Tháp nhỏ Hòa Phong bên bờ Hồ Gươm – Nguyễn Đại Thắng

 Xin mời đọc tản văn của Nguyển Đại Thắng : 

              Nếu có lần bạn lững thững quanh bờ Hồ Hoàn Kiếm , bạn và ai cũng thấy và chẳng để ý hỏi  : tháp nhỏ lạc lõng ở xê xế cái tòa Bưu điện lừng lững bên kia đường ,nó có tự bao giờ.

              Tháp  này có tên là tháp Hòa Phong (có chữ ghi trên tháp)của Hà Nội xưa . Thuở Hà thành vào năm 1864, có một ngôi chùa lớn tên là Báo Ân tọa lạc trên một khu đất rộng hơn trăm mẫu Bắc bộ ,do quan tổng đốc thành Hà Nội là Nguyễn Đăng Giai cho lệnh xây.Chùa được đặt tên là Báo Ân theo triết lý của Phật giáo : ai có đức cao ân trọng sẽ được đền bồi ,ai làm điều ác phải chịu tội .

               Theo sử liệu  , Báo Ân tự có cửa tam quan đồ sộ hướng ra phía sông Cái ( sông Hồng ). Cửa hậu tựa lưng vào hồ Gươm .Trong chùa xây  tòa thập điện Diêm Vương , với đủ tượng Diêm la , phán quan ,qủy sứ , vạc dầu cùng các  phù điêu các cảnh tra tấn kinh hoàng của những kẻ phạm tội dưới địa ngục mười tám tầng . Chùa còn có tên là Liên Trì tự bởi thiết kế độc đáo và vô cùng đẹp ở chỗ : bao quanh chùa được đào nhiều hồ trồng hoa sen bạt ngàn là sen . Dân 36 phố phường còn gọi đó là chùa Quan Thượng bởi ông Nguyễn Đăng Giai vừa là tổng đốc thành Hà nội  lại kiêm Kinh lược xứ Bắc kỳ. Chính ông đã  tổ chức quyên tiền của người Kẻ Chợ để mộ phu , tuyển thợ giỏi khắp nơi , khắp các tỉnh thành trên mọi miền đất nước . Và với chi phí cực lớn  suốt bốn năm trời ngôi chùa to lớn mới xây xong . Chùa có hơn 200 pho tượng có giá trị nghệ thuật cao biểu hiện văn hóa phật giáo và tâm linh tín ngưỡng của người Hà Nội khi đó .

            Một công trình kiến trúc lớn như vậy , tốn kém ghê gớm nhưng than ôi chỉ tồn tại có hơn nửa thế kỷ  .Khi Thực dân Pháp chiếm thành Hà nội , chính quyền bảo hộ đã cho phá chùa Báo Ân để chính trên nền đất ấy  xây nên phủ thống sứ Bắc kỳ và nhà “ dây Thép “. Cái tòa tháp nhỏ chơ vơ mà ngày ngày người ta còn thấy chỉ là di tích còn sót lại cực kỳ hiếm có của ngôi chùa tuyệt đẹp mà thôi.

             Có thể nào chùa Báo ân ứng với những câu truyền miệng do các sỹ phu Hà thành thuở đó đã bất bình trước việc xây chùa  tốn kém giữa lúc đất nước còn bao nỗi nhọc nhằn vì nghèo đói và sự bức xúc bởi binh đao loạn lạc do ngoại xâm :

                     “Phúc đức gì mày , bố đĩ Giai

                       Làm cho tốn Bắc lại hao Đoài

                       Kìa gương Vũ đế , còn soi đó

                       Chết đói Đài thành Phật cứu ai “

(Tích cũ nói vua Vũ đế nước Lương bên Tàu rất sùng đạo Phật , ông cho xây rất nhiều chùa chiền , ông thường ăn chay niệm Phật mong được Phật phù hộ. Sau này bị kẻ bề tôi là Hầu Cảnh làm phản , Vũ đế phải chạy trốn tới Đài Thành và  phải chết  vì đói tại đó ).

                Giờ đây vào một lúc nào , lơ mơ chân nhàn  bách bộ quanh Hồ Gươm , lãng đãng nơi nao bóng người xưa . Ất ơ nhớ về cái tích xưa của ngôi tháp nhỏ chơ vơ , hoang phế mà sự tồn tại của nó theo thời gian càng ngày càng có ít người biết :nó là tháp Hòa Phong , một phần rất chi là nhỏ của ngôi Báo Ân tự hoành tráng lộng lẫy cách nay hai thế kỷ  của Hà thành xưa , tự dưng trong đầu như có tiếng ngâm câu thơ cảm thán của bà Huyện Thanh quan :

                              “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo

                               Nền cũ lâu đài bóng tịch dương “./.

                                                        Thu muộn 2009

 

                                                                                   Nguyễn Đại Thắng