Niềm tin của thằng ăn trộm

Tình cờ trên một tờ báo quen thuộc, ở gần những trang cuối, đăng lại câu chuyện về nhà hiền triết Hasan của Hồi giáo Ai là thầy của ngài? Câu chuyện cũng xưa rồi. Khi nhà hiền triết Hasan sắp qua đời, có người hỏi ông: “Thưa Hasan, ai là thầy của ngài?”. Nhà hiền triết bảo “Những người thầy của ta nhiều vô kể. Nếu điểm lại tên tuổi của các vị ấy, hẳn sẽ mất hàng tháng, hàng năm, và như thế lại quá trễ vì thời gian của ta còn rất ít. Nhưng ta có thể kể về ba người thầy sau của ta…”. Ba người thầy ấy, lần lượt theo lời thầy kể, là một tên trộm, một con chó, cuối cùng là một đứa bé. Mỗi người thầy này đều cho nhà hiền triết một bài học quý.
Tôi chọn vị thầy thứ nhất “một tên trộm” để giới thiệu, bởi câu chuyện có liên quan đến “niềm tin”.
Tóm tắt câu chuyện thế này: Một lần, Hasan đi lạc trong sa mạc, khi ông tìm đến một khu làng thì trời đã rất khuya, mọi nhà đều đi ngủ cả, chỉ một người còn thức, đang khoét vách một căn nhà trong làng. Hasan hỏi người đó xem có thể tá túc ở đâu, “Khuya khoắt thế này thật khó tìm chỗ nghỉ chân, ông có thể đến ở chỗ tôi nếu ông không ngại ở chung với một tên trộm”, người kia bảo. Hasan nán lại đó hẳn một tháng! Cứ mỗi đêm tên trộm bảo: “Tôi đi làm đây. Ông ở nhà và cầu nguyện cho tôi nhé!”. Mỗi khi anh ta trở về, Hasan đều hỏi: “Có trộm được gì không?”, và anh ta đáp: “Hôm nay thì chưa, nhưng ngày mai tôi sẽ cố, có thể lắm chứ”. Hasan chưa bao giờ thấy tên trộm ấy trong tình trạng tuyệt vọng, anh ta luôn hạnh phúc. Nhiều năm sau, có lúc Hasan rơi vào tình trạng tuyệt vọng, nghĩ rằng phải chấm dứt tất cả những điều vô nghĩa của cuộc sống. Nhưng ngay sau đó, ông chợt nhớ đến tên trộm, kẻ hằng đêm vẫn quả quyết “Ngày mai tôi sẽ làm được, có thể lắm chứ”. Thông điệp Hasan nhận được từ tên trộm, nói đúng hơn, từ cuộc sống, mà ông rút ra thành triết lý sống là không được đánh mất niềm tin và đừng bao giờ tuyệt vọng.
 
 
Từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám, những câu thơ của Tố Hữu, do anh tôi – anh Đặng Minh Phương – chép tay từ một chiến sĩ cách mạng tù Buôn Ma Thuột về và cho tôi đọc, đã gieo cho tôi một niềm tin mãnh liệt.
Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu 
Dấn thân vô là phải chịu tù đày 
Là gươm kề tận cổ súng kề tai 
Là thân sống chỉ coi còn một nửa 
Năm 1947, tôi được kết nạp vào Đảng. Trong thư gửi các đảng viên mới “lớp Tháng Tám”. Đồng chí Tô (Phạm Văn Đồng) dặn dò: Vào Đảng là để suốt đời phấn đấu hy sinh cho cách mạng, cho Tổ quốc. Niềm tin vào Đảng, vào cách mạng đã dẫn dắt cuộc đời tôi từ bấy đến nay. 65 tuổi Đảng rồi mà vẫn nhớ như in cái ngày tôi giơ nắm tay trái lên thề trước bàn thờ Tổ quốc: Suốt đời phấn đấu hy sinh!
Tôi đã được sống những ngày hào hùng, xen lẫn ưu tư, của các thời kỳ cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức ở ta, chống chủ nghĩa xét lại, chủ nghĩa giáo điều và sự chia rẽ trong phong trào cộng sản và công nhân thế giới, kể cả khi chế độ xã hội chủ nghĩa bị phản bội và sụp đổ ở Đông Âu và Liên Xô. Vào những lúc đó, dẫu có chút phân tâm, tôi vẫn nghiệm ra rằng chỉ có giữ trọn niềm tin vào Đảng, hành động theo Đảng thì mới tự mình đứng vững được.
Nhớ lại những ngày đối mặt với kẻ thù tại Hội nghị Pa-ri về Việt Nam. Biết là Hội nghị sẽ kéo dài nhưng ai ngờ nó lại kéo dài tới hơn bốn năm. Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được thỏa thuận từ 20-10-1972. Thế mà ngay sau đó, Mỹ lại lật lọng. Ngày 27-11-1972, sau những phiên họp mật kéo dài một tuần với Kissinger, mà chưa ngã ngũ, nhân ngày nghỉ, cố vấn Lê Đức Thọ và Bộ trưởng Xuân Thủy sang thăm Đoàn miền Nam tại Verie lơ Buyxông. Báo chí Pa-ri được dịp đưa tin rằng đó là cuộc “hội kiến” giữa hai đoàn Việt Nam để thống nhất kế hoạch đấu tranh cho một Hiệp định cuối cùng. Thật ra, chỉ là chuyện trò, thông báo tình hình các cuộc họp mật. Và anh Sáu Lê Đức Thọ đã kết thúc cuộc “hội kiến” không phải bằng một kết luận chính trị hay ngoại giao mà là một câu Kiều hàm ý nhắc nhủ:
Dằn lòng chờ đợi ít lâu 
Chầy ra thì cũng năm sau vội gì? 
Hai tháng sau, Hiệp định chính thức được ký kết. Phải chăng đó cũng là niềm tin?
Tết năm nay, Tết Quý Tỵ. Tôi nghĩ năm Nhâm Thìn vừa qua là một năm sôi động. Vì cả nước gồng mình lên chống chọi với những khó khăn về kinh tế – xã hội. Vì Đảng ta dồn tâm sức cho việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, mong muốn ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống.
Những lời dặn của Bác Hồ luôn là điểm tựa để ta đi lên: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.
Tết Quý Tỵ 
Theo Hà Đăng/ Thời nay số xuân Quý Tỵ
 Nguồn : Vietnamnet.vn