Sơ lược lịch sử phát triển Nghiên cứu biển Việt Nam và Thế giới.TS Dư Văn Toán
Thời cổ đại đến thế kỷ 15 – là thời tiền sử của ngành Hải dương học- nghiên cứu biển thế giới. Đặc điểm của thời gian này là giới thiệu những vùng biển đã được đi qua lại. Những nhà hàng hải tiên phong của Việt Nam thời này đã biết dùng những thân cây to đục lỗ hay bè cây để đi ra biển. Họ đã có những khái niệm về hình dạng địa lý những vùng biển quen thuộc cùng với gió và dòng chảy. Những tài liệu đầu tiên chép tay và bản đồ về biển toàn thế giới, có biển Đông Việt Nam của người Hy Lạp và Ý. Họ lập nên tập kết quả về phân bố nước và đất trên trái đất và viết về nhiều hiện tượng vật lý ở biển. Gerodot (thế kỷ V trước công nguyên), Posidoni (thế kỷ V trước công nguyên), Plinhi bố (năm đầu sau công nguyên) đã miêu tả dao động thuỷ triều nước biển và tự tìm quan hệ của chúng với vị trí mặt trăng và trái đất. Aristotel chỉ ra sự khác biệt giữa nhiệt độ nước biển tầng mặt và tầng sâu. Như vậy các nhà khoa học cổ đại đã biết phần nào về địa lý và tính chất vật lý của đại dương, biển.
Người Ả Rập, Ấn Độ đã thực hiện những chuyến hàng hải qua eo biển Malacca qua biển Đông đến Việt Nam, Trung Quốc phục vụ mục đích trao đổi hàng hóa. Họ đã mở rộng tầm nhìn địa lý của thời này nhưng chưa có biến chuyển về ngành nghiên cứu biển, trong đó có biển Đông so với thời cổ đại. Dấu ấn văn hóa Chăm Pa (thánh địa Mỹ Sơn) trên vùng ven biển Đông Nam Bộ với ảnh hưởng mạnh của Ấn Độ giáo ghi nhận những hoạt động giao thương mạnh với nước ngoài tại hải cảng Fai fố. Miền Bắc cũng có những dấu ấn tại vùng ven biển Quảng Ninh.
Thời đại phát minh địa lý vĩ đại dính liền với giai đoạn lịch sử đầu tiên trong nhận biết về thế giới đại dương và tại Biển Đông Việt Nam.
Giai đoạn 1: Giai đoạn tìm kiếm (thế kỷ 15 – bắt đầu thế kỷ 18). Đặc trưng cho giai đoạn này là tàu bè đi không phương hướng với mục đích chính là tìm kiếm đất mới và mục đích buôn bán, thương mại. Những khái niệm mới về biển, đại dương và địa hình thu được cùng với chuyến tàu đi. Các nhà hàng hải Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha đã có nhiều chuyến Hàng Hải qua vùng biển Việt Nam và biết sử dụng dòng chảy hướng Đông Bắc và Tây Nam để đi lại tại biển Đông. Đặc biệt là chuyền khảo sát vòng quanh thế giới đầu tiên của Ferdinand Magellan (1519-1522) với thành phân đông đảo các nhà địa lý đã ghi chép được nhiều hiện tượng vật lý tại Vùng biển Đông Nam Á.
Giai đoạn 2 – thời gian đầu thế kỷ 18 đến những năm 70 của thế kỷ 19, đây là giai đoạn nghiên cứu và khảo sát đại dương thế giới. Trong thời gian này đã tiến hành nhiều chuyến khảo sát biển, đại dương đặc biệt. Thành phần đoàn thám hiểm đi biển bao gồm cả các nhà bác học thực nghiệm khoa học tự nhiên. Những kết quả đáng kể đầu tiên mang lại là của nhà thám hiểm như Be-ring (năm 1728) và Be-ring cùng Chi-ri-cov (năm 1741) trên vùng biển Bắc Thái Bình Dương. Kết quả tương đối nhiều của ba chuyến khảo sát vòng quanh đại dương thế giơí của J.Cuca (1768 – 1779). Nhiều kết quả mới về vùng Tây Thái Bình Dương đem đến từ chuyến đi của Bu-gen-vin (1768) và La-pe-ru-za (1785 – 1788). Vào những năm 1803 – 1806 Kru-zen-stern và Li-si-an-ski đầu tiên xác định được nhiệt độ và trọng lượng riêng của nước biển tại các độ sâu khác nhau. Len-xo (1823 – 1826) – người đầu tiên xác định được hướng chuyển động nước sâu lạnh về phía xích đạo, nước ấm mặt về phía ngược lại. Trong giai đoạn này các thông tin về biển trước được chi tiết hóa và khẳng định lại. Lo-mo-no-xop (1760) đề nghị thực hiện phân loại băng đá đại dương và sơ đồ dòng chảy trên các đại dương. Mar-si-li (1725) cho xuất bản “Lịch sử vật lý biển” và đây được coi là ấn phẩm đầu về vật lý hải dương viết về nhiệt độ, trọng lượng riêng, màu sắc nước biển, về địa hình đáy và trầm tích biển. Mo-ri (1848) cho xuất bản “Tập bản đồ gió và dòng chảy” cho các vùng trục giao thông hàng hải chính của thế giới trong đó có về biển Đông. For-gam-mer (1865) lần đầu tiên xác định tương đối chính xác các thành phần muối nước biển.
Giai đoạn ba – từ những năm 70 của thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, tiến hành khảo sát thám hiểm, nghiên cứu đại dương áp dụng những phương pháp nghiên cứu của ngành khoa học Hải dương học. Đầu tiên những nghiên cứu mang phong cách miêu tả – tức là thu thập số liệu thực tế và một phần nào giải thích các hiện tượng quan trắc được. Chuyến thám hiểm Hải dương học đầu tiên của các nhà khoa học Anh (1872-1876) dùng tầu Challenger nghiên cứu quan trắc tổng thể tại 362 trạm nước sâu trên khắp Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương. Khối lượng kết quả rất vĩ đại và đã được 70 nhà khoa học nghiên cứu trong vòng 20 năm. Kết quả khoa học thu được mang lại rất nhiều điều lý thú và bổ ích. Dit-mar tìm thấy sự ổn định không thay đổi của các thành phần muối nước biển. Me-rey và Re-na đưa ra phân loại trầm tích đáy biển. Ngoài ra trong thời gian thám hiểm cũng tìm thấy sự sống ở độ sâu 5000m.
Giai đoạn bốn – từ đầu thế kỷ 20 đến giữa thế kỷ 20 giai đoạn phát triển bậc cao của ngành Hải dương học, đó là thời kỳ nghiên cứu chi tiết các đại dương và biển (thời gian đại chiến thế giới thứ nhất và thứ hai). Đặc trưng cho giai đoạn này nghiên cứu một cách có hệ thống. Các công trình đáng kể mang lại do tầu Na Uy “Mode” (1918 – 1920) dọc bờ các biển Bắc từ Na Uy đến Aliaska (Mỹ) và tầu “Dana” (1921 – 1922) trên Bắc Đại Tây Dương. Tàu Đức “Meteor” (1925 – 1937) đã thực hiện đo đạc hệ thống thường kỳ tại 14 mặt cắt của Đại Tây Dương và cho biết khái niệm tương đối chính xác về cấu trúc không gian các khối nước và sự hoàn lưu của chúng. Trong giai đoạn này các nhà Hải dương học đã chỉ ra các qui luật quan trọng về phát triển của các quá trình vật lý, hoá học, sinh học và địa chất diễn ra trong nước đại dương và vùng trên kề bờ, đáy và cả bầu khí quyển trên biển.
Đây cũng là có những bằng chứng khoa học cho các hiện tượng vật lý tiêu biểu tại Biển Đông Việt Nam với bản đồ Bản đồ hoa gió do Hà Lan xuất bản năm 1936, Thời tiết vùng biển Trung Hoa và vùng tây bắc Thái Bình Dương xuất bản tại Luân Đôn năm 1937, Bản đồ của Bộ hàng không Anh, tái bản năm 1956, Bản đồ dòng chảy mùa, cấu trúc thẳng đứng nước biển và hiện tượng nước trồi vùng biển Nam Trung Bộ của Wirtky, 1961.
Tại Việt Nam, năm 1930 bắt đầu thành lập 2 Viện Nghiên cứu về Biển tại Nha Trang, Hải Phòng nghiên cứu về các sinh vật biển, đặc biệt là cá biển vùng ven biển Việt Nam.
Giai đoạn năm – từ các năm 1960 đến cuối thế kỷ 20, tập trung vào nghiên cứu vấn đề, chuyên môn cụ thể các biển và các đại dương. Đó là nghiên cứu bằng phương pháp thám hiểm tổng hợp, thí nghiệm và lý thuyết cho từng vấn đề lớn như dòng chảy, thủy triều, sóng, băng đá biển, âm học biển… Và trên thế giới đã xây dựng nhiều tàu biển chuyên nghiên cứu khoa học và thường xuyên quan trắc thời tiết biển trên đại dương thế giới. Thời gian này đã có rất nhiều phát minh Hải dương học. Những năm 60 phát hiện ra dòng chảy ngược nước sâu xích đạo. Crom-well (Mỹ) tại vùng xích đạo Thái Bình Dương, phía dòng Nam Passat đã tìm thấy dòng nước có kích thước (cao 300m và rộng 300km) hướng sang Đông có vận tốc 150 cm/s. Đó chính là dòng Cromwell. Trong thời kỳ này phát hiện ra dòng Lomonoxop, Atilo-Gvian, Angola. Một phát hiện quan trọng như trong khí quyển đó là các xoáy Sinop trên biển và ngoài đại dương. Và cũng xác định đước lớp mỏng bề mặt, kênh âm dưới nước, vũng và mô đáy biển.
Tại Việt Nam cũng đã thành lập mới và phát triển một số cơ quan nghiên cứu biển tại Nha Trang, Hải Phòng, Hà Nội nhằm mục tiêu nghiên cứu vùng thềm lục địa và các hải đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đã có những kết quả quan trọng đạt được về vị trí của các mỏ dầu khí va các tài nguyên khoáng sản khác, của các bãi cá quan trọng, các bản đồ năng suất sinh học sơ cấp, các hệ sinh thái biển như san hô, rừng ngập mặn.. và đã tiến hành đo đạc và xác định được các hiện tượng vật lý quan trọng như dòng chảy biển, thủy triều biển, sóng biển, nước trồi, nước chìm, các hiện tượng thủy triều đỏ, tương tác biển-khí quyển. Các hoạt động kinh tế biển như hàng hải, dầu khí, hải sản, du lịch biển, cảng biển dựa theo các kết quả nghiên cứu biển đã đóng góp tài chính cho ngân sách quốc gia rất lớn và tạo ra nhiều hướng nghiên cứu ứng dụng mới.
Thời đại Hiện đại -Thế kỷ 21 – thế kỷ đại dương. Thời kỳ luật hóa về ranh giới, phân vùng biển, về khai thác sử dụng tài nguyên, môi trường biển.
Phát triển mạnh các nghiên cứu chi tiêt và ứng dụng trên đại dương toàn cầu phục vụ phát triển kinh tế bền vững. Các công trình xây dựng: hải cảng hiện đại, các đảo nhân tạo, sân bay,cáp ngầm, các đô thị ven biển, các ngành kinh tế biển phát triển mạnh. Hợp tác quốc tế, toàn cầu hóa mọi lĩnh vực biển và hải đảo. Các nước tranh chấp biển gia tăng. Các quốc gia đều tham gia thực hiện công ước biển 1982 và luật hóa các vùng biển của mình. Nghiên cứu và khai thác băng cháy tại đáy biển, đại dương. Công nghệ thông tin trên biển, năng lượng biển tái tạo đang phát triển và ứng dụng trên toàn cầu. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng có nguy cơ gây ngập lụt các vùng đất thấp và suy giảm đa dạng sinh học biển. Phát triển mạnh các biện pháp bảo vệ tài nguyên biển: bảo tồn biển, các khu RAMSAR, các khu di sản và khu dự trữ sinh quyển UNESCO, công viên biển, PSSA…. Các quốc gia dựa vào thông tin tài nguyên môi trường biển lập quy hoạch tổng thể sử dụng biển (CMSP) và ven biển các vùng biển của riêng mình. Áp dụng phương pháp quản lý tổng hợp ven biển (ICZM) nhằm phát triển bền vững.
Các ngành kinh tế biển: dầu khí, hàng hải, du lịch, hải sản đã đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế Việt Nam. Việt Nam đang triển khai chiến lược biển, nhằm tăng cường nghiên cứu khoa học biển về tài nguyên thiên nhiên và phổ biến kiến thức về biển đảo cho toàn dân, phục vụ phát triển kinh tế bền vững trong thế kỷ 21.
Năm 2008 là năm đặc biệt, lần đầu tiên tại Việt Nam đã có 1 cơ quan quản lý tổng hợp thông nhất về biển và hải đảo- Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam. Với sự quan tâm của Nhà Nước sẽ có đầu tư thỏa đáng về cơ sở hạ tầng và các trang thiết bị hiện đại để có thể hoàn thiên và chính xác hóa các nghiên cứu về biển Đông. Đặc biệt là hướng nghiên cứu về methan hydrate (băng cháy) – nguồn năng lượng của tương lai tại vùng biển Việt Nam. Đặc biệt quan trọng là xây dựng đội tầu khoa học hiện đại, đào tạo nhân lực, trung tâm dữ liệu biển quốc gia, các trạm ra da biển, vệ tinh môi trường sẽ giúp ngành nghiên cứu biển sớm tiến lên phía trước ngang bằng với các quốc gia trên thế giới, đặc biệt hội nhập mạnh quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu và quản lý Biển và Hải đảo Việt Nam.