THỜI ĐI TÀU GIẢI PHÓNG- Vũ Văn Mậu
Thế là tôi được chính thức đi làm kiếm tiền. Hồi học xong cấp III phổ thông, may mắn tôi cũng có được một ngày kiếm ra tiền. Nhà tôi ở ngay ngã 3 phố Chúc Sơn, đối diện với Hiệu sách. Hiệu sách đề nghị tôi đi làm phục vụ công việc ghi chép kiểm kê của hiệu sách với mức trả thù lao như trả cho người lớn là 1,25 đồng/ngày (một đồng hai năm xu) với dự kiến làm trong hai ngày. Không ngờ công việc dễ dàng, nhanh gọn mà làm chỉ một ngày là xong.
Tôi háo hức lên đường đúng vào thời gian xảy ra lũ lụt. Về sau mới biết đó là trận lũ lụt lịch sử lớn nhất thế kỷ 20, làm vỡ mấy đoạn đê Sông Hồng và chết không biết bao nhiêu người miền Bắc. Nhà tôi ở quê cũng bị nước tràn vào ngập sàn nhà.
Hành trang lên đường vô cùng gọn nhẹ, vẻn vẹn có mỗi bộ quần áo với mấy đồng bạc trong túi. Trời mưa lác đác. Chầu trực cả ngày trời mới mua được vé xe khách Hà Nội đi Hải Phòng. Xe chạy ỳ ạch đến Cẩm Giàng thì tài xế yêu cầu toàn bộ hành khách phải xuống xe vì nghe nói thị xã Hải Dương bị ngập lụt không cách nào qua được. Có người nói ai muốn đi Hải Phòng thì chỉ còn cách duy nhất là phải đi bộ vòng qua Kẻ Sặt. Trời thì đầy mây u ám mà lại tối mất rồi. Tôi đang lo lắng, hỏi thăm đường thì có ba cô gái mời tôi cùng đi vì các em cũng về hướng Kẻ Sặt. Tôi đành nghe theo đi cùng các em. Trò chuyện dọc đường mới biết các em là học sinh Trường trung cấp tài chính kế toán, sơ tán về xã cách Cẩm Giàng khoảng 5, 6 cây số. Các em được nghỉ hè, nay cùng nhau về trường.
Các em mời tôi nghỉ lại nơi các em sơ tán vì đằng nào thì cũng đã muộn rồi. Các em đãi tôi bữa cơm tối muộn màng nhưng thật thịnh soạn có thịt gà do các em tự nấu nhờ nhà dân, rồi thu xếp cho tôi ngủ nhờ tại nhà một người dân khác. Tối đó no bụng, lại vì quần áo âm ẩm nên trằn trọc mãi tôi mới chợp mắt được. Thì ra các em sợ rằng con gái đi trong đêm tối nguy hiểm nên mới mời tôi đi cùng. Cũng chẳng sao – tình người là thế ! Sáng hôm sau các em tiễn tôi lên đường cứ ríu ra ríu rít, rồi mời tôi thu xếp nhiều lần về thăm các em. Dẫu sao cũng là một kỷ niệm không bao giờ quên. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi được gọi đi làm, lại gặp ngay trận lụt lớn lịch sử và được các thiên thần nhiệt tình giúp đỡ. Mấy năm sau, do bận đi công tác liên miên thời chiến nên tôi không có dịp nào về thăm lại các em được, mà cũng không nhớ nổi tên các em là gì.
Tới Hải Phòng, tôi nhận lệnh Cục đường biển phân về Công ty vận tải biển Việt Nam. Hà Đức Bàng và tôi cùng được Công ty điều động ngay xuống làm thủy thủ tàu Giải Phóng 14 (ký hiệu là GP-14). Tàu đang được sửa chữa tại Xí nghiệp sửa chữa tàu biển Tam Bạc.
Chúng tôi học ngành Vận tải biển, mà chính xác phải gọi là Khai thác kỹ thuật vận tải biển như Trung Quốc gọi mới đúng. Sau này, trường Đại học Hàng hải thành lập khoa Kinh tế biển mà tiền thân là Vận tải biển. Vậy mà chúng tôi lại được phân công làm thủy thủ tàu biển. Học một đàng làm một nẻo, chúng tôi vẫn coi như bình thường. Có thể là do đất nước đang có chiến tranh thì chúng tôi làm thủy thủ có sao đâu?
Thuyền trưởng Đặng Ngọc Quý tiếp nhận chúng tôi rất thân thiện. Ông là người miền Nam tập kết ra Bắc, vui tính nhưng rất nghiêm khắc trong công việc. Ông Sơn già Máy trưởng cũng là người miền Nam tập kết ra Bắc thì lầm bầm cố tình để chúng tôi nghe thấy “bé con mặt búng ra sữa thì làm thủy thủ sao được”. Hai thằng tôi chỉ nhe răng cười trừ. Ông lầm lỳ ít nói, rất tận tụy với công việc trong buồng máy.
Hai ngày sau, tàu GP-14 sửa chữa xong rời xưởng. tham gia ngay vào chiến dịch VT5. Hai thằng tôi chẳng hề được hướng dẫn làm thuỷ thủ, vậy mà bắt tay ngay vào công việc của người thuỷ thủ.
Ba đội tàu Giải Phóng, Tự Lực và Quyết Thắng tham gia chiến dịch VT5. Đội tàu Giải phóng là đội tàu chiến lược của ngành đường biển. Mỗi người nộp cho Công ty một tờ giấy kê khai họ tên, quê quán và khi cần thì báo tin cho ai. Chế độ được hưởng là thương binh, liệt sỹ như quân đội. Chiến dịch VT5 với đội tàu là chiến dịch vận tải lương thực, xăng dầu, xe tăng, vũ khí, đạn dược các loại và quân nhu phục vụ chi viện cho chiến trường khu IV và miền Nam.
Qua tìm hiểu được biết loạt tàu Giải Phóng này do Việt Nam nhờ Trung Quốc đóng giúp (cùng đồng thời với hai tàu Trạm Giang, Hoàng Phố trọng tải 2.000 tấn một chiếc, hoán cải thành tàu chở dầu).
Tàu Giải Phóng có trọng tải chở được 100 tấn hàng, công xuất máy 900 mã lực, tốc độ 14 hải lý, phía mũi và phía lái tàu trang bị hai khẩu súng 12,7 mm, định biên 15 người, mỗi người được trang bị một khẩu súng K44.
Sau đó tàu Giải Phóng (ký hiệu là GP + số hiệu tàu) được hoán cải, chủ yếu là lắp máy chính 225 mã lực của Trung Quốc thay thế cho máy chính 900 mã lực của Nhật Bản (giao lại cho Hải quân ?), tốc độ 12 hải lý/giờ, giữ lại một khẩu 12,7 mm đặt ở mũi tàu và trọng tải vẫn giữ nguyên 100 tấn. Tàu được sơn màu ghi đậm giống màu của các tàu Hải quân. Thuyền bộ định biên là 13 người gồm Thuyền trưởng và Máy trưởng là ban chỉ huy tàu, hai sỹ quan boong, hai sỹ quan máy, một vô tuyến điện, còn lại là thủy thủ và thợ máy. Trừ Thuyền trưởng, máy trưởng, còn lại hàng ngày anh em thay phiên nhau làm cấp dưỡng.
Đợt đầu tiên, ta nhận 2 tàu tại Trung Quốc và đưa tàu vào ban đêm chạy bên trong vịnh Hạ Long về cảng Hải Phòng an toàn. Đợt 2 nhận 3 tàu, do Thuyền trưởng và thuyền viên Việt Nam, Trung Quốc cùng dẫn tàu chạy phía ngoài luồng vịnh Hạ Long, đến đảo Thượng Mai thì bị máy bay Mỹ phát hiện bắn chìm 2 chiếc, còn lại 1 chiếc thoát về được Hải Phòng. Cả ta và Trung Quốc bị hy sinh và mất tích một số người. Viên Thuyền trưởng Trần Đại Anh người Trung Quốc thoát chết, khi trở về nước được Trung Quốc phong tặng danh hiệu anh hùng. Những lần sau nhận tàu, ta rút kinh nghiệm nên đưa tàu chạy phía trong luồng đảo Vĩnh Thực, băng qua vịnh Hạ Long về cảng Vật Cách và cảng Hải Phòng đều an toàn. Tổng cộng ta nhận về an toàn là 38 tàu Giải Phóng (không kể 2 tàu GP-01 và GP-02 bị bắn chìm).
Đội tàu Tự lực gồm các tàu đánh cá vỏ sắt được hoán cải thành tàu chở hàng trọng tải từ 20 đến 30 tấn. Ta đóng thêm 50 tàu vỏ sắt trọng tải 50 tấn công xuất 120 mã lực và Trung Quốc đóng thêm cho khoảng 100 chiếc có công xuất 150 mã lực. Tàu Tự Lực có ký hiệu là TL kèm theo số hiệu tàu phía sau.
Đội tàu Quyết Thắng hoạt động tuyến đường sông. Tàu chở dầu thì ký hiệu VS kèm theo số hiệu tàu phía sau. Ngoài ra còn có đội tàu Hữu Nghị, Tankit cùng với một số sà lan tự hành trọng tải từ 200 đến 800 tấn. Tàu Tankit là loại tàu đổ bộ há mồm thì chở xe tăng, thiết giáp và pháo vào cảng Gianh, Quảng Bình giao cho đoàn 559 Trường Sơn đưa vào chiến trường.
Do máy bay Mỹ đánh phá ác liệt cả ngày lẫn đêm và phong tỏa bằng bom mìn, thủy lôi các cảng biển từ Hòn Gai, Hải Phòng đến Quảng Bình nên chiến dịch vận tải quy mô lớn của đội tàu Giải Phóng lần này là hoạt động liên tục trong bất kỳ tình huống nào, quay vòng nhanh, đưa hàng trực tiếp từ miền Bắc vào chiến trường khu IV, chi viện cho chiến trường miền Nam với tinh thần như khẩu hiệu ‘Tất cả cho tiền tuyến’. Phương châm tránh địch là chính, không đổ máu vô ích, chiến đấu đánh trả máy bay, tàu chiến địch chỉ là trường hợp bất đắc dĩ. Riêng các tàu lớn khác phải sơ tán sang các cảng Trung Quốc như Trạm Giang, Hoàng Phố, Việt Bảo ……
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vận tải trên biển có những đặc thù khác biệt và khó khăn hơn so với việc vận tải tuyến đường bộ Trường Sơn trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như mưa, sóng gió, bão thất thường, luồng lạch nông cạn nhiều chỗ chưa được khai thông, bom mìn, thủy lôi chưa được rà phá hết, biển Đông trống trải mênh mông không nơi ẩn náu, hay sương mù có thể chạm trán tàu địch bất thình lình, thần chết luôn lơ lửng trên đầu, căng thẳng cả ngày lẫn đêm trong khi Hạm đội 7 với tàu hàng không mẫu hạm, các tàu khu trục của Mỹ thường trực ngoài khơi xa và các tàu biệt kích của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa tuần tiễu, giám sát vùng biển 12 hải lý.
Chúng tôi thường nói vui với nhau rằng “‘Nó bắn chưa chắc đã trúng. Trúng chưa chắc đã chết”. Câu nói đó tuy rằng chỉ là một câu nói vui nơi cửa miệng và cũng chỉ nói cho vui an ủi nhau vậy thôi chứ thực tế đã chứng minh. Ai mà tinh thần yếu đuối, sợ sệt thì trong tâm trí thường dễ bị động và hậu quả khó lường. Tôi thảnh thơi bước vào cuộc không chút đắn đo gì, vì đằng nào thì mình cũng chỉ là người bình thường như bao người khác, phải chấp hành lệnh cấp trên.
Tàu GP-14 xếp hàng xong chạy ra cửa luồng Nam Triệu thẳng tiến Quảng Bình. Bàng và tôi rất nhanh từ chỗ làm quen đến thuần thục nghiệp vụ thủy thủ bằng tuổi trẻ nhanh nhẹn, tháo vát và chịu khó học hỏi. Anh em cho biết Vũ Ngọc Sơn lớp Biển 6 cũng đã là thủy thủ tàu này mấy tháng trước, đến khi tàu vào sửa chữa thì được điều động lên bờ nhận nhiệm vụ khác. Bây giờ tới lượt hai anh em chúng tôi đây.
Con tàu như cái lá tre mong manh giữa biển cả mênh mông sóng gió. May mà ông Trời cho tôi không say sóng, chịu được sóng đến cấp 6, cấp 7. Khi tàu GP-14 hành trình vào tới cửa Gianh thấy sóng cuộn ào ào dữ dội nơi cửa luồng vào. Thuyền trưởng vẫn quyết định cho tàu tiến vào cửa luồng. Sóng đưa mũi tàu hếch lên trời thì phía lái tàu chúi xuống đáy luồng, rồi sóng giật mũi tàu chúc xuống thì phía lái tàu chổng lên trời thấy như chân vịt nguáy tít mù trên không. Sóng dồn tiếp theo đưa mũi tàu hướng lên trời thì phía lái tàu bị dộng mạnh xuống đáy cửa luồng Gianh. Tôi cố gắng hết sức ghìm chắc vô lăng dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng mà thấy cũng hơi lo. Nhỡ mà phía lái tàu bị dộng mạnh xuống đáy luồng rất dễ bị gãy bánh lái, hoặc bị lật, hoặc chết máy thì con tàu rất dễ bị nhấn chìm. Sự cố bất ngờ có thể xảy ra không ai có thể lường trước được. Vật lộn với sóng dữ cửa luồng đến khoảng một tiếng đồng hồ, tàu GP-14 mới vượt qua được tiến vào cảng Gianh cập cầu dỡ hàng.
Dạo quanh cảng Gianh, bờ sông cát vàng, gió thổi cát bay mờ mắt, quạnh hưu tịnh không một bóng người nào. Gần cảng Gianh có Ba Đồn nổi tiếng nghề làm nón. Bách bộ ở Ba Đồn thấy có tiếng con gái chào mời vào chơi, xem nàng khâu nón bên ngọn đèn dầu leo lét trong nhà. Người ta vẫn rỉ tai nhau nghe có câu “Nón Ba Đồn, l… Cảnh Dương”.
Chỉ sau một chuyến tàu xếp gạo đóng bao chạy vào cảng Gianh Quảng Bình, dỡ hàng xong rồi chạy tàu không về Hải Phòng, Bàng và tôi đã thuần thục mọi công việc từ cô dây kéo cáp, quăng dây ném …. đến cầm vô lăng lái theo lệnh của sỹ quan chỉ huy. Sau chuyến chở hàng đầu tiên tới cảng Gianh Quảng Bình rồi trở về lại Hải Phòng, thái độ của ông Sơn già Máy trưởng đối với Bàng và tôi khác hẳn. Gặp chúng tôi, ông luôn tươi cười niềm nở “chúng mày làm thủy thủ giỏi đấy. Có thế chứ !”.
Sau mỗi chuyến chở hàng vào các cảng phía Nam, tàu lại chạy không ra Hải Phòng tiếp tục xếp hàng, hoặc ra vịnh Hạ Long để chuyển tải hàng từ tàu lớn sang cho chuyến tới. Bởi vậy, chúng tôi còn có thời gian thư thả trong những lúc chờ vào xếp hàng.
Khoảng ba tháng sau, Công ty xếp lương cho các kỹ sư vận tải biển mà xuống tàu làm thủy thủ được hưởng lương thủy thủ bậc 2 là 55 đồng/tháng thay cho mức lương thực tập kỹ sư bậc 1 (53 đồng năm hào rưỡi). Anh em thủy thủ khác tuy có hơi tỵ nạnh nhưng lại mừng cho chúng tôi. Tất cả anh em sỹ quan thủy thủ chúng tôi cùng sống, làm việc, đoàn kết và chan hòa với nhau.
Tại vịnh Hạ Long, tàu thường mua cá của ngư dân. Cá song mà nấu cháo thì thôi rồi Lượm ơi. Nhiều ngày tôi cứ tỳ tỳ món cá, thôi thì hết rán, canh, lại nướng đủ kiểu sau rồi thấy ớn, cứ ngủi thấy mùi tanh tanh cá biển là sợ đến già.
Có lần, mấy thằng lớp Biển 7 bọn tôi gặp nhau, đi dạo trên bãi của một hòn đảo. Chúng tôi nhìn thấy có một ống kim loại nhỏ lẫn trong đám rác rưởi trôi dạt vào bãi không biết là vật gì. Thằng nào cũng ngại không dám sờ vào. Châu lém dọa “Không biết là mìn hay thủy lôi đây”. Rồi Châu ta nhặt lên, tiến đến một tảng đá trên bãi, vòng tay như ôm lấy đá rồi bảo mọi người “Tao mở ra xem bên trong có gì nhé. Nếu nó nổ thì nhớ ngày mà giỗ tao đấy”. Vặn mãi không mở ra được, Châu đành vứt ào xuống nước cười xòa.
Chuyến tàu GP-14 chở hàng vào Nghệ An, cập cầu tầu phía hạ lưu cầu cảng Bến Thủy. Phía thượng lưu cầu cảng là xác tàu Đoàn Kết trọng tải 800 tấn bị máy bay Mỹ bắn chìm năm 1965 ngay tại cầu tầu vẫn còn nằm nghiêng, chỉ nhìn thấy khoảng một phần ba lộ diện trên mặt nước.
Cơm nước xong, Thảo vô tuyến điện rủ tôi đi chơi tán gái tối hôm đấy. Thảo đưa tôi đến gian nhà tập thể công nhân cảng có hai cô gái mà Thảo mới quen tên là Kim Tiến và Thanh. Tự nhiên Thảo giới thiệu tôi là nhạc sỹ, biết các em hát hay nên đến thăm và muốn được nghe các em hát. Thế rồi Kim Tiến hát một bài. Tôi nhận xét và gợi ý thêm cho em. Sau đó thấy có một em đưa một anh chàng tới. Các em giới thiệu đây là anh nhạc sỹ Trần Lệ Thúy (một cái tên như tên con gái). Tôi thầm nghĩ đấy chắc cũng là anh chàng tự nhận là nhạc sỹ để đi tán gái đây. Chúng tôi chuyện trò vui vẻ như không có chuyện gì xảy ra.
Chia tay ra về, tôi trách Thảo bốc phét giới thiệu tôi là nhạc sĩ. Thảo cười mà rằng “đi tán gái thì phải thế chứ” rồi cho biết lúc đầu Thảo cũng lo ngại sợ bể mánh thấy chàng kia nói hơi nhiều, nhưng mọi người chuyện trò vui vẻ nên cũng yên tâm hơn.
Có lần tàu GP-14 chở hàng vào cập cầu cảng Gianh xong thì trời vừa tối. Tàu bật sáng đèn phục vụ dỡ hàng. Châu lém đi tàu GP-18 đang neo bên ngoài chờ tới lượt vào cầu dỡ hàng, thấy tàu tôi nên bơi thúng sang chơi. Châu lém sáng kiến “Sao không chơi ghi ta phát ra loa phục vụ chị em TNXP nhỉ”. Nguyễn Quốc Khánh Thuyền phó 3 (gọi cho vui là Khánh mốc) vội mang ngay đàn ghi ta ra, đấu nối hệ thống phát ra loa để phục vụ. Khánh rất thích ghi ta nên vác đàn của nhà mang lên tàu để chơi những khi rảnh rỗi cho đỡ buồn. Khánh chơi ghi ta cũng tàm tạm được.
Châu lém và tôi thay phiên nhau chơi ghi ta. Về sau, Bàng cho biết mọi người cứ tưởng là tàu mở đài phát thanh để phục vụ chứ có biết đâu thủ phạm là Châu lém và tôi. Anh Điện thợ máy hơn tôi 3 tuổi còn kể lại rằng có cô TNXP nài nỉ xin một đứa con để được nhận kỷ luật trở về địa phương mà anh không dám. Nghĩ thật tội cho các em đang chôn vùi tuổi thanh xuân nơi đạn bom khỏi lửa, chôn vùi giấc mơ xây dựng gia đình riêng cho mình.
Tàu GP-14 tiếp tục có chuyến chở hàng vào cảng Bến Thủy, tôi có ghé thăm nhà Quán. Trước đây, Quán có kể chuyện là ông cậu của Quán yêu một cô cấp dưỡng cảng Bến Thủy. Lần này vào đây, người nhà Quán cho biết hai người đã chia tay nhau lâu rồi. Nay cô ta đi lấy chồng, tối mai tổ chức đám cưới ở cảng Bến Thủy, và mời chúng tôi tới dự cho vui. Cô dâu người Cửa Hội, còn chàng rể là lính Hải quân. Nói thế thôi nhưng tôi nghĩ đi làm gì.
Tối hôm sau nghe nói có đám cưới. Thảo vô tuyến điện rủ anh Phạm Văn Thỏa Thuyền phó 2, Khánh mốc Thuyền phó 3, Bến rỗ thợ máy và tôi đi xem. Bến rỗ (tàn tích bệnh đậu mùa còn lờ mờ trên mặt) rất vui tính, nhà ở ngõ Đồng Lùn, phố Trần Nguyên Hãn, Hải Phòng. Trên đường dạo mát buổi tối từ Vinh về cảng Bến Thủy (cách xa 5 km), buồn tình bỗng thấy Bến rỗ hô to “Có ai thuê làm cái đ…. gì khô … ông ….?”. Ừ thì đi xem cho biết chứ chẳng biết làm gì ở cái đất này.
Đám cưới rất giản dị, không nước chè, bánh kẹo gì cả. Không có bàn mà chỉ có duy nhất bốn hàng ghế băng dài giành cho đại diện cơ quan đoàn thể, đại diện quan viên hai họ cô dâu chú rể, còn lại mọi người tới dự đứng xúm xít phía sau mấy hàng ghế băng đó. Chủ hôn khai mạc ngắn gọn, giới thiệu đại diện nhà trai phát biểu, rồi văn nghệ quần chúng tiếp theo là chiếm nhiều thời gian nhất.
Xong hai tiết mục hát dân ca và hát bài hát mới, chủ hôn tiếp tục giới thiệu có một người bạn mới từ Hải Phòng vào cũng xin góp vui. Giật mình tưởng nhưng thấy ngay một thanh niên ngồi ở hàng ghế băng đứng dậy, xách theo cây đàn ghi ta lên vừa đàn vừa hát. Chủ hôn giới thiệu người hát tiếp theo mà chưa thấy ai lên. Đứng cùng mọi người phía sau, tôi nghe thấy có người nói nhỏ : “Sao không thấy có ai hát bài Nổi lửa lên em nhỉ?”. Chả là vì cô dâu là cấp dưỡng mà thời gian này bài hát Nổi lửa lên em của nhạc sỹ Huy Du đang rất thịnh hành, hát ở đây là rất phù hợp. Thảo, Bến thúc dục và đẩy tôi xung phong lên đi. Nóng mắt, tôi bước lên trên, không cần người giới thiệu :
“Kính thưa các vị đại diện cơ quan, đoàn thể.
Kính thưa quan viên hai họ và tất cả bạn bè cô dâu chú rể cùng toàn thể mọi người. Tôi xin tự giới thiệu tôi cũng là một người bạn của cả cô dâu và chú rể. Tôi là người đã chứng kiến ngay từ buối ban đầu mối tình của hai người cho đến thành quả là đám cưới ngày hôm nay. Tôi xin phép ra đây kể lại câu chuyện tình lãng mạn này. Trước hết, tôi xin phép anh bạn người Hải Phòng cho tôi mượn cây đàn ghi ta”.
Mọi người im lặng lắng nghe để xem cái thằng cha này giở trò gì ra đây. Anh bạn người Hải Phòng đứng phắt ngay dậy và tự tay mang đàn ghi ta lên đưa cho tôi. Tôi tiếp tục :
“Chuyện là thế này. Một ngày chủ nhật nắng đẹp trời trong gió biển dịu dàng, thuyền trưởng tàu Hải quân cho phép anh em lên bờ chơi. Tới đầu chợ Trang Cửa Hội, anh lính Hải quân gặp một nàng thiếu nữ xinh tươi và cất lên lời ca rằng “Kìa là cô thiếu nữ…. có dáng người đẹp xinh đó ơi ! Đôi mắt em nhìn anh với nụ cười duyên dáng sao lòng anh thấy mê. Nào lại gần, nào lại gần hỡi cô nàng ơi ….”. Và rồi nàng thiếu nữ xinh tươi ghé tai tôi nhờ tôi đáp lời “Kìa chàng trai kia ơi …. hỡi anh chàng đẹp trai đó ơi ! Đôi mắt anh nhìn em với nụ cười tươi thắm sao lòng em thấy mê. Nào lại gần, nào lại gần hỡi anh chàng ơi …..”. Rồi hai người bén ngọn lửa tình, yêu nhau tha thiết. Chàng hứa với nàng rằng “Đã yêu rồi … anh muốn sống mãi bên em… Anh biết rằng suốt đời sống bên nhau dù cho khổ đau”. Và nàng đáp tiếp lời chàng rằng “Đã yêu rồi … em muốn sống mãi bên anh… Em biết rằng suốt đời sống bên nhau dù cho khổ đau”.
Tôi vừa đàn vừa hát. Nói mấy câu rồi hát một đoạn bài hát có nội dung phù hợp, lần đầu là ‘cô’ hay ‘nàng’ hay ‘em’ rồi cũng bài ấy lần sau đổi thành ‘chàng’ hay ‘anh’. Cứ thế, cuối cùng mới vào bài hát chính.
“Thế rồi, sau đám cưới này là một đêm tân hôn hạnh phúc tuyệt vời của cả hai người, tuyệt vời như thế nào thì … thì … ‘bí mật’ tôi không dám nói. Chỉ biết rằng tờ mờ sáng hôm sau khi gà cất tiếng gáy, anh lính Hải quân khe khẽ lay vai nàng “Kìa em ! Nổi lửa lên em …. Nổi lửa lên em … Ánh trăng sáng ngời đưa ta vào trận đánh, núi rừng xanh dồn đập bước quân hành….” cho đến hết bài Nổi lửa lên em của nhạc sỹ Huy Du.
Tiếng hoan hô rầm rầm, rồi bỗng thấy một người ngồi ở hàng ghế băng lao lên ôm chầm lấy tôi mà cây đàn vẫn đang còn trên tay tôi, vừa ghì vai vừa lắc lắc vừa nói “Đến bây giờ tôi mới công nhận anh là nhạc sỹ thật”. Nhìn xem ai, hóa ra là nhạc sỹ Trần Lệ Thúy. Có lẽ mình tôi đã chiếm đến nửa tiếng đồng hồ tại đám cưới.
Sáng hôm sau, có người tìm đến tàu GP-14 xin gặp tôi. Anh tự giới thiệu là Trưởng phòng kế hoạch của cảng Bến Thủy. Anh tặng tôi 3 bao thuốc lá Điện Biên bao bạc mà anh mới được mua theo tiêu chuẩn Phiếu nghiện nặng thuốc lá vì cái đám cưới tối hôm qua và cho biết mọi người rất vui, rất có ấn tượng với màn biểu diễn của tôi.
Chuyến sau tàu lại vào Bến Thủy, tôi đến thăm anh Trần Lệ Thúy. Anh tâm sự rằng anh người Hà Tĩnh, là thợ cắt tóc dạo đó đây kiếm sống, có năng khiếu âm nhạc và nhờ ngoại giao nên được giới thiệu ra Hà Nội học lớp bồi dưỡng sáng tác ca khúc cho các hạt nhân phong trào văn nghệ quần chúng. Khi về, anh tham gia Đoàn văn công tỉnh Hà Tĩnh mấy năm trời rồi lại thôi, nay làm công nhân sửa chữa cơ khí của cảng Bến Thủy. Anh nói với tôi là sáng tác bài hát cho khu 4 rất dễ, từ nào dấu sắc (‘), dấu hỏi (?), dấu ngã ( ̴) thì chuyển thành dấu nặng (.) hết là được. Anh còn gợi ý tôi viết bài hát cho dân Vinh, cho Nghệ An rồi anh chữa bài cho và sẽ mang tên cả hai người. Trong thâm tâm tôi nghĩ ngay là sẽ không làm theo ý anh.
Dân khu 3 có nhiều truyện tiếu lâm về khu 4 rằng : Có một đơn vị bộ đội trú tạm tại nhà dân. Trước khi chia tay lên đường, anh bộ đội thấy thiếu mũ đội thì anh chủ nhà nói ngay “Trong ba chú vô Nam đợt ni thệ nào cụng cọ chụ hy sinh, đệ lại cho bọ cại mụ ni là được rồi”. Hay câu truyện bác chủ nhà phàn nàn “Không biệt chụ bộ đội nghi ngợ chi con gại bọ ăn lương khô cụa cạc chụ hay sao mà lại đi ngựi mồm con gại bọ” v.v. và v.v. v. Có câu ‘Chửi cha không bằng pha tiếng’ nên thôi không dám kể nữa.
Trên tàu GP-14, tôi chơi thân với thủy thủ Trần Văn Nhượng quê xã Phú Châu, Đông Hưng, Thái Bình. Nhượng học Trường hàng giang 18 tháng, rất vui tính và kém tôi một tuổi. Có mấy lần, hai thằng tôi gom được 5 tem lương thực loại 225 gram, cùng nhau đến Cửa hàng mậu dịch ăn uống Ngã 5 Hải Phòng mua 5 xuất cơm, rồi bày ra 5 cái bát và 5 đôi đũa ngay tại bàn ăn của cửa hàng mà tỳ tỳ đánh chén một hồi hết sạch.
Nhượng rất chu đáo chuẩn bị đầy đủ quà cáp trong ngày đầu tiên Nhượng đưa tôi về thăm quê ở xã Phú Châu, Đông Hưng, Thái Bình. Gia đình Nhượng vui lắm vì có bạn của con về chơi. Mẹ Nhượng ân cần hỏi tôi “ Thế hai anh em đã cơm cháo gì chưa?”. Tôi lễ phép trả lời rằng “Dạ. Hai đứa chúng con ăn cả rồi ạ. Nhượng nó dặn phải trả lời thế, nhưng kỳ thực là chưa ăn gì ạ” theo đúng kịch bản dặn trước của Nhượng. Cả nhà phì cười vui như Tết vì thấy hai đứa dí dỏm như nhau.
Chị Cẩn là chị cả của Nhượng cũng ở gần đây, rất quý người. Chồng chết, chị ở vậy nuôi đứa con trai. Chị mời cơm hai anh em nhưng hai thằng mải chơi về muộn làm cho chị khóc bên mâm cơm đợi chờ các em về ăn. Nhượng động viên tôi cố gắng ăn một chút cho chị vui mặc dù hai thằng đã trót ăn no nơi khác mất rồi.
Lần sau về quê Nhượng chơi còn có nhiệm vụ khá tế nhị nữa. Đó là Nhượng rủ tôi đến thăm và chơi ghi ta tại nhà Bình, đối tượng của Nhượng ở xã bên. Thì ra đi tán gái cần phải có bạn bè trợ giúp. Chả là ông bố của Bình rất khắt khe và kỹ tính nhưng lại thích nghe đàn hát. Muốn đánh đổ được nàng Bình thôn nữ hoàn toàn thì phải chiếm được cảm tình của ông bố đây chăng?
Được thêm sự trợ giúp phía sau của 2 thủy thủ người cùng xã với Bình, có quan hệ khá thân thiết với nhà Bình, lại cùng học Trường hàng giang với Nhượng, nên Nhượng rất vững tâm.
Tối hôm đó, sau khi cơm nước xong xuôi Nhượng dẫn tôi đi vì Nhượng đã dàn xếp trước đó với Bình rồi. Cuộc tiếp khách diễn ra tại hè nhà Bình dưới ánh trăng suông. Không thấy bố mẹ Bình đâu cả. Em Bình có nước da nâu huyền ảo, hay tại lờ nhờ dưới ánh trăng suông nên tôi nhìn qua không thấy rõ chăng. Em Bình ăn nói rất có duyên, nhẹ nhàng mời tôi bát nước chè xanh còn nóng hổi rồi vào đề ngay :
“Anh ạ, em nghe anh Nhượng nói có anh bạn thân chơi ghi ta rất hay. Hôm nay anh đã chiếu cố về thăm quê nghèo chúng em, mong anh giúp cho gia đình chúng em được thưởng thức tiếng đàn của anh, để cho quê nghèo chúng em được thưởng thức về nghệ thuật”.
Nói xong, Bình xin phép vào trong nhà, mang ra chiếc ghi ta đã mượn sẵn đưa cho tôi. Tôi có linh cảm cuộc đón tiếp đượm vẻ miễn cưỡng, ai lại tiếp khách tại hè nhà chứ không phải ở trong nhà như bao gia đình khác. Nhưng đã trót đến thì cũng phải tự tin. Hãy dũng cảm lên.
Tôi xin phép chỉ chơi được tàm tạm mấy bài theo kiểu nhạc mới chứ không biết gì về dân ca và chèo. Thái Bình là đất chèo mà. Chơi được một lúc đâu khoảng 20 phút gì đó tôi tạm dừng, ngước đầu lên thấy ngay có một người khác ngồi trước mặt mình. Tôi lật đật đứng dậy chào thì ông vẫy tay ra hiệu cho tôi ngồi xuống rồi bảo “Anh nghỉ tý đã. Mời anh uống nước”. Thì ra đây là bố của Bình, không biết đã xuất hiện từ lúc nào. Không khí gia đình khác hẳn, không thấy nặng nề như trước. Đến khoảng gần 10 giờ tối, mẹ Bình mang ra mấy khúc mía đưa cho bố Bình đãi khách. Khi chia tay ra về, bố Bình trực tiếp tiễn tôi và còn vui vẻ mời tôi khi nào có dịp xin mời cứ đến nhà chơi.
Nhượng khoái trá vì cuộc viếng thăm có kết quả như mong muốn, mà tôi cũng thấy nhẹ nhõm cả người. Sau này, tôi cũng có dịp được Nhượng thu xếp đến chơi nhà Bình thêm một lần nữa. Mà lần này lại kém vui hơn lần trước.
Rồi sau đó Nhượng và Bình chia tay nhau. Tôi hỏi thì Nhượng bảo bây giờ đã chuyển sang đám khác hay hơn nhiều, mà cũng chẳng cần sự hỗ trợ của bạn bè nữa. Đó là em Mật, nàng thiếu nữ của Hợp tác xã thêu ren xuất khẩu tại phố Đống Năm, xã Phú Châu. Nhượng cũng đã dẫn tôi tới thăm nhà em Mật và quả đúng như lời Nhượng nói.
Khoảng nửa tháng trước khi cưới vợ, Nhượng đề nghị “Tôi không yêu cầu bạn có quà tặng cưới làm gì. Tôi chỉ đề nghị bạn viết tặng vợ tôi một bài hát làm quà và phải vừa đàn vừa hát tại đám cưới của tôi”. Tôi nhận lời và sau mấy ngày thì viết xong bài Em – cô gái thêu tuy chưa thật là hay cho lắm. Anh Thanh, Chác và tôi đứng lên đàn hát bài này ngay tại đám cưới Nhượng.
Có chuyến tàu phải ghé vào đảo Nghi Sơn Thanh Hoá để neo tránh khi gió to sóng lớn quá. Bàng và tôi hỏi thăm tìm đến nhà anh Loan cùng lớp. Thấy nhà đóng cửa không có ai, chúng tôi quay trở lại tàu. Cũng có lần, hai tàu Giải Phóng cùng ghé đảo Nghi Sơn thấy mấy thanh niên Nghi Sơn đang chơi bóng đá, chúng tôi tổ chức luôn một trận bóng với cánh Nghi Sơn tại bãi cát. Tôi đá kém nhất được phân công làm thủ môn. Đá chỉ được khoảng một tiếng đồng hồ thì giải tán vì hai bên tranh luận nhau về một pha bóng, nhưng mà vui ra phết. Dạo chơi trên đảo tôi bị một ngư nữ dắt mũi đưa đi nơi khác. Sợ ngư nữ có ý đưa vào tròng, tôi vội lượm mấy viên đá rồi đòi về tàu sớm kẻo trời sắp tối.
Ta đã vận động Trung Quốc đưa tàu Hồng Kỳ (Hong Qi) chở gạo vào Hòn Ngư, Nghệ An chuyển tải hàng sang các tàu Giải Phóng, Tự Lực. Các tàu này đưa tiếp hàng vào các cảng phía Nam.
Chúng tôi cũng có ghé qua Trạm vận tải khu 4 ở Cửa Hội. Trạm này quản lý, điều động, sửa chữa…. các tàu do ông Võ Bảy làm Trạm trưởng. Trang thiết bị để sửa chữa thay thế thiếu thốn, cơ sở và trình độ kỹ thuật còn lạc hậu nhưng cũng vẫn phải khắc phục mà làm.
Anh Phạm Văn Thỏa Thuyền phó 2 của tàu GP-14 cưới vợ. Nhượng và tôi đại diện cho tàu về dự tại quê anh ở thôn Kim Thanh, xã Thái Sơn, huyện Thái Thuỵ cạnh huyện Đông Hưng quê Nhượng. Tôi được mời tham gia đàn hát trong lễ cưới của anh. Khi chuẩn bị chia tay, Nhượng và tôi bị đám con gái ríu rít vây quanh đòi giữ lại không cho về. Thế mới chết chứ. Vợ chồng anh Thỏa phải can thiệp mới xong, rồi các em tiễn hai chúng tôi đến tận đầu làng với bao lời chào mời, bao lời nhắn nhủ hẹn ngày trở lại và những cái vẫy tay đầy lưu luyến của các em.
Nhẫn có bạn mới quen rồi đưa tôi đến chơi nhà Phước ở Cầu Đất, Hải Phòng. Cả nhà Phước ở là một phòng rộng khoảng 24 m2 trên tầng 2 có ban công nhìn xuống phố. Muốn lên nhà phải đi vào cái cổng bên hông nhà nằm ngay ở đầu mặt đường phố Ga (sau này đổi tên là phố Lương Khánh Thiện), theo cầu thang lên tầng 2, qua phòng nhỏ chú thím của Phước ở rồi mới vào phòng nhà Phước. Phước dáng gày gò thanh tao xuất ngũ về chưa vợ, hát không hay mà lại thích hát hò và đặc biệt là rất thích ghi ta, có đàn đấy nhưng chơi thì bập bà bập bõm.
Bố của Phước là sỹ quan vẫn còn tại ngũ trong quân đội xa nhà, mẹ Phước là bác sỹ phụ sản. Phước có đưa em gái tên Hạnh, một đứa em trai có tật khuèo chân phải chống nạng và đứa em trai út còn nhỏ. Cả nhà Phước đều sở hữu nước da nâu xám khoẻ mạnh.
Thấy Nhẫn người Hà Nội đẹp trai hát hay nên mẹ Phước có ý chấm cho Hạnh làm cho Nhẫn đôi lúc khó chịu. Hạnh chơi thân với Trì nhà ở phố Phan Bội Châu và Liên nhà ở trong ngõ phố Lê Lợi, thành bộ ba quấn quýt bên nhau. Nhẫn có vẻ không ưa bộ ba này, còn tôi thì tế nhị hơn vì dù sao thì cũng là các em của Phước. Có lần các em còn nhờ tôi hướng dẫn tập hát, tôi vẫn nhiệt tình giúp.
Liên hỏi tôi “Thế anh làm gì trên tàu?”. Tôi đáp gọn lỏn “Anh lái tàu”. Liên không tin bảo “Anh mà lái được tàu”. Tôi chỉ cười mà không thèm giải thích làm gì, rồi bồi tiếp : “Thế em có nghe người ta nói gì về lái không ?. ‘Lái tàu lái lợn, lái xe, trong ba lái ấy chớ nghe thằng nào’”. Liên bảo : “Đúng là anh không phải lái tàu rồi”.
Có dịp gặp nhau là Phước, Nhẫn và tôi ngồi chơi ghi ta ở ban công vào buổi tối. Bộ ba Hạnh, Liên, Trì ngồi nghe và chuyện trò trong nhà. Rạp chiếu phim Công nhân phố Cầu Đất gần đó tan giờ chiếu là có mấy tốp thanh niên đứng ở vỉa hè lắng nghe tiếng đàn mãi mới chịu giải tán.
Có lần sau một chuyến đi, tôi tới nhà Phước chơi. Vừa gặp tôi, Liên xị mặt ngúng nguẩy bỏ đi mà tôi không để ý. Một lúc sau Hạnh bảo “Cái Liên nó giận anh đấy”. Tôi hỏi Hạnh “Anh có làm gì đâu mà nó giận”. Hạnh nói : “Anh không biết thật à?”.
Thấy vẻ mặt ngơ ngác của tôi, Hạnh biết ý rồi kể cho tôi nghe “Có gì đâu anh. Anh Giáo, bạn của anh Phước ấy mà, anh ấy nhiều lần đến nhà Liên chơi. Anh Giáo có nói với Liên rằng “Anh Mậu có ý yêu em nên nhờ anh giúp đỡ. Em thấy thế nào?. Liên trả lời “Cám ơn anh” rồi bỏ ra khỏi nhà, mặc khách ngồi một mình. Ngồi lâu quá không thấy Liên trở lại nên anh ấy mới chịu về. Liên nó tâm sự với em rằng nếu sự thật như vậy thì tại sao anh lại không trực tiếp nói với Liên mà lại phải nhờ thông qua người khác vậy ?”.
Tôi cười bảo Hạnh “Vớ vẩn, rõ là chuyện trẻ con”. Nói xong, tôi quay ra ban công chơi với Phước và Nhẫn như mọi khi. Chuyến sau về, Hạnh khoe ảnh cưới của Liên. Tôi xem qua rồi trả lại, cũng chẳng có ý kiến gì. Thấy tôi bình thường như không, Hạnh cười cười rồi chỉ cho tôi biết là cái Trì đóng giả chú rể để chụp ảnh chơi thôi mà. Tôi lại bảo “Chuyện trẻ con”.
Bộ ba Hạnh Liên Trì đã hiểu rõ sự thật là anh Giáo muốn tấn công Liên nhưng còn lo ngại tôi nên mới có chuyện thăm dò không được khéo như vậy. Hiểu ra rồi, Liên lại vui vẻ như trước, coi như không có chuyện gì xảy ra trên đời này.
Tôi cũng có qua nhà Liên chơi mấy lần. Bố Liên theo đạo Thiên chúa, người làng đạo Thạch Bích, Thanh Oai, Hà Tây. Hai ông bà không có con nên nhận Liên làm con nuôi từ bé. Có lần ông nói thẳng với tôi là ông rất muốn tôi làm con rể ông. Tôi chỉ cười “Chúng cháu chỉ là bạn bè thôi ạ”.
Rồi Liên và Trì đi học Trường Cao đẳng sư phạm nhạc họa Trung ương sơ tán ở Mai Lĩnh, ngay tại Trường học sinh miền Nam cũ. Một lần về Chúc Sơn, tôi ghé thăm được hai em cho biết có một nam học sinh mới vào trường chơi ghi ta hay lắm và đề nghị tôi thi đấu ghi ta với anh ta. Tôi cười bảo các em rằng vui chơi cùng nhau thì được chứ anh không thi đấu đâu.
Thuyền trưởng Quý được điều động rời tàu đi nhận nhiệm vụ khác. Thuyền trưởng Đặng Văn Nam xuống thay và tàu GP-14 tiếp tục chở hàng vào cảng Hộ Độ, Hà Tĩnh.
Khoảng 7 giờ 30 tối ngày 15-4-1972, tàu GP-14 và một tàu Tự lực đang dỡ hàng tại cầu tàu cảng Hộ Độ, Hà Tĩnh thì bỗng nhiên thấy bầu trời lóe sáng, hàng loạt đạn pháo kích từ chiến hạm Mỹ ngoài biển rào rào bắn vào khu vực cảng. Mọi người nhanh chóng bỏ chạy tán loạn. Tôi đang ở trên buồng lái vội lao xuống buồng máy rồi xộc cả vào buồng vệ sinh xem còn có người không. Thấy không còn ai trên tàu tôi mới chạy bừa ra khỏi khu vực cảng. Chạy ngang qua một hầm trú ẩn, thấy có tiếng con gái trong hầm kêu toáng lên “Cái anh này!”. Tôi vẫn chạy, vấp ngã sóng xoài xuống rãnh luống khoai, lòng nghĩ thầm chắc có lẽ hầm trú ẩn nêm kín người mới có tiếng kêu vừa rồi. Địch nó pháo kích vào cảng thì phải tìm mọi cách chạy thoát ra khỏi khu vực cảng mới bảo toàn được mạng sống. Trong chiến tranh phải linh hoạt ứng xử theo tình huống thực tế.
Khoảng hơn 20 phút sau, pháo kích dừng. Tôi vẫn nằm chờ thêm mấy phút nữa cho thật yên rồi mới tìm đường về lại tàu. Về đến tàu thấy đèn vẫn sáng. Hay là hoảng quá không ai kịp tắt đèn, hay là tàu mới bật lại chăng ? Thuyền trưởng lệnh cho tàu rời cầu ngay, chạy về hướng thượng nguồn sông.
Đến chỗ vùng neo tàu, thấy mờ mờ hai cái bóng tàu Giải Phóng khác cũng đã neo ở đó rồi. Một lúc sau, có một thuyền thúng nhỏ bơi đến gần tàu tôi và nghe thấy một giọng hô khản đặc “Thằng Mậu còn sống không? Thằng Mậu còn sống không?”. Tôi nhận ra Chác, là anh bạn Bùi Bá Chác đang khua chèo bơi đến. Tôi vội giơ tay lên hô to “Tao đây, tao đây …. Tao còn sống nhăn răng ra đây này”. Rồi tôi kéo Chác lên tàu. Hai thằng ôm nhau rất lâu mà không nói nên lời. Thì ra Chác đi tàu GP-25 đang neo ở thượng nguồn sông chờ vào cầu dỡ hàng.
Mờ sáng hôm sau, chúng tôi được lệnh đưa tàu chạy thêm lên nữa về hướng thượng nguồn sông Hạ Vàng neo lại, ngụy trang tàu rồi tùy nghi di tản lên bờ để đảm bảo an toàn sinh mạng. Khánh Thuyền phó 3 vai đeo khẩu K44 vừa mới bước được một chân xuống nước thì chiếc mủng tròn bị nghiêng xoay đi xoay lại, cạp mủng tỳ chặt vào hạ bộ. Rút chân về lại mủng không được mà đưa tiếp chân đang trong mủng ra ngoài cũng không xong, lại còn vướng báng súng cứ tỳ chặt vào cạp mủng nữa. Lay hoay mãi không ra được, Khánh cáu tiết gắt um lên “Đ.m. ông Giời !”. Chết cười khi nhìn thấy cảnh tượng này. Anh em vội nhào xuống nước cứu nguy, đưa Khánh lên bờ. Nguyên do cũng tại vì chiếc mủng chưa kịp chạm đáy bùn, Khánh đã vội bước ra ngoài trong khi khẩu súng lẽ ra phải đeo chéo qua vai mà Khánh lại đeo dọc vai. Thế mới có chuyện cười vui mà nói.
Chèo cái mủng tròn này cũng là cả một nghệ thuật. Người mới đầu chèo không biết nên mủng cứ xoay mà không tiến, lại còn bị bập bềnh nghiêng ngả nữa chứ. Lần đầu tôi chèo thấy thế, biết ngay kỹ thuật phải chèo thế nào rồi nên nhanh chóng chèo thành thạo luôn.
Bờ sông mông quạnh không một bóng người, làng xóm tít mờ xa. Thuỷ thủ Mộc quê ở ven bờ nam sông Lam và tôi rủ nhau vào làng xem sao. Tới nơi, ngang qua mấy nhà cũng chẳng có bóng người cứ như là cái làng ma vậy. Tới một cái ao nhỏ thì bắt gặp một người con gái mặc áo dệt kim Đông Xuân cộc tay màu trắng đang giặt quần áo. Giác quan thấy có hơi trai, cô nàng ngoái cổ lại rồi vội vàng thu dọn quần áo vào rổ cắp nách lên bờ.
Cô nàng cất tiếng oanh “Em mời các anh vào nhà chơi” rồi dẫn chúng tôi vào nhà ngay cạnh ao. Nhà trên cửa đóng then cài kín mít, còn nhà ngang ba gian kê 2 chiếc giường sát nhau và 1 chiếc khác nhỏ hơn thành chữ L. Thì ra đây là nhà dân bỏ không được các cô TNXP dùng làm nơi đóng quân.
Không có bàn ghế nên tôi đành ngồi lên giường, còn Mộc ngồi ở chiếc giường nhỏ. Chúng tôi quá bất ngờ thấy khoảng gần hai chục cô gái cứ như từ trên trời rơi xuống xúm vào bao quanh hai thằng tôi, thậm chí có cô còn nằm ệch ra giường ngay sau lưng tôi nữa. Không ai nói với ai một lời, hai thằng chỉ nhìn nhau nhếch mép cười gượng gạo.
Khoảng mấy phút sau hai thằng tìm cách chuồn trong sự ngẩn ngơ, luyến tiếc vô bờ của chị em. Ở nơi đạn bom khói lửa lâu ngày thèm hơi trai quá nên các em cứ như người bị hút hồn khi có con trai tới. Mãi về sau năm 2000 mới biết có một loại bệnh hysteria – là bệnh rối loạn phân ly mà phụ nữ hay gặp nhất. Nói nôm na cho thật dễ hiểu đó là bệnh thiếu hơi trai.
Thương các em quá ! Tội các em quá ! Cánh thủy thủ chúng tôi sướng hơn chị em TNXP nhiều là còn được thường xuyên ra Bắc vào Nam, hay còn có dịp tranh thủ về thăm gia đình được. Vậy mà chị em TNXP lại bị chôn vùi tuổi thanh xuân phơi phới nơi này không biết đến bao giờ.
Ngày hôm sau, chúng tôi nhận lệnh nhanh chóng đưa tàu rút về Bắc. Đoàn tàu nhổ neo từ sáng sớm, thứ tự từng chiếc một nối đuôi nhau do GP-14 dẫn đầu tiến ra cửa Sót. Tới cửa Sót, qua ống nhòm phát hiện có ống khói của tàu dập dờn trên mặt biển ngoài xa. Thuyền trưởng tàu GP-14 lệnh cho tàu quay mũi trở lại và thông báo cho các tàu sau biết tin có tàu khu trục Mỹ vẫn đang án ngữ ngoài biển. Khoảng 15 phút sau thấy ào ào một loạt máy bay phản lực từ phía biển rít không trung bay vào phía bờ. Chúng tôi vào vị trí sẵn sàng chiến đấu nhưng không thấy chúng quay trở lại. Có thể chúng bay theo kế hoạch ném bom nơi nào đó khác chăng ?.
Ngay đêm hôm ấy, đoàn tàu hạ quyết tâm mở đường máu, tiếp tục chạy ra khỏi Cửa Sót an toàn, hành trình về Cửa Hội.
Về đến Cửa Hội thì được biết tin Cửa Hội và Bến Thủy cũng bị máy bay Mỹ bắn phá. Tại cảng Bến Thủy, tàu GP-06 do thuyền trưởng Nguyễn Hữu Huống chỉ huy, tàu GP-34 do thuyền trưởng Nguyễn Bá Trí chỉ huy, và GP-04 do thuyền trưởng Nguyễn Văn Lễ (thường gọi là cả Lễ) chỉ huy đang hành trình ra Cửa Hội thì hàng loạt máy bay ào ào tới. Các tàu Giải Phóng đã phối hợp với quân dân trên bờ anh dũng chiến đấu với máy bay Mỹ. Hai người hy sinh và 5 thủy thủ bị thương, trong đó có Đào Xuân Huyên lớp Biển 7 trên tàu GP-06 bị bom bi. Tàu GP-04 thoát được chạy về Hải Phòng.
Tàu về đến Hải Phòng, chúng tôi được biết : Từ ngày 18-12-1972 máy bay Mỹ các loại bắn phá hết sức ác liệt liên tục 12 ngày đêm liền và B-52 rải thảm Hà Nội, Hải Phòng.
Về sau chúng tôi biết tin thêm là tàu GP-17 bị bắn chìm tại Nghi Sơn Thanh Hóa, tàu GP-12 bị dân quân bờ biển Ninh Bình bắn nhầm, tàu GP-09 bị bắn chìm tại đảo Lưỡi Liềm vịnh Hạ Long.
Nghe mọi người kể lại : Tàu GP-28 đang đậu tại cầu cảng Hải Phòng bị máy bay Mỹ bắn 2 quả rocket. Một quả trúng khẩu 12,7 mm ở mũi tàu, anh Thiện, anh Chiến, anh Khương lớp Biển 6 hy sinh. Một quả khác trúng toác mũi tàu gây nổ đạn dự trữ trong kho mũi. Thuyền trưởng Tùng (sau gọi là Tùng ma) đang chỉ huy chiến đấu thì bị mảnh đạn cắt đôi thân thể. Cả tàu có 8 người hy sinh. Đau xót quá.
Trong cảng Hải Phòng và mấy con đường ra vào cổng cảng tan hoang, vắng hưu và phảng phất mùi tử thi. Vẫn còn đó mấy tàu lớn nước ngoài nằm bất động tại cầu cảng, trong đó có tàu quốc tịch Ba Lan bị toác một phần nhỏ cabin tàu. Thành phố Hải Phòng như một thành phố hoang. Đường phố vắng lặng, nhất là vùng Sở Dầu.
Toàn bộ các đội tàu được lệnh sơ tán khẩn cấp lên thượng nguồn các sông ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định và sang cả cảng Phòng Thành, Trung Quốc để che dấu, bảo toàn lực lượng.
Tàu GP-14 sơ tán về thượng nguồn sông Lục Nam thuộc tỉnh Hà Bắc. Khi chạy ngang qua cảng Hải Phòng, chúng tôi nhìn thấy tàu GP-28 vẫn còn nằm tại cầu tàu, bị toác gần hết phần mũi tàu và không thấy khẩu 12,7 mm đâu nữa. Tàu kéo còi chào vĩnh biệt những anh em đã hy sinh trên tàu GP-28.
Tàu GP-14 neo tại khúc sông có mấy cây cao xanh tốt trên bờ, nhưng anh em vẫn phải ngụy trang tàu cẩn thận. Xong xuôi, mọi người được nghỉ ngơi, vãn cảnh và còn hái rau rừng về cải thiện.
Tôi được về thăm nhà. Nhìn thấy tôi lù lù xuất hiện, thằng em tôi bảo bố ốm nằm liệt trên gác xép, rồi vừa bước vào nhà vừa gọi ầm lên “Bố ơi! Anh Mậu về. Anh Mậu về”. Bố tôi lao từ trên gác xép xuống vừa hỏi “Nó đâu ?. Nó đâu ?”. Cả nhà vui mừng đón tôi từ cõi chết trở về. Bố tôi sau đó kể lại rằng :
Thấy máy bay nó bắn phá bao nhiêu ngày trời Hà Nội, Hải Phòng bố lo cho tôi quá. Sau mấy ngày bắn phá ác liệt, bố liều mình đạp xe đạp xuống Hải Phòng, đến cổng cảng rồi vào trong cảng hỏi thăm khắp nơi xem có ai biết thằng Mậu con tôi đi tàu làm ở cảng. Mấy người bảo rằng máy bay nó bắn phá dữ dội quá, người chết khắp nơi, có người mất xác, ông cứ đi mà tìm xem. Không thể ở Hải Phòng lâu được nữa, bố tưởng là mày chết ở đâu đó rồi nên về nhà bố lập bàn thờ con đấy.
Chết thật. Bố tôi đâu có biết rằng tôi đi tàu chứ có phải là làm ở cảng đâu. Hàng trăm người của cảng còn không biết hết nhau nữa là ở cảng thì làm sao mà biết được ai với ai đi tàu. Mà tàu thì nhiều tàu, nhiều người lắm, làm sao mà biết hết cho được. Vì bố tôi đâu có biết, thế cho nên ‘tìm con như thể tìm chim’.
Chiều hôm ấy bố tôi mới ăn được lưng bát cơm, chứ những ngày trước ốm liệt vì nghĩ tôi chết rồi nên chỉ húp được tý cháo. Rồi cả nhà tôi cẩn thận gỡ bỏ bàn thờ tôi đi. Về sau tôi có hỏi thăm mọi người vì thấy đài phát thanh, báo chí đưa tin máy bay Mỹ bắn phá hủy diệt nhiều nơi trong đó có Chúc Sơn. Mọi người cười cho biết là chỉ thấy thùng dầu phụ của máy bay rơi xuống mà thôi, chứ có thấy bom đạn huỷ diệt gì đâu. Đài, báo kêu cho to mồm thì đấy là việc của đài, của báo.
Sáng hôm sau nữa tôi về quê thăm mẹ. Mẹ tôi mừng rơi nước mắt. Mẹ bảo rằng nghe tin con chết, ngày nào, đêm nào mẹ cũng khóc thương khóc nhớ. Nhất là về đêm, hàng xóm thấy mẹ khóc con, họ cũng khóc cho con họ đi bộ đội bao lâu rồi mà chẳng có tin tức gì. Gần như cả làng khóc con khóc cháu. Mẹ chưa dám lập bàn thờ tôi vì vẫn còn bấu víu vào hy vọng mong manh rằng con mình vẫn còn sống ở đâu đó. Bà con lối xóm đến chơi đông lắm, chật cứng nhà, ai cũng mừng cho tôi. Họ mừng cho tôi thoát chết và còn sống trở về, rồi họ lại xụt xịt khóc nhớ về những đứa con của họ.
Tôi thoáng buồn, nghĩ tới Phạm Thành Long, tới Vũ Văn Tư con ông Pho anh em họ, tới Nguyễn Văn Kiếm con ông Bổng xóm tôi – những người bạn thân thiết thuở bé của tôi giờ này đang ở chiến trường nào, sống chết ra sao. Chiến tranh mà ! Mất mát khổ đau không thể tránh khỏi, ai mà biết trước được.
Tôi đến thăm nhà ông Pho, bố mẹ của Tư. Cũng chưa có tin tức gì về Tư. Hồi còn bé ở quê chưa đi học, tôi với Tư chơi thân với nhau lắm.
Tôi đạp xe đến thăm nhà Long sơ tán ở xã Trường Yên. Cả nhà vui mừng và giữ tôi ở lại. Bỗng nhiên thấy một thanh niên đi vào hỏi : “anh Mậu về chơi à? Hay quá”. Trước đây, anh ta sinh hoạt Đoàn cùng với Long nên biết rõ về tôi. Chuyện trò thăm hỏi nhau hồi lâu rồi anh ta nói : “ Có một anh làm ở Xưởng sửa chữa ô tô Hà Nội sơ tán về đây. Anh ta là học trò của thầy Tạ Tấn, chơi ghi ta hay lắm” và gợi ý mời tôi tối nay đi chơi cùng mấy anh em đến để giao lưu nghệ thuật. Tôi không đồng ý mà nói thẳng, không nên múa rìu qua mắt thợ, nếu có đến thì cũng bình thường như mọi người mà thôi. Anh đồng ý luôn.
Tối hôm ấy, đám thanh niên đưa tôi đến gặp anh Hùng. Anh dễ tính, vui vẻ tiếp các trai làng đến chơi tại sân nhà dân mà anh ở nhờ. Anh chơi ghi ta rất bài bản, chắc chắn, có hồn, đúng phong thái của người nghệ sỹ thực thụ. Chơi hai bài xong anh cười tươi, tạm dừng uống nước. Cánh thanh niên làng bỏ qua lời giao hẹn trước đó cứ thúc dục tôi chơi đi. Biết ý, anh động viên “Anh em mình chơi vui thôi, có gì đâu mà ngần ngại” rồi anh ấn cây đàn ghi ta vào tay tôi. Máu lên, tôi quên hết và bắt đầu chơi bài Siboney.
Anh Hùng bảo tôi rằng “Được đấy! Lúc đầu em còn hơi dè dặt, tiếng đàn vô hồn, về sau em chơi bình tĩnh, đã khá hơn. Em chơi tiếp nữa đi”. Được anh động viên, tôi chơi thêm hai bài nữa rồi dừng tay cười bẽn lẽn. Tôi đã múa rìu qua mắt thợ tự lúc nào không hay. Anh Hùng hỏi tôi biết chơi lâu chưa và học ghi ta từ thầy nào vậy. Tôi thành thật khai báo và mong anh chỉ bảo thêm cho.
Anh cười rất tươi, vỗ vai tôi nói “Học thầy thì chơi có bài bản, chân phương hơn, nhưng dễ bị gò bó máy móc. Em thì chơi tự do, phóng khoáng, không bị ràng buộc cứng nhắc. Nhất là những chỗ biến tấu của em thì hơn hẳn anh rồi đấy. Mà tay em dẻo, cứ như múa trên mặt đàn vậy. Phải gọi em là ‘Nghệ sỹ lãng tử’ mới đúng”.
Chia tay nhau ra về, cánh thanh niên được bữa vui nghe đàn miễn phí, còn tôi cũng thấy vui lây.
Nhà Phước sơ tán sang Dế, Kiến An. Gặp tôi khi về nhà lấy thêm đồ, Phước đưa ngay tôi sang Dế chơi. Vợ chồng Phước cùng các em trải chiếu giữa đồng không mông quạnh ngồi nghe tôi chơi ghi ta dưới ánh trăng vàng. Tiếng đàn đã gọi các thôn nữ và mấy em nội thành sơ tán lảng vảng tiến đến gần. Phước, Hằng mau mồm mau miệng mời các em nhập cuộc vui. Tuy chiếc chiếu không có đủ chỗ ngồi nhưng cũng đủ để làm quen các nàng tiên nữ dưới ánh trăng thanh.
Ngày 16/4/1972, hạm đội Mỹ tiến hành một chiến dịch quy mô lớn nhằm phong tỏa toàn bộ tuyến vận tải miền Bắc và cảng Hải Phòng bằng bom mìn, thủy lôi thể hệ mới có sức công phá mạnh hơn các đợt thả thủy lôi lần trước vào đầu năm 1967 nhiều nên mức thương vong khó lường. Nào là bom từ trường, nào là thủy lôi âm thanh, thủy lôi chạm nổ, thủy lôi áp xuất… dày đặc.
Ngày 16-6-1972, tàu GP-16 do Thuyền trưởng Nguyễn Ngọc Tuyền (mọi người vẫn thường đùa vui gọi anh là Tuyền gù vì anh hơi bị gù lưng) dẫn đầu cùng với hai tàu Tự lực phụ trợ theo sau, vượt thủy lôi đầy nguy hiểm mở luồng đầu tiên tuyến Hải Phòng – Bắc Hải, Trung Quốc đưa hàng trở về thành công. Sau này, tàu GP-16 được tặng thưởng Huy chương chiến công hạng 3.
Chúng tôi nhận được lệnh đưa tàu về Hải Phòng tham gia chiến dịch Đông Bắc. Tại Hải Phòng, mỗi tàu được trang bị mấy cái mũ trông giống như mũ của lính xe tăng để giảm chấn thương phòng khi thủy lôi phát nổ. Số mũ không đủ theo số định biên trên tàu nhưng trên thực tế, chúng tôi chủ quan rất ít khi sử dụng đến.
Hải trình của các tàu sẽ là : Xuất phát rời Hải Phòng vào buổi chiều qua kênh đào Đình Vũ vào Sông Chanh Quảng Yên để kịp khi trời tối, ngang qua chỗ tàu Khải Định bị chìm khi xưa vào vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, chạy bên trong đảo Vĩnh Thực chỉ trong một đêm để đảm bảo bí mật sang Trung Quốc. Hành trình tàu về thì ngược lại.
Nơi luồng rộng cho tàu lớn ra vào bị thả thủy lôi, cả nơi tàu Khải Định bị chìm, tàu buộc phải chạy qua nhanh, luồng không đèn không chập tiêu, còn lại hầu hết trên đường đi bị kẹp giữa hai dãy núi có nhiều khúc cua, ban đêm cứ tưởng như mũi tàu húc vào vách núi. Tàu phải hết sức cảnh giới, chỉ sơ sẩy một chút là tai nạn đáng tiếc xảy ra ngay lập tức.
Tàu GP-14 chuyến đầu tiên đang hành trình trong luồng vịnh Hạ Long để sang Trung Quốc thì bầu trời đêm chợt lóe lên hai quả pháo sáng sáng rực cả góc trời. Tôi đang giữ vô lăng vội vàng hô thật to để trấn an mọi người “Tất cả bình tĩnh nghe theo lệnh Thuyền trưởng”. Tất cả chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó mọi tình huống. May mắn làm sao máy bay Mỹ không phát hiện ra chúng tôi nên tàu vẫn tiếp tục hành trình.
Tàu GP-14 cập cầu cảng Bắc Hải (Bakhoi) nhận hàng, gần sát với phố xá như cảng Hải Phòng. Ở đây phố xá, dân cư sầm uất, náo nhiệt ngày đêm. Tôi nhìn thấy một ca nô kéo theo một dải các phao nhỏ nối đuôi liền nhau trên luồng cảng, trên mỗi phao cắm một lá cờ trắng có viết chữ, riêng phao đầu tiên có ảnh Chủ tịch Mao Trạch Đông, các phao sau ghép chữ trên cờ thành khẩu hiệu. Một khẩu hiệu tiếng Trung và một khẩu hiệu tiếng Việt ‘Cách mạng văn hóa vô sản muôn năm !’.
Ngoài chợ thì thực phẩm, thịt thà các loại bày bán ê hề rất nhiều. Không biết tiếng nên việc trao đổi hay mua bán toàn phải bằng động tác ra hiệu với dân địa phương. Châu lém kể chuyện đi chợ tếu thế này : nhìn thấy em bán thịt xinh xinh, Châu ta dùng bàn tay nắm lại mở ra mấy lần, còn tay kia chỉ về phía ngực cô gái, ra hiệu rằng muốn mua tim lợn mà miệng thì tủm tỉm cười. Thuốc lá Trung Quốc các loại bày bán được mua tự do thoải mái, riêng loại ‘Trung Hoa Bài’ và ‘Đại Tiền Môn’ là ngon nhất thì ở đây không thấy có bán.
Thấy có len Trung Quốc bán trong cửa hàng, mừng quá tôi mua luôn 500 gram để dự định sẽ nhờ người đan cho mình một chiếc áo len. Có người dân ấn tiền vào tay tôi ra hiệu vào cửa hàng mua giúp họ. Thì ra một số mặt hàng ở đây chỉ bán cho người nước ngoài mà thôi. Tàu GP-14 nhận hàng rồi chạy theo tuyến đường cũ về Hải Phòng an toàn trả hàng.
Tàu chúng tôi còn tiếp tục tới cảng Bắc Hải mấy chuyến liền đưa hàng về nước. Các chuyến về sau thì liên tục vào cảng Phòng Thành gần với biên giới Việt – Trung hơn.
Như vậy, tất cả các đội tàu của ta đã vượt qua thủy lôi, phá vỡ thế phong tỏa của Mỹ và khai thông tuyến luồng Đông Bắc, chở hàng về phục vụ chiến trường.
Cảng Phòng Thành là một cảng địa phương của Trung Quốc nhưng có vùng mặt nước của cảng khá rộng có thể neo đậu được rất nhiều tàu các loại. Cầu cảng dài, sân bãi rộng đổ bê tông không khác gì cảng lớn. Ngay trong cảng còn có cửa hàng to bán hàng phục vụ tàu. Đường ra ngoài cảng bằng bê tông cũng rất rộng rãi, nối với đường đi sâu vào nội địa toàn bằng bê tông. Xem ra cơ sở hạ tầng của cảng và hạ tầng giao thông ngoài cảng rất hiện đại. Tôi nghĩ không biết đến bao giờ Việt Nam mình mới có được sơ sở hạ tầng cảng như Phòng Thành chứ chưa dám mơ đến cái gì to tát hơn.
Nhưng khi đi chơi xa hơn khu vực ngoài cảng để tìm hiểu thêm thấy có nhiều ngọn đồi, ruộng chân đồi và nhất là bà con nông thôn vẫn còn đang trong tình trạng đói nghèo, lạc hậu. Cảng chỉ là bộ mặt to đẹp phơi bày ra bên ngoài mà thôi.
Mặt hàng bán trong cảng rất phong phú, các loại thuốc lá, đồ uống và chủ yếu là các loại sản phẩm sâm, sản phẩm các loại thuốc bổ thảo dược. Anh em thuyền viên chỉ mua được một ít mang về biếu người thân ở Việt Nam là người thân sẽ mắt sáng long lanh khi được nhìn thấy tiên dược biếu mình. Bàng còn nhờ tôi mua hộ cho Bàng một ít, chắc là Bàng có nhiều tiền và mua thuốc về để biếu người thân hay buôn bán gì đây. Ở Hải Phòng có mấy chỗ người ta đổi tiền Việt lấy tiền nhân dân tệ mà. Về sau mới biết có một số thuỷ thủ còn tranh thủ buôn bán vào dịp này.
Tàu chạy được nhiều chuyến liên tục Hải Phòng – Phòng Thành thành công tốt đẹp. Một buổi chiều có Nguyễn Dản Trượng cùng lớp Biển 7 tới thăm và hỏi tôi kinh nghiệm phòng chống thuỷ lôi vì ngày mai tàu của Trượng sẽ sang Phòng Thành. Tôi bày cách cho bạn biết và bảo rằng “thuỷ lôi nổ tàu chưa chắc đã chìm. Tàu chìm chưa chắc mình sẽ chết” rồi cười tươi tiễn bạn về tàu.
Tàu tôi sang đến cảng Phòng Thành, cập cầu xong thì nghe tin mấy chiếc Tự lực của ta bị trúng thủy lôi khi đang trên đường hành trình sang cảng Shixa, Trung Quốc. Một số anh em bị thương đã được chuyển lên Bệnh xá cảng Shixa điều trị. Tôi lo cho Nguyễn Dản Trượng quá vì chiều hôm trước Trượng có sang tàu tôi hỏi tôi về kinh nghiệm phòng tránh thủy lôi. Thế mà không biết Trượng có sao không đây.
Khi tàu GP-14 đưa hàng về đến cảng Hải Phòng thì nhận được tin Trượng bị thương thật, may mà không bị nặng. Mừng quá, tôi thầm chúc cho bạn điều trị mau khỏi để còn tiếp tục sự nghiệp chứ.
Tôi vẫn thường qua lại nhà ông Chung chơi. Ông là ân nhân của hai anh chúng tôi. Nghe bố mẹ tôi kể lại rằng hồi tôi 3 tuổi, dắt đứa em gái tên là Kỷ mới lẫm chẩm biết đi, ra bờ ao của nhà ông Sượng ngay trước mặt nhà tôi. Ông Chung bắt ếch bờ ao nhìn thấy tôi cầm cái dọc sống lá chuối khều khều xuống nước ao, ông hỏi “Chết, sao lại ra bờ ao chơi thế ? Em đâu rồi ?”. Tôi chỉ xuống ao. Thấy nước ao đục có sủi tăm li ti, ông vội lao xuống ao vớt em tôi lên rồi kêu làng nước. Ngó quanh không thấy tôi đâu. ông nhìn ra ao thấy nước đục mới và có sủi tăm, ông lại lao ra vớt tôi lên. Thì ra, thấy ông lội ra vớt em tôi, tôi cũng bắt chước lội ra theo.
Lưu lạc kiếm ăn, vợ chồng ông Chung tới Hải Phòng rồi định cư sinh sống tại số 6 ngõ Tây A. Gọi là ngõ nhưng là ngõ to rộng rãi tới mức hai ô tô đi ngược chiều tránh nhau dễ dàng. Ông Chung làm nghề sơn ô tô và thường đưa đứa con tên là Hiếu 15 tuổi theo giúp việc. Tôi mang 500 gram len mua được nhờ bà Chung đan cho tôi chiếc áo.
Bà Chung còn hay đưa tôi đến chơi nhà bà bạn bán nước và trầu cau vặt ở mặt phố Lê Lợi, đồng thời tìm hiểu thêm về cô gái nhà gần đó để giới thiệu cho tôi. Thấy có đàn ghi ta, tôi lấy ra chơi cho đỡ buồn.
Chuyến sau khi về Hải Phòng, bà bạn của bà Chung bảo tôi rằng : “Thằng con tao nó chửi mày đấy”. Tôi ngạc nhiên rồi hỏi bà “Dạ. Cháu có làm gì đâu mà em nó chửi cháu ạ ?”. Bà rằng “Nó chửi thế này ‘Mẹ cái thằng nhà quê mà lại biết chơi ghi ta hay thế’. Mặc kệ nó, mày chấp làm gì, nó đang còn ít tuổi có biết gì đâu. Mất bao nhiêu tiền cho nó học đàn mà chẳng nên cơm cháo gì ?”. Bà cũng khuyên bà Chung là tìm hiểu kỹ nhà con bé ấy thấy sạt nghiệp vì ông bố nghiện chỉ còn cái xác nhà. Hãy đi tìm nơi khác thôi.
Nhẫn xuống tàu tôi chơi khi tàu đang cập cảng Hải Phòng. Anh em bảo tôi mời Nhẫn cùng ăn cơm. Bữa đó cơm thì ít mà chủ yếu là miến sào thịt. Nhẫn cứ tấm tắc khen mãi món miến sào hôm ấy sao mà ngon thế.
Chuyến sau, tàu GP-14 đang trên đường hành trình từ cảng Phòng Thành về thì nhận được tin Mỹ lại mới thả thêm rất nhiều thủy lôi. Lệnh trên ban xuống yêu cầu các tàu khẩn cấp trú ẩn chờ lệnh. Tàu chúng tôi ghé vào gần sát vách núi của một hòn đảo gần luồng tàu chạy, anh em chặt mấy cành cây ngụy trang tàu cẩn thận. Ngửi thấy có mùi thuốc lá thơm phức đâu đây, hóa ra ông Sơn già máy trưởng đang ngồi ở mũi tàu phì phèo điếu thuốc.
Sáng sớm hôm sau, cơm nước xong mọi người chèo mủng từng chuyến một sang hòn đảo khác để bảo toàn tính mạng có mang theo súng ống và lương khô ăn trưa, đến tối lại chèo mủng về tàu. Cứ như vậy tiếp diễn suốt mấy ngày liền nên chúng tôi thường nói đùa với nhau : “Mỗi thằng hãy chiếm lấy một hòn đảo mà làm chúa đảo, rồi lấy một con khỉ cái ở đây là thượng sách đấy”.
Đúng một tuần sau, nhận được lệnh tiếp tục đưa tàu về Hải Phòng mà thấy nhẹ cả người. Mừng lắm vì thoát làm chúa đảo bất đắc dĩ rồi.
Kết thúc chiến dịch Đông Bắc, ngay lập tức các đội tàu chúng tôi tiếp tục chở hàng vào khu IV được nhiều chuyến mà không nghỉ ngày nào.
Dỡ hàng tại cảng Gianh xong, tàu GP-14 rời cảng hành trình ra Hải Phòng cho chuyến tiếp. Thảo vô tuyến điện thông báo cho toàn tàu biết Hiệp nghị Paris đã ký kết lập lại hòa bình trên toàn miền Bắc. Anh em hò reo vui mừng. Được lệnh, Bến rỗ và tôi lao tới khẩu 12,7 mm ở mũi tàu lắp đạn. Tôi chếch mũi súng lên trời và bắn một tràng điếc đặc hai tai để chào mừng hòa bình đã được lập lại trên toàn miền Bắc.
Được nghỉ về nhà chơi thấy nhà ông Quản Phú bán hàng nước gần nhà tôi ở Chúc Sơn có tiếng đàn ghi ta tôi ghé vào chơi. Anh Thịnh con ông Quản Phú hơn tôi một tuổi, tính man mát, chập cheng. Anh có một chiếc ghi ta vì anh rất thích mà lại chẳng biết chơi gì cả. Đúng là trái khoáy dở hơi. Người biết chơi tàm tạm như tôi lại chẳng có đàn chơi mà người thích đàn nhưng không biết chơi thì lại có đàn. Không biết anh chàng Thịnh này hâm hấp ngẩn ngơ hay tôi ngẩn ngơ hâm hấp đây.
Qua chơi nhà vợ chồng ông Dương người cùng làng Phú Khang đang sinh sống ở Chúc Sơn, tôi gặp em Phiến cùng làm ở Cửa hàng ăn uống Chúc Sơn với vợ ông Dương. Phiến là cô gái thuộc loại hoa khôi đất Chúc Sơn có chiếc xe đạp phượng hoàng Trung Quốc, tính hơi ngang và mê tiếng đàn ghi ta của tôi lắm. Tôi cũng được Phiến mời tới thăm nhà Phiến ở thôn Phương Hài, xã Trường Yên nằm ngay bên quốc lộ 6. Bố tôi đau dạ dày nghe có người mách bảo mỗi ngày nên uống hai cốc bia hơi sẽ khỏi. Ở cửa hàng ăn uống Chúc Sơn có bán bia hơi rất hạn chế, thế mà Phiến vẫn tìm cách giúp bố tôi được.
Tôi với Phiến đến thăm nhà Chác ở Canh Nậu, Thạch Thất rồi Chác dẫn hai chúng tôi đi chơi hội Chùa Thầy đến gần tối lại về nhà Chác. Chác lấy lý do nhà chật, có mẹ già, Thu vợ Chác thì mới sinh con được 3 tháng hay quấy khóc nên thu xếp cho Phiến và tôi sang ngủ nhờ nhà anh Bổng gần đấy. Anh Bổng cùng vợ mới cưới hiện không có ở nhà nên gia đình thu xếp cho hai chúng tôi ngủ trong buồng của hai vợ chồng anh Bổng vì gia đình rất tin Chác và cho rằng trai gái yêu nhau rồi thì cũng như là vợ chồng thôi.
Tôi giữ ý tứ và nghiêm chỉnh lắm. Tôi dẫn Phiến vào buồng, chúc Phiến ngủ ngon rồi lăn ra ngủ trên chiếc phản kê bên ngoài. Sáng sớm hôm sau, Phiến giật cái chăn Nam Định ra khỏi người tôi đang vẫn còn ngủ chèo khueo trên phản như thằng ốm đói. Chúng tôi cảm ơn gia đình Chác và tạm biệt ra về.
Ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris ký kết lập lại hòa bình trên miền Bắc, Mỹ có trách nhiệm tháo gỡ bom mìn, thủy lôi. Chờ đợi Mỹ thực thi thì rất lâu mà ta thì cần gấp nên ta phải tự cứu lấy mình trước. Cục đường biển tổ chức đội tàu 13 chiếc, nhờ lực lượng công binh Hải quân hướng dẫn rồi tự mày mò, nghiên cứu cách rà phá thủy lôi.
Tháng chiến dịch rà phá thủy lôi tạm ổn, luồng Nam Triệu Hải Phòng tạm thông thương. Đầu tiên tàu Hải quân dẫn đường đưa tàu 20 tháng 7 ra khỏi cảng Hải Phòng an toàn, mở đầu cho việc giải thoát các tàu bị kẹt tại cảng trong thời gian Mỹ phong tỏa thủy lôi (trong đó có tàu ‘Kim Seng’ quốc tịch Panama) rời cảng và tiếp nhận các tàu khác đưa hàng vào cảng.
Tàu 20 tháng 7 được ta đóng năm 1964 tại Xưởng đóng tàu Bạch Đằng. Có một giai thoại nực cười rỉ tai nhau rằng khi hạ thủy tàu thấy bị hơi bị nghiêng về một bên, thế là người ta đổ thêm xi măng bên không bị nghiêng cho tàu cân bằng trở lại, chẳng qua là khôi hài ngành đóng tàu Việt Nam.
Sau này trìm hiểu được biết suốt gần 5 tháng trời trong năm 1973, phía Mỹ chỉ phá được 3 quả thủy lôi bên ngoài luồng Nam Triệu. Thực chất toàn bộ công việc rà phá thuỷ lôi là do ta thực hiện. Trong đó tàu Tankit T-154 trong đội tàu rà phá thủy lôi luồng Nam Triệu được phong tặng danh hiệu là tàu anh hùng.