Các khu kinh tế tự do trên thế giới (Tham luận tại Diễn đàn Kinh tế Biển Việt Nam 2011) TS Võ Đại Lược- Giám đốc Trung tâm Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương

Trong gần 30 năm qua Trung Quốc đã xây dựng 5 đặc khu kinh tế, 14 thành phố mở, 13 khu ưu đãi thuế quan và hàng chục khu kinh tế cửa khẩu, khu khai phát, khu công nghệ cao…, đến nay các khu này vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Hàn Quốc đã thông qua Luật về khu kinh tế tự do tháng 12/2003, và sau đó đã thành lập 3 khu kinh tế tự do, trong đó có khu kinh tế tự do Inochcon-na được thành lập tháng 10/2005 và tháng 7/2006 đã trao cho khu này quy chế “Tự trị đặc biệt” với kỳ vọng về lợi thế hơn cả Hồng Kông. ấn Độ trong mấy năm gần đây đã xây dựng khoảng 700 khu. Inđônêxia năm 2006 đã quyết định thành lập Uỷ ban Quốc gia về khu kinh tế tự do và đã xây dựng 7 khu kinh tế tự do. Các Tiểu vương quốc ả Rập thống nhất với 2,5 triệu dân, đã xây dựng 23 khu kinh tế tự do, năm 2005 đã thu hút 16 tỷ USD FDI. Malayxia tháng 11/2006 khai trương dự án xây dựng khu kinh tế tự do thuộc bang Mohor với diện tích 2217 km2 và tổng vốn đầu tư ban đầu là 4,8 tỷ USD.
Trong lịch sử phát triển các khu kinh tế tự do đã ra đời sớm nhất ở các nước phát triển, nhưng các nước đang phát triển đã xây dựng các khu này ngày càng nhiều hơn hiện chiếm tới 2/3 số lượng các khu kinh tế tự do của thế giới. (2).
Các khu kinh tế tự do có nhiều hình thức khác nhau, hoặc là chuyên về chế xuất, chuyên về thương mại, tài chính, dịch vụ, … hoặc là những khu kinh tế tự do tổng hợp. Song dù các hình thức khác nhau, nhưng các khu kinh tế tự do này đều có những đặc điểm chung sau đây:

1. Khuyến khích thuế
Khuyến khích thuế, tức là giảm thuế, là một vấn đề hạt nhân trong khuyến khích đàu tư của khu kinh tế tự do.
Chính sách giảm thuế mà các khu kinh tế tự do thực hiện đã thể hiện chức năng của chính sách thuế hiện đại. Tuy nhiên, giữa các nước, thậm chí trong những giai đoạn phát triển kinh tế khác nhau của một nước, việc khuyến khích đầu tư bằng giảm thuế là không giống nhau. Các loại hình khu kinh tế tự do khác nhau do mục tiêu không giống nhau, nên chính sách khuyến khích đầu tư và giảm thuế cũng có những khác biệt, thông thường khu vườn khoa học công nghệ được ưu đãi nhiều hơn khu gia công xuất khẩu. Ví dụ, ở khu vườn khoa học công nghệ Đài Loan, các doanh nghiệp đều được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 5 năm, sản phẩm tiêu thụ tại chỗ phải nộp 70% thuế quan, không hạn chế tỉ lệ tiêu thụ tại chỗ. Nhưng khu gia công xuất khẩu Đài Loan, theo quy định điều lệ khuyến khích dầu tư, chỉ có 13 hạng mục được ưu đãi miễn thuế 5 năm, các sản phẩm tiêu thụ tại chỗ phải đóng100% thuế, và có tỷ lệ tiêu thụ tại chỗ nhất định. Ngoài ra, nhà sản xuất trong khu vườn khoa học công nghệ còn được nhiều ưu đãi khác như tăng chiết khấu thiết bị cơ giới, đầu tư nghiên cứu triển khai v.v..
Tuy nhiên, nếu ưu đãi quá mức, thì những biện pháp này sẽ không có lợi cho việc tăng nguồn thu từ thuế cho các nước đang phát triển, không có lợi cho việc cải thiện tình hình thu chi quốc tế. Hơn nữa, thực tế đã chứng minh, chỉ cung cấp các ưu đãi về thuế, mà không có sự phối hợp với các biện pháp ở những lĩnh vực khác, thì sẽ hạn chế sức thu hút đầu tư nước ngoài. Do vậy, trong hội nghị lần thứ 39 của Uỷ ban kinh tế xã hội Châu á Thái Bình Dương Liên Hợp Quốc tổ chức vào tháng 5/1985, đã chuyên thảo luận về vấn đè làm thế nào để điều hoà và cải cách thể chế ưu đãi và chính sách tài chính trong đầu tư của nước ngoài. Hiện nay có một số nước và khu vực do việc cải thiện môi trường kinh tế tổng thể, đang dần giảm bớt các chính sách ưu đãi khuyến khích đối với khu kinh tế tự do. Đặc biệt là việc miễn giảm thuế ở các khu gia công xuất khẩu, trên thực tế là sự trợ cấp xuất khẩu biến tướng, rất dễ gây ra hiện tượng chống bán phá giá của một số nước thương mại chủ yếu, do vậy, có một số khu gia công xuất khẩu đứng trước những khó khăn do việc xoá bỏ những ưu đãi xuất khẩu gây ra.

2. Về chính sách đất đai và cổ phần
Đất đai là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, đặc biệt là ở khu kinh tế tự do, có thể nói là tấc đất tấc vàng. Vì vậy, rất nhiều nước trên thế giới đều đưa ra những pháp lệnh liên quan đến việc sử dụng đất đai ở khu kinh tế tự do, có những quy định nghiêm ngặt về việc sử dụng đất, nhưng biện pháp cụ thể lại không hoàn toàn giống nhau. Về cơ bản có mấy biện pháp sau: 1) Không cho phép doanh nhân nước ngoài sở hữu đất đai; 2) doanh nhân nước ngoài có thể sở hữu đất đai; 3) Doanh nhân nước ngoài có thể sở hữu đất đai, nhưng nhất định phải có hạn mức số lượng cụ thể: 4) Doanh nhân nước ngoài có thể có đất đai ở những vùng khai phát hẻo lánh, không được mua đất ở Thủ đô hoặc xung quanh thành phố lớn để xây dựng nhà máy.
Tuy nhiên, biện pháp giống nhau là các nước đều cho phép thuê đất đai. “Chính sách hạn chế cách dùng đất đai” mà Hông Kông đưa ra, đối với quyền thuê đất đai không phải là áp dụng phương thức mua bán công khai, mà là bán với giá ưu đãi cho nhà đầu tư nào có thể thoả mãn yêu cầu của chính quyền, trong đó yêu cầu chủ yếu là: những sản phẩm sản xuất và tiêu thụ tại đây phải phù hợp với nhu cầu phát triển công nghiệp của Hông Kông; việc đầu tư theo dự tính phải làm cho nguồn nguyên liệu sở tại trở thành những sản phẩm có giá trị cao v.v.. Để tiết kiệm quỹ đất, Hông Kông đã xây dựng “toà nhà công nghiệp”, tập trung các doanh nghiệp nước ngoài vào một chỗ. Một số ngành công nghiệp không phù hợp phải sản xuất ở những toà nhà cao tầng này, do vậy Hồng Kông vẫn còn những quỹ đất chuyên dùng cho các doanh nghiệp kỹ thuật cao cấp, doanh nghiệp đòi hỏi công nhân lành nghề, doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm giá trị cao, và các doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng xuất khẩu. Nhưng, có những doanh nghiệp sau khi thuê được đất rẻ ở khu công nghiệp, đã không tuân thủ theo kế hoạch xây dựng nhà xưởng đã định, mà lại bán hoặc cho thuê lại với giá cao hơn nhằm kiếm lợi nhuận, khiến giá đất ở khu công nghiệp bị đẩy lên từng ngày, đã làm tăng giá thành đầu tư của những doanh nghiệp thực sự muốn đầu tư xây dựng nhà xưởng tại đây, khiến môi trường đầu tư bị ảnh hưởng xấu. Nhằm ngăn chặn hiện tượng này, Đài Loan đã áp dụng biện pháp “thuê trước, bán sau”, tức là quy định các nhà doanh nghiệp chỉ được thuê đất để xây dựng nhà xưởng và lấy giấy đăng ký nhà xưởng trước, sau khi hoàn thành mới có thể mua để có quyền sở hữu. Nhưng do điều lệ thúc đẩy nâng cấp ngành nghề công bố mới đây dã quy định nghiêm ngặt việc quản lý quỹ đất khu công nghiệp và tiêu chuẩn hoạt động mua bán nhà xưởng lại loại bỏ biện pháp “thuê trước, bán sau”, cho phép các nhà đầu tư trực tiếp mua đất của khu công nghiệp, để giảm bớt gánh nặng về vốn. Thế là các doanh nghiệp đã lấy danh nghĩa đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua rất nhiều đất, nhưng trên thực tế đất dùng cho công nghiệp chỉ chiếm một phần rất nhỏ, động cơ mua đất kiểu này đã khiến nhiều nước đang phát triển phải quan tâm, hơn nữa quỹ đất của nhiều nước cũng có hạn. Do vậy, cần hạn chế sự đầu cơ đất đai kiểu này, tiếp tục áp dụng phương thức cho thuê đất đáp ứng nhu cầu đất đai của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhìn tổng thể tình hình phát triển cho thấy, để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng nhà xưởng, một số nước đã nới lỏng ché độ quản lý đất đai. Hiện nay Philippin đã tuyên bố, sẽ nới lỏng luật về quyền sở hữu đất đai, cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được quyền có đất trong khu công nghiệp. Ngoài ra, trong chính sách đất đai ở khu kinh tế tự do của các nước trên thế giới, bao gồm các vấn đề như phương thức bán đất, cho thuê có kỳ hạn, tièn thuê, thanh toán v.v.. đều không giống nhau, cũng cần nghiên cứu, so sánh.
3. Việc lưu thông tiền tệ của khu kinh tế tự do
Tiền tệ liên quan đến vấn đề ổn định chủ quyền và ngoại hối của một nước. Trong khu kinh tế tự do thì dùng loại tiền nào? Tiền tệ trong và ngoài khu kinh tế tự do giống nhau, hay có gì khác biệt? Đây đều là những vấn đề quan trọng mà mọi người quan tâm. Có một số nhà kinh tế chủ trương, khu kinh tế tự do có thể sử dụng đồng tiền của nước sở tại, hơn nữa, tiền lưu thông trong ngoài khu kinh tế cần thống nhất. Trong khu kinh tế có thể đổi tiền của nước sở tại ra USD, nhưng đối với tiền mà người dân sở tại mang theo khi vào khu kinh tế thì phải thực hiện trình báo giống như khi ra nước ngoài để tránh hiện tượng bên ngoài khu kinh tế không thể trao đổi ngoại hối lại chuyển vào khu kinh tế để trao đổi. Nếu đồng tiền của nước sở tại và ngoại hối nước ngoài chênh lệch giá quá lớn, thì có thể trực tiếp sử dụng đồng đô la. Nhưng tỷ giá hối đoái tự do cần được hạn chế hợp lý, kim ngạch ngoại hối xuất ra không được cao hơn kim ngạch ngoại hối nhập vào, để không ảnh hưởng đến sự cân bằng xuất nhập ngoại hối. Nhưng làm như vậy cần một điều kiện tiền đề, tức là không thành lập trung tâm tài chính quốc tế, nếu đã thành lập trung tâm tài chính quốc tế thì sẽ không thể hạn chế được nữa. Vì trung tâm tài chính quốc tế chủ yếu thực hiện hoạt động đầu cơ tiền tệ, thu lợi từ tỷ lệ chênh lệch giá.
Đặc khu kinh tế Trung Quốc thực hiện chế độ quản lý ngoại hối, đồng NDT không thể trao đổi tự do. Nhà đầu tư nước ngoài chỉ có thể dùng đồng đôla đổi lấy NDT, nhưng không thể đổi ngược lại. Do vậy, các nhà đầu tư nước ngoài hầu hết đều dùng số tiền đầu tư để mua thiết bị, nguyên liệu và sản phẩm trung gian ở nước ngoài, sau đó chuyển vào đặc khu kinh tế. Rõ ràng, cách làm này không có lợi cho việc thu hút đầu tư nước ngoài. Do vậy, năm 1984 có người đã đề xuất vấn đề phát hành đồng tiền đặc khu tại Thâm Quyến. Như vậy, trong một nước sẽ không chỉ có NDT, trái phiếu ngoại hối, mà còn có đồng tiền của đặc khu; ba loại tiền tệ này cùng lưu thông, sẽ xuất hiện hiện tượng “đa tiền đa hại” (nhiều loại tiền, nhiều tai hoạ). Chính vì vậy, có người phản đối việc phát hành đồng tiền của đặc khu. Ai cũng cho rằng mình đúng. Nhưng có một điểm cần xác định rõ, đặc khu kinh tế Trung Quốc muốn đạt đến mục tiêu thu hút kiều hối, ngoại hối, thúc đẩy kinh tế phát triển, thì phải nhanh chóng giải quyết vấn đè tự do lưu thông và trao đổi tiền tệ, ở những nước đã có đồng tiền chuyển đổi tự do, thì không có vấn đề này.
4. Chính sách tiêu thụ tại chỗ sản phẩm của các doanh nghiệp thuộc khu kinh tế tự do và vấn đề nội địa hoá.
Thông thường các sản phẩm do doanh nghiệp liên doanh, đặc biệt là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài sản xuất tại khu kinh tế tự do phải là những sản phẩm “hướng đến xuất khẩu” vào thị trường thế giới. Nhưng trên thực tế các doanh nghiệp có vốn nước ngoài lại thường yêu cầu tiêu thụ hoặc không ngừng tăng tỷ trọng tiêu thụ sản phẩm tại chỗ đối với những sản phẩm này. Vấn đề này không chỉ gây ra những tranh cãi giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và nước chủ nhà, mà ngay cả bản thân nước chủ nhà cũng có rất nhiều ý kiến khác nhau xung quanh những vấn đề liên quan như những sản phẩm này có thể tiêu thụ tại chỗ, những sản phẩm kia không thể, hay về quy định cụ thể tỷ lệ sản phẩm tiêu thụ tại chỗ và xuất khẩu v.v.. Có người không chủ trương dùng biện pháp hạn chế tiêu thụ sản phẩm trong thị trường nội địa để đạt mục đích bảo hộ các ngành nghề trong nước, họ cho rằng nếu làm như vậy, thì từ đầu đã không nên cho ngưòi nước ngoài vào đầu tư xây dựng nhà máy. Những người kiên trì quan điểm này cho rằng, khu kinh tế tự do cần thực hiện sự tự do hoàn toàn về cả “con người, tài chính và nguồn vốn”. Có người lại cho rằng cần cho phép một phần sản phẩm của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiêu thụ trong nước, làm như vậy có thể khiến một số ngành và doanh nghiệp chịu chút tổn hại, nhưng về phương diện kỹ thuật sản xuất thì lại có lợi vì những doanh nghiệp an phận thủ thường, không chú ý đến chất lượng sản phẩm, không chú ý đổi mới phương thức sản xuất sẽ bị “chạm nọc”, nhờ đó thúc đẩy họ quan tâm hơn đến việc nâng cao hiệu quả sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như sức cạnh tranh, mở rộng thị trường quốc tế. Lại cũng có ngưòi cho rằng, việc tiêu thụ sản phẩm tại chỗ hay xuất khẩu cần có quy định mang tính linh hoạt, phàm là những sản phẩm cung cấp kỹ thuật mới thì nên cho phép tiêu thụ ở thị trường trong nước mà không có bất cứ hạn chế nào. Những sản phẩm hay linh kiện mà ngành công nghiệp trong nước cần nhập khẩu, nếu những sản phẩm của khu kinh tế phù hợp với yêu cầu và tiêu chuẩn thì cũng có thê cho phép tiêu thụ trong nước. Như vậy các doanh nghiệp trong nước vừa có thể tiết kiệm chi phí vận chuyển, lại có thể bớt được khâu thủ tục hoàn thuế.
Hiện nay rất nhiều nước đang phát triển đã áp dụng chính sách tiêu thụ tại chỗ và xuất khẩu linh hoạt đối với các sản phẩm của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Thế là lại nảy sinh vấn đề quy định chính sách và sách lược thế nào về tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm tại chỗ và xuất khẩu, đây là vấn đề rất nhạy cảm. Về vấn đề này, cách giải quyết của các nước cũng có rất nhiều khác biệt, tỷ lệ tiêu thụ tại chỗ nhỏ, tỷ lệ xuất khẩu lớn, thông thường ảnh hưởng đến ý muốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài. Ngược lại sẽ làm tổn hại đến sự phát triển của ngành công nghiệp dân tộc của nước chủ nhà. Do vậy, quy định thế nào về tỷ lệ sản phẩm tiêu thụ tại chỗ và xuất khẩu, vừa là vấn đề thực tiễn lại vừa mang tính lý luận. Từ kinh nghiệm của các nước đang phát triển cho thấy, xác định tỷ lệ hàng tiêu thụ tại chỗ và xuất khẩu cần tính đến các nhân tố sau:
1) Những sản phẩm có tính sáng tạo, trong nước không có, cung cấp kỹ thuật tiên tiến, do không làm nguy hại đến các ngành nghề trong nước, nên cho phép tỷ lệ tiêu thụ nội địa lớn và thời hạn dài hơn.
2) Những sản phẩm mà thị trường trong nước đã bão hoà hoặc những sản phẩm sắp lỗi thời, thông thường không nên để các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư nữa. Nếu không, những sản phẩm đó chỉ để xuất khẩu. Do vậy, khi phê duyệt các phương án đầu tư, cần tính đến vấn đề tiêu thụ tại chỗ hay xuất khẩu sản phẩm và tỷ lệ của chúng.
3) Những nước có tố chất kỹ thuật tốt, giá nhân công rẻ, có thể yêu cầu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nâng tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm lên cao hơn một chút. Ngược lại, khi giá thành nhân công tăng lên, thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ chủ yếu mở rộng thị trường ở nước sở tại. Trong tình hình đó, tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm bị giảm, tỷ lệ tiêu thụ taị chỗ sẽ tăng lên.
4) Những ngành công nghiệp khoa học kỹ thuật cao mới dang phát triển trong nước thì cần được bảo hộ nhiều hơn. Do vậy, có thể yêu cầu các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất các sản phẩm khoa học kỹ thuật cùng loại nâng tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm lên. Đợi khi những sản phẩm này có sức cạnh tranh trên trường quốc tế thì sẽ không phải tăng cường bảo hộ và cũng không phải hạn chế tiêu thụ sản phẩm tại chỗ nữa.
Tóm lại, quy định tỷ lệ tiêu thụ tại chỗ và xuất khẩu sản phẩm, phải tuân theo nguyên tắc công bằng hợp lý, dựa vào những hạng mục đầu tư khác nhau để đưa ra tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm trong nước hay xuất khẩu phù hợp; cùng với những thay đổi của tình hình phát triển kinh tế và những biến động của xu thế cung cầu trong nước, cần có những điều chỉnh phù hợp đối với tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm tại chỗ và xuất khẩu. Như vậy vừa đảm bảo được lợi ích xứng đáng cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, lại có thể bảo hộ được ngành nghề trong nước của các nước đang phát triển. Cùng với việc lực lượng kinh tế và kỹ thuật của khu kinh tế tự do và đất nước được nâng lên, đặc biệt là sự tăng cường sức cạnh tranh của sản phẩm, tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm tại chỗ sẽ dần dần nâng lên.
Về vấn đề nội địa hoá các sản phẩm của doanh nghiệp thuộc khu kinh tế tự do.
Trình độ nội địa hoá các sản phẩm của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, còn gọi là tỷ lệ sản phẩm tự chế. Cũng giống như tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm tại chỗ và xuất khẩu, tỷ lệ sản phẩm tự chế vừa liên quan đến lợi ích trực tiếp của nhà đầu tư nước ngoài, vừa liên quan đến vấn đề bảo hộ ngành nghề của nước chủ nhà. Do vậy, khi tận dụng nguồn vốn và kỹ thuật nước ngoài cần phải tính toán và giải quyết thoả đáng các vấn đề này.
Hiện nay, trên thế giới có 5 cách tính toán tỷ lệ tự chế.
1. Biện pháp trọng lượng: tức là chỉ trọng lượng linh kiện được các doanh nghiệp trong nước sản xuất phải chiếm phần trăm nhất định trong tổng lượng của cả sản phẩm. Nam Phi áp dụng cách tính này, nhược điểm của phương pháp này là lấy trọng lượng làm căn cứ tính toán, sẽ khiến ngành công nghiệp chế tạo linh kiện tinh xảo cỡ nhỏ khó có thể phát triển trong nước, sản phẩm cuối cùng đương nhiên cũng khó đáp ứng được thị trường quốc tế.
2. Phương pháp tính điểm: tức là sau khi toàn bộ linh phụ kiện của một sản phẩm được tính ra, mỗi bộ phận đã có một điểm số cố định, sau đó căn cứ vào linh phụ kiện có thể sản xuất trong nước của sản phẩm đó, điểm số của hai phần này sẽ quyết định tỷ lệ tự chế. Thái Lan đã lựa chọn biện pháp tính điểm cố định. Nhược điểm của phương pháp này là thiết kế và chức năng sản phẩm công nghiệp của các nước trên thế giới khác nhau, đưa ra điểm số nhất định cho từng linh kiện, sẽ dễ bỏ qua việc thu hút và ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, đồng thời ảnh hưởng đến việc đổi mới các phương pháp thiết kế, chế tạo linh kiện, cũng như những thay đổi trong sử dụng nguyên liệu và việc giảm giá thành.
3. Phương pháp so sánh giá thành: tức là giá thị trường quốc tế của linh kiện sản xuất trong nước nhất định sẽ chiếm phần trăm nhất định trong tổng giá trị linh kiện cần cho cả sản phẩm. Bổ Đào Nha áp dụng phương pháp này; nhược điểm của phương pháp này là cần dựa vào giá thị trường quốc tế thực tế, đáng tin cậy do hải quan các nước cung cấp mới có thể tính toán chuẩn xác tỷ lệ tự chế. ưu điểm của phương pháp này là có thể khuyến khích phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
4. Phương pháp chỉ định hạng mục: trong các sản phẩm do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất, chỉ định bắt buộc phải sử dụng linh kiện nội địa nào đó. Airolen đã dùng phương pháp này.
5. Phương pháp tổng hợp: tức là sử dụng kết hợp cả phương pháp so sánh giá thành và phương pháp chỉ định hạng mục. Do tính năng kỹ thuật của các linh kiện nhập khẩu khá cao, nên muốn đạt đến mục đích thu hút kỹ thuật, cách tính tỷ lệ tự chế của nó ngoài việc tính toán giá thành thị trường quốc tế ra, cần quy định các linh kiện quan trọng phải chế tạo trong nước, như vậy mới có thể thúc đẩy sự nâng cấp kỹ thuật và công nghiệp.
Những sản phẩm hướng ra thị trường quốc tế được sản xuất trong khu kinh tế tự do, đều gồm các linh kiện do các doanh nghiệp trong khu kinh tế cung cấp. Nhưng thông thường, tỷ lệ sản phẩm tự chế trong khu kinh tế tự do đều thấp hơn tỷ lệ sản phẩm tự chế bên ngoài. Không chỉ các nước đang phát triển coi trọng trình độ tỷ lệ sản phẩm tự chế, mà các nước phát triển Phương Tây cũng đều thực hiện chế độ này. Năm 1992, sau khi EU được thành lập, trở thành thị trường thống nhất của cộng đồng các nước Châu Âu, ngoài việc thực hiện kiểm tra an toàn đối với các sản phẩm cơ khí nhập khẩu, năm 1995 đã bắt đầu thực hiện chế độ hạn định tỷ lệ tự chế, giới hạn nghiêm ngặt các sản phẩm cơ khí phải đạt tỷ lệ tự chế nhất định mới được đưa vào tiêu thụ tại thị trường EU. Nguyên nhân chủ yếu là, các nước EU sợ rằng sau khi các nhà máy của mình bị nước ngoài mua, ngưòi chủ nước ngoài sẽ không thực hiện hoạt động sản xuất tại châu Âu mà chỉ lợi dụng thương hiệu và kỹ thuật của các nhà máy nơi đây để phát triển, chiếm lĩnh thị trường Châu Âu. Sau khi thực hiện tỷ lệ sản phẩm tự chế, những người chủ mới của doanh nghiệp sẽ không thể chỉ dựa vào những nhà máy mua được này để mở rộng thị trường châu Âu, mà phải ra sức sản xuất tại đây, như vậy mới có thể đảm bảo việc làm cho công nhân châu Âu, lại vừa có thể thu hút nguồn vốn và kỹ thuật của thương nhân nước ngoài, giúp đảm bảo cho ngành công nghiệp chế tạo của Châu Âu phát triển. Do vậy, các nước đang phát triển càng phải tận dụng chế độ tỉ lệ sản phẩm tự chế để bảo vệ và phát triển chính mình.
5. Về hệ thống nghiệp vụ bảo hộ thuế linh hoạt của khu kinh tế tự do
Kho bảo hộ thuế, nhà xưởng bảo hộ thuế và khu bảo hộ thuế đã hình thành hệ thống nghiệp vụ bảo hộ thuế. Việc xây dựng hệ thống nghiệp vụ bảo hộ thuế có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại chuyển khẩu và thương mại tam giác, mở rộng hoạt động kinh tế thương mại. Khảo sát từ góc độ xây dựng khu kinh tế tự do trên thế giới, có những cảng tự do và khu mậu dịch tự do chính là những kho bảo hộ thuế phát triển dần lên. Do hệ thống nghiệp vụ bảo hộ thuế có thể thu được rất nhiều lợi ích kinh tế, do vậy nhiều nước trên thế giới đã xây dựng nhiều kho bảo hộ thuế và nhà xưởng bảo hộ thuế, ví dụ Italya đã xây dựng hơn 800 kho bảo hộ thuế ở các thành phố có cơ quan hải quan. Cùng với sự phát triển không ngừng của cảng tự do, khu mậu dịch tự do, khu gia công xuất khẩu và khu vườn khoa học kỹ thuật, chức năng của những khu này cũng ngày một tăng. Không gian kho bảo hộ thuế vốn có trong khu kinh tế tự do đã không thể đáp ứng nhu càu nghiệp vụ, không thể không xây kho bảo hộ thuế mới, bao gồm kho dự trữ sản phẩm hàng hoá nguy hiểm, kho lưu trữ tự động và kho để hàng hoá của doanh nghiệp kiêm nghiệp vụ kinh doanh thương mại trong khu.
Ba bộ phận tạo thành hệ thống nghiệp vụ bảo hộ thuế, có điểm chung là cung cấp hệ thống nghiệp vụ bảo hộ thuế, và các dịch vụ kèm theo, nhưng phạm vi nghiệp vụ kinh doanh không hoàn toàn giống nhau. Kho bảo hộ thuế dành cho các sản phẩm nước ngoài không cần làm thủ tục hải quan sẽ được đưa vào lưu trữ ở kho này. Trong thời gian lưu trữ theo quy định, không phải nộp thuế, khi trung chuyển ra khỏi kho và xuất khẩu lại cũng được miễn thuế. Nhưng hàng hoá trong kho khi đưa vào khu quản lý hải quan sẽ phải nộp thuế theo quy định. Tóm lại, kho bảo hộ thuế có chức năng truyền thống của cảng tự do và khu mậu dịch tự do, là trung tâm tập trung hàng hoá và là trạm trung chuyển hàng hoá, đặc điểm của nó là không có các hoạt động như gia công, đóng gói, sản xuất.
Phân tích chức năng cụ thể của kho bảo hộ thuế, có thể chia làm 3 loại sau:
1. Kho bảo hộ thuế tổng hợp, lưu trữ nhiều loại nguyên liệu, sản phẩm trung gian và thành phẩm.
2. Kho bảo hộ thuế đơn nhất, chỉ lưu trữ một loại sản phẩm.Ví dụ, năm 1989 công ty Liên Vỹ (Đài Loan) đã đầu tư xây dựng một kho bảo hộ cho sản phẩm dệt may ở Philippin, chuyên lưu trữ các nguyên liệu cho sản phẩm dệt may của Đài loan, cung cấp cho Philippin các nguyên liệu cần thiết cho ngành may xuất khẩu của Philippin như bông, sợi hỗn hợp.v.v.. Kho bảo hộ thuế theo mô hình thị trường siêu cấp này không những giúp Philipin có cơ hội mua được giá nguyên liệu dệt may rẻ phục vụ cho ngành xuất khẩu quần áo và có nhiều cơ hội lựa chọn sản phẩm hàng hoá, mà còn có thể tiết kiệm được thời gian trong các khâu như hải quan kiểm tra hàng hoá, mở thẻ tín dụng, vận chuyển hàng hoá v.v..
3. Kho bảo hộ thuế theo mô hình quá cảnh, thông thường là kho bảo hộ thuế được xây dựng tại những nước ven biển có đường giao thông quốc tế thuận tiện, cung cấp các dịch vụ thuận tiện như xuất nhập khẩu, kho bãi, vận tải hàng hoá cho các nước nội địa láng giềng nhằm thu ngoại tệ. Chẳng hạn khu quá cảnh Kalaji (phiên âm – ND) của Pakistan chính là cửa khẩu ra biển chủ yếu của Afganistan, không có kho bảo hộ thuế đặc thù cho hàng hoá xuất khẩu của Afganistan. Loại kho bảo hộ thuế theo mô hình quá cảnh này cũng rất phổ biến ở khu vực Mỹ La tinh.
Nhà máy bảo hộ thuế lại có đặc tính chức năng của doanh nghiệp khu gia công xuất khẩu, tức là nhập khẩu thiết bị cơ khí, nguyên vật liệu, sản phẩm trung gian và xuất khẩu thành phẩm sau khi các sản phẩm này được gia công hoặc sản xuất, đều được ưu đãi về thuế quan. Điều khác biệt là nhà máy bảo hộ thuế quan khá phân tán, không nhất thiết phải tập trung ở khu vực nhất định giống như các doanh nghiệp trong khu gia công xuất khẩu.
So khu bảo hộ thuế với nhà máy bảo hộ thuế, thì khu bảo hộ thuế chiếm diện tích lớn hơn, phạm vi nghiệp vụ kinh doanh rộng hơn, trong khu vừa có thể bảo quản, kho bãi vừa có thể gia công sản xuất. Về vai trò chức năng và nghiệp vụ kinh doanh thì khu bảo hộ thuế là thể dung hoà giữa kho bảo hộ thuế và nhà máy bảo hộ thuế, có thể coi là “khu gia công xuất khẩu theo mô hình nhỏ”. Trong khu kinh tế tự do thế giới, những khu kinh tế tự do được gọi là khu bảo hộ thuế thực sự không nhiều. Trong quy định về luật đầu tư của Indonesia, yêu cầu kết hợp đặc điểm của khu công nghiệp và khu mậu dịch tự do, do vậy, đã xây dựng hai khu tự do bảo hộ thuế ở Jacacta và đảo Batan (phiên âm –ND). Từ xu thế phát triển cho thấy, sự khác nhau về chức năng giữa kho bảo hộ thuế và nhà máy bảo hộ thuế ngày càng được thu hẹp.
Nghiệp vụ bảo hộ thuế mặc dù nói là tồn tại cùng với sự xuất hiện của cảng tự do, nhưng cho đến nay, số lượng kho bảo hộ thuế, nhà máy bảo hộ thuế và khu bảo hộ thuế đã vượt xa cảng tự do, khu mậu dịch tự do và khu gia công xuất khẩu. Cũng giống như khu kinh tế tự do thế giới, lợi ích kinh tế của hệ thống nghiệp vụ bảo hộ thuế không giống nhau. Có cái hiệu quả cao, có cái hiệu quả không tốt lắm. Do vậy, làm thế nào để xây dựng hệ thống nghiệp vụ bảo hộ thuế linh hoạt đã trở thành điểm đáng chú ý của các nước; để xây dựng hệ thống nghiệp vụ bảo hộ thuế linh hoạt, việc điều tra và nghiên cứu tính khả thi một cách khoa học, tỷ mỉ là bước đi không thể thiếu, bao gồm lựa chọn địa điểm, xác định các loại hình, điều tra hộ dân, đề ra mục tiêu và chất lượng phục vụ của môi trường cứng và mềm v.v.. đều trực tiếp liên quan đến việc phát huy hiệu quả kinh tế của hệ thống nghiệp vụ bảo hộ thuế. Nhiều nước và khu vực trên thế giới, đặc biệt là cảng Rotterdam của Hà Lan có rất nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng hệ thống nghiệp vụ bảo hộ thuế linh hoạt:
1. Hàng hoá nhập vào hệ thống nghiệp vụ bảo hộ thuế không hạn chế số lượng, chủng loại và định mức phân phối; hơn nữa còn miễn thuế, không phải làm thủ tục khai báo bảo quản, vì vậy, giúp các thương nhân nước ngoài có thể nắm chắc thời cơ có lợi, đưa hàng hoá lưu trữ chuyển tới tiêu thụ ở các nước và khu vực khác nhằm thu được lợi nhuận cao nhất.
2. Hàng hoá đưa vào hệ thống nghiệp vụ bảo hộ thuế, có thể bỏ bao bì đóng gói, thay đổi kiểu dáng, đổi tên, hoặc nếu sản phẩm bị hư hóng có thể sửa chữa thay đổi để sản phẩm phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường quốc tế.
3. Các nhà kinh doanh nước ngoài thuộc hệ thống nghiệp vụ bảo hộ thuế có thể dùng linh kiện, sản phẩm trung gian v.v… của nước sở tại hoặc nhập khẩu từ nước khác để thực hiện dóng gói và gia công. Do những linh kiện và sản phẩm trung gian này được miễn thuế khi thông quan, nên giá thành sản phẩm sau khi gia công mang đi tiêu thụ ở những nước và khu vực khác cũng được miễn thuế, do vậy, đã tăng cường được lợi thế cạnh tranh của sản phẩm. Sau khi được phê chuẩn, một số lượng thành phẩm và nguyên vật liệu nhất định có thể được tiêu thụ ở thị trường trong nước sở tại.
4. Hệ thống nghiệp vụ bảo hộ thuế có các loại cơ sở hạ tầng hiện đại và hoàn thiện, có thể thích ứng với nhu cầu bốc dỡ, kho bãi và vận tải của nhiều loại hàng hoá.
5. Các nhà đầu tư nước ngoài có thể xây dựng trung tâm triển lãm hàng hoá trong hệ thống nghiệp vụ bảo hộ thuế, nhằm tăng cường hoạt động tiêu thụ hàng hoá.
6. Hệ thống nghiệp vụ bảo hộ thuế thu phi hợp lý, cung cấp nhiều loại dịch vụ với hệ thống nhân viên được đào tạo bài bản, có thể hấp dẫn các công ty xuyên quốc gia và các tổ chức thương mại quốc tế.
7. Hệ thống nghiệp vụ bảo hộ thuế áp dụng chế độ quản lý tự chủ, hải quan lấy ưu điểm, khuyết điểm của kho bảo hộ thuế và nhà máy bảo hộ thuế cũng như trình độ mẫn cảm của sản phẩm bảo hộ làm căn cứ để quyết định tỷ lệ tần suất kiểm tra sản phẩm.
Do hệ thống nghiệp vụ bảo hộ thuế linh hoạt có những ưu điểm kể trên, do vậy, ngày càng có nhiều nước ngoài xây dựng hệ thống nghiệp vụ bảo hộ thuế tại khu kinh tế tự do ra, còn xây dựng kho bảo hộ thuế, nhà máy bảo hộ và khu bảo hộ thuế ở những khu vực khác có điều kiện. Việc xây dựng hệ thống nghiệp vụ bảo hộ thuế thông thường có 3 phương thức sau: Một là do cơ quan cảng vụ địa phương bỏ tiền ra xây dựng, sau khi xây xong sẽ cho thuê và tiêu thụ. Hai là, cơ quan cảng vụ địa phương cùng nhà đầu tư nước ngoài đầu tư. Ba là nhà đầu tư nước ngoài tự xây, cơ quan địa phương thu tiền cho thuê đất. Hiện nay nhiều nước, đặc biệt là những nước đang phát triển thường sử dụng phương thức thứ 3 để xây dựng kho bảo hộ thuế và nhà máy bảo hộ thuế.
6. Về vấn đề giá thành xã hội đối với ô nhiễm môi trường khu kinh tế tự do
Rất nhiều khu kinh tế tự do của các nước đang phát triển, đặc biệt là khu gia công xuất khẩu, tập trung nhiều ngành công nghiệp gây ô nhiễm lớn. Việc sản xuất của những ngành công nghiệp này mặc dù đem lại lợi nhuận và việc làm, nhưng cũng không thể tránh khỏi cái giá phải trả như gây ra ô nhiễm, chật chội v.v… Các doanh nghiệp luôn chạy theo lợi nhuận, đã không nhìn thấy những cái giá phải trả, ngược lại còn lao vào hoạt động kinh doanh sản xuất gây ô nhiễm. Do vậy, nhà nước cần vận dụng lý luận “giá thành xã hội”, dùng các phương thức xử phạt v.v.., tăng giá thành sản xuất của những doanh nghiệp chỉ lao vào sản xuất mà không quan tâm đến bảo vệ môi trường để hạn chế mức độ ô nhiễm. Một khi tổng giá thành của doanh nghiệp giá thành sản xuất cộng giá thành xã hội) vượt qua lợi ích của họ, sẽ có tác dụng hạn chế hoạt động sản xuất dạng này. Nói cách khác, cần coi môi trường là dạng tài nguyên, đặt hiệu quả bảo vệ môi trường vào hiệu quả kinh tế, từ đó khiến các nhà đầu tư nước ngoài không thể thực hiện chính sách kinh doanh giết gà lấy trứng, không coi trọng môi trường ở khu kinh tế tự do. Đồng thời, do ý thức bảo vệ môi trường ngày càng cao, nhiều nước đang phát triển đã bắt đầu áp dụng các biện pháp đảm bảo chất lượng môi trường trong khu kinh tế tự do, đặc biệt là trong khu vườn khoa học kỹ thuật, như thiết lập trung tâm bảo vệ môi trường, xây dựng xưởng vệ sinh an toàn, lò xử lý phế liệu công nghiệp v.v.. Đặc biệt là giữa các nhà máy, xí nghiệp trong khu kinh tế thực hiện phương châm trao đổi phế liệu, tăng cường tái sử dụng nhằm giảm thiểu lượng phế thải của nhà máy, xí nghiệp. Cách làm cụ thể là, phế liệu của ngành công nghiệp A đem trao đối với ngành công nghiệp B để làm nguyên vật liệu hoặc tái sử dụng, do vậy, ngành công nghiệp A có thể giảm lượng phế liệu, tiết kiệm chi phí xử lý phế liệu, ngành công nghiệp B lại có thể mua giá rẻ, thậm chí không mất tiền mà lại có được nguồn nguyên liệu có thể dùng được hoặc dùng nguyên liệu đó để tái sử dụng.
7. Vấn đề vượt trội về thể chế hành chính và kinh tế
Lý do cơ bản cho sự thành công của các khu kinh tế tự do là sự vượt trội về thể chế hành chính và kinh tế của khu kinh tế tự do so với nội địa theo hướng hiện đại và quốc tế. Các đặc khu kinh tế của Trung Quốc đã đi theo mô hình thể chế hành chính và kinh tế của Hồng Kông, Ma Cao với đặc trưng cơ bản là tự do kinh tế cao và hiện đại hoá, quốc tế hoá cao, vượt trội rõ rệt so với thể chế hành chính và kinh tế của nội địa Trung Quốc. Trung Quốc có lợi thế là Hồng Kông và Ma Cao thuộc lãnh thổ Trung Quốc, các đặc khu kinh tế đã được thành lập ban đầu đều gần Hồng Kông và Ma Cao, do vậy các đặc khu này có thể trực tiếp chịu ảnh hưởng về thể chế của Hồng Kông và Ma Cao và cũng chỉ trong điều kiện đó thì các nhà đầu tư của Hồng Kông và Ma Cao mới chịu bỏ vốn đầu tư vào các đặc khu này và hy vọng kiếm lợi.
Các đặc khu kinh tế được thành lập về sau ở Trung Quốc đã lấy mô hình thể chế của các dặc khu kinh tế trước làm chuẩn và nâng cao thêm.
Thực chất mô hình thể chế của các đặc khu kinh tế Trung Quốc cũng đã xuất phát từ yêu cầu phải có một môi trường đầu tư sinh lợi và một môi trường sống tiện nghi cho các nhà đầu tư.
ở các nước đang phát triển khác dù tổ chức ra các khu kinh tế tự do, nhưng đã không đáp ứng được các yêu cầu trên xem như thất bại. Các khu kinh tế tự do ở Đông Nam á xem như đã không thành công. Các khu kinh tế tự do ở ấn Độ có kết quả hạn chế.
Các nước phát triển Âu, Mỹ có thể chế kinh tế và hành chính vừa được tự do hoá, quốc tế hoá, hiện đại hoá ở mức cao, vượt trội so với các thể chế chung, nhưng kết cấu hạ tầng hiện đại, nguồn nhân lực chuyên nghiệp và có chất lượng cao… là những lực hấp dẫn lớn.
Căn cứ vào những đặc trưng trên đây, ta thấy là các khu kinh tế của Việt Nam được xây dựng cho đến nay đã chưa có đủ những đặc trưng trên đây, mà chủ yếu mới được nhà nước cho một số ưu đãi về mức thuế, mức giá thuê đất v.v…

Các tài liệu tham khảo
1. Cai zhiquang, ete (1992), “The Emergenceand Development of World Special Economic Zones” Enterprise Economy, Vanchang Vol.5;
2. Robert J.Rolfe (1991), The Challenge of FEZ in central and Eastern Europe, Journal of International Business Studies.Vol.22W3;
3. Sandni – Jallab M and Banco de Armat (2002) A Review of Role and Impact of Export processing Loues in World Trade. The cae of Mexico, Working paper 02-07, Insitute of developing Study, brighton, 6/2002;
4. Hoa Hữu Lân, Các mô hình khu kinh tế tự do ở một số nước Châu á, HN.7/2000, Viện Kinh tế Thế giới;
5. Meng guang-wen (2005), evolutionary model of free economic Zones: Diffe- rrent Generations and Structure Feateres, Chinesse Geographical Science, vol.15, No 2 June 2005.

(1) và (2), Jean-Pierre Singa Boyêng, I10 database on Export Processing Lones, Geneve.