Ánh sáng của Hà nội trăm năm trước – Nguyễn Đại Thắng
Niềm cảm xúc mông lung khó tả . Lũ thanh niên lần đầu xa nhà bâng khuâng nhớ về gia đình cha mẹ , nhớ những con đường , dãy phố , nhớ một bóng hình nào đó đã gởi trọn niềm thương . Giờ này , trở thành kẻ ngụ cư Sài gòn hơn ba chục năm , nỗi nhớ cứ cồn cào và róc tỉa tâm hồn mỗi khi thấy cảnh hoa đèn hồ Hoàn kiếm những ngày giáp tết . Hà nội xưa chưa điện đóm gì , ban đêm có hình dáng thế nào nhỉ.?Trong cuốn tiểu thuyết ” Bóng nước hồ Gươm ” của cố nhà văn Chu Thiên đã kể : vào tháng mười năm 1888 , triều đình nhà Nguyễn cắt Hà nội là nhượng địa thuộc Pháp , quan chủ sự Pháp trong một lần gặp gỡ các hương lý và hào phú vùng ven hồ Gươm nói :..Thưa các ông ! ở bên nước chúng tôi các thành phố các đường phố đều thẳng tắp có vỉa hè hai bên …Chúng tôi đem văn minh khai hóa , tất nhiên cũng phải giống như những thành phố văn minh rực rỡ ánh sáng như ở bên nước chúng tôi . Mà trước hết là khu vực cái hồ này …”( trang 201). Anh Nguyễn Lý Thịnh đã giúp bạn bè mình vén tấm màn thời gian ấy ; Thịnh là hậu duệ đời thứ tư của một gia tộc làm nghề thầu thắp đèn cho Hà nội ngày đó . Qua những dòng ngắn ngủi trong ghi chép của gia đình , người ta biết rõ sự nghiệp của gia tộc mình . Cụ Đèn , Bá Xướng cố nội của anh Thịnh chính là cụ Nguyễn lý Thướng . Hồi trai trẻ từ Ước Lễ , Thanh oai , tỉnh Hà đông , chàng trẻ tuổi lấy nghề làm bánh dầy , bánh giò mưu sinh ; khi trở thành người có vốn liếng, với chí tiến thủ người đàn ông Ước Lễ mạnh bạo kinh doanh nhiều ngành và trúng hội đồng quản hạt địa phương . Cụ nội anh Thịnh đã thắng thầu ngề thắp đèn đường Hà thành hồi ấy . Từ đó chết tên ” cụ Đèn “, dù cụ còn thầu bán thóc và mở công ty Vạn Lạc ở phố hàng Buồm .
Đèn đường được thắp sáng bằng dầu lạc ( đậu phộng ) , xưởng ép dầu của gia đình thuộc khuôn viên địa chỉ 61 đường Đinh tiên hoàng nhìn thẳng ra đền Ngọc sơn . Cụ Đèn cũng còn nhiều hoạt động xã hội và từ thiện như bán thóc gạo giá rẻ cứu dân bị nạn mất mùa và là người đồng tài trợ hội hoa đăng ngày 12 tháng giêng năm 1892 tại đền Quán thánh .
Hình trên là cây đèn bên ngoài của Đền Quán Thánh – một trong Thăng Long tứ trấn xưa kia. Phía bên trái chính là hồ Tây rộng lớn. Vào thời điểm bức ảnh được chụp, đường Thanh Niên như ngày nay vẫn chưa ra đời. Tác phẩm này được nhiếp ảnh gia nổi tiếng Heliog Dujardin thực hiện, từng được xuất bản trong cuốn L’Indochine (Đông Dương) của tác giả Louis-marie Salaün xuất bản ở Pháp năm 1903.
Dầu lạc được ép trong nhà , một tảng đá xanh đường kính khoảng 2 mét , dày 0,5 mét làm đế cho việc ép dầu vẫn còn .Tảng đá nằm không sâu dưới đất nếu đi cửa sau của xưởng ép dầu ở số 26 Lý thái tổ .
Chà ! chà !Những văn nhân hiếu cổ của Hà nội có thể thu lại hiện vật này như minh chứng cho một thời xưa cũ .
Dẫu biết ” Thời gian biến cải vũng nên đồi “, Ta cũng ngậm ngùi cảm thán cùng Cụ Tam nguyên Yên Đổ :
“Ba chục năm nay trở lại hồ
Bây giờ cảnh sắc khác ngày xưa ….”
Nhớ Hà nội , nhớ hồ Gươm ; dù một chuyến khứ hồi E Việt Nam nhưng tâm tưởng của kẻ xa quê cứ in dấu mãi những cảnh cũ , người cũ .Nhiều khi nhớ về cái đẹp đã qua còn sướng hơn vạn lần về tận nơi mà cái đẹp chẳng còn nữa.Hà nội khác quá rồi ! Một điều hoài niệm nho nhỏ làm cho người ta ” Người ” hơn và cũng làm cho cuộc sống đầy bon chen và tàn nhẫn có phong vị và đỡ buồn tẻ .
Ôi :” những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ ….”
( Thơ Ông đồ của Vũ đình Liên )
Sài gòn những ngày dọn nhà đón tết Giáp Ngọ.
Nguyễn Đại Thắng .