương tiện bốc xếp đưa tiếp hàng vào Nam theo đường Trường Sơn. Chúng tôi tự hào về những chiến công do chúng tôi đạt được.

Chúng tôi vô cùng cảm ơn đội ngũ thuyền viên tàu Giải Phóng đã đào tạo chúng tôi về nghề nghiệp và đã truyền vào tâm hồn chúng tôi ngọn lửa yêu nước làm hành trang cho chúng tôi vào đời. Chúng tôi chân thành cảm ơn những người mẹ, người chị ở những vùng quê nơi chúng tôi sơ tán đã đùm bọc, nhường cơm sẻ áo cho chúng tôi trong những ngày học tập xa gia đình trong suốt khóa học.

Sau khi tốt nghiệp, lớp chúng tôi mỗi người mỗi ngả: người cầm súng vào chiến trường để chiến đấu giải phóng cho chính quê hương mình và đã hy sinh; người cầm bút vào Khu 5 làm phóng viên chiến trường nay đã thành danh trong lĩnh vực Văn hóa nghệ thuật; tôi và 4 người nữa được giữ lại trường để tiếp tục sự nghiệp đào tạo cho thế hệ đàn em; và số còn lại được bổ sung vào tập thể thuyền viên đội tàu Giải Phóng và họ tiếp tục sự nghiệp vận tải cho đến khi kết thúc chiến tranh; sau này, họ đã trở thành những sĩ quan trên những con tàu của các công ty vận tải biển đi khắp năm châu bốn biển.

Trích Hồi Ký Kể Chuyện Đi Biển – Tác giả: Trần Đình Đức