ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU- Ngô Lực Tải (Phó Chủ tịch Hội KHKT & KT biển Tp.Hồ Chí Minh)
VAI TRÒ VỰA LÚA QUỐC GIA & YẾU TỐ GÓP PHẦN ỔN ĐỊNH AN NINH LƯƠNG THỰC CHO THẾ GIỚI.
Địa lý
Đồng bằng sông Cửu Long nằm về phía Tây Nam của Việt Nam, hình thành cách đây khoảng 11.000 năm từ trầm tích phù sa do dòng sông MêKông mang đến, là vùng đất bằng phẳng hình tam giác có diện tích 5,5 triệu hecta, trong đó có 3,9 triệu hecta nằm trên lãnh thổ Việt Nam, trải dài khoảng 270 km từ điểm bắt đầu tại Pnômphênh (Kampuchia) (1) ra đến bờ biển Việt Nam. Chiều dài bờ biển khoảng 600 km. Cao độ trung bình của phần diện tích tại Việt Nam là 0,80m so với mực nước biển.
Lũ lụt giữ một vai trò quan trọng trong đời sống của người dân Đồng bằng sông Cửu Long. Hàng năm nước lũ từ sông làm ngập 1,9 triệu hecta diện tích đất. Tuy nhiên, những trận lũ “vừa” rất cần thiết cho sản xuất lương thực và đánh bắt thủy sản, nên việc chung sống với lũ đã trở thành tập quán truyền thống của cư dân địa phương.
Dân số:
Thuộc loại có mật độ cao nhất Việt Nam và thế giới, khoảng 17 triệu người (chiếm 22% dân số VN) trong đó 85% sống ở nông thôn. Dự báo dân số sẽ tăng tương ứng 19 triệu (năm 2020) và 31 triệu (năm 2050). Thu nhập bình quân đầu người khoảng 14 triệu VNĐ/ năm (năm 2008), tỷ lệ hộ nghèo chiếm 20% dân số. Có 13 tỉnh, thành với 132 thành phố, thị xã, thị trấn trong đó (có 1 thành phố trực thuộc trung ương, 12 thành phố và 7 thị xã cấp tỉnh, 98 thị xã và 14 thị trấn cấp huyện). Trình độ dân trí chưa cao, thiếu nghiêm trọng đội ngũ khoa học – công nghệ lành nghề ở đẳng cấp thế giới, nhất là trong những ngành liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu.
Kinh tế:
Đây là vùng nông nghiệp trù phú của đất nước, sản xuất lúa gạo, hoa màu, trồng cây ăn quả, nuôi thủy sản nước ngọt, nước lợ (chưa kể kinh tế biển, đảo) cung cấp lương thực, thực phẩm cho khu vực và một phần cho các vùng lân cận, đồng thời phục vục cho xuất khẩu của quốc gia.
Năm 2010 sản lượng lúa gạo đạt trên 21 triệu tấn, hoa màu khoảng 4 triệu tấn, cây ăn quả trên 3 triệu tấn, mía đường trên 5 triệu tấn. Theo thống kê của Bộ Nông Nghiệp & Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam năm 2010 đạt 19,15 tỷ USD, trong đó các mặt hàng nông sản chủ yếu chiếm 9,95 tỷ USD thì Đồng bằng sông Cửu Long có thị phần gần một nửa. Hai trong ba mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD xuất xứ từ đây, đặc biệt là mặt hàng gạo đã vượt 5 triệu tấn. Việt Nam vẫn giữ vị trí nước xuất khẩu gạo đứng hàng thứ hai thế giới trong nhiều năm qua. Quả thật, Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa của quốc gia, đồng thời cũng là yếu tố góp phần ổn định an ninh lương thực cho thế giới trong bối cảnh đang khủng hoảng lương thực toàn cầu. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp hiện nay vẫn ở trình độ thủ công, phần lớn việc canh tác dựa vào sức người, ít dùng máy móc nên năng suất không thể đạt mức cao so với những nền nông nghiệp được cơ giới hóa trong khu vực Asean.
NHỮNG VẤN ĐỀ BẤT CẬP TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
Quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên nước sông Mêkông
Sông Mêkông chảy vào Việt Nam qua hai con Sông lớn Tiền Giang và Hậu Giang với tổng dòng chảy hàng năm khoảng 400tỷ m3 nước, lắng đọng phù sa về
Chú thích: (1) Sông MêKông bắt nguồn từ Trung Quốc chảy qua Myanmar, Thái Lan, Lào, Kamphuchia, Việt Nam. Đến Pnômpênh (Kampuchia) Sông chia ra hai nhánh Mêkông và Bassac vào Việt nam gọi là Sông Cửu Long.
(2) sông Nậm Ngừm của Lào.
mùa lũ làm tăng độ phì nhiêu cho vùng Châu thổ, rửa chua mặn cho đất phèn, tưới tiêu cho đồng ruộng, cung cấp nước ngọt cho dân sinh rồi đổ thẳng ra biển qua 9 cửa: Tiểu, Đại, Balai, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung hầu, Định an, Bác sắc và Trần Đề.
Sông Tiền, sông Hậu rộng và sâu, với độ rộng từ 1000m – 1500m, sâu từ 10m – 15m tạo ra cảnh quan hùng vĩ và đẹp đẽ vào bậc nhất trong những con sông của Việt Nam và thế giới với vườn cây ăn quả bát ngát hai bên bờ từ biên giới Campuchia ra đến gần biển Đông. Lượng nước sông Mêkông tương đối lớn, nhưng chúng ta chưa đủ điều kiện xây những hồ chứa quy mô cũng như hệ thống cơ sở hạ tầng thủy lợi hiện đại để trữ nước ngọt vào mùa lũ, nên qua mùa khô vùng giao thoa giữa nước ngọt và mặn, vùng ven biển thường xuyên thiếu nước ngọt cho sinh hoạt của dân. Việc cung cấp nước ngọt an toàn chỉ mới đạt 60% – 65% ở khu vực đô thị, còn ở nông thôn thì thấp hơn nhiều. Bài toán đáp ứng nguồn nước ngọt cho dân trong mùa khô đang rất bức xúc đối với ngành thủy lợi trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra nhanh chóng ở Đồng bằng Sông Cửu Long.
Mặt khác, Việt Nam là quốc gia ở cuối hạ lưu nên việc khai thác nguồn tài nguyên nước của sông này bị hạn chế, thường xuyên xảy ra bất cập. Trước 1990 chỉ có 1 đập thủy điện trên sông “Nậm – ngừm” (2) với dung tích trữ nước khoảng 4.700 triệu m3. Đến 1990 – 2003 có thêm 4 hồ chứa nước nữa được xây để phát triển thủy điện khoảng 1.926 triệu m3. Nhưng vào năm 2010 xuất hiện 12 đề án dự kiến xây đập thủy điện trên dòng chính ở hạ lưu sông Mêkông. Đập đầu tiên là “ Xayaburi” trên đất Lào do Thái Lan bao tiêu điện, đề án này đang chờ Ủy ban sông Mêcông (MRC) cho ý kiến. Theo giới chuyên môn thì 12 đập trên chỉ đáp ứng được 4,4% nhu cầu điện của Thái Lan và Việt Nam, nên chưa phải là việc cấp thiết trong lúc này. Vì vậy, đã có 263 tổ chức phi chính phủ của 51 nước khác nhau phản đối và gửi kiến nghị đến chính phủ Thái Lan cũng như Lào yêu cầu tạm ngưng, trong đó kể cả Ngân hàng thế giới và Ngân hàng phát triển Châu Á đều ra thông báo chính thức là không cung cấp tài chính cho những dự án thủy điện nào được xây dựng trên dòng sông Mêkông. Rõ ràng lợi bất cập hại, vì nó không mang lại bất cứ lợi ích gì cho Đồng bằng sông Cửu long. Đó là chưa kể Thái Lan đang lên kế hoạch phân chia nguồn nước sông Mêkông đi vào lãnh thổ của mình để phát triển nông nghiệp, ước tính lên đến 15,2 tỷ m3 nước ngọt. Nếu như những dự án nói trên được “hiện thực hóa” thì lưu lượng nước sông Mêkông chảy vào Việt Nam mùa khô sẽ giảm xuống 24% và diện tích bị xâm mặn sẽ tăng khoảng 7% ở Đồng bằng sông Cửu Long. Hậu quả trước mắt có thể nhận biết đó là mùa lũ năm 2010 không thấy rõ hiện tượng “nước nổi” ở các tỉnh biên giới Việt Nam giáp với Campuchia như thường lệ.
Do đó vấn đề ưu tiên số một của chúng ta hiện nay là phải gấp rút xây dựng chiến lược bảo vệ và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước của sông Mêkông để làm tiền đề cho tất cả các kế hoạch hay phương án ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm phát triển nông nghiệp bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Kết cấu hạ tầng thủy lợi
Đồng bằng sông Cửu Long có một màng lưới sông ngòi và kênh rạch dày đặc. Ngoài hai con sông lớn Tiền Giang và Hậu Giang chảy qua vùng trung tâm châu thổ, còn có nhiều sông loại vừa, chiều dài không quá 100km, nước lợ về mùa khô, đều hoạt động tùy thuộc vào thủy triều rõ rệt, tức là càng đến gần biển thì dòng chảy càng nhanh và mạnh. Ở Kiên Giang có sông Cái Lớn, sông Cái Bé. Bán đảo Cà Mau có sông Ông Đốc, sông Bảy Háp, sông Gành Hào và sông Cái Tàu… cùng với hệ thống 15.000km kênh cấp 1, 27.000km kênh cấp 2, khoảng 50.00km kênh cấp 3, hệ thống cống hở, cống luồn, đê và các trạm bơm, tạo ra cơ sở hạ tầng thủy lợi đạt 80-100m / hecta đất đai, rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp và lưu thông phân phối. Đồng bằng sông Cửu Long còn có một hệ thống đê kè với tổng chiều dài 13.000km (7.000km đê sông để chống lũ cho lúa hè thu, và hơn 5.000km đê biển). Hệ thống hạ tầng thủy lợi phần lớn được hình thành để đối phó với những khó khăn thường xuyên bị lũ lớn đe dọa ở khắp 1,9 triệu hecta phía trên châu thổ, chống xâm nhập mặn cho 1,4 triệu hecta ở khu vực ven biển và rửa chua mặn 1 triệu hecta ở vùng trũng. Đến nay biến đổi khí hậu đã đặt Đồng bằng sông Cửu Long trước những thách thức lớn vừa cấp bách vừa lâu dài là phải xây dựng một hệ thống công trình phức hợp cho tưới tiêu, kiểm soát lũ, ngăn chặn mặn cũng như quản lý hợp lý dòng chảy trong hệ thống. Đây là những việc tương đối khó khăn cho ngành thủy lợi nói riêng và nông nghiệp Việt Nam nói chung.
Bảo vệ và quản lý mội trường sinh thái
Cũng là thách thức lớn đối với Đồng bằng sông Cửu Long vì đây là vùng châu thổ có nhiều đầm lầy nhiệt đới với đa dạng sinh học đặc thù và phong phú vào bậc nhất, nhì thế giới. Rừng tràm U Minh có diện tích 217.508 hecta ở bán đảo Cà Mau nơi cư trú và sinh sản lý tưởng của hơn 1.300 loài cá nước ngọt, nước lợ và khoảng 350 loài chim nước quý hiếm. Rừng ngập mặn ven biển từ Long An đến mũi Cà Mau có diện tích 215.974 hecta giữ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ bờ biển và cải tạo đất đai. Nếu Đồng bằng sông Cửu Long để cho môi trường suy thoái, làm mất đi tính đa dạng sinh học của vùng, gây ảnh hưởng đến sinh thái có nghĩa là góp phần cùng biến đổi khí hậu đem thêm tai họa đến cho cảnh quan và người dân vùng đồng bằng. Mặc dù hiện nay đang còn khiếm khuyết nhiều luật lệ, thể chế để khai thác và quản lý có hiệu quả đa dạng sinh học, rừng đặc dụng và nguồn nước ngọt ở đây, cũng như bộ máy quản lý và đội ngũ thực thi còn thiếu và yếu. Nhưng nếu không có sự quan tâm đặc biệt thì công tác bảo vệ và quản lý môi trường ở Đồng bằng sông Cưu Long e rằng khó khả thi.
ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Tác động của biến đổi khí hậu đối với Đồng bằng sông Cửu Long.
Như chúng ta biết, biến đổi khí hậu tác động khác nhau trong từng vùng, ở từng địa phương tùy theo đặc thù địa lý, địa hình và thời tiết ở nơi đó. Đồng bằng sông Cửu Long được xác định là một trong những khu vực bị tổn thương nặng nề nhất Việt Nam. Ngoài ảnh hưởng chung còn có những bất cập trực tiếp như sạt lở bờ biển, bờ sông, ngập úng sâu kéo dài ở những vùng trũng, bão nhiệt đới xâm nhập đến những nơi mà trước đây được cho là an toàn, ít bị thiên tai. Ví như bão Linda(1997) đã tàn phá bán đảo Cà Mau, bão Durian (2006) quyét qua bờ biển Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang gây thiệt hại nghiêm trọng cho con người và tài sản…Nhưng vần đề quan trọng nhất đối với đồng bằng sông Cửu Long hiện giờ cần phải ứng phó là nước biển dâng cao và xâm nhập mặn.
Dựa theo những kịch bản đã được công bố năm 2009 thì vào năm 2100 mực nước biển sẽ dâng 65cm (kịch bản B1 – thấp) 75cm (kịch bản B2 – trungbình) và 100cm (kịch bản A1F1 – cao). Cả ba tình huống đều gây nguy hiểm cho đất nước. Nếu lấy kịch bản A1F1 làm chuẩn thì Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập từ 12,8% đến 37,8% diện tích, nhiễm mặn tăng thêm 334.000 hecta đất đai với độ mặn 4% vào mùa khô, ảnh hưởng nghiêm trọng đến canh tác 3 vụ mùa, sản lượng lương thực bị mất đi đáng kể, đe dọa an ninh lương thực quốc gia. Như vậy tác động của biến đổi khí hậu sẽ tạo thêm nhiều bất cập và nguy cơ lớn hơn cho phát triển kinh tế – xã hội và đặc biệt là sản xuất nộng nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Hợp tác quốc tế
Vào năm 2010, hai chính phủ Việt Nam và Hà Lan đã ký bản thỏa thuận đối tác chiến lược hợp tác trong lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên nước, trong đó Việt Nam đã yêu cầu chính phủ Hà Lan hỗ trợ quá trình xây dựng kế hoạch châu thổ cho Đồng bằng sông Cửu Long, dựa vào những kinh nghiệm về khoa học – công nghệ tiên tiến và chương trình Châu thổ Hà Lan mà bạn đã thực hiện thành công. Bắt đầu là dự án Quy hoạch tổng thể Đồng bằng sông Cửu Long. Sau một năm phối hợp làm việc với các cơ quan chức năng Trung Ương, các Viện nghiên cứu và Chính quyền 13 tỉnh, thành của Đồng bằng, Chương trình hợp tác Việt Nam – Hà Lan đã công bố kết quả những nghiên cứu đánh giá 8 chuyên đề phục vụ cho xây dựng quy hoạch Châu thổ sông Cửu Long, gồm những đề tài : Biến đổi khí hậu, Tài nguyên nước, Hạ tầng cơ sở thủy lợi, Nước và môi trường, Nước cần cho lương thực, Cung cấp nước sạch và hệ thống vệ sinh, Quy hoạch không gian, Thể chế quản lý tài nguyên vào ngày 31/03/2011 trong cuộc hội thảo cấp cao Viêt Nam – Hà Lan về quy hoạch Châu thổ sông Cửu Long lần thứ tư tại thành phố Hồ Chí Minh. Đây là những kết quả đáng trân trọng của các nhà khoa học Hà Lan do giáo sư- tiến sĩ Cees Veerman đứng đầu, thể hiện sự hợp tác có hiệu qủa giữa Hà Lan và Việt Nam trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Chúng ta đang kỳ vọng sự thành công tiếp nối sẽ mang lại những lợi ích thiết thực cho Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và Việt Nam nói chung.
Sự lựa chọn đúng hướng
Những năm gần đây, trước diễn tiến phức tạp của biến đổi khí hậu toàn cầu, tác động trực tiếp đến thời tiết ở Việt Nam, không khỏi làm cho nhiều người lo lắng, bất an về sự ứng phó của chúng ta. Liên Hiệp Quốc vào cuộc làm cho cả thế giới chuyển động, Việt Nam là một trong nhữngquốc gia gánh chịu hậu quả nặng nề. Đảng, Nhà Nước và nhân dân ta coi việc ứng phó với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ quan trọng để gìn giữ đất nước cũng như bảo đảm sự trường tồn của dân tộc trong hiện tại và nhiều thế hệ mai sau.
Bằng sự hợp tác với nhiều nước trên thế giới, khởi đầu là Hà Lan, chọn châu thổ Sông Cửu Long làm tiêu điểm để xây dựng kế hoạch toàn diện ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây là sự lựa chọn đúng hướng, hợp lý, bởi vì bảo vệ được đồng bằng sông Cửu Long là đảm bảo an ninh lương thực quốc gia để cho đất nước phát triển ổn định và bền vững. Mặt khác Hà Lan là nước Tây Âu có nền công nghiệp và nông nghiệp hiện đại với bề dày lịch sử nhiều thế kỷ phát triển trong bối cảnh đất nước có địa hình thấp hơn mực nước biển ở Biển Bắc, lại có rất nhiều điểm tương đồng với Đồng bằng Sông Cửu Long. Một sự trùng hợp khá thú vị. Chính vì thế, sự khởi đầu hợp tác rất hiệu quả và nhanh chóng cộng thêm ý chí kiên cường bảo vệ tổ quốc từ thời xưa, nay được tái hiện trong Chính quyền các cấp và Nhân dân Đồng bằng nói riêng và Việt Nam nói chung, tưởng chừng như kỳ tích, đó là năm 1976 sản lượng gạo mới đạt 4,5 triệu tấn, đến năm 2010 trên 21 triệu tấn. Tuy nhiên, chúng ta cũng nhận thấy sự yếu kém khách quan cũng như chủ quan là trình độ dân trí còn thấp, lực lượng khoa học – công nghệ đang thiếu ở nhiều ngành, kết cấu hạ tầng thủy lợi, nông nghiệp, giao thông, xã hội chưa đủ sức hạn chế thiên tai…
Những vấn đề trên đã được nhận biết trong các đề án đang được xây dựng để triển khai. Chúng ta đặt niềm tin vào sự khởi đầu thuận lợi sẽ mang đến thành công tốt đẹp, Việt Nam có câu ngạn ngữ “Đầu xuôi đuôi lọt” vẫn có giá trị đến ngày nay.
Tháng 4/2011