Cần lòng tự ái và trách nhiệm với danh xưng : “Tôi sống ở Hà nội “
Bản sắc của từng địa phương không chỉ hình thành một sớm một chiều ,mà nó là sự kết tinh , lắng đọng dần dần ăn sâu ở trong nếp nghĩ , nếp sống và lan tỏa , bao trùm mọi ứng xử văn hóa qua hàng trăm năm thậm chí tới cả ngàn năm .Tuy nhiên bản sắc hay nói một cách rõ hơn và mạnh mẽ hơn là bản nguyên văn hóa địa phương cũng dễ bị mai một , thậm chí biến tướng rồi trở nên xa lạ với bản nguyên chính gốc .Bản sắc văn hóa hay thực chất là bản nguyên văn hóa người Hà Nội là một ví dụ như vậy .
Từ thời xa xưa của cha ông ta Hà Nội cùng các tên hiệu khác như Thăng Long ,Đông Đô được mệnh danh là nơi văn vật .Sự tích tụ tự nhiên của kinh đô , khiến Hà Nội là địa phương được cả nước ngưỡng vọng tôn sùng vì nơi ấy tập trung mọi tinh hoa nhất của đất nước .Kinh kỳ là nơi hội tụ những con người kiệt hiệt , xuất sắc ở các vùng miền địa phương trên toàn quốc , nơi gặp gỡ mọi tinh hoa nhất của đất nước .Đó là những con người với các tri thức lớn , những nhà văn hóa lớn có phong thái sống và ứng xử văn minh ;là những nghệ nhân nghệ sỹ có những tài năng trác việt về các mặt trong văn hóa nghệ thuật ngành , nghề … Kinh kỳ là tập trung cao độ nơi mọi người ứng xử với nhau theo những ước lệ của lễ nghĩa văn minh và luật pháp .Từ đó đã truyền khẩu câu thành ngữ :”Chẳng thơm cũng thể hoa nhài “ .
Thăng Long , Đông Đô , Hà Nội nơi tập trung các trí tuệ lớn của đất nước , những tinh hoa kiệt xuất của mọi miền vùng trải qua ngàn năm tồn tại đã làm phong phú hơn và sâu sắc hơn tính nhân văn của bản nguyên Hà Nội .
Khi nói về Hà Nội mọi người dân Việt đang sống trên đất nước hay lưu lạc ở nước ngoài đều có một niềm ngưỡng vọng và tự hào dân tộc , đấy là nơi biểu hiện tập trung nhất về cái đẹp ,cái cao quý ,thanh lịch và văn hóa của người Hà Nội và thông qua đó chính là của người Việt . Bởi vậy , văn hóa Hà nội không chỉ là văn hóa riêng của thủ đô mà nó là biểu tượng văn hóa Việt Nam , cốt cách tinh hoa của con người Việt Nam .
Tuy nhiên hiện nay bản nguyên văn hóa Hà Nội đã không lan tỏa và ảnh hưởng cho mọi miền tổ quốc như lịch sử đã từng như thế .Đau xót hơn nữa bản nguyên Hà Nội đã không còn trọn vẹn với danh xưng của nó .
Do những thiên kiến của lịch sử , những ấu trĩ của đấu tranh giai cấp và nhiều lí do không thể hiểu được ; bản nguyên Hà nội đã mất mát quá nhiều , nó không còn trọn vẹn với danh xưng lâu đời của nó .Thành ngữ nói về người Tràng An nhiều khi chỉ là một lời chê trách bóng gió , hàm ý mỉa mai .Mọi người dân Việt Nam trong thẳm sâu tâm hồn đều thoát thai từ một nông dân chính gốc .Cố giáo sư Trần Quốc Vượng đã từng xác định :”Căn tính nông dân của người Hà Nội luôn là cái mạnh mẽ và tiềm ẩn .Nhưng từ nhiều đời nay cái căn tính cố hữu là nông dân ấy đã được văn minh hóa , kinh kỳ hóa một cách rất mạnh ”. Khổng Phu Tử đã dạy :”Văn trị giáo hóa “. Người nhập cư Hà Nội dù lâu hay chóng ,một hai đời gốc hay dân ngụ cư , khi ở Hà Nội đã ngày ngày tự “hóa thân” là một dân “kinh đô” với đỉnh cao của văn minh trong mỗi thời kỳ lịch sử của nghìn năm Thăng Long Hà Nội .Cái bản sắc địa phương và lối ứng xử “đất làng” và ngay cả giọng nói của những người nhập cư đã phai dần và chính tự họ đã thay đổi , hóa thân khi họ ở chốn Tràng An để trở thành “Người Tràng An “.Điều đó chứng tỏ đất kinh kỳ và bản nguyên văn hóa Hà Nội có một sức mạnh , nó chắt lọc chỉ cho phép chấp nhận các tinh hoa văn hóa của mọi miền ,vùng khác mà làm nên bản nguyên văn hóa truyền thống Hà Nội .Văn hóa được hình thành theo quy luật thẩm thấu .Điều đúng ,cái đẹp ,văn minh lịch sự , ứng xử mang tính nhân văn , các phong hóa lễ nghĩa sẽ thắng thế cái xấu , cái thô lậu , cái gọi chung là vô học một cách tự nhiên . Hà Nội qua những thời hưng thịnh của các triều đại Lý ,Trần , Lê ,Nguyễn , những nhân tố văn hóa đỉnh cao của đất nước Việt Nam đã thừa kế , thấm nhuần và trở thành bản nguyên của văn hóa Hà Nội .Người Hà Nội đã tự hào sống và ứng xử văn minh lịch sự như :nhửng bông hoa nhài .
Đến thời cận đại , khi triều đình nhà Nguyễn rời kinh đô về Thừa Thiên Huế , sự thiên đô làm dịch chuyển cả một nguồn văn hóa phong phú và là đỉnh cao của dân tộc .Sự dịch chuyển kinh đô đã tạo nên bản sắc văn hóa ở một nơi mới :Văn hóa Huế . Đó là văn hóa đất kinh kỳ nổi tiếng suốt mấy trăm năm tồn tại của triều Nguyễn đến bây giờ .
Do nhiều biến cố lịch sử , cố đô Huế vẫn là một địa phương còn giữ được rất nhiều những nét truyền thống đặc biệt ở trong cách ứng xử , lễ nghĩa , phép tắc mang tính quý phái thanh cao và lịch sự .
Hà Nội không được như vậy , những biến cố của lịch sử khiến chính người Hà Nội mặc cảm với những điển lệ , ứng xử , phong thái của chính mình .Họ bị cho rằng những lề lối ứng xử khiêm cung kiểu cách mang đậm nét thanh lịch ấy là mang tính tiểu tư sản , trí thức rởm , là “sĩ” , là không hòa mình quần chúng , là cách ứng xử của tầng lớp giàu có bóc lột . Rồi những di chuyển cơ học về dân cư dẫn đến người Hà Nội từ lúc nào đã không mạnh mẽ khi tự hào nói :”Tôi là người Tràng An”. Bản nguyên văn hóa Hà Nội mất mát dần .Cái đẹp bao giờ cũng mong manh . Nó mất mát nhanh hơn sự hình thành tới mức đáng sợ .Những kiểu cách ứng xử xưa của người Hà Nội như : ra đường phải ăn mặc như tiếp kiến khách quý , phụ nữ mặc áo dài lịch sự kín đáo, nói năng thưa gửi lễ phép ôn nhu nhã nhặn , không làm ồn ào nói to cười đùa ầm ĩ , tự mình biết khiêm nhường trong xử thế với mọi người chung quanh và rất nhiều rất nhiều điều như thế đã bị mai một .
“ Người ở Hà Nội “ ngày nay quá thực dụng , càng thực dụng người ta cho là càng khôn .Các hành vi khiêm nhường trong mọi xử thế lại được cho là hèn kém . Rất ít người ở Hà Nội còn nghĩ đến chữ thanh đạm ,tri túc trong tư duy để tiết chế trong hành động ứng xử. Rất nhiều người đã lên tiếng đau xót về những băng hoại văn hóa thủ đô .Trong một bài báo nào đó chúng tôi đã đọc, các tác giả đã mong muốn : Trong cộng đồng cần phải có những “ thượng lưu , quý tộc về tinh thần , đạo đức” (thượng lưu quý tộc tiền tỷ và tiền tấn thì đã có nhiều ). Những trí thức , đặc biệt những người làm báo , làm truyền hình , nghệ sỹ chính họ phải là những người “quý tộc về phong cách văn hóa” về tinh thần để mọi người khác trong xã hội nhìn vào đó mà sống , mà bắt chước ứng xử trong quan hệ người và người .Chúng ta phải có những phong trào với những tiêu đề cụ thể trên truyền hình và báo chí tạo nên sức ép dư luận quần chúng lên án , dè bỉu , coi khinh những hiện tượng vô văn hóa . Điều đó sẽ trở thành một áp lực quần chúng rộng rãi đối với những kẻ có các hành vi vô văn hóa , họ sẽ thấy ngượng ngùng , phải biết lại cái cảm giác xấu hổ khi mình hành động không giống ai , số rất đông người đang nhìn mình như một quái thai .Xã hội sẽ tốt đẹp hơn khi tự thân xã hội đồng thuận ca ngợi các hành vi ứng xử mang tính văn hóa , và cũng chính dư luận xã hội sẽ đồng thuận ngăn cản và chê bai , lên án một cách quyết liệt các hành động phản văn hóa , khi chúng ta quý trọng và ca ngợi các hành vi ứng xử văn hóa thì cũng chính dư luận xã hội sẽ chắt lọc và lưu lại những hành vi tử tế ,g thanh lịch của người Hà nội từ xa xưa .
Liệu có lường trước được chuyện gì tồi tệ hơn , nhưng tôi đau đáu một nỗi xót xa đành giải tỏa ẩn ức của mình trong một mong ước có thể rất lãng mạn là :người sống ở Hà Nội đã đến lúc cần phải có lòng tự ái và trách nhiệm với danh xưng :” Tôi ở Hà Nội “ .Chỉ có thể như thế mọi sự sẽ khác chăng ?
Tp Hồ Chí Minh,tháng tám âm ngày rằm.
Nguyễn Đại Thắng