Phí kho bãi và vận tải bộ tăng gấp đôi – Hồng Châu & Phương Linh

Theo thông báo mới nhất của Tổng công ty cảng Sài Gòn, từ 15/7 phí nâng container giao khách hàng tại cảng Cát Lái tăng theo thời gian lưu bãi đối với container hàng khô và lạnh.

Cụ thể, phí nâng container từ bãi lên xe giao hàng từ một đến 6 ngày đối với hàng khô và đông lạnh loại 20 feet giá 275.000 đồng, 40 feet lên 485.000 đồng và 45 feet lên 570.000 đồng. Đặc biệt chi phí này sẽ càng tăng khi thời gian lưu kho bãi kéo dài.
Chẳng hạn như container hàng khô thông thường, 6 ngày đầu sẽ là 275.000 đồng một ngày, từ ngày thứ 7 đến 15 sẽ tăng lên 550.000 đồng, sang ngày thứ 16 là 710.000 đồng cho container 20 feet.
Cũng từ ngày 15/7, cảng Cát Lái thu phí đối với khách đăng ký lấy trước số container rỗng tại cảng Cát Lái để phục vụ khai báo hải quan điện tử, Cảng thông báo sẽ tiến hành nâng hạ, đảo chuyển container được cấp ra khu vực giao nhận riêng. Từ đó, trong hai ngày từ thời điểm khách đăng ký cấp trước số container đến lúc tới lấy, Cảng sẽ thu phí mức một là 420.000 đồng một container 20 feet và 620.000 đồng một container 40 feet. Mức 2 và mức 3 tính thời gian từ 3 đến 7 ngày áp dụng mức thu tăng từ 50 đến 100% so với mức một.

Phó tổng giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn Ngô Trọng Phàn cho hay, thời gian vừa qua do nhiều nguyên nhân khách quan khiến lượng hàng tồn kho tại cảng Cát Lái tăng cao, ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh chung của công ty cũng như hãng tàu và khách hàng, nên để đảm bảo năng suất giải phóng tàu và chất lượng dịch vụ cảng, Cát Lái phải tiến hành tăng phí.
Tuy nhiên, phía doanh nghiệp xuất nhập khẩu cho rằng việc tăng phí này thiếu hợp lý, doanh nghiệp sẽ ngày càng khó khăn hơn khi các loại phí đua nhau tăng.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Văn Kha, đại diện công ty chuyên về may mặc ở Đồng Nai cho hay, từ đầu năm đến nay công ty chịu quá nhiều loại phí từ vận chuyển cho tới bến bãi. Nếu tính tổng chi phí đầu vào so với 2013, năm nay các loại phí này tăng 20-30% so với cùng kỳ, khiến lợi nhuận của doanh nghiệp giảm mạnh.
Ông đưa ra dẫn chứng, chi phí từ bốc, vận chuyển cho tới kho bãi của một container 20 feet trước đây 5-6 triệu đồng, nhưng nay chi phí này đắt thêm 2 triệu lên 7-8 triệu. Trong khi đó, sức tiêu thụ trên thị trường giảm khiến doanh nghiệp lao đao.
Ông Kha còn cho biết thêm, việc Tổng công ty cảng Sài Gòn tăng phí để giảm ùn ứ tại bến bãi chỉ mới là giải pháp tạm thời, vì hiện nay việc siết chặt trọng tải, cước trọng tải khiến cho tiến độ nhập hàng của doanh nghiệp chậm lại. Nếu trước đây công ty vận chuyển hàng ra miền Bắc hết 3 ngày thì nay lượng hàng giảm, mà thời gian lại tăng thêm 2 ngày vì liên tục bị kiểm tra trọng tải khiến kẹt xe dây chuyền, nên các chi phí cũng từ đó đẩy lên. Hàng về cảng chậm, bến bãi lại không đủ mà phí lưu kho tăng cao, trong khi đó các bến khác như Cảng container quốc tế Việt Nam (VICT) lại nhỏ mà thủ tục hải quan rắc rối nên doanh nghiệp đổ dồn về Cát Lái khiến ùn ứ. Hàng càng khó lưu thông, tình trạng lưu kho bãi sẽ tăng cao, lúc đó doanh nghiệp phải gánh chịu chồng chất các loại phí.
Cũng đang hoang mang, đại diện công ty xuất nhập khẩu nông sản tại TP HCM cho hay, công ty chưa lo xong chuyện tiết kiệm chi phí vận chuyển, nay lại tiếp tục giải quyết vấn đề tăng phí tại cảng. Nếu cảng tiếp tục áp dụng tăng phí thì chi phí đầu vào của doanh nghiệp có thể tăng gấp đôi, trong khi đó mặt hàng nông sản hiện nay gặp nhiều khó khăn về sức tiêu thụ.
Mặt khác, khâu kiểm định hàng hóa trước khi thông quan còn chậm chạp nên việc lưu kho là chuyện diễn ra thường ngày của hầu hết các doanh nghiệp, nguy cơ gánh thêm phí lưu kho là khó tránh khỏi.
Không chỉ dệt may, nông sản mà ngay cả doanh nghiệp mỹ phẩm cũng đang than thở khi mà loại hàng hóa này bị kiểm tra rất kỹ. Đơn vị nhập khẩu những mặt hàng này phải chờ có đầy đủ giấy tờ kiểm định của các cơ quan chức năng mới được thông quan, nên thời gian lưu kho sẽ lâu hơn và chi phí lưu kho sẽ tốn kém hơn nhiều đối với các doanh nghiệp khác.
Đề xuất giải pháp khắc phục, đa số các doanh nghiệp đều cho rằng, Tổng công ty Cảng Sài Gòn nên có sự xem xét và điều chỉnh phù hợp hơn. Đồng thời, các cơ quan quản lý cần phối hợp với nhau để điều chỉnh cũng như siết chặt từ phí vận chuyển đến công tác quản lý. Theo ông Kha, cơ quan quản lý cần phát triển và đầu tư mở rộng cảng hơn nữa để không chỉ doanh nghiệp mà đơn vị tiếp nhận hàng cũng dễ dàng hơn. Mặt khác, các thủ tục hải quan ở cảng nhỏ nên nhanh gọn hơn.

*Trước đó hơn 3 tháng, Bộ Giao thông Vận tải phát động đợt tổng kiểm tra tải trọng trên quốc lộ buộc các doanh nghiệp vận tải phải giảm lượng hàng chở trên mỗi xe. Cũng từ thời điểm ấy cước phí vận tải tăng mạnh, có nơi đội giá gấp đôi so với bình thường khiến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu liên tục kêu khổ về chi phí đầu vào.

Hồng Châu

Cước vận tải tăng gấp đôi sau lệnh tổng kiểm tra tải trọng
Đợt tổng kiểm tra tải trọng trên quốc lộ buộc các doanh nghiệp vận tải phải giảm lượng hàng chở trên mỗi xe và dự báo cước có thể tăng mạnh do chi phí đội lên.
Bộ Giao thông Vận tải mới đây đề nghị chính quyền các địa phương chỉ đạo cảnh sát giao thông siết chặt tình trạng xe quá tải lưu thông trên địa bàn, đồng thời, yêu cầu lái xe vào bãi hạ tải phải chịu trách nhiệm thanh toán chi phí phát sinh.
Cả tuần nay ông Minh, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân kinh doanh gạo Hùng Minh ở huyện Cái Bè, Tiền Giang rất lo lắng khi phía chủ xe thông báo tăng giá cước vận chuyển. Trước đây, giá cước vận chuyển gạo từ Tiền Giang về Sài Gòn dao động 120.000-130.000 đồng một tấn. Nhưng 3 ngày trước, chủ xe thông báo nâng giá lên 220.000 đồng một tấn. “Hoảng quá, tôi chạy tìm chủ xe khác thì mức giá bên đó thông báo còn cao hơn chỗ cũ, đồng ý thì họ mới chở”, ông Minh ngao ngán nói.
Các chủ xe lý giải giá cước tăng là bắt buộc. Bởi lâu nay, để có mức giá 130.000 đồng một tấn, nhà xe thường cho chở vượt tải trọng 100-150%. “Họ nói thẳng với tôi, giờ mà chạy đúng tải trọng, giá cước không thay đổi như trước đây, chắc chắn tiền thu về không đủ chi phí xăng dầu, tài xế, nói gì đến có lời”, ông Minh cho biết.
Theo ghi nhận của VnExpress.net, sau khi áp dụng kiểm tra tải trọng xe từ ngày 1/4, giá cước vận chuyển hàng hóa nói chung tại đồng bằng sông Cửu Long tăng trên 50% so với trước đó, và được dự báo có thể còn tăng nữa.

Các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực vật liệu xây dựng còn lo lắng hơn. Tổng giám đốc một doanh nghiệp thép ở TP HCM cho hay, từ khi quy định siết chặt, một tháng chi phí vận chuyển của công ty tăng lên gấp đôi so với bình thường. Thay vì trước đây một tháng doanh nghiệp này phải trả khoảng 5 tỷ đồng, nay lên gần 10 tỷ đồng.
“Giá cước cao nhưng vẫn phải chấp nhận, vì nếu để hàng hóa lưu kho bãi lâu, chúng tôi không chỉ mất tiền lưu kho bãi mà chi phí cơ hội cũng như cung cấp nguyên liệu cho sản xuất sẽ bị đình trệ”, chủ doanh nghiệp này chia sẻ.
Ông Nguyễn Giang Hoài, Chủ tịch Công ty Đá Phủ Quỳ cũng chia sẻ, doanh nghiệp vật liệu xây dựng chịu ảnh hưởng lớn nhất. Ở công ty ông, riêng cácloại đá đắt tiền, cước vận tải tăng khiến chi phí cho sản phẩm này tăng 12% so với trước đây. Song ông Hoài cho hay buộc phải chấp nhận vì “không thuê không được”, trong khi công ty cũng phải đảm bảo đơn hàng xuất khẩu cho đối tác.
Ông Đỗ Xuân Phú, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ vận tải Minh Liên cho biết, lệnh kiểm tra tải trọng xe khiến doanh nghiệp ông phải tăng chi phí bến bãi, nhiều khách hàng hủy bỏ hợp đồng vì cảm thấy thiếu thuận lợi cho công tác vận chuyển hàng hóa giữa đối tác trong và ngoài nước.
Khi vận chuyển hàng hóa cho một công ty xuất nhập khẩu, mặc dù đã giải thích nhiều về quy định mới, nhưng hầu hết doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa không chấp nhận vì theo họ quy định không khớp với tiêu chuẩn quốc tế. Chẳng hạn, theo tiêu chuẩn quốc tế, một container 20 feet được chở hàng hóa có trọng lượng 20-22 tấn, container 40 feet chở 26-28 tấn, nhưng quy định của Việt Nam chỉ cho phép container 20 feet chở đúng trọng tải hoặc thấp hơn vài tấn. Nên thời gian tới nếu phải chở đúng trọng tải, số lượng chuyến vận chuyển sẽ tăng lên dẫn tới chi phí và thời gian vận chuyển cao thêm 30-40%.
Mặt khác, dù đơn hàng vận chuyển giảm so với thời điểm trước, các công ty vận tải vẫn phải đóng đầy đủ phí bảo trì đường bộ. Theo quy định, mỗi xe vận chuyển đóng 7-10 triệu đồng một năm dù vận chuyển nhiều hay ít. Vì vậy, càng ngày chi phí càng đè nặng khiến doanh nghiệp bế tắc hơn.
“Chúng tôi rất muốn chở đúng tải, có chăng cũng chỉ xê dịch hơn so quy định một chút để giúp khách hàng. Việc chở quá tải chỉ chủ hàng có lợi chứ nhà vận tải không có lãi. Với tình hình vận chuyển có nhiều biến đổi, thời gian tới giá cước có thể sẽ tăng”, ông Phú nói.
Tuy nhiên, ông Phú cũng cho biết để giải quyết được vấn đề này cần sự thấu hiểu của doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đối tác, kho bãi, cảng… để cùng nhau chấp hành đúng quy định và có hướng xử lý hiệu quả, không gây thất thoát.
Ông Huỳnh Quốc Thịnh, Giám đốc Công ty cổ phần vận tải Phú Mỹ cũng cho hay, trước mắt quy định sẽ làm cho một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu, chủ đơn hàng gặp khó khăn. Một số đơn hàng ký dài hạn phải chịu lỗ vì ký với giá rẻ, nhưng những đơn vị ký theo từng lô hàng trong thời gian ngắn thì hầu như không ảnh hưởng nhiều.
Ngoài ra, theo ông Thịnh việc siết chặt này trước khó khăn nhưng về lâu dài đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp vận tải. Các đơn vị vận tải sẽ hạn chế rủi ro khi đi trên đường, tài xế không bị phạt tiền và giam bằng lái. Tuy nhiên, giá cước vận chuyển sẽ tăng lên 1,5-2 lần so với trước đây.
Đánh giá về việc siết chặt trên, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó chủ tịch Hiệp hội Ôtô Vận tải cho biết, ông ủng hộ việc kiểm tra trọng tải xe ôtô trên đường quốc lộ, còn việc giá cước vận tải tăng cũng là lẽ đương nhiên. Song, ông cho rằng đây sẽ là cơ hội thiết lập lại trật tự thị trường, tránh việc doanh nghiệp tăng tải trọng quá mức để giảm giá cước, cạnh tranh thiếu lành mạnh. “Đây sẽ là cơ hội để giá cước vận tải trở về giá trị thực”, ông nói.
Ông Thanh nhấn mạnh thêm, cơ quan kiểm tra cần ngăn chặn những hành vi nhận tiền mãi lộ để bỏ lọt xe vi phạm, gây thiệt thòi cho các đơn vị khác. Các tiêu cực cần được phản ánh để xử lý kịp thời.
Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong một tuần kiểm tra xe quá tải từ ngày 1/4 đến 7/4 đã kiểm tra 4.122 xe, trong đó có 750 xe vi phạm (chiếm 18,2%). Hiện 39 trong tổng số 63 tỉnh triển khai trạm cân lưu động được cấp, còn 24 tỉnh chưa làm xong thủ tục để đưa cân lưu động vào kiểm tra. Nhiều địa phương chỉ kiểm tra xe quá tải trên đường địa phương hoặc các tuyến quốc lộ không có nhiều xe quá tải và chưa kiểm tra chặt trên các quốc lộ trọng điểm như quốc lộ 1A, 18, 5.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ nhắc nhở và phê bình 25 địa phương, trong đó có TP HCM về việc chưa làm chặt việc kiểm soát tải trọng xe.
Tại TP HCM, việc kiểm soát tải trọng nhiều nơi vẫn còn khá buông lỏng. Sang, một tài xế xe cẩu hàng cho biết, cả tuần nay chạy tuyến TP HCM đi Vũng Tàu vẫn “bình an vô sự” dù xe chở quá tải. “Tôi chạy xe cẩu 8 tấn, nhưng phần lớn tải trọng của xe luôn ở mức 15-20 tấn. Không phải mình tôi, mà 10 xe đầu kéo khác trong công ty chở quá tải 8-10 tấn là chuyện thường”, Sang tiết lộ.
Hồng Châu – Phương Linh