Ai đã bán tài nguyên cảng biển của Hà Tỉnh cho nước ngoài ?

Ai đã bán tài nguyên cảng biển của Hà Tỉnh cho nước ngoài ?

Cách đây đúng 1 năm, vụ 39 người chết trong công-ten-nơ tại Essex ( Anh) trong đó có 10 người quê ở Hà Tỉnh. Vậy tại Hà Tỉnh có nguồn tài nguyên gì để con người có thể sống và làm giàu ?

Năm 1968, lớp chúng tôi có 3 người đi thực tập trên xà lan vạn tấn chở bột mì từ Hải Phòng vào Vinh. Bao bột mì trên 60 kg, các cô gái nhỏ nhắn người Nghệ Tỉnh phải hai người một bao mới khiêng từ hầm xà lan lên cầu tàu. Một hôm, hết ca, chúng tôi lên phố tìm bưu điện để gửi thư về nhà. Sang Nghi Xuân- Hà Tỉnh quê cụ Nguyễn Du thì gặp đoàn nữ thanh niên xung phong đang làm đường. Nghe tiếng hát thiết tha của cô gái sông Lam :

–          Biết đến bao giờ gặp lại cô em hồi ấu thơ …

Tôi chợt nhớ Hà Nội, nhớ các bạn cùng học da diết. Nhưng đối diện với chúng tôi là chiến tranh. Sẵn bút cầm ra Bưu điện viết bì thư, tôi viết ra giấy những dòng sau :

–          Than thở chi cô đập đá ơi !

Tuổi thơ say đắm thắm tình đời,

Đã trôi lặng lẽ bên bờ đá,

Tiếc rẽ làm chi dạ thẩn thờ.

Và ném tờ giấy vào chổ cô gái đang hát. Không biết cô gái đọc và nghĩ gì những lời chia sẽ đó.

Đầu năm 1973, vừa ký xong Hiệp định ngừng bắn tại Pari, tàu dầu Cửu Long 1500 tấn chở dầu từ Trạm Giang đến Hòn La. Vào Hòn La đúng dịp Tết, vài anh em dùng ca nô cứu sinh lên cảng sông Gianh. Từ bờ sông bước lên cảng, tôi thật bất ngờ trước cảnh tượng mà tôi không thể hình dung được. Hai bên đường mòn đầy rẩy bom bi còn sáng bóng màu của kim loại giết người. Chung quang tôi chỉ là nghĩa địa với những nấm mồ mới chôn vội vã và những dòng chữ ngắn gọn viết trên mảnh gổ nhỏ. Nhìn qua, những người nằm xuống đa số là những cô gái mới 17 , 18 tuổi. Tôi chợt tự hỏi, trong những nấm mồ này liệu có cô gái năm xưa mà tôi từng được nghe em hát ?

Tìm đến các nhà dân, Tết chỉ có những cái kẹo lạc. Bom đạn chỉ để lại những bát ăn cơm, tô lớn tô nhỏ và chén uống nước cũng đều bằng sẳt !

Đó là những ấn tượng sâu đậm của tôi về đất Nghệ An- Hà Tỉnh và Quảng Bình. Vì vậy, một tình cảm không nguôi mà tôi mơ ước là sẽ làm gì cho vùng đất đã dạy tôi biết hy sinh vì sự tồn tại của dân tộc.

Năm 1997, tôi đã hoàn nhành nghiên cứu và công bố : Cảng Vân Phong, cảng lớn nhất bán đảo Đông Dương- Trung tâm trung chuyển công-ten-nơ. Từ đó tôi công bố những vịnh ở bờ biển Đông Việt Nam khi có cửa quay về phía Nam thì kín sóng gió và chống lại được sa bồi di chuyển theo dòng hải lưu. Từ nghiên cứu trên, tôi tin rằng mọi sự phát triển phải dựa vào ba nguồn lực : Tài nguyên sức lao động cơ bắp, Tài nguyên thiên nhiên và Tài nguyên trí tuệ. Yếu tố sau đem lại nhiều lợi nhuận hơn yếu tố trước. Với một đất nước nghèo và có nhiều năm trong chiến tranh như Việt Nam, việc sử dụng Tài nguyên thiên nhiên sao cho có hiệu quả tối ưu là chiến lược cơ bản, kéo dài nhiều thế hệ. Khi cuộc sống và văn hóa cao, thế hệ sau mới có thể thực hiện những mục tiêu sản xuất tự động hóa và trí tuệ nhân tạo.

Năm 2002, tôi được ông Lê Ngọc Hoàn – bộ trưởng Bộ GTVT và ông Chu Quang Thứ -quyền Cục trưởng Cục Hàng hải mời ra Phụ trách Ban cơ sở hạ tầng cảng biển của Cục Hàng hải. Nhiệm vụ của tôi là đi giải trình cho các chuyên gia và các nhà quản lý Nhà nước hiểu về Tài nguyên cảng biển tại vịnh Vân Phong.

Ngày 18/3/2003, tôi đưa đoàn Lào đến cảng Vũng Áng- Hà Tỉnh. Tôi biết lảnh đạo tỉnh Hà Tỉnh sẽ tiếp đoàn Lào nên nhờ bạn cùng lớp là anh Nguyển Đức Phương – giám đốc cảng Vũng Áng thu xếp cho tôi tiếp cận với lảnh đạo tỉnh Hà Tỉnh. Ông Trần Đình Đàn – lúc đó là Bí thư tỉnh Hà Tỉnh trực tiếp nghe tôi trình bày với nội dung chính như sau :

“Tài nguyên cảng biển của Hà Tỉnh không phải là cảng Vũng Áng mà là vùng nước phía Nam cảng Vũng Áng nếu xây dựng đê biển dài 3000 m từ Mủi Ròn đến phía tây hòn Sơn Dương. Đây sẽ là cảng lớn nhất ở Bắc bộ.”

Sau này anh Nguyễn Nhật ra Hà Nội làm Cục trưởng Cục Hàng hải và hiện nay là Thứ trưởng Bộ GTVT, có trực tiếp nói với tôi :

–          Khi anh báo cáo tiềm năng vịnh Sơn Dương, em đang tháp tùng ông Trần Đình Đàn và nghe anh giải trình về vịnh Sơn Dương.

Sau này tôi đã đưa ý tưởng trên lên mạng và khẵng định vịnh Sơn Dương là vịnh duy nhất có thể hình thành siêu cảng và nơi đây là cảng duy nhất của miền Bắc có thể tiếp nhận tàu sân bay. Trong cuộc chiến tranh chống xâm lược từ hướng Bắc, cảng Sơn Dương là cảng duy nhất thuận lợi cho miền Bắc Việt Nam thoát khỏi sự khống chế của Trung Quốc từ hải quân.

Với dãy đất miền Trung, từ Hòn La- Quảng Bình đến mũi Kê Gà- Bình Thuận, ngoài tài nguyên cảng biển còn có tài nguyên dòng hải lưu để phát điện. Nhưng với Hà Tỉnh thì tài nguyên dòng hải lưu rất yếu. Vì vậy những cồn cát trắng chỉ xuất hiện từ Nam hòn La – Quảng Bình , ở vùng bờ biển có vĩ độ nhỏ hơn vĩ độ cực Nam của đảo Hải Nam. Như vậy với Hà Tỉnh, Tài nguyên cảng biển là tài nguyên thiên nhiên duy nhất đủ khả năng cạnh tranh trong vùng Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ, mang ý nghĩa sống còn với nhiều thế hệ người Hà Tỉnh trong tương lai. Giới lảnh đạo Hà Tỉnh cần tìm cách xây dựng đê chắn sóng, sử dụng cảng Sơn Dương để tiếp nhận nguyên vật liệu để chế biến và xuất khẩu. Đó là con đường xây dựng Hà Tỉnh ổn định và bền vững.

Rất tiếc giới quyền lực Hà Tỉnh đã chọn con đường bán tài nguyên cảng biển cho nước ngoài.

Nên nhớ vùng Sài Gòn xưa là nơi đất phèn, không khoáng sản nhưng đã trở thành đô thị lớn nhất Việt Nam vì nhờ ở đây có nguồn Tài nguyên cảng biển lớn nhất Nam Bộ.

Khi Formosa gây ô nhiểm cả miền Trung, đó là cơ hội hiếm để thu hồi lại nguồn Tài nguyên cảng biển Sơn dương cho nhân dân Hà Tỉnh.

Rất tiếc những người có quyền lực không thực hiện “Đối ngoại phải phục vụ đối nội ” mà áp dụng chính sách ngược “Đối nội phải phục vụ đối ngoại”.

Hiện nay rất nhiều quan chức cao cấp của chính quyền là người Hà Tỉnh, mong rằng các quan chức trên hảy nhớ đến sự hy sinh của nhiều thế hệ để chọn con đường phát triển ổn định và bền vững cho Hà Tỉnh.

Ks Doãn Mạnh Dũng