Cha và anh . KS Doãn Mạnh Dũng

Cha và anh . KS Doãn Mạnh Dũng

Ảnh : Liệt sĩ Doãn Mạnh Hùng , ảnh chụp ngày 6/4/1967 trước khi đi B. Hy sinh ngày 25/2/1975 ( ngày âm lịch 15/1/1975 ) tại Tân Trụ, Long An. Phần mộ an táng tại nghĩa trang Liệt sĩ Long An.

Khi còn sinh thời, cha tôi có một lần duy nhất nói với tôi :

  • Anh con chết do ba.

Tôi không hiểu và hỏi lại :

  • Thưa ba , vì sao ?

Ba tôi nói :

  • Trước khi Hùng đi B , ba dặn , không để bị bắt !

Tôi lặng người.

Ba tôi bị tù đày nhiều năm thời kháng chiến chống Pháp và được trao trả ra Hà Nội sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954. Có lẽ ba hiểu số phận của người tù nhân mà không muốn anh tôi đi tiếp theo số phận của ông.

Trong nghĩa trang Liệt sĩ  tỉnh Long An có bốn ngôi  mộ liệt sĩ trong cùng một gia đình. Đó là  mộ bà liệt sĩ Trần Thị Hưng, con trai liệt sĩ Trần Văn Cảnh, con trai liệt sĩ Trần Văn Khanh, con rể liệt sĩ Doãn Mạnh Hùng – học Đại học Tài chính khóa 1, đi B năm 1968. Các con trai của bà Hưng đều lấy theo họ mẹ. Cả bốn liệt sĩ trên đã hy sinh ở các địa điểm khác nhau.

Ngày anh Hùng đi B, tôi đang học năm thứ 3 ở đại học Đường thủy và xin phép về tiển anh. Khi tôi trở về trường, anh Hùng chở tôi ra ga Hàng Cỏ bằng xe đạp Phượng Hoàng của ba. Anh Doãn Mạnh Hùng đi công tác, bị phục kích vào đêm 25/2/1975 tại chân một cây cầu ở  Tân Trụ – Long An . Anh  Hùng đi công tác, bị thương ở cổ và  anh đã dùng lựu đạn tự sát để không rơi vào tay địch . Anh Hùng chưa kịp thấy mặt con gái mới sinh là Doãn Thị Phương Thảo. Thời gian đó bé Thảo và mẹ là Nguyễn Thị Nguyệt đang ở biên giới Kampuchia.  Tháng 9/1975, anh Tư Bầu – người anh, con cậu Tư  của tôi- đã đưa tôi đến ngôi mộ anh Hùng mà dân  địa phương chôn tạm bên chân cầu. Anh Tư Bầu đã  chỉ tôi căn nhà  người lính địa phương quân  VNCH đã tham gia trận phục kích trên. Khi đó tôi nói với anh Tư Bầu :

  • Tất cả đã là lịch sử. Chúng ta cần xếp lại hận thù. Đừng nhắc với em chuyện này nữa.

Hôm nay, chị Hai tôi là Doãn Thị Thu Hà từ Tiền Giang gọi điện nói với tôi về ngày mất của anh Doãn Mạnh Hùng theo dương lịch 25/2/1975 , ngày âm lịch là ngày 15/1/1975

Thằng em tôi là Doãn Mạnh Trung thời đó là bộ đội, tham gia giải phóng Kampuchia.

Còn tôi – những năm tháng chiến tranh- là thủy thủ tàu Cữu Long  1500 tấn, là con tàu duy nhất chở xăng cho xe tăng trên cung đoạn từ Hải Phòng đến Hòn Ngư, sau đó tàu Tự lực 50 tấn đưa  xăng vào Nghệ An  , bơm vào đường ống, đưa vào chiến trường Trường Sơn.

Tôi thường khuyên má :

  • Gia đình mình hy sinh chỉ một người, đó còn là phúc đức của ông bà để lại má à ! Vậy má đừng buồn !

Con tàu của tôi đã có lần bị hai máy bay Mỹ bạy lượn hai vòng quanh con tàu, nhưng họ không bắn. Đó là lúc 09 giờ sáng ngày 31/12/1971 tại vùng biển Lạch Trường, Thanh Hóa. Khi đó trong bụng tàu còn 30 tấn xăng chưa kịp chuyển sang tàu nhỏ ở Hòn Ngư vì chiến sự bùng phát sáng  cùng ngày tại vùng bờ biển Nghệ An và Thanh Hóa. Tàu được lệnh quay về Hải Phòng.

Hôm nay là ngày 25/2/2023, hôm qua kỹ niệm 1 năm chiến tranh ở Ucraina. Trãi qua chiến tranh, tôi hiểu rất rõ nổi đau của chiến tranh. Vì vậy tôi rất hiểu bom đạn Nga đã đào quá sâu vực căm thù, để người Ucraina khó quay lại với người Nga như mối tình Paven-Rita  giữa chàng trai  Ucraina và cô gái Nga  trong “Thép đã tôi thế đấy”.

Nhớ thế hệ cha anh kiên cường đánh giặc, thế hệ chúng tôi mong muốn dựng xây đất nước này thật sự bình yên, mọi người đều lao động và sống trong hạnh phúc.

Nhân ngày giỗ theo Dương lịch, đôi dòng như nén hương gửi đến anh Doãn Mạnh Hùng tình thương nhớ và khát vọng làm điều gì đó hữu ích cho đất nước ./.