Tổ chức không gian ven biển trong Chiến lược biển Việt Nam-TS. Hoàng Ngọc Phong -Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển-Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Biển Đông (trong đó có vùng biển Việt Nam) có vị trí địa kinh tế và địa chính trị quan trọng như vậy nên từ lâu đã là nhân tố không thể thiếu trong Chiến lược phát triển kinh tê không chỉ của các nước xung quanh Biển Đông, mà còn của một số cường quốc hàng hải khác trên thế giới. Đó cũng là những lý do quan trọng của những tranh chấp vẫn còn tồn tại ở vùng biển quan trọng này.
Việt Nam, với bờ biển dài hơn 3.200 km bao lấy lãnh thổ ở cả 3 hướng: Đông, Nam và Tây Nam, trung bình khoảng 100 km2 đất liền có 1 km bờ biển (cao gấp 6 lần tỷ lệ này của thế giới), không một nơi nào trên lãnh thổ Việt Nam lại cách xa biển hơn 500 km; vì vậy biển đã gắn bó mật thiết và ảnh hưởng lớn đến mọi miền của đất nước. Sự hình thành mạng lưới cảng biển cùng các tuyến đường bộ, đường sắt dọc ven biển và nối với các vùng sâu trong nội địa (đặc biệt là các tuyến đường xuyên á) sẽ cho phép vùng biển và ven biển nước ta có khả năng chuyển tải hàng hoá xuất nhập khẩu tới mọi miền của Tổ quốc, đồng thời thu hút cả vùng Tây – Nam Trung Quốc, Lào, Đông Bắc Thái Lan và Campuchia. Nó cũng tạo cho chúng ta tổ chức phát triển không gian biển một cách tối ưu khoa học, trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế và nguồn lợi từ biển để phát triển kinh tê-xã hội của chúng ta trên từng vùng lãnh thổ.
Khác với trên đất liền, không gian kinh tế biển rộng mở, tiềm năng không gian biển cho phát triển còn rất lớn, tập trung chủ yếu vào các mảng không gian: không gian vùng bờ (ven biển và ven bờ); không gian biển; không gian đảo; và không gian đại dương. Dưới đây chỉ đề cập đến ba mảng không gian vùng bờ gắn với chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2020.
Phát triển vùng ven biển nhằm tạo động lực lan tỏa hỗ trợ phát triển vùng trung du-miền núi, đồng thời tạo cơ sở cho phát triển một nền kinh tế biển vững chắc và lâu dài mang tầm chiến lược; Đây chính tiền đề cho việc quan trong, quyết định trong chiến lược kinh tế biển tầm cỡ gắn với một nền quốc phòng và an ninh trên biển phù hợp với xu thế phát triển của một quốc gia biển. Vùng ven biển là “bàn đạp” tiến ra biển, là hậu phương hỗ trợ các hoạt động trên biển thông qua các trung tâm kinh tế hải đảo. Cho nên, dọc ven biển phải kiến tạo các cực phát triển mạnh (trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội… tức là các đô thị lớn ven biển) có bán kính ảnh hưởng rộng ra biển, có khả năng đối trọng với các cực phát triển lớn trong khu vực biển Đông; các hành lang kinh tế ven biển, lôi kéo không chỉ nội vùng và lân cận, mà còn vào sâu nội địa và lan ra xa ngoài biển.

1. Vùng biển và ven biển Phía Bắc (từ Móng Cái – Ninh Bình)
Vùng biển và ven biển Bắc Bộ là cửa ngõ ra biển của các tỉnh phía Bắc, gồm 23 huyện của 5 tỉnh có biển từ Quảng Ninh (bắt đầu tư Móng cái) đến hết bờ biển tỉnh Ninh Bình. Diện tích 9,083 km2, dân số năm 2010 là hơn 5 triệu người.
Trong bối cảnh hiện nay, với vị thế quan trọng của vùng biển phía Bắc, nơi tiếp giáp trực tiếp với Trung Quốc đang có nhiều biến động, Tiểu vùng này sẽ được chú ý đầu tư để tổ chức phát triển không gian biển và vùng biển theo hướng có thể làm đối trọng với các thị trường khu vực, đồng thời khai thác có hiệu quả hơn nữa các nguồn lực của vùng như cảng biển, vận tải biển, du lịch, dịch vụ hàng không.
1.1. Định hướng phát triển các ngành chủ yếu
– Phát triển công nghiệp đóng tàu thủy ở Quảng Ninh- Hải Phòng;
– Phát triển cảng biển Cái Lân, Hải Phòng và các cảng khác của Quảng Ninh-Hải Phòng với tổng CS đến 2020 đạt 120 triệu tấn/năm.
– Khai thác tổng hợp tài nguyên du lịch biển đảo Hạ Long-Cát Bà – Đồ Sơn. Xây dựng một quần thể các công trình thể thao-giải trí với các phương tiện du lịch hiện đại.
– Khai thác dầu khí và hình thành khu dịch vụ dầu khí trong vùng.
1.2. Định hướng bố trí không gian. Tổ chức lại không gian kinh tế của tiểu vùng này phải đặt trong mối quan hệ tổng thể gắn kết chặt chẽ với các vùng nội địa. Định hướng tổ chức không gian của vùng là: xây dựng khu vực Hải Phòng-Hạ Long thành một trung tâm kinh tế biển mạnh, làm đầu tầu lôi kéo cả vùng phát triển. Với việc xây dựng và hình thành khu Vân Đồn và Đình Vũ Cát Hải trở thành khu kinh tế tổng hợp, là trung tâm hướng ra biển của phía Bắc theo 2 hành lang kinh tế Côn Minh-Lào Cai-Hà Nội –Hải Phòng–Quảng Ninh và Nam Ninh-Lạng Sơn-Hà Nội-HảI Phòng và vành đai kinh tế Vịnh Bắc bộ.
Phát triển các ngành công nghiệp gắn với cảng và vận tải biển như cơ khí đóng mới và sửa chữa tàu biển, sản xuất container và các thiết bị cảng, công nghiệp gia công chế biến xuất khẩu… Tận dụng ưu thế về cửa mở và giao thông xuất nhập của cảng để hình thành các khu công nghiệp, khu chế xuất ven biển để mở cửa mạnh mẽ và thu hút đầu tư của nước ngoài. Đặc biệt phát triển tổng hợp du lịch và dịch vụ biển, sớm hình thành một trung tâm du lịch-thể thao- giải trí ven biển hiện đại tầm cỡ quốc tế có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực. Phát triển khai thác nuôi trồng, chế biến hải sản và dịch vụ nghề cá.
Như vậy, từ trọng tâm của phát triển cảng biển, các ngành khác trong khu vực sẽ được phát triển mạnh, đặc biệt là công nghiệp, du lịch và dịch vụ biển, tạo cho khu vực có bước phát triển “nhảy vọt” với tốc độ tăng trưởng bình quân 13-15%/năm, từng bước trở thành một trung tâm kinh tế biển hiện đại, một “cực phát triển” lớn ở phía Bắc, có sức thu hút mạnh các vùng nội địa phía trong, đồng thời làm bàn đạp vững chắc để phát triển khai thác các vùng biển khơi xa.
Tuy nhiên việc tập trung phát triển kinh tế với tốc độ nhanh và dung lượng lớn trong khu vực này đòi hỏi phải có các giải pháp tổng thể về xử lý ô nhiễm, bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái, đảm bảo sự phát triển lâu dài, bền vững.
a) Hình thành và phát triển các khu cụm công nghiệp ven biển/ trên cơ sở kết hợp giữa sắp xếp lại các khu công nghiệp hiện có, với xây dựng các khu công nghiệp mới nhằm tạo ra “bộ xương” kinh tế cho tiểu vùng.
– Đối với các khu công nghiệp nằm trong các thành phố ven biển, gần khu dân cư như khu công nghiệp Cái Lân, Hải Phòng chủ yếu đầu tư chiều sâu, đổi mới trang thiết bị, từng bước hiện đại hoá công nghệ, nhằm đồng bộ hoá sản xuất. Kiên quyết chuyển hoặc dỡ bỏ các xí nghiệp công nghiệp cũ gây độc hại tới môi trường ở trong khu vực đô thị.
– Đối với khu cụm công nghiệp ở khu vực ngoại vi như khu công nghiệp Cẩm Phả- Dương Huy, Uông Bí-Mạo Khê, Thượng Lý-Quán Toán, Minh Đức -Thuỷ Nguyên, Thái Bình, Nam Định, bên cạnh đầu tư đổi mới công nghệ, đồng bộ hoá cơ sở hạ tầng, cần tiếp tục xây dựng các xí nghiệp mới có cùng tính chất hoặc có quan hệ với nhau trong quá trình sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi trong việc xử lý ô nhiễm môi trường, thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài để mở rộng sản xuất, đáp ứng nhu cầu trong vùng và xuất khẩu.
-Nhanh chóng đào tạo lại và đào tạo mới đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật để có đủ số lượng, cơ cấu và trình độ, đáp ứng kịp thời sự phát triển của các khu cụm công nghiệp trong tương lai như:
b) Tổ chức không gian các tuyến trục và hành lang kinh tế
+ Tuyến kinh tế ven biển Hạ Long-Móng Cái. Tuyến này đảm nhận chức năng giao lưu quốc tế, phát triển thương mại, du lịch tầm cỡ quốc gia và quốc tế đồng thời là tuyến trục quan trọng để đối ứng với phía Trung Quốc… Các ngành kinh tế quan trọng của tuyến kinh tế này cần ưu tiên phát triển là: thương mại, du lịch, cảng biển, khai thác nuôi trồng hải sản, công nghiệp đóng tàu và công nghiệp chế biến.
+ Cùng với tuyến kinh tế Hạ Long- Móng Cái, phát triển các tuyến kinh tế ven biển dọc đường 10 từ Ninh Bình đến Quảng Ninh (vành đai biển cuả toàn vùng Đồng bằng sông Hồng) với các ngành ưu tiên là: Công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch và dịch vụ.
+ Các tuyến hành lang kinh tế phát triển trong vùng này là:
– Hành lang kinh tế dọc đường 18: Đường 18 là một trong các tuyến giao thông huyết mạch nối liền Thủ đô Hà Nội và các trung tâm kinh tế của vùng Bắc Bộ ra cửa biển lớn Cái Lân. Các ngành kinh tế được ưu tiên phát triển trên tuyến này là công nghiệp năng lượng, cơ khí sửa chữa và chế tạo lớn, chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm sản và dịch vụ.
– Hành lang kinh tế dọc đường 5: Tại đây sẽ tập trung phát triển các ngành công nghiệp chủ lực và mũi nhọn có công nghệ tiên tiến như: Kỹ thuật điện, điện tử, lắp ráp ô tô, sản xuất máy móc thiết bị, công nghiệp luyện kim, đóng tàu, dệt da may, công nghiệp thực phẩm và công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng cao cấp.
c) Tổ chức mạng lưới đô thị ven biển. Trong tương lai, sự hình thành và phát triển cảng biển lớn, các khu công nghiệp tập trung, các trung tâm du lịch và dịch vụ. Do vậy cần kiến thiết lại hệ thống đô thị ven biển một cách hợp lý, hình thành các “cực thu hút” và các “tuyến lực” dọc ven biển để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trong vùng.
Phát triển Hạ Long thành một cực phát triển của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và là trung tâm du lịch, thể thao, giải trí ven biển lớn của cả nước và quốc tế. Tập trung hoàn thiện và phát triển các cơ sở hạ tầng, quy hoạch sắp xếp lại không gian, đổi mới cơ cấu kinh tế, phát triển các ngành công nghiệp sạch, phù hợp với chức năng của thành phố công nghiệp cảng, du lịch và dịch vụ tổng hợp.
Mở rộng không gian thành phố về phía Đồ Sơn. Xây dựng một số khu phố mới ở Bắc Sông Cấm. Đầu tư nâng cấp đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng trong khu vực nội thành, cải tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp, văn minh và hiện đại phù hợp với chức năng là trung tâm kinh tế, văn hoá của một thành phố mở cửa.
Cùng với việc phát triển các thành phố trung tâm nêu trên, chú trọng quy hoạch sắp xếp lại và phát triển các đô thị trung tâm hành chính cấp tỉnh như: Thái Bình, Nam Định, Phủ Lý, Ninh Bình, Thanh Hoá, Hà Tĩnh. Phát triển các đô thị vừa và nhỏ dọc ven biển và theo các tuyến lực, hình thành một mạng lưới các đô thị vệ tinh để hỗ trợ các đô thị trung tâm, thúc đẩy công nghiệp hoá nông thôn, đồng thời hạn chế việc di chuyển quá mức dân cư và lao động nông thôn vào các đô thị lớn.

2. Vùng biển và ven biển Bắc Trung bộ, Duyên hải Trung bộ (từ Thanh Hóa – Bình Thuận)
Vùng biển và ven biển Bắc Trung bộ và Duyên hải Miền Trung bao gồm 73 huyện của 14 tỉnh có biển từ Thanh Hoá đến hết bờ biển tỉnh Bình Thuận, diện tích 36.078 km2, dân số năm 2011 gần 13,0 triệu người.
2.1. Hướng bố trí các ngành chủ yếu
– Phát triển cảng biển nước sâu, cảng trung chuyển Văn Phong;
– Phát triển công nghiệp đóng và sửa chữa tàu thủy;
– Phát triển công nghiệp chế biến dầu khí và các phẩm dầu;
– Đẩy mạnh khai thác và chế biến hải sản;
– Phát triển khai thác muối chất lượng cao;
– Khai thác khoáng sản ven biển như quặng sắt, cát thủy tinh…
– Phát triển du lịch biển.
2.2. Hướng tổ chức không gian vùng kinh tế vùng. Hướng tổ chức không gian của Tiểu vùng là phát triển có trọng điểm, tạo ra những mũi đột phá, những trục động lực từ phía biển, từ đó tạo đà đi lên cho cả Miền Trung. Cụ thể là:
a) Xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm kinh tế biển mạnh của vùng và là một trong ba trung tâm kinh tế biển của nước ta.
Đà Nẵng nằm ở vị trí trung độ của cả nước, nhìn thẳng ra Biển Đông, là đầu mối giao thông lớn nhất của vùng cả về đường sắt, đường bộ, đường không và đường thuỷ. Với những lợi thế nêu trên, Đà Nẵng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển tổng hợp kinh tế biển, từng bước trở thành Trung tâm kinh tế biển mạnh của vùng, là một trong 3 trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước, đồng thời làm bàn đạp để phát triển mạnh khai thác các vùng biển khơi. Sớm hình thành một trung tâm nghề cá mạnh của cả nước, để hỗ trợ ngư dân các địa phương trong vùng phát triển khai thác vùng khơi Biển Đông, kết hợp với bảo vệ chủ quyền và an ninh chính trị trên biển, nhất là các vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa.
Phát triển tổng hợp du lịch và dịch vụ biển. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển du lịch biển với du lịch núi và du lịch di tích, danh thắng cùng với việc xây dựng tại khu vực Huế – Đà Nẵng một quần thể du lịch lớn và hiện đại, đủ sức cạnh tranh với thị trường du lịch trong nước và quốc tế. Đà Nẵng cũng sẽ là một trung tâm lớn về dịch vụ thương mại, tài chính ngân hàng của cả nước.
b) Tổ chức các tuyến và dải hành lang phát triển kinh tế.
– Tuyến hành lang kinh tế ven biển. Tuyến hành lang kinh tế ven biển, mà khung của nó là hành lang Quốc lộ 1, đường sắt xuyên Việt và các cực đô thị, trên đó gắn với cảng biển, sân bay…là đầu mối giao thông từ các cảng biển tỏa đến các vùng trong nội địa, nối với các nước lân cận thông qua các tuyến đường xuyên á. Đây là khu vực có nhiều tiềm năng phát triển, là động lực chính của tiểu vùng.
Khâu đột phá chính của hành lang này là dải Đà Nẵng – Dung Quất, xương sống của vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung với sự hình thành khu công nghiệp tổng hợp Dung Quất, công nghiệp cảng và dịch vụ cảng kết hợp với phát triển du lịch, khai thác và chế biến hải sản. Phát triển mạnh du lịch, công nghiệp nhẹ, khai thác hải sản và dịch vụ vận tải ở các dải ven biển Huế-Đông Hà, Quy Nhơn-Vân Phong-Nha Trang-Cam Ranh.
c) Hướng tổ chức không gian công nghiệp trong tiểu vùng là:
+ Hoàn chỉnh và đồng bộ hoá các khu công nghiệp hiện có. Dọc ven biển từ Đèo Ngang đến Mũi Dinh đã hình thành các khu công nghiệp, phân bố tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hoà. Các khu công nghiệp chủ yếu là chế biến lương thực-thực phẩm và sản xuất vật liệu xây dựng. Đối với các khu công nghiệp này hướng chủ yếu là tổ chức sắp xếp lại sản xuất phù hợp với tính chất của các đô thị công nghiệp-dịch vụ, đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ hiện đại. Phát triển mạnh công nghiệp chế biến, lâm thuỷ sản đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu và phát triển lan tỏa kinh tế khu vực nông thôn vùng sâu và phía Tây.
d) Tổ chức không gian các đô thị ven biển. Do đặc trưng của tiểu vùng là hẹp về chiều ngang và kéo dài, địa hình bị chia cắt mạnh, nên sự gắn kết giữa các đô thị trong tiểu vùng yếu ớt. Mỗi đô thị ở đây phải đảm nhiệm chức năng là trung tâm kinh tế, văn hoá, chính trị của từng tỉnh và có tác động lan toả chủ yếu trên lãnh thổ của tỉnh mình. Do đó, đặc trưng phân bố của hệ thống đô thị trong Tiểu vùng là “đa trung tâm”. Có nghĩa là hình thành nhiều trung tâm vừa và nhỏ, phân bố hợp lý, không quá tập trung vào các thành phố lớn. Kết hợp giữa phát triển có trọng điểm chuỗi đô thị Huế-Chân Mây-Đà Nẵng-Chu Lai-Vạn Tường-Qui Nhơn-Tuy Hoà-Nha Trang-Tháp Chàm, với hình thành một số chuỗi đô thị quy mô nhỏ hơn, đồng thời phát triển các đô thị vệ tinh ở phía Tây để hỗ trợ sự nghiệp công nghiệp hoá nông thôn và hạn chế sự di dân ồ ạt thiếu tổ chức vào các đô thị lớn như hiện nay. Coi trọng việc xây dựng các đô thị trung tâm tạo sự đột phá trong địa bàn. Phát triển đồng bộ các công trình kết cấu hạ tầng: giao thông, điện, nước và các công trình công cộng khác, đảm bảo điều kiện sống và làm việc ngày càng tốt hơn trong một không gian rộng thoáng, nối liền các thành phố và đô thị lớn với các khu vực nông thôn.
2.3. Xây dựng Vân Phong thành trung tâm ra biển và xây dựng cảng trung chuyển quốc tế của vùng. Với địa thế thuận lợi cho việc phát triển kinh tế biển và du lịch ngoài biển đã và đang tạo cho Vân Phong một thế mạnh vượt trội ở miền Trung vươn ra biển.
ý tưởng xây dựng Vân Phong thành cảng trung chuyển quốc tế đã được đề xuất từ những năm đầu của thập niên 90. Đến năm 2005 mới được chính thức phê duyệt và được khởi động từ năm 2006 đến nay, xây hai cầu cảng để tiếp nhận tàu container 6000TEUs. Tiến độ thực hiện tương đối chậm, có thể phải điều chỉnh cho phù hợp, khi mà ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang hình thành 5 cảng container liên doanh có cùng quy mô cũng để đón tàu container 6000TEUs cập bến. 
Xét về chiến lược phát triển kinh tế biển cũng như thực trạng cảng biển vừa qua cho thấy Việt Nam rất cần một cảng trung chuyển tầm cỡ (gồm cảng container, cảng tổng hợp, cảng chuyển tải nhiên liệu…). Trước hết là để nâng thị phần vận tải biển, hiện mới chỉ chiếm khoảng hơn 20% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước. Tiếp đến là giảm chi phí chuyển tải quá lớn qua các cảng trong khu vực như Singapore, Hong Kong, Cao Hùng, trước khi hàng xuất khẩu của Việt Nam đến Bắc Mỹ và Châu Âu. Đồng thời với vị trí thuận lợi như Vân Phong trên biển Đông, cảng trung chuyển quốc tế sẽ đem về cho Việt Nam nguồn thu lớn về kinh tế cũng như vị thế của một quốc gia mạnh về biển.
Nếu nhìn từ góc độ địa lý hàng hải không có cảng biển nào ở Việt Nam tốt và thuận lợi hơn cảng Vân Phong. Với luồng biển rộng 400m, độ sâu từ 25 – 41m, nằm trong vịnh kín gió, bờ vịnh chiều dài 31 km có thể xây bến cảng, kho bãi chứa hàng, bãi container. Ngoài ra, mặt nước vịnh kín là nơi lý tưởng để cho tàu chở nhiên liệu có trọng tải đến 250.000 DWT chuyển tải an toàn, theo ước tính nếu mỗi năm có 20 triệu tấn được thông qua thì ngân sách nhà nước sẽ thu trên 10.000 tỷ đồng.
Chọn Vân Phong rất phù hợp với “thiên thời và địa lợi”. Còn vấn đề “nhân hoà”, đó là cho áp dụng cơ chế tương đồng của một cảng trung chuyển quốc tế, biến khu kinh tế Vân Phong thành “khu kinh tế mở”và cảng Vân Phong thành“cảng tự do”, đủ điều kiện phát triển và cạnh tranh với các cảng trong khu vực trong thời kỳ mở cửa, hội nhập thế giới.

3. Vùng biển và ven biển Đông Nam bộ (Bà Rịa Vũng Tàu – T.P.Hồ Chí Minh)
Vùng biển và ven biển Nam Bộ bao gồm 9 huyện, thị của 2 tỉnh có biển khu vực Đông Nam Bộ (từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến hết bờ biển của Thành phố Hồ Chí Minh), diện tích 2.279,5 km2, dân số năm 2011 là hơn 1,9 triệu người. Vùng biển có lợi thế đặc biệt là vùng khai thác dầu khí và nơi nghỉ mát nổi tiếng (Vũng Tàu). Thế mạnh này hiện đang được khai thác và vẫn còn phát triển trong thời gian tới.
3.1. Phương hướng cơ bản tổ chức không gian tiểu vùng là:
a) Tổ chức sắp xếp lại hợp lý thành phố Vũng Tàu để phát triển thành trung tâm kinh tế biển lớn của vùng và của cả nước.
Vũng Tàu nằm ở trung tâm tiểu vùng và là cửa ngõ ra biển lớn nhất của vùng Nam bộ nhằm đẩy mạnh giao lưu kinh tế với nước ngoài, đồng thời là một cực phát triển quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là khu vực tập trung lớn của nhiều lợi thế và nguồn lực phát triển cả ở biển và ven biển. Để duy trì tốc độ phát triển nhanh và ổn định, cần sắp xếp lại hợp lý kinh tế của thành phố Vũng Tàu theo chức năng của một thành phố công nghiệp và dịch vụ tổng hợp biển, trong đó các ngành: công nghiệp dịch vụ dầu khí, cảng và công nghiệp gắn với cảng, du lịch và dịch vụ là các khâu đột phá quan trọng.
Phát triển tổng hợp du lịch và dịch vụ biển. Kết hợp chặt chẽ giữa khai thác tài nguyên du lịch tự nhiên với tài nguyên du lịch nhân văn cả ở biển, ven biển và các hải đảo. Tận dụng ưu thế cửa mở của Vũng Tàu để hình thành một trung tâm du lịch – thể thao – giải trí hiện đại tầm cỡ quốc tế. Xây dựng một cảng hành khách du lịch đẹp, hiện đại gần trung tâm du lịch – thể thao của thành phổ.
Tổ chức hợp lý ngành khai thác chế biến hải sản. Đầu tư xây dựng cảng cá và đồng bộ các công trình hậu cần phục vụ, trang bị đội tàu lớn, từng bước hình thành một căn cứ nghề cá mạnh để phát triển khai thác các vùng biển khơi.
b) Hình thành các tuyến hành lang kinh tế. Xuất phát từ các lợi thế vị trí địa lý, về tài nguyên và điều kiện kết cấu hạ tầng, nhất là các trục đường giao thông lớn, hình thành một số tuyến hành lang kinh tế tạo “bộ khung” để phát triển hài hoà các khu vực, tránh sự tập trung quá mức vào các đô thị lớn.
– Tuyến hành lang kinh tế quan trọng đường 51. Đây là tuyến kinh tế lớn nhất của cả vùng Nam Bộ, liên kết Vũng Tàu với Biên Hoà. TP. Hồ Chí Minh và các nước trong khu vực thông qua tuyến đường xuyên á phía Nam. Vì vậy cần tập trung đầu tư, sớm xây dựng tuyến này thành một hành lang kinh tế phát triển mạnh cả về công nghiệp, thương mại dịch vụ và mở rộng giao lưu quốc tế, làm động lực cho phát triển của vùng.

3.2. Xây dựng các khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất dọc theo tuyến dựa trên cơ sở các nguyên liệu từ biển và lợi thế về cảng biển gồm: khu công nghiệp Tam Phước, An Phước, Nhơn Trạch, Gò Dầu, Mỹ Xuân – Phú Mỹ-Mỹ Xuân, Long Sơn, Cái Mép. Phát triển tổng hợp các loại hình dịch vụ. Cùng với việc xây dựng các khu công nghiệp trên, sẽ hình thành một loạt các đô thị vừa và nhỏ, tạo một hệ thống đô thị vệ tinh, giảm bớt cho các đô thị lớn.
– Các khu công nghiệp của thành phố Hồ Chí Minh như khu Linh Trung, Tân Thuận, Lê Minh Xuân, Cát Lái,sẽ tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, phát triển và thu hút nhiều lao động của vùng cũng như các vùng lân cận.
4. Vùng biển và ven biển Tây Nam bộ (từ Tiền Giang – Cà Mau – Hà Tiên).
Vùng biển và ven biển Tây Nam Bộ là cửa ngõ của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm 33 huyện, thị của 7 tỉnh có biển từ Tiền Giang-Cà Mau đến Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang). Diện tích gần 14.924 km2, dân số năm 2011 là hơn 5,8 triệu người. Đây là vùng biển chưa khai thác nhiều, nằm cả ở phía Đông và phía Tây, giáp với Cămpuchia và Thái Lan.
4.1. Định hướng phát triển không gian kinh tế biển
a) Phát triển toàn diện ngành hải sản, xây dựng khu vực này thành tiểu vùng kinh tế hải sản trọng điểm của cả nước.
Tập trung phát triển toàn diện ngành hải sản, bao gồm cả khai thác, nuôi trồng, chế biến và hậu cần dịch vụ. Ngành hải sản thành ngành kinh tế biển mũi nhọn của tiểu vùng, có tỷ trọng đóng góp lớn về GDP.
Phát triển mạnh nghề cá xa bờ. Đầu tư đồng bộ cho những đội tầu lớn, có công suất lớn, làm lực lượng nòng cốt cho ngư dân phát triển khai thác các vùng khơi Vịnh Thái Lan và vùng khơi Đông Nam bộ, đồng thời hỗ trợ cùng lực lượng quốc phòng ngăn ngừa có hiệu quả các tàu thuyền nước ngoài xâm phạm đánh bắt trộm hải sản, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh và chủ quyền vùng biển của Tổ Quốc. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển khai thác với phát triển đồng bộ mạng lưới các cơ sở chế biến và hậu cần phục vụ nghề cá. Xây dựng hệ thống các căn cứ hậu cần mạnh ở ven bờ và trên một số đảo quan trọng như Rạch Giá, Phú Quốc, Thổ Chu, Nam Du, Nam Căn, Gềnh Hào, Hòn Khoai.
Phát triển nuôi trồng hải đặc sản mặn, lợ, đặc biệt là nuôi tôm xuất khẩu. Kết hợp chặt chẽ giữa nuôi trồng hải sản với bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn. Xây dựng các mô hình sản xuất nông, lâm, ngư phù hợp với đặc điểm sinh thái của từng khu vực nhằm khai thác tổng hợp và có hiệu quả tiềm năng các bãi triều ven biển. Phát triển nuôi đặc sản ở biển và quanh các đảo, nhất là nuôi đồi mồi, nuôi cá và nhuyễn thể ở khu vực Hà Tiên kết hợp với thăm quan du lịch.
b) Xây dựng Rạch Giá thành trung tâm nghề cá và dịch vụ lớn của cả nước. Hướng phát triển của Rạch Giá là lấy phát triển công nghiệp, dịch vụ phục vụ nghề cá làm trọng tâm để đẩy mạnh sự phát triển của các ngành công nghiệp và dịch vụ khác.
c) Hình thành và phát triển các tuyến hành lang kinh tế ven biển.
– Tuyến kinh tế Cần Thơ-Sóc Trăng, chủ yếu phát triển công nghiệp chế biến nông, hải sản và công nghiệp nhẹ phục vụ xuất khẩu, phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hoá.
– Tuyến hành lang kinh tế ven biển phía Tây (Rạch Giá – Hà Tiên). Dải ven biển Rạch Giá – Hà Tiên là khu vực tập trung của hầu hết các thế mạnh cả về công nghiệp, ngư nghiệp và du lịch – dịch vụ của vùng kinh tế biển Tây Nam Bộ, là điều kiện thuận lợi để phát triển tổng hợp kinh tế biển. Hiện tại đây cũng là khu vực có mức độ đô thị hoá cao, có kinh tế phát triển nổi bật so với các khu vực khác trong vùng. Hướng phát triển của tuyến hành lang kinh tế này chủ yếu tập trung phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là khai thác chế biến hải sản, công nghiệp vật liệu xây dựng và du lịch dịch vụ, làm động lực thúc đẩy kinh tế của các khu vực khác trong tiểu vùng.
– Tuyến hành lang kinh tế ven biển phía Đông (Bạc Liêu-Gành Hào-Cà Mau-Năm Căn). Đây không chỉ là khu vực tập trung nguồn nguyên liệu hải sản cho chế biến xuất khẩu lớn nhất cả nước, mà còn là khu vực trọng điểm sản xuất nông nghiệp của tiểu vùng.
– Xây dựng TP Cà Mau: gắn với các đô thị ven biển của tỉnh, sẽ được phát triển thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá của tỉnh, đồng thời là trung tâm phát triển công nghiệp chế biến nông, hải sản, công nghiệp nhẹ lớn nhất trong vùng, thúc đẩy vùng nông thôn rộng lớn cực Nam của Tổ quốc, phát triển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
– Ngoài ra sẽ phát triển các đô thị, thị trấn khác như: Hòn Đất, Châu Thành, Sông Đốc, Năm Căn, Gành Hào tạo thành một hệ thống đô thị dọc ven biển, có sức hút và lan tỏa mạnh đến các vùng phía trong. Xây dựng các đô thị, thị trấn trên các đảo như Dương Đông, An Thới, Kiên Hải tạo nên các căn cứ mạnh để phát triển kết hợp với an ninh quốc phòng, bảo vệ vững chắc vùng biển Tây Nam của Tổ quốc.
d) Phát triển kết cấu hạ tầng, tạo môi trường thuận lợi để đẩy mạnh các ngành kinh tế biển.
Kết cấu hạ tầng kinh tế biển của vùng này hiện còn rất yếu và là một nhân tố gây trở ngại lớn cho phát triển kinh tế xã hội trong tiểu vùng. Trong tương lai cùng với việc cải tạo và đồng bộ hoá kết cấu hạ tầng của các trung tâm công nghiệp, các đô thị ven biển cần dành nguồn vốn thoả đáng để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng cho các vùng sâu, vùng xa và các hải đảo. Phát triển thông tin liên lạc, bảo đảm thông tin nhanh và thông suốt đến các thị tứ ven biển và đến các đảo. Mở rộng mạng lưới điện quốc gia đến tất cả các xã, các điểm dân cư tập trung, phục vụ sinh hoạt và phát triển công nghiệp nông thôn, nhất là công nghiệp chế biến nông lâm hải sản. Đầu tư trang bị các trạm phát điện độc lập cho các đảo.
4.2. Xây dựng Phú Quốc trở thành trung tâm giao thương quốc tế, trung tâm du lịch sinh thái đảo – biển của các nước và khu vực.
– Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 178/QĐ-TTg phát triển Đảo Phú quốc trở thành trung tâm giao thương quốc tế, trung tâm du lịch sinh thái đảo – biển của các nước và khu vực. Trong những năm trước mắt hình thành được một số khu du lịch và giải trí chất lượng cao, góp phần đáng kể giải quyết việc làm, nâng cao đời sống văn hoá, xã hội cho đảo Phú Quốc và các đảo nằm trong huyện Đảo
– Đến năm 2020 hoàn thành về cơ bản xây dựng Phú Quốc là trung tâm giao thương quốc tế, ngành du lịch trở thành mũi nhọn phát triển ở trình độ cao, trở thành trung tâm du lịch sinh thái đảo-biển lớn của cả nước, khu vực và quốc tế.
5. Không gian hải đảo. Vùng biển Việt Nam có khoảng 3.000 hải đảo lớn nhỏ, trong đó có 2.773 hòn đảo ven bờ với tổng diện tích 1.700km và dân số khoảng 20 vạn người. Các hải đảo phân bố khá đều từ bắc xuống Nam, nhưng tập trung nhất là ở vùng biển Quảng Ninh – Hải Phòng gồm hơn 2.300 đảo, chiếm 77% tổng số đảo cả nước.
Mỗi đảo là một“thỏi bạc”, bên cạnh các giá trị cảnh quan nổi, quanh đảo còn quy tụ các hệ sinh thái quan trọng đối với nguồn lợi hải sản, đối với phát triển nghề cá và du lịch sinh thái biển. Trên đảo có các làng cá, di tích văn hóa, lịch sử…góp phần tạo ra các giá trị du lịch mà đến nay chưa được khai thác và phát triển. Không ít đảo có lợi thế địa lý, có thể xây dựng thành trung tâm kinh tế hải đảo với cơ sở hậu cần nghề cá và dịch vụ biển xa hiện đại. Đặc biệt, trong vùng quần đảo san hô Trường Sa có gần 1.000.000 héc ta đầm phá nông (độ sâu từ 1-6 mét) thuộc các rạn san hô vòng có môi trường thuận lợi cho nuôi hải đặc sản. Vì vậy, cần xác định chức năng theo thế mạnh của từng đảo hoặc cụm đảo và tiến hành quy hoạch/lập kế hoạch phát triển kinh tế hải đảo gắn với phát triển quốc phòng an ninh và bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Đối với các đảo/cụm đảo lớn, đông dân như Vân Đồn, Cát Bà, Lý Sơn, Côn Đảo, Lý Sơn, Phú Quý, Phú Quốc…thì xây dựng thành các trung tâm kinh tế hải đảo toàn diện, có bán kính ảnh hưởng rộng ra vùng xung quanh và là những cực phát triển “tiếp nối” quan trọng trong bình đồ tổ chức không gian biển. Đối với các cụm đảo nhỏ, đảo hoang sơ (không có dân) thì phát triển kinh tế đảo gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch sinh thái biển đảo.
Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã thông qua nghị quyết về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển gắn với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả cao với tầm nhìn dài hạn. Kinh tế biển đóng góp khoảng 53 – 55% GDP, 55 – 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống của nhân dân vùng biển và ven biển…Tổ chức phát triển hợp lý không gian kinh tế- xã hội vùng biển và ven biển cũng chính là thực hiện chiến lược quan trọng này./.