Trở lại Sài Gòn khi hòa bình và thống nhất đất nước.     KS. Doãn Mạnh Dũng

Trở lại Sài Gòn khi hòa bình và thống nhất đất nước.     KS. Doãn Mạnh Dũng

Mùa hè năm 1957, má tôi lên Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa xin làm hộ chiếu và giấy phép đi Pnom Pênh nghĩ hè. Tại văn phòng Bộ Ngoại giao, tình cờ má tôi gặp Trung úy Vân, người miền Bắc di cư vào Nam 1954 và ở căn nhà bên trái nhà tôi ở đường Nguyễn Thiện Thuật, Bàn cờ. Còn căn nhà bên phải nhà tôi là nhà chị vợ của Trung úy Vân, chúng tôi chỉ quen gọi “ Bà bên canh”. Trung úy Vân biết rất rõ ba tôi là Việt Minh và đã ra Hà Nội. “ Bà bên cạnh” và gia đình Trung úy Vân khi có cúng giổ đều có phần gửi cho anh chị em nhà tôi. Nhờ sự im lặng của Trung úy Vân, cả nhà tôi thực hiện được chuyến đi Pnom Pênh  thành công.

Đến Kampuchia, gia đình tôi  ở nhà ông bà Tư người Quảng Nam, cây số 6, bên cạnh là một chùa lớn và nhà máy rượu.Ông Tư là nhà điêu khắc tượng Phật tài giỏi. Ông muốn tôi ở lại Pnom Pênh để ông truyền nghề, nhưng tôi muốn ra gặp cha và đi học Trong khi chờ đợi thủ tục ra Hà Nội, năm ạnh chị em chúng tôi phân tán để tránh sự để ý của chính quyền nước bạn. Tôi vào chùa ở cùng huynh Út. Sáng dậy sớm, gióng  chuông chùa, đọc chuyện xưa các vị Bà La Môn. Mùa cá, tôi theo anh là Doãn Mạnh Hùng đi cắt đầu cá bên bờ sông Mê Kông. Chủ vựa cá, đổ nhiều đống cá bên bờ sông. Người nhận cắt đầu cá được trả công bằng gạo. Thích ăn con nào thì lấy cho vào nồi  mang theo. Cá sau khi cắt đầu, cho vô cần xé – thúng đan bằng tre. Cây tre xỏ qua 2 quay nắm và gác lên 2 tấm ván cầu. Người bước vô cần xé đạp mạnh, nước sông chảy qua làm sạch ruột cá , sau đó ướp muối để làm mắm bồ hóc.

Ông Hai, người Quảng Nam hay đến nhà chơi, có hiệu uốn tóc nhỏ. Ông bảo tôi đến ở giúp ông.

Nghe lời, tôi đến. Ông Hai vừa là thợ vừa là chủ. Ngày đầu ông mua cho tôi cái ghế xếp, có thể ngủ hay ngồi và cái mùng mới. Ông đưa tôi bộ Tây du ký, sau đó bộ Thủy Hử và cuối cùng là bộ Tam quốc. Năm đó tôi mới 11 tuổi, chưa biết nấu ăn, mọi việc ông Hai lo. Khi tôi đọc xong bộ Tam quốc, tôi xin ông cho phép theo bọn bạn cùng lứa tuổi đi bán bánh mì.

Sáng dậy, tôi từ ngoại ô Pnom Pênh ở cây số 6, mang theo một cái bao bố, đi xe đò vào trung tâm, mua 1 bao bánh mì. Tôi học rao tiếng Kampuchia :

  • Nôm pang, cơ đao sụi nôm pang !

Đi bộ từ trung tâm về đến cây số 6 thì bán hết bao bánh mì.

Chán bán bánh mì, biết được vị trí các trường học,  bọn bạn rũ tôi đi bán bong bóng bay.

Đến hãng bong bóng,  mua vài chục bong bóng bay, buộc ở đầu cây tre. Ghé qua các trường học là bán hết. Bán bong bóng thì nhẹ, không vác nặng như đi bán bánh mì.

Khi má tôi báo vé may bay đã có, tôi đến chào chia tay với ông chủ. Ông chủ hảng thật bất ngờ vui khi biết tôi ra Hà Nội. Ông tặng tôi hai bịch bong bóng. Ra Hà Nội đúng dịp đón Tết năm 1958, tôi thổi bằng miệng và đem ra bán ở Bờ Hồ ngay góc đường Đinh Tiên Hoàng. Bong bóng hiếm có ở Hà Nội lại in hình đẹp nên bán như tôm tươi.

Tấm lòng Trung úy Vân, Bà bên cạnh, ông bà Tư, ông Hai, ông chủ hảng bong bóng và các bạn bè của tôi thời niên thiếu tại Kampuchia đã hành trình theo tôi từ tuổi thơ đến tuổi trưởng thành. Đó là dân tộc tôi, đó là cái nôi mà tôi trưởng thành từ thằng bé bụi đời. Khi đất nước Việt Nam kỹ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam thì tôi đã ở tuổi 80, tôi thật sự vui nghe Tổng bí thư Tô Lâm nói :

  • Nước Việt Nam là một , dân tộc Việt Nam là một.

Những câu chuyện nhỏ mà tôi trãi nghiệm cách đây 70 năm đã nói lên sự thật đó.

Tháng 5/1975, tôi và anh bạn học sinh miền Nam – Hồ Bá Thọ – cùng học lớp 10H trường Phổ thông III, Hà Nội B trở về miền Nam. Chúng tôi theo tàu biển đi từ Hải Phòng đến Đà Nẵng. Sáng sớm tàu cập bờ. Tôi lặng người, ngồi bên lề đường nhắm mắt nghe những âm thanh quê hương. Tôi thật sự không tin mình còn sống đến ngày thống nhất đất nước. Khi nhỏ học trường Tiểu học Bàn Cờ, tôi nhớ mãi chuyện Trịnh -Nguyễn phân tranh. Đặc biệt, tôi thuộc lòng bài thơ Hận sông Gianh của Đằng Phương.

Tại Đà Nẵng, tôi thật may mắn lần đầu gặp ông bà Nội tại Đại Lộc, các chú, cô, và bà con trong dòng họ. Bà con gọi tôi là con anh Đội, vì ba tôi là con trai đầu lòng, lại là sĩ quan của Pháp.Sách lịch sử quân sự  tỉnh Đồng Nai đã ghi rõ Đội Doãn Tiến Nghiệp là người chỉ huy đội quân du kích đầu tiên của chiến khu Đ với 60 người và 30 khẩu súng, đóng tại huyện Vĩnh Cữu.

Trở về Sài Gòn, anh Năm Sản- con rể cậu Tư- gọi tôi đến và cho tôi 3 căn nhà cùng giấy tờ. Tôi từ chối :

  • Em có lương tháng, các anh chị sẽ ngày càng khó khăn.

Tôi được điều động về công tác tại Công ty Đại lý tàu Biển Sài Gòn. Khi đó tôi đã là kỹ sư Khai thác kỹ thuật Vận tải Biển khóa 1966-1971, đã trãi qua công tác nhiều năm và cũng đã học xong tiếng Anh phục vụ chuyên môn.

Hôm nay, Thành phố Hồ Chí Minh đang tổ chức kỹ niệm 50 năm ngày giải phóng Sài Gòn và thống nhất đất nước. Nhớ  tàu Cữu  Long dầu 1500 tấn đã tham gia chiến dịch vận tải cung ứng xăng dầu cho chiến trường miền Nam ở cung đoạn Bạch Đằng-Hải Phòng đi  Hòn Ngư , Vinh. Tôi tự hào những chiếc xe tăng tiến vào dinh Độc lập đã dùng dầu được chuyên chở bởi tàu của chúng tôi, khi đó tôi là thủy thú trực tiếp lái tàu. Cứ 2 ngày một chuyến vòng tròn, mỗi tháng chúng tôi cung cấp cho miền Nam 22.500 tấn qua hệ thống ống có đường kính 10 cm dài 6m từ Nghệ An đến Bình Phước. Thời tiết càng khắc nghiệt, chuyến đi càng an toàn. Có lúc, sĩ quan Đoàn Đình Long giao tôi ôm cột mũi quan sát biệt kích của Việt Nam Cộng hòa khi sóng to gió lớn. Có lẽ trên đời không có công việc nào gian khổ hơn thế !

Hiểu rất rõ thể chế của Việt Nam, khi nhận công tác tại Sài Gòn, tôi bắt đầu học thêm nghề lắp ráp radio vào buổi tối. Người Sài Gòn, thường chọn cuộc sống lương thiện bằng lao động của chính mình, không ảo tưởng, không chờ đợi sự may mắn.

Má tôi thường dạy nghĩa vụ làm trai và trách nhiệm với đất nước.

Má tôi hay hát ru chúng tôi :

Cây cao gió cả càng cao,

Càng cao danh vọng, càng dầy gian nan.

Giá trị của con người không phải là sự chiếm đoạt được danh vọng, quyền lực, tình dục, vật chất  mà đã giúp gì cho đất nước vượt qua hoạn nạn, giúp con người có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Muốn cống hiến nhiều, gian nan sẽ rất nhiều.

Kỹ niệm 50 năm ngày hòa bình thống nhất với khát vọng một kỹ nguyên mới cho đất nước, xin đôi dòng kể chuyện Sài Gòn xưa, để chúng ta tự hào rằng trong văn hóa xưa, “Việt Nam đã là một, dân tộc này là một ” như trong câu ca dao :

Nhiễu điều phủ lấy giá gương,

Người trong một nước phải thương nhau cùng.

Trong hoạn nạn, trong cuộc đời thực  tôi thấm hiểu tấm lòng của người Việt Nam.

Vì vậy tôi tin rằng mục tiêu của chúng ta rất đơn giản, đó  là : Con người biết yêu con người hơn ngày hôm qua và ngày mai cuộc sống sẽ tốt hơn ngày hôm nay. /.