Báo cáo kết quả Diễn đàn Kinh tế Biển Việt Nam 2011
Năm 2010, thông qua khởi xướng của VAFIE, Diễn đàn kinh tế Biển Việt Nam lần thứ nhất đã tổ chức thành công tại thành phố Hải phòng với sự tham gia của khoảng 300 đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lý kinh tế và đại diện các doanh nghiệp. Năm nay, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và môi trường, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam tổ chức Diễn dàn Kinh tế biển Việt Nam 2011 với chủ đề “Động lực và thách thức cho sự phát triển của các khu kinh tế ven biển Việt Nam” tại thành phố Nha Trang trong hai ngày 7&8/6/2011. Kể từ năm 2011, Diễn đàn Kinh tế biển Việt Nam là một trong các hoạt động chính của Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, được Chính phủ giao cho Bộ Tài nguyên và môi trường tổ chức thường niên trong tuần lễ đầu của tháng 6 (từ 1-8/6) hàng năm.
Diễn đàn năm 2011 với các mục tiêu chính là:
– Tạo ra diễn đàn trao đổi về chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam;
– Tạo cơ hội cho các nhà đầu tư, chuyên gia và giới truyền thông trong và ngoài nước hiểu rõ tiềm năng, triển vọng tài nguyên biển và phát triển kinh tế biển của Việt Nam nói chung và của các tỉnh ven biển Trung và Nam Trung Bộ trong đó có tỉnh Khánh Hòa nói riêng;
– Tạo cơ hội cho các nhà quản lý, các chuyên gia, giới các nhà đầu tư và giới truyền thông trong và ngoài nước hiểu rõ tiềm năng, triển vọng phát triển các khu kinh tế ven biển của Việt Nam nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng;
– Xúc tiến các dự án đầu tư vào các khu kinh tế ven biển miền Trung trong đó có khu kinh tế Vân Phong của Khánh Hòa và xúc tiến các dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh Khánh Hòa;
– Gặp gỡ, giao lưu và ký kết các thỏa thuận giữa các nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước.
II/ Kết quả đạt được của Diễn đàn năm 2011
Theo chương trình của VMEF 2011, có hai sự kiện được diễn ra gồm:
Tọa đàm bàn tròn chuyên gia cao cấp với chủ đề: Tiềm năng và triển vọng tài nguyên biển Việt Nam và khu vực– Những chuyển động đáng chú ý.
Diễn đàn Kinh tế Biển Việt Nam 2011 với chủ đề: Động lực và thách thức cho sự phát triển của các khu kinh tế ven biển Việt Nam”.
Kết quả của tọa đàm:
Có hơn 10 chuyên gia đã tham gia buổi tọa đàm vào chiều ngày 7/6/2011 tại hội trường khách sạn Olympic, thành phố Nha Trang. Tại tọa đàm, đại diện Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam đã thông tin và trao đổi với các chuyên gia thuộc nhiều ngành khác nhau về tài nguyên biển của nước ta cũng như những vấn đề đặt ra chiến lược biển; những chuyển động đáng chú ý của nhiều nước trong việc thăm dò, nghiên cứu sâu về biển khu vực; và đặc biệt là vùng biển Đông trong đó có những hoạt động nghiên cứu về thềm lục địa, cấu trúc nước sâu và kết cấu địa tầng đáy biển vùng Biển Đông của phía Trung Quốc, những kết quả họ đã làm được về nghiên cứu địa chất địa tầng, khoáng sản dưới đáy Biển Đông. Các ý kiến tại tọa đàm đã nhất trí đưa ra bảy khuyến nghị tại diễn đàn chính ngày 8/6. Bảy khuyến nghị này cũng đã được lấy ý kiến tại diễn đàn và đã nhận được sự đồng thuận của các đại biểu tham gia diễn đàn.
Kết quả của VMEF 2011:
Diễn đàn 2011 diễn ra trong cả ngày 2011 tại khách sạn Michelia, thành phố Nha Trang. Tổng cộng có gần 190 khách tham dự trong đó có Bí thư tỉnh ủy Khánh Hòa ông Lê Thanh Quang; thứ trưởng thường trực Bộ Tài nguyên và môi trường Nguyễn Văn Đức; Phó trưởng ban Tuyên giáo TƯ Phạm Văn Linh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Xuân Vinh; 02 Phó tổng cục trưởng TC Biển và Hải đảo VN là ông Nguyễn Văn Cư và ông Nguyễn Chu Hồi; Về phía VAFIE có Chủ tịch Hiệp hội GS.TSKH Nguyễn Mại và các Phó chủ tịch Hiệp hội là ông Hoàng Văn Huấn, ông Huỳnh Tấn Vinh và Nguyễn Văn Toàn, và ông Trần Du, Tổng thư ký Hiệp hội.
VMEF 2011 có sự tham gia của lãnh đạo các sở ngành của Khánh Hòa, Nam Định, Kiên Giang, TP.HCM, Đà Nẵng; có đại diện lãnh đạo các ban quản lý khu kinh tế như Nam Định, Đà Nẵng, Nghi Sơn, Vũng Áng, Phú Yên, Long An, Vân Phong, Nhơn Hội, Dung Quất…
Các kết quả chính của VMEF 2011:
a. Đối với chiến lược hướng ra biển
Tại diễn đàn, đại diện các bộ ngành có liên quan, các chuyên gia và lãnh đạo một số tỉnh thành và các khu kinh tế ven biển đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Nghị quyết của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và môi trường cho biết: Chính phủ đã giao cho Bộ này nhiệm vụ quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo. Ngày 26/8/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 116/2008/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam với chức năng quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất biển và hải đảo. Mục đích chung của quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo là: đảm bảo phát triển đa ngành, sử dụng đa mục tiêu (tối ưu hoá) và bảo đảm đa lợi ích (các bên cùng có lợi) giữa các bên liên quan trong quá trình khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên biển, hải đảo.
Thực hiện chức năng của mình, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực xây dựng và trình Chính phủ ban hành các công cụ chính sách như Nghị định số 25/2009/NĐ-CP về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo, xây dựng dự thảo Luật Tài nguyên và môi trường biển. Bộ cũng đang chủ trì thực hiện hàng loạt các đề án, chương trình, dự án của Chính phủ như: Đề án tổng thể về điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường biển đến năm 2020 (Đề án 47), Chương trình Quản lý tổng hợp vùng bờ tại các tỉnh miền Trung và Nam Trung bộ (Chương trình 158), Chương trình Điều tra cơ bản tiềm năng khí hydrate tại các vùng biển Việt Nam (Đề án 796), Chương trình khung về phối hợp ứng phó sự cố tràn dầu vùng vịnh Thái Lan (Chương trình 1278); Đề án hợp tác quốc tế về biển đến năm 2020 (Đề án 80)… Mục tiêu của các chương trình, đề án là nhằm giúp cơ quan quản lý nhà nước có được thông tin chính xác, cách tiếp cận phù hợp góp phần phát triển kinh tế của đất nước trong khi vẫn bảo tồn và phát huy các giá trị của biển và hải đảo một cách bền vững, thực hiện thắng lợi mục tiêu của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
Tại diễn đàn, các tham luận đều nhấn mạnh đến tiềm năng to lớn về kinh tế biển của Việt Nam: Nước ta có cả vùng biển rộng lớn gấp hơn ba lần diện tích đất liền chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng với trữ lượng vào loại khá. Sự hiện diện của hơn 3.000 đảo lớn, nhỏ và hai quần đảo ngoài khơi là Hoàng Sa và Trường Sa đã tạo thế và lực cho đất nước ta trong xây dựng các cụm dịch vụ hậu cần cho hoạt động biển xa, phát triển du lịch biển đảo và thế trận quốc phòng, an ninh. Bờ biển nước ta dài và dọc bờ biển có hơn 100 cảng biển, bến, 48 vũng, vịnh và trên 112 cửa sông, cửa lạch đổ ra biển. Điều này đã tạo thuận lợi cho việc giao lưu thương mại quốc tế qua đại dương.
Trong một vài thập kỷ tới, với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của các nước trong khu vực, khối lượng hàng hóa vận chuyển qua Biển Đông sẽ tăng gấp hai, ba lần hiện nay, khi đó Biển Đông nói chung và vùng biển Việt Nam nói riêng càng có vai trò to lớn trong thương mại thế giới; vùng biển Việt Nam sẽ trở thành chiếc cầu nối quan trọng để phát triển thương mại quốc tế và mở rộng giao lưu với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, các ý kiến tại diễn đàn đều có chung nhận định rằng: Thực tiễn triển khai Chiến lược biển cũng như việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế biển ở nước ta cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc, như: chúng ta chưa tổ chức được một cách khoa học và kiểm soát được không gian vùng biển của mình, chưa tổ chức nghiên cứu và nắm được các quy luật và điều kiện tự nhiên và môi trường biển một cách có hệ thống và chưa có khả năng dự báo các quy luật trên để phục vụ cho các việc khai thác, phát triển biển. Chúng ta cũng chưa có được nguồn nhân lực mạnh và một hạ tầng kỹ thuật cần thiết, nhất là các thiết bị, công nghệ hiện đại khảo sát nghiên cứu để phục vụ cho sự phát triển kinh tế biển. Bên cạnh đó, cuộc sống của phần lớn những cư dân ven biển, những người trực tiếp tham gia vào khai thác tài nguyên biển còn gặp nhiều khó khăn, chịu nhiều rủi ro từ thiên tai và những tranh chấp trên biển trong vùng đặc quyền kinh tế trên biển của nước ta…
Một vấn đề quan trọng khác là Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập với thế giới bên ngoài, vì vậy, đối với biển chúng ta cần nghiên cứu và đưa ra một đường lối hợp tác hiệu quả với các quốc gia nhằm phục vụ cho việc khai thác các tiềm năng biển, phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc. Đây thực sự là những vấn đề rất quan trọng để các ngành, các cấp và cộng đồng phải chung tay vào cuộc một cách mạnh mẽ hơn và mang tính đột phá hơn để thực hiện thành công Chiến lược biển, sớm đưa Việt Nam trở thành một quốc gia giàu vì biển, mạnh vì biển.
Theo ý kiến của các chuyên gia đưa ra tại diễn đàn; có một số vấn đề vướng mắc mang tính chiến lược khiến kinh tế biển nước ta vẫn chưa thể bứt phá đi lên. Cụ thể:
– Cách tiếp cận phát triển kinh tế biển của nước ta hiện nay có hai thiếu sót lớn. Một là xu hướng muốn vận dụng một cách đơn giản và dễ dãi tư duy phát triển nông nghiệp truyền thống – tư duy phát triển tiểu nông, gắn với “con trâu đi trước cái cày đi sau” – vào công cuộc phát triển kinh tế biển; tức là cách thức khai thác biển theo lối đánh bắt ven bờ. Hai là thiếu tư duy toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, chưa rõ tầm nhìn toàn cầu và thời đại trong công cuộc phát triển kinh tế biển trong bối cảnh hiện đại, trong khi cả thế giới đang đồng loạt tiến ra biển, chiếm hữu không gian biển, khai thác biển ở tất cả các loại hình, cấp độ với những công cụ và phương thức hiện đại.
Do cách tư duy như vậy nên chúng ta thiếu thể chế phù hợp để tạo động lực thực sự cho các lĩnh vực thuộc kinh tế biển bứt phá đi lên.
– Mới chú trọng nhiều vào khai thác tài nguyên vật chất biển, chưa chú ý nhiều vào các dạng tài nguyên phi vật chất, phi vật thể như giá trị vị thế các mảng không gian biển, giá trị dịch vụ của các hệ sinh thái… Trong khi đó, Biển phải được quản lý theo không gian ba chiều, bởi tài nguyên biển phân tầng ở trên mặt nước, mặt bằng dưới đáy biển và ở tầng sâu dưới đáy biển đều có tài nguyên. Để làm được việc này, chúng ta phải chú trọng hơn cho việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực và khoa học biển.
– Về quản lý nhà nước, hiện nay, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam có nhiệm vụ thống nhất quản lý về biển đảo. Thế nhưng, trên thực tế, đang có đến 15 bộ, ngành tham gia quản lý biển. Dù được giao nhiệm vụ thống nhất quản lý nhưng vì “vai vế” thấp nên Tổng cục Biển và Hải đảo rất khó khăn khi yêu cầu các bộ, ngành có liên quan cung cấp thông tin. Chính vì vậy, việc ban hành một bộ luật về biển là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhằm tạo cơ sở pháp lý rõ ràng hơn trong vấn đề quy hoạch, quản lý, khai thác và bảo vệ biển. Khi có một hành lang pháp lý hoàn thiện cùng một thể chế kinh tế hiện đại sẽ tạo tiền đề cho một phương thức quản lý biển tổng hợp, một nền khoa học công nghệ biển tiên tiến phát triển, và một nền kinh tế biển hiệu quả.
b. Đối với các khu kinh tế ven biển:
Diễn đàn đã có chung nhận định, mặc dù thời gian triển khai chưa lâu (chưa đầy 10 năm nếu lấy mốc khởi điểm là Khu kinh tế Mở Chu Lai được khởi công xây dựng) và chủ yếu đang trong quá trình đầu tư, xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật nhưng các KKT ven biển đã bước đầu đạt được những kết quả khả quan, mở ra nhiều tiềm năng phát triển, cơ hội thay đổi cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật sản xuất theo hướng hiện đại hóa, sản xuất lớn tại các địa phương. Các KKT đã từng bước chứng tỏ được vai trò trong việc đóng góp vào phát triển kinh tế, công nghiệp, dịch vụ, thể hiện ở một số điểm chủ yếu gồm:
+ Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, công nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế;
+ Thu hút vốn đầu tư phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế của địa phương và đất nước;
+ Thúc đẩy phát triển đô thị và bảo vệ môi trường;
+ Giải quyết việc làm, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề rất cần được giải quyết:
– Cả nước cho đến nay đã có tới 15 khu kinh tế ven biển nhưng chưa một khu nào thực sự được xem là một khu kinh tế theo đúng nghĩa, chưa được giới đầu tư quốc tế quan tâm, nhất là các công ty đa quốc gia. Các khu kinh tế hiện vẫn chủ yếu dựa vào nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và từ các tập đoàn kinh tế quốcdoanh. Trong khi mục tiêu chính của các khu kinh tế là để tạo lực hút mạnh các nhà đầu tư quốc tế, tạo thành các đầu tầu kinh tế cho khu vực. Mặc dù vậy, theo quy hoạch được duyệt, tới đây có thể còn có thêm ít nhất 5 khu kinh tế nữa được cho thành lập. Rõ ràng số lượng như vậy là quá nhiều và nguồn vốn đầu tư ngân sách sẽ tiếp tục bị dàn trải vào các mục tiêu phát triển hạ tầng trong các khu kinh tế này.
– Một số khu kinh tế được thành lập khi chưa thật sự đáp ứng đầy đủ các yếu tố và điều kiện cần thiết, do đó gặp khó khăn trong việc thu hút đầu tư, kết quả hoạt động chưa đạt được như mong muốn.
– Sự hình thành các khu kinh tế ven biển được gắn với hệ thống cảng biển nước sâu càng đưa nước ta đứng trước hiện tượng thừa cảng biển nhưng lại thiếu hệ thống hạ tầng kết nối nên không phát huy được lợi thế vận tải biển và vì thế không thu hút được nhà đầu tư quốc tế.
– Các khu kinh tế chưa thể hiện được mối quan hệ liên kết, tương hỗ trong quá trình hoạt động mặc dù một số khu kinh tế có vị trí địa lý và các điều kiện thuận lợi về hạ tầng giao thông kết nối. Một số công trình hạ tầng kỹ thuật như cảng biển nước sâu, nhà máy điện, nhà máy thép… đã không được tính toán để có sự chia sẻ trong quá trình đầu tư.
– Do vậy: Nên giảm bớt các khu kinh tế hiện nay và chỉ nên tập trung xây dựng ở một số k kinh tế theo mô hình đặc khu kinh tế tự do mà ở đó những nút thắt về thể chế kinh tế được tháo bỏ; nên trao cho các khu trọng điểm này một thể chế kinh tế phù hợp, có trình độ quản lý, trình độ công nghệ cao. Những khu kinh tế cùng với các cảng biển nước sâu đi kèm này phải được cân nhắc kỹ càng về vị trí và lợi thế trên bản đồ vận tải hàng hải quốc tế để có thể hình thành một cực phát triển mới, nối tiếp vào chuỗi đầu tư và các lộ trình thương mại và hàng hải quốc tế.
Từ đó tập trung đầu tư lớn cho các khu này bứt phá đi lên để thực sự trở thành những đầu tàu kinh tế của khu vực, tạo đà cho các vùng phát triển và lúc đó các khu kinh tế khác cũng có điều kiện phát triển theo.
Bảy khuyến nghị chính của các chuyên gia đưa ra tại VMEF 2011 gồm:
1- Cần có những quyết sách chiến lược và giải pháp đồng bộ để khẳng định và khai thác hiệu quả biển, và kinh tế biển phải đóng vai trò quyết định đối với tương lai của dân tộc Việt: đó là không gian sinh tồn, không gian phát triển!
2- Chuẩn bị đánh giá nghiêm túc tình hình thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 sau 5 năm thực hiện để có những điều chỉnh chiến lược thích ứng và kịp thời.
3- Cơ cấu lại kinh tế biển của nước ta, tổ chức lại lãnh thổ phát triển kinh tế biển (duyên hải, biển, đảo, đại dương… trong xu thế “lấy đại dương nuôi đất liền”); đồng thời nên thành lập Bộ Kinh tế biển để quản lý thống nhất biển, đảo và ven biển. Bộ này nên có nguồn nhân lực được tập hợp từ bộ phận quản lý biển và kinh tế biển ở nhiều bộ ngành khác, để tạo sức mạnh tổng hợp, phát huy thế và lực trong quản lý và phát triển bền vững ba phần tổ quốc là biển.
4- Chú trọng ba vấn đề cơ bản trong chiến lược hướng ra biển là thông tin dữ liệu, con người/nguồn nhân lực, và chính sách. Thực tế hiện nay cho thấy cả ba vấn đề này ở nước ta còn rất yếu, đặc biệt trong đó đáng chú ý nhất là chiến lược về nguồn nhân lực biển chưa có nhiều tiến triển đáng kể sau năm năm triển khai Chiến lược biển.
5- Tình hình sử dụng biển và hải đảo ở nước ta hiện vẫn chưa hiệu quả, thiếu bền vữngdo khai thác tự phát, thiếu/không tuân thủ quy hoạch biển đảo, làm nảy sinh không ít mâu thuẫn lợi ích, thậm chí ngay trong một khu vực địa lý nhỏ (một vịnh biển, một vùng cửa sông, một khu bờ biển,…). Quá trình sử dụng biển đảo chỉ chú trọng nhiều vào các dạng tài nguyên vật chất, chưa chú trọng các dạng tài nguyên phi vật chất, phi vật thể, như: giá trị vị thế của các mảng không gian biển, ven biển và hải đảo; giá trị dịch vụ của các hệ sinh thái, thậm chí các giá trị văn hóa biển.
Tài nguyên biển thuộc dạng tài nguyên chia sẻ, chứa đựng “yếu tố không gian”, là tiền đề phát triển đa ngành. Song, việc quản lý biển, đảo đến nay vẫn theo cách tiếp cận mở kiểu “điền tư, ngư chung” và chủ yếu quản lý theo ngành. Các phương thức/chính sách quản lý tài nguyên theo cách tiếp cận mới chậm được áp dụng, nếu đã áp dụng cũng chưa có khả năng nhân rộng.
Do vậy, quá trình phát triển kinh tế-xã hội biển cần chú trọng đặc biệt đến “quản lý phát triển” để lập lại kỷ cương trong phát triển trên biển, đảo và vùng ven biển hiện nay.
6- Xem xét nghiêm túc bản chất, hiệu quả, dự báo…đối với các khu kinh tế ven biển hiện nay để kịp thời có chính sách điều chỉnh đồng bộ. Tăng liên kết vùng, giảm “hội chứng” khu kinh tế ven biển, trong đó cần cân nhắc về tác động biến đổi khí hậu trong việc hoạch định phát triển các khu kinh tế ven biển. Bởi tài nguyên biển, ven biển nước ta chịu tác động hàng năm của các hoạt động phát triển của con người và của thiên tai và đặc biệt lâu dài bởi tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng
7- Cần sớm có một phương án tổ chức lãnh thổ hợp lý mang tầm chiến lược để tăng hiệu quả sử dụng biển. Xây dựng khuôn khổ quản lý tổng hợp vùng bờ, bao gồm cơ chế chính sách phối hợp liên ngành, phối hợp giữa trung ương và địa phương, các hướng dẫn kỹ thuật và phân vùng chức năng vùng bờ và quy hoạch không gian biển cho phát triển bền vững. Xây dựng và triển khai phương án phân chia ranh giới biển cho cấp tỉnh, giao mặt nước biển cho cộng đồng sử dụng và tự quản lý dưới sự giám sát của Nhà nước để phân cấp quản lý cho địa phương theo vùng chức năng và quản lý dựa vào hệ sinh thái. Trong đó, hội nhập kinh tế quốc tế trên biển và vùng duyên hải cần được đặc biệt chú trọng.
III/ Công tác truyền thông
Diễn đàn đã có sự tham gia đưa tin của khoảng 40 nhà báo đến từ tất cả các cơ quan báo chí lớn trong nước và có đủ các loại hình báo chí là truyền hình, đài tiếng nói, báo mạng và báo in. Ước tính sơ bộ đến ngày 20/6/2011 đã có khoảng gần 100 tin, bài, ảnh, phóng sự, chuyên đề, phỏng vấn…của các cơ quan báo chí đã đưa tin về các nội dung của Diễn đàn. Đáng chú ý, giới báo chí đã chú trọng đưa tin khá sâu và toàn diện về tiềm năng triển vọng tài nguyên biển của Việt Nam và những vấn đề đặt ra để khai thác có hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên biển của nước ta.
IV/ Một số kế hoạch dự kiến của Ban tổ chức VMEF trong thời gian tới
Chính thức xây dựng trang web của diễn đàn lấy tên: www.vmef.vn để truyển tải nội dung của các kỳ diễn đàn; đồng thời tạo diễn đàn trao đổi thường xuyên trên mạng internet. Tạp chí ĐTNN sẽ chịu trách nhiệm vận hành và tổ chức nội dung cho trang web này.
Sau khi tổng kết diễn đàn hàng năm, Ban tổ chức sẽ hình thành một số nhóm công tác chuyên môn trong lĩnh vực kinh tế biển để tiến hành nghiên cứu và xây dựng báo cáo theo chủ đề quan trọng được đưa ra diễn đàn hàng năm. Các báo cáo này sẽ được chuẩn bị nhiều tháng trước khi diễn ra diễn đàn chính. Có xem xét mời một số chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm và chuyên môn sâu về các chủ đề quan tâm cùng tham gia nghiên cứu và xây dựng báo cáo.
Tiến hành tổ chức một số tọa đàm quy mô nhỏ liên quan đến các lĩnh vực của kinh tế biển để làm cơ sở và chuẩn bị nội dung cho chương trình chính của diễn đàn thường niên.
Ban tổ chức VMEF 2011