“Cướp biển Caribe”- Nạn nhân cuối cùng của siêu bão Sandy- Lê Vũ Khánh

“Cướp biển Caribe”- Nạn nhân cuối cùng của siêu bão Sandy- Lê Vũ Khánh

Cơn bão được coi là nguy hiểm tới mức, đương kim Tổng thống Obama và ứng cử viên Tổng thống Mitt Romney, khi đó đã phải tạm ngừng chiến dịch tranh cử của mình dù rằng chỉ còn 1 tuần sau đó là tới ngày bỏ phiếu. Từ Wasshington, Tổng thống Obama kêu gọi người dân Mỹ “Hãy nghe theo chỉ dẫn của chính quyền nơi bạn sống. Nếu họ yêu cầu bạn đi sơ tán, hãy chấp hành ngay vì đây là cơn bão rất mạnh”.

Số người bị ảnh hưởng bởi cơn bão Sandy rất lớn, nhưng các báo chí của Anh và Mỹ, ngày 30/10/2012 đều đưa tin về một nạn nhân trực tiếp, được coi là cuối cùng của cơn bão này, đó là con tàu phiên bản của tàu Bounty.

Theo tin của Yahoo UK Movies News ngày 30/10/2012, thì phiên bản của con tàu HMS Bounty, vốn là chiếc tàu buồm đã được sử dụng trong nhiều phim và các chương trình truyền hình, trong đó có seri phim được rất nhiều người yêu thích “Cướp biển vùng Caribe” đã bị siêu bão Sandy đánh chìm ngày 29/10/2012 tại vùng biển phía Bắc Carolina, Hoa Kỳ. Sóng, gió đã vùi dập con tàu cho tới khi nó bị ngập nước và chìm hẳn trong lúc đang di chuyển đúng trong vùng quét của bão.
Gió bão tốc độ trên 70km/h cùng sóng cao tới trên 5,5m đã đổ ập nước lên con tàu buồm dài 180 foot (55m) này và làm chết máy khi tàu đang ở vị trí cách đông nam Hatteras, thuộc phía Bắc Carolina 90 dặm.

 

Đây là hình ảnh của “Minh tinh màn bạc”, phiên bản của con tàu HMS Bounty (ảnh trên Internet của PA)

Mặc dù lúc đó, vị trí của con tàu còn cách tâm siêu bão Sandy khoảng gần 300km, nhưng đây là cơn bão rất mạnh, được đánh giá mức độ nguy hiểm cấp 1 đổ bộ vào bờ biển phía Đông nước Mỹ, nên sức mạnh của nó vẫn đủ để nhấn chìm con tàu này, một biểu tượng của màn ảnh thế giới xuống biển.

Theo báo cáo của Cơ quan Cảnh sát biển Hoa Kỳ thì 16 thuyền viên của con tàu này đã mặc áo chống lạnh cùng áo phao trước khi rời tàu trên 2 xuồng cứu sinh có mui che, với công suất 25 người mỗi xuồng. Tuy nhiên, cho tới thời điểm của bài báo về cơn bão này xuất hiện trên trang Yahoo Movie News, ngày 30/10/2012 thì mới chỉ có 14 người được cứu sống. Trước đó, một thủy thủ khác của tàu này đã được tàu cứu hộ vớt từ biển lên trong tình trạng không có phản xạ gì và sau đó được xác nhận là đã tử vong. Người còn lại chưa được tìm thấy tại thời điểm đó chính là thuyền trưởng của con tàu và mọi nguồn tin từ Hoa Kỳ đều cho rằng có thể ông này đã chết sau khi con tàu bị chìm. Tuy nhiên tại thời điểm báo cáo của Yahoo Movie News được đưa ra thì kênh truyền hình NBC cho biết máy bay của lực lượng cứu hộ vẫn đang nỗ lực tìm kiếm nạn nhân cuối cùng.
Con tàu Bounty nguyên gốc của hải quân Hoàng gia Anh đã đi vào lịch sử sau khi có một cuộc nổi loạn trên tàu vào năm 1789, tại vùng biển Tahiti. Còn con tàu phiên bản của nó được đóng năm 1962 để phục vụ cho cảnh quay của bộ phim “Mutiny on the Bounty – Cuộc nổi loạn trên tàu Bounty”, tái hiện lại sự kiện trên, trong đó có diễn viên ngôi sao Marlon Brando tham gia. Sau đó, nó còn được sử dụng trong loạt phim nổi tiếng “Cướp biển vùng Caribe” mà nhiều người say mê điện ảnh đều yêu thích. Khi đóng con tàu này, người ta sử dụng thiết kế gốc của tàu HMS Bounty từ trong hồ sơ lưu của Hải quân Hoàng gia Anh. Tuy nhiên để thuận tiện cho việc đặt loại camera cỡ lớn quay phim, người ta đã phải tăng kích thước của phiên bản này so với thiết kế nguyên thủy lên khoảng 1/3. Sau khi hoàn thành bộ phim đầu tiên, người ta đã từng có ý định đốt bỏ con tàu này, chủ yếu là để làm cho những hình ảnh về con tàu trong bộ phim đó sẽ là độc nhất, nhưng nhà sản xuất phim đã quyết giữ lại để sử dụng cho các bộ phim sau, nhất là sau khi Marlon Brando từ chối tham gia đóng bộ phim tiếp sau để phản đối ý định đốt bỏ tàu. Chính vì thế, chúng ta còn thấy được hình ảnh đẹp tuyệt vời của nó trong seri phim “Cướp biển vùng Caribe” sau này.

Giờ đây, con tàu phiên bản đã nằm lại dưới đáy đại dương. Không biết liệu người ta có kế hoạch trục vớt, phục hồi nó hay không. Dù sao đi nữa, với những hình ảnh của nó trong seri phim “Cướp biển vùng Caribe”, con tàu này đã đi vào tiềm thức của biết bao người yêu biển, yêu ngành hàng hải và cả người yêu phim ảnh trên thế giới.
Lê Vũ Khánh
Tổng hợp từ Internet