Vụ án Dương Chí Dũng : nên giảm án cho những người phải làm theo lệnh.
Cán bộ an ninh quản trị ngành hàng hải Việt Nam
Trước năm 1975, ông Đào Luyện ( đã mất) là đại tá công an sang đặc phái phụ trách Tổng Giám đốc Đại lý tàu Biển Việt Nam. Sau năm 1975, các lảnh đạo chủ yếu của ngành hàng hải Việt Nam như Công ty vận tải biển Vịêt Nam ( VOSCO) được thay bằng các vị trong ngành an ninh. Đó là các ông Phan Tuấn- Giám đốc VOSCO, ông Phan Thập Ân ( đã mất ) – Phó Giám đốc VOSCO. Các ông Đào Luyện, Phan Tuấn,Phan Thập Ân tuy là những cán bộ công an nhưng biết lắng nghe các cán bộ chuyên môn và họ đã có những đóng góp quý báu cho ngành. Những người trong ngành vẩn nhắc và quý trọng các ông.Khi ông Dương Chí Dũng -người nhà cán bộ lảnh đạo ngành công an- được điều về làm Tổng Giám đốc Vinalines , sau đó là Chủ tịch HĐQT và Bí thư Đảng ủy Vinalines, cán bộ trong ngành coi ông là người đại diện Đảng và Nhà nước chăm lo việc an ninh và kinh tế cho tòan nghành. Việc chấp hành tuyệt đối chủ trương và quyết định của họ là điều không bàn cải trong ngành.
Trải nghiệm của chính tôi
Tháng 7năm 1980, tôi là Phó Trưởng Phòng Nghiệp vụ của Cty. Đại lý tàu Biển Sài Gòn (VOSASG) . Nhiệm vụ của tôi là kiểm tra các hồ sơ hàng tư nhân từ nước ngoài gửi về cho người dân trong nước khu vực miền Nam Việt Nam. Nơi tiếp dân để làm thủ tục là văn phòng tại cổng bên phải , kho 5 đường Nguyễn Tất Thành.Mổi ngày phải tiếp 200-250 khách. Giữa tháng 7/1980, một chị từ miền Trung đến gặp tôi, trình “Giấy báo đến nhận hàng”, nhưng không có xác nhận của địa phương. Tôi hỏi lý do vì sao , chị trả lời :
Tôi đem “Giấy báo đến nhận hàng” trình địa phương nhưng cán bộ địa phương nói rằng : “Đó là hàng của quân cướp nước và quân bán nước nên không không xác nhận “
Tôi hỏi chị còn giấy tờ gì không ?
Chị đưa tôi “Giấy biên nhận đã làm chứng minh thư” , thư của gia đình từ Mỹ gửi về và “Sổ hộ khẩu”.
Đọc thư và nhìn “Sổ hộ khẩu” với năm, sáu vết gạch ngang nhằm xóa danh sách người đã đăng ký, tôi cảm thấy lạnh người. Vì thùng hàng này là cả sự hy sinh quá lớn của những người thân trong hộ khẩu của chị. Tôi quyết định ký chấp nhận giao hàng và chị được nhận thùng hàng.
Sau khi nhận được thùng hàng, chị gọi tôi đến, vừa khóc vừa nói :
Anh Dũng ơi, tôi không tin mình từ miền Trung vào có thể nhận được hàng. Anh xem thích gì trong thùng hàng thì cứ lấy.
Nghe xong, tôi khuyên chị yên tâm lấy hàng về bán để nuôi các cháu. Còn tôi có lương đủ sống rồi !
Thời đó, một thùng hàng có giá khoãng 1500-2000 đồng đủ mua một căn nhà nhỏ trong ngõ ở Quận 4. Sau này nghĩ lại, tôi cảm thấy mình thật hạnh phúc và ánh mắt của chị luôn khuyến khích tôi phải sống tốt hơn. Nhưng có lẻ cách giải quyết của tôi trong trường hợp trên đã được quan sát và lợi dụng.
Khoãng một tuần sau.
Hôm đó, là ngày thứ năm, 24/7/1980, trong khi tiếp khách, tôi phát hiện 18 hồ sơ đầy nghi vấn, cùng đóng dấu xác nhận của vài UBND phường ở các quận khu vực Chợ lớn. Tôi tin rằng đó là hồ sơ giả. “Giấy báo đến nhận hàng ” là thật, nhưng các giấy xác nhận đang làm chứng minh thư, dấu xác nhận của phường và hộ khẩu đều là giả.
Sáng thứ sáu, ngày 25/7/1980 tôi chính thức thông báo với phòng Tổ chức cán bộ của VOSASG hiện tượng ăn cắp “Giấy báo đến nhận hàng” trong cơ quan sau đó làm hồ sơ giả để nhận hàng.
Sáng ngày thứ bảy, 26/7/1980, Trưởng phòng Nghiệp vụ -ông Q già – cán bộ tập kết- thông báo với tòan phòng Nghiệp vụ chấp dứt hiệu lực các chữ ký của tôi.
Sáng ngày thứ hai, 28/7/1980 bị dồn vào đường cùng, tôi quyết định xin rời VOSASG. Ông KL- lảnh đạo Tổng Công ty phía Nam, yêu cầu tôi phải trả lại phòng đang ở của cơ quan tại 7 Nguyễn Huệ, Quận 1, trước khi nhận quyết định rời VOSASG. Tôi chấp nhận đưa vợ và hai con nhỏ : đứa lớn 3 tuổi, đứa nhỏ mới tập đi về tá túc ở nhà cha mẹ và chuyển sang Công ty khác để làm việc.
Ngày thứ ba 29/7/1980, anh Q trẻ – người chuyên phát hành “Giấy báo đến nhận hàng” gửi thư đến VOSASG xin tự thú và sau đó đã trốn mất.
Trong các doanh nghiệp Nhà nước, chống lại cái sai của lảnh đạo Công ty là buộc phải mất nhà ở tại cơ quan, mất việc làm, đưa vợ con ra đường.Đó là trải nghiệm mà tôi đã từng chịu đựng.
Từ tập quán quản trị ngành hàng hải Việt Nam xưa nay và từ trải nghiệm bản thân, tôi thật sự băn khoăn về số phận của những người không ăn chia với lảnh đạo Vinalines , họ phải làm theo lệnh cấp trên mà lại chịu cảnh tù đày và lại còn phải đền bù nhiều tỷ đồng cho sự sai lầm của cấp trên!
Cán bộ Chi nhánh Hải quan Vân Phong
Ngành hàng hải Việt Nam đã tạo ra những chương trình dịch vụ chuyển tải dầu tại vịnh Vân Phong , giúp tỉnh Khánh Hòa gia nhập Câu lạc bộ 1.000 tỷ. Từ tiền thuế chuyển tải dầu, tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng tuyến đường Cam Ranh- Nha Trang. Nhờ vậy TP Nha Trang từ thành phố loại II lên thành phố loại I. Theo đó là lương cán bộ nhân viên thành phố Nha Trang tăng lên. Hơn nữa thời gian này, Vinalines đang làm chủ đầu tư cảng Trung chuyển Quốc tế Vân Phong. Với những uy tín trên của ngành hàng hải, cán bộ hải quan Khánh Hòa , đặc biệt cán bộ Chi nhánh Hải quan Vân Phong hòan tòan tin tưởng vào Vinalines và tạo thuận lợi cho Vinalines thực hiện các công việc kinh doanh tại địa phương. Vì vậy, nếu không chứng minh được cán bộ Chi nhánh Hải quan Vân Phong ăn hối lộ thì chỉ nên kỷ luật với mức không để họ tiếp tục hành nghề hải quan.
Vì vậy với những dòng này , tôi hy vọng trong phiên xử Phúc thẩm, mọi việc sẽ được xem xét công bằng. Hơn nữa Tòa án Phúc thẩm nên kiến nghị Nhà nước cần kiểm tra lại hiệu quả các Dự án mà các ông Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc – với cương vị lảnh đạo cao nhất của ngành hàng hải Việt Nam – đã đề xuất, để kịp thời ngăn chặn các tổn thất tương tự cho cộng đồng.
KS Doãn Mạnh Dũng