Ông già và ‘Tiếng đàn Ta lư’.
Chắc ông hơn chúng tôi vài tuổi .Điều đặc biệt là bất kì lúc nào gặp ông, cũng được nghe thấy bài ‘Tiếng đàn Ta lư ‘vang lên từ chiếc đài cát sét ông đeo nơi túi vải trên vai do ca sĩ Tường Vi hát . Mọi người tò mò ngạc nhiên …và xì xầm kể cả một vài người có tuổi .Có một vài người nói ông này ‘hâm ‘vì đi suốt cả thời gian vòng quanh bờ hồ ông chỉ mở đi và mở lại duy nhất một bài hát ‘Tiếng đàn Ta lư’.
Một sớm anh bạn tôi đang hát ‘ …Thề phục quốc tiến lên Việt nam ,lập quyền dân tiến lên Việt nam .Đài hạnh phúc đắp xây tư do , Việt nam tranh đấu chống quân ngoại xâm … ‘thì bất ngờ ông đến gần ,vặn nhỏ cát sét và hỏi chúng tôi đây là bài hát gì .Chúng tôi trả lời ông là ‘Chiến sĩ Việt nam ‘ của Nhạc sĩ Văn Cao .Ông cảm ơn và nói rằng vào tuổi này lúc quên , lúc nhớ .Hỏi thăm mới biết ông sinh năm 1945 – cùng vào mùa thu Cụ Hồ đọc bản tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra Nước Việt nam dân chủ cộng hòa .Ông nhập ngũ năm 1965 khi đã là công nhân điện của một nhà máy cơ khí được hai năm. Khi đã bén chuyện, chúng tôi hỏi vì sao ông chỉ mở duy nhất một bài ‘ Tiếng đàn Ta lư ‘, ông bảo bài hát này gắn liền với những kỉ niệm của ông và đồng đội những năm tháng ác liệt tại chiến trường Khe sanh , Gio linh .Vào một buổi sáng trước khi tắt thở, bạn của ông muốn nghe ông hát bài ‘Tiếng đàn Ta lư ‘ và Hội xuân ‘ .Ông muốn sáng sáng gửi đến hương hồn người Liệt sĩ – bạn ông – người lính trẻ chưa có người yêu kia bài hát này như một nén hương tri ân .Giữa những chiến dịch ông cùng đồng đội đã hát vang những bài ca cách mạng ,những bài ca ngợi đất nước hào hùng như ‘Ca ngợi Tổ quốc ‘ của Nhạc sĩ Hồ Bắc ,’Chiếc gậy Trường sơn ‘ của Nhạc sỹ Phạm Tuyên …Ông cũng hát cả những bài như ‘Bài ca hy vọng’ của Nhạc sĩ Văn Kí , ‘ Bèo dạt mây trôi ‘ tại Bệnh viện dã chiến –nơi có nhiều thương binh yêu cầu ông hát .Tôi hỏi trong chiến đấu ác liệt như vậy ông lại hát cả dân ca quan họ Bắc ninh ,ông bảo ông là người của xứ Kinh bắc và lúc đó ông nhớ Hội Lim ,nhớ quê hương lắm .Thấy bạn tôi cũng là Quân nhân từ năm 1972 đến 1980 và chúng tôi là những người yêu âm nhạc nên ông kể thêm. Cha của ông cũng là chiến sĩ Vệ quốc đoàn . Từ tháng 8-1945 khi Việt Minh cướp chính quyền, Cha của ông là Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến khu Mê linh .Cha ông đã truyền cho ông tình yêu đất nước ,quê hương qua những bài hát như ‘ Thăng long hành khúc ca “ ,‘Bắc sơn ‘ Trường ca Sông lô ‘ của Nhạc sĩ Văn Cao , ‘ Diệt Phát xít ‘,‘Người Hà nội ‘của Nhạc sĩ Nguyễn đình Thi . Như vậy ngọn lửa của lòng yêu nước đã âm thầm chuyển từ thế hệ Cha sang thế hệ Con .
Bỗng nhiên giọng ông trầm xuống và nét mặt thoáng buồn.Ông bảo Đất nước ta chẳng thiếu nhân tài nhưng vài chục năm gần đây ít thấy những bài hát nào ra hồn; ý ông nói những bài hát về lòng yêu quê hương đất nước , khích lệ tinh thần tự hào dân tộc …
Chúng tôi nói rằng cũng có những tác phẩm này nọ ..và thời kì này là thời ki của phát triển Kinh tế và rằng ……nhưng ông bảo số lượng ca khúc về đề tài trên quá ít , chất lượng kém và không đi được vào lòng người, nhất là giới trẻ .Ông lo lắng lúc ‘sơn hà nguy biến ‘ với tình hình phát triển của âm nhạc và ca khúc cho thanh niên nước ta hiện nay, chúng ta sẽ thiếu hẳn một nguồn phù sa lớn để nâng tầm yêu nước của con người Việt Nam.
Đến bây giờ chúng tôi mới hiểu được nỗi trăn trở của người lính già – đó là lòng yêu nước, nước Việt mến yêu này .
Mặt nước hồ xao động –gió heo may đã về . Một mùa thu đã qua đi .
Cả ba chúng tôi đều cho rằng Ông Dậu – không Hâm . Còn ý kiến của bạn ?
Vũ Lê
Hà nội tháng 2 -2014.