Chính phủ của những mơ ước !
Từ nay, phải chăng con người được đối thoại một cách bình đẵng giữa con người với con người ?
Sự kiến tạo tức là đổi mới. Sự đổi mới bao giờ cũng bắt đầu từ số ít. Vậy nguyên tắc thiểu số phải phục tùng đa số có phải là nguyên tắc điều hành của Chính phủ không ? Nếu có thì không bao giờ có một Chính phủ Kiến tạo ! Liệu ông Thủ tướng có quyền cách chức ông Bộ trưởng khi không thực hiện theo lệnh không ? Ông Chủ tịch nước có quyền cách chức một ông Chủ tịch tỉnh không ? Nếu những quyền đó không có thì tất cả chỉ là một giấc mơ của … ngàn năm. Trách nhiệm phải gắn bó với quyền lực để thực hiện.
Bà Chủ tịch Quốc Hội thề chiến đấu vì danh dự ! Đây là một bước tiến lớn trong văn minh. Vì với con người, vật chất là phù du, còn lại là tiếng thơm muôn thuở. Nhớ có một lần, tôi ngồi cùng xe ô tô với một vị Giáo sư- Tiến Sĩ học ở trường đại học nổi tiếng Lô-mô-nô-xốp của Liên Xô, đi từ Tp HCM đến Cần Thơ để dự Hội nghị về nguồn tài nguyên nước sông Mê Kông. Trên xe, vị GS-TS hỏi tôi :
– Bạn có biết ai căm thù giới trí thức nhất ?
Tôi hiểu ý và trả lời :
-Xe chúng ta vừa qua con đường mang tên ông – người chủ trương “Trí Phú Địa Hào, đào tận gốc, trốc tận rể”.
Dù tiền nhân đã hy sinh và giúp người sau thành GS- TS, nhưng người sau đã không nhắc đến người trước với sự trân trọng và biết ơn !
Do đó, danh dự phải là những cống hiến giúp loài người tiến hóa. Trong mọi hoàn cảnh, những chủ trương chính trị, dù được đa số ủng hộ nhưng vẩn là tội ác nếu chống lại những giá trị cơ bản của loài người, chống lại bản chất của một nền Cộng hòa mà cả loài người hằng mơ ước. Xin nhắc lại nền tảng của nền Cộng hòa là tình yêu Tổ quốc và sự bình đẵng giữa con người với con người.
Sau 40 năm bom đạn, lần đầu tiên bầu không khí chính trị Việt Nam sáng lên. Mọi người lại mong đợi một nền Cộng hòa thật sự của dân, do dân và vì dân từng được khởi xướng và thể hiện bằng Tuyên ngôn Độc Lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 2/9/1945 và Hiến Pháp 1946.
KS Doãn Mạnh Dũng