Hoan nghênh “Thông điệp 1/1/2014” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Trong cái bế tắc trên, ngày đầu năm 1/1/2014, một niềm hy vọng khi được nghe “Thông điệp” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại chương trình thời sự lúc 19:00 trên kênh VTV1.
Có thể nói, đây là một ” Thông điệp” đầy bất ngờ và có lẻ nhiều người chờ mong từ năm 1975. Xưa nay, các cuộc khởi nghĩa sau khi thành công, lịch sử của triều đại mới phải cần có thời gian để chuyển tiếp từ các nhà quân sự sang các nhà quản trị đất nuớc bằng học thuật. Đó là quy luật mang tính tất yếu. Chỉ có những vĩ nhân mới vượt qua được những thói quen bản năng thường tình như tổng thống Mỹ-ông George Washington hay tổng thống Nam Phi – ông Nelson Mandela. Các vĩ nhân trên, họ đã để lại sự thù hận phía sau và nhìn về phía trước với sự cao thượng , tình yêu thương và khoan dung với con người để hướng đến một cuộc sống mới trong hòa hợp,hòa giải và văn minh của nhân loại.
Phải chăng “Thông điệp ” của ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ mở ra một chương mới cho lịch sử Việt Nam ?
Trong “Thông điệp” ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định như sau :
“Chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế sâu rộng. Việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do với yêu cầu cao hơn, toàn diện hơn tạo ra nhiều cơ hội cho hợp tác cùng phát triển nhưng sự tùy thuộc lẫn nhau cũng tăng lên và cạnh tranh ngày càng gay gắt.”
Ở đây, Chính phủ nên cân nhắc hai chữ “tùy thuộc”. Nghĩa của “tùy thuộc” là chưa chuẩn xác về nhận định, có thể không hay có. Còn sự “phụ thuộc ” là ngoài ý muốn , nó buộc phải có, dù muốn hay không.
Ví dụ : Trung Quốc và Mỹ dù ghét nhau nhưng vẩn phụ thuộc lẩn nhau : Trung Quốc cần công nghệ và dùng phần điều hành máy tính của Microsoft, Mỹ thì cần thị trường Trung Quốc. Sự phụ thuộc này là ngoài ý muốn. Nên dùng từ “tùy thuộc ” là không chính xác, không thể hiện bản chất các nước có xu thế buộc phải phụ thuộc lẩn nhau.
Vì vậy thời đại chúng ta sống là “Thời đại liên kết và phụ thuộc lẩn nhau, trong xu thế hòa bình nhưng sự cạnh tranh ngày càng gay gắt”.
Nhận thức trên rất quan trọng, nó quyết định chiến lược kinh tế và quân sự của cả quốc gia. Với nhận thức trên, chúng ta không nên hảo huyền đi đâu cũng xin vốn ODA hay quá coi trọng vốn đầu tư nước ngoài mà quên hoặc không biết phát huy các nguồn vốn tiềm ẩn trong nhân dân hay quá coi trọng tư vấn nước ngoài mà lại quên hay không biết sử dụng chất xám người Việt Nam.
Trong “Thông điệp “ , Thủ tướng đề xuất “Đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân”
Đó là chủ trương đúng. Vì Việt Nam đã qua giai đọan kiếm lợi nhuận bằng cơ bắp và tài nguyên thiên nhiên. Việt Nam đã qua giai đọan làm giàu bằng phá rừng lấy gổ, chiếm đất, chiếm các nhà mặt tiền, khu du lịch, hay các nguồn khóang sản …Đã qua giai đọan sử dụng tiền ngân sách như tiền chùa … Khi đã thừa nhận và dám chấp nhận “phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân” là bắt đầu sắp kết thúc giai đọan mua quan bán chức trong xã hội Việt Nam.
Bản chất của đề xuất trên là tiền đề để hình thành nền kinh tế tri thức. Nền tảng của kinh tế tri thức là sự bình đẵng trong tiếp cận nguồn vốn, nguồn tài nguyên và trách nhiệm thuế giữa các doanh nghiệp. Sự kinh doanh thành công phải dựa vào lợi thế so sánh của chất xám và sự bảo vệ bản quyền chất xám. Muốn vậy sự dân chủ trực tiếp của nhân dân phải được đề cao với tam quyền phân lập đi cùng với minh bạch và công khai thông tin.
“Thông điệp ” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là không mới với thế giới, nhưng đã đáp ứng sự chờ mong quá lâu của những người lao động chân chính ở Việt Nam.
Chúng ta nên cùng nghiên cứu và biến ý tưởng trong “Thông điệp” của Thủ tướng thành hiện thực.
Ks Doãn Mạnh Dũng