VỀ QUỸ ĐẤT, PHONG THUỶ VÀ VIỄN CẢNH SƠ BỘ CHO THÀNH PHỐ CẢNG VÂN PHONG PGS. TS. Hoàng Xuân Nhuận KS. Doãn Mạnh Dũng , TS. Nguyễn Đức Toàn

VỀ QUỸ ĐẤT, PHONG THUỶ VÀ VIỄN CẢNH SƠ BỘ CHO THÀNH PHỐ CẢNG VÂN PHONG  PGS. TS. Hoàng Xuân Nhuận KS. Doãn Mạnh Dũng , TS. Nguyễn Đức Toàn

Như vậy, tư duy quy hoạch hiện nay chỉ bao quát được một phần rất nhỏ tiềm năng đích thực của vịnh Vân Phong và vì vậy chưa đáp ứng được kỳ vọng vô cùng to lớn của các chuyên gia, các nhà quản lý và Chính phủ. Để minh chứng cho nhận xét này, xin trích lại câu nói mà vào tháng 5/2003, khi đến thăm vịnh Vân Phong Đại sứ Mỹ P. Peterson đã thốt lên: “Đây sẽ là một siêu đô thị của Đông Nam Á trong tương lai.”
Trong tình hình đã nêu, trên cơ sở cập nhật những quan điểm hiện đại về phát triển các thành phố cảng [15,16,20], đặc biệt lưu ý đến kinh nghiệm của Hàn Quốc, Singapore và Hongkong, báo cáo này giới thiệu viễn cảnh sơ bộ cho thành phố cảng Vân Phong. Thông qua đó, chúng tôi bày tỏ quyết tâm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ [3] về cảng Trung chuyển quốc tế, đồng thời gửi đến cộng đồng thông điệp rằng vịnh Vân Phong là hành trang vô cùng quý báu của dân tộc trong kỷ nguyên đô thị và chống chọi với biến động khí hậu.

2. Các lợi thế về quỹ đất xây dựng và phong thủy của vịnh Vân Phong

Trong quá trình lập dự án cảng Trung chuyển quốc tế Vân Phong và cảng Ngoại quan Mỹ Giang, những lợi thế về vị thế địa lý và tuyến tiếp biển (water front) để hội nhập vào chuỗi logistics ASEAN và toàn cầu về cơ bản đã được làm rõ. Trong số tài liệu, mà những người quan tâm có thể dễ dàng tham khảo, chúng tôi xin lưu ý đến [5,7,11].
Mặc dù, vậy để phát triển một thành phố cảng đủ nội lực thích nghi với môi trường logistics không ngừng biến động và có khả năng chống chọi lâu bền với nguy cơ biến động khí hậu, còn không ít lợi thế của vịnh Vân Phong cần được tiếp tục nghiên cứu. Trong báo cáo này, chúng tôi bước đầu cập nhật thêm 2 lợi thế về quỹ đất xây dựng và phong thuỷ.
Quỹ đất xây dựng là một trong những tài nguyên quan trọng nhất quyết định quy mô phát triển của một thành phố cảng. Để đánh giá tiềm năng này, chúng tôi đã phân tích tổng hợp bản đồ địa chất do TSKH Nguyễn Biểu cung cấp, bản đồ địa hình tỷ lệ 1/50.000, lưới chiếu VN2000 của Tổng cục Địa Chính (cả hai tài liệu trên, đều chưa được xuất bản vào thời điểm tiến hành nghiên cứu) và ảnh viễn thám Earth Googles.
Việc nghiên cứu tư liệu cho phép kết luận rằng quỹ đất xây dựng tiềm năng tại 3 huyện quanh vịnh Vân Phong là Tuy Hoà (tỉnh Phú Yên), Vạn Ninh và Ninh Hoà (tỉnh Khánh Hoà) có phân bố mặt rộng về cơ bản phù hợp với các địa tầng Đệ tứ QIV, Ea Sup J2 es và Dray Ling J1dl (màu vàng và xanh da trời tương ứng trên hình 1).
Quan hệ nêu trên đã được thẩm tra lại trong đợt khảo sát hiện trường phục vụ lập quy hoạch hệ thống cảng khí [6], và cho phép ước tính quỹ đất xây dựng tiềm năng của vịnh Vân Phong là vào khoảng 1030 km2, tức là gấp hơn 3 lần so với Hongkong hoặc Singapore (xem bảng 1). Như vậy, về mặt quỹ đất xây dựng tiềm năng vịnh Vân Phong có lợi thế vượt trội đối so với hai thành phố cảng quan trọng nhất của châu Á.
Bảng 1: Quỹ đất xây dựng của vịnh Vân Phong, Hongkong và Singapore

 Các chỉ tiêu  Vịnh Vân Phong  Hongkong  Singapore
 Tổng quỹ đất [km2]  2.942  1092  683
 Dân số hiện tại  577.000  6.900.000  4.553.000
 Mật độ dân số hiện tại [người/km2]  196  6.319  6.666
 Quỹ đất xây dựng [km2/% tổng quỹ đất]  ~1030 / 35  306 / 28  307 / 45

Ghi chú: bao gồm các huyện Tuy Hoà (tỉnh Phú Yên), Vạn Ninh và Ninh Hoà(tỉnh Khánh Hoà), có sử dụng dữ liệu bổ sung từ [8,9,13].

Từ xa xưa, địa lý phong thuỷ (feng shui) đã được xem là một trong 3 nền tảng của tri thức phương Đông và được chính thức áp dụng trong lãnh vực quy hoạch đô thị. Hiện nay, tri thức độc đáo này bắt đầu thâm nhập ngày càng có hệ thống hơn vào quy hoạch đô thị của phương Tây.
Việc làm rõ đặc điểm phong thuỷ không những củng cố thêm niềm tin vào những giá trị độc nhất vô nhị của vịnh Vân Phong để quyết định chọn vị trí xây dựng một thành phố cảng vào loại hiện đại nhất của Việt Nam, mà còn là cần thiết để vận dụng những tri thức cổ truyền về địa mạo, địa chất thuỷ văn trong việc lập quy hoạch sử dụng không gian và hoạch định chiến lược chống chọi lâu bền với biến động khí hậu.
Địa cuộc của vịnh Vân Phong (xem hình 1) là thuỷ cuộc long-chính dưỡng hướng [13]. Từ đèo Cổ Mã nhìn dọc theo trục phong thuỷ (Nhâm hướng Mùi) ta nhận thấy một bức tranh sơn thuỷ vô cùng tráng lệ.
Dãy Đại Lãnh (mạch sơn cước) men theo dòng sông Bàn Thạch tách ra khỏi dãy Trường Sơn vươn ra biển và kết thành long huyệt tại vũng Trâu Nằm. Hòn Cổ Mã là toạ sơn, núi Đại Lãnh là chủ sơn và dãy Trường Sơn là tổ sơn và đồng thời cũng là tổ sơn chung của tất cả các địa cuộc ven biển Trung Bộ.
Vũng Bến Gỏi là minh đường, rộng và sâu có sức chứa hàng ngàn con tàu – những chiến mã của thời đại toàn cầu hoá. Đây là nơi mà mà ba con địa thuỷ long lục địa, sau khi men dãy đảo Hòn Bịp hội lại tại các cung Khôn – Thân, rồi nhập minh đường quần tụ với hai con hải thuỷ long từ cửa vịnh Vân Phong và cửa Lớn đến. Hiện nay, vượng khí của biển do các con hải thuỷ long mang đến từ các tuyến tiếp biển nước sâu đã bắt đầu được nhận ra và đất nước ta đã có đủ nội lực nắm bắt để từng bước mở ra một kỷ nguyên mới.

Hình 1: Sơ đồ các địa tầng tiềm năng để phát triển thành phố và địa cuộc vịnh Vân Phong (bản đồ địa chất nền do TSKH Nguyễn Biểu cung cấp)
Núi Bà Lớn là Án Sơn, tuy nằm lệch về phía thanh long nhưng lại thuận tiện cho tàu lớn thao tác ra vào cảng hòn Khói. Xa xa ở phía chân trời, khối núi Ninh Vân với những con hoả nhấp nhô, trong số đó, hòn Răng Cưa ứng vào đúng vị trí của triều sơn.
Bán đảo Hòn Gôm là tả thanh long. Mạch thanh long được tạo nên bỏi dòng ven và cát phong thành và là mạch cường dương với nhiều sơn và sa, trong đó đáng chú ý nhất là dãy núi Đầm Môn Thượng – Khải Lương với các con mộc cao sừng sững (trên 400m) tách về cung Khôn-Thân (Tây Nam) chầu vào long huyệt. Về tổng thể, tả thanh long với độ cao trung bình khoảng 20m, thích hợp cho phát triển đô thị hậu hiện đại (post-modernism) và còn là đê tự nhiên che chắn vững chắc cho hữu bạch hổ ở bên trong.
Dãi ven biển Vạn Ninh – Ninh Hoà từ chân đèo Cổ Mã đến mũi hòn Khói là hữu bạch hổ đó là mạch nhược dương được bồi đắp nên bởi trầm tích Đệ tứ gồm vật liệu bào mòn sườn núi, phù sa sông và cát biển của dòng ven (xem hình 1). Phù hợp với địa cuộc, mạch bạch hổ dài hơn mạch thanh long và dọc theo nó có 3 dòng sông nhỏ đổ ra biển. Có rất nhiều sơn và sa, trong số đó chúng tôi đặc biệt lưu ý đến những con kim thấp dưới 200 m chạy dài từ núi Bồ Đà đến mũi Hòn Khói. Hữu bạch hổ là mạch hồi long hoàn hảo vì các con kim, được tạo nên bới đất đá thuộc các địa tầng Ea Sup, Dray Ling và tup của chúng (xem hình 1, màu xanh da trời), tách ra khỏi dãy hộ sơn, ngoảnh về cung Tý-Quý (Bắc Đông Bắc) tạo nên mũi Hòn Khói, chầu về long huyệt (vũng Trâu Nằm). Mạch bạch hổ, lưng dựa vào hộ sơn tạo nên thế tiền thuỷ hậu sơn vững chắc, lại còn được thanh long che chắn khỏi gió dữ và sóng lớn của biển Đông và vì vậy từ bao đời nay đã được chọn là nơi cư trú.
Dễ dàng nhận thấy rằng các con địa thuỷ long (nước ngọt) rất nhỏ bé so với các con hải thuỷ long (nước mặn), vì vậy vịnh Vân Phong có nước trong, ít sa bồi và đó là điều kiện lý tưởng để xây dựng cảng nước sâu. Tuy nhiên để có đủ nước ngọt cho một thành phố cảng lớn cần tìm đến những con địa thuỷ long lớn, đó là sông Bàn Thạch và sông Ba. Lưu vực của hai con sông vừa nêu, đều thuộc lãnh thổ Việt Nam và chúng ta có toàn quyền quản lý để khai thác bền vững. Đó là lý do chủ yếu để chúng tôi đề xuất nhập Tuy Hoà vào địa cuộc Vân Phong. Một lý do quan trọng khác, đó là các chuyên gia của TEDI Nam đã từng đề xuất Tuy Hoà là địa bàn có triển vọng để khai thông hành lang ra biển cho Tây Nguyên [9].
Còn rất nhiều điều cần được tiếp tục nghiên cứu để nắm vững phong thuỷ của vịnh Vân Phong, đặc biệt là phần thuỷ pháp vì cụ Tả Ao chưa hề dạy về các con hải thuỷ long mà khoa học hiện đại đã biết rõ. Như vậy, báo cáo này chỉ trình bày nhập môn tóm lược để mọi người nhận thấy “Báu này yêu tựa ngọc vàng” [13] và quan tâm đến tri thức cổ truyền của ông cha.
Tuy nhiên, phần nhập môn tóm lược này cũng đủ để rút ra hai kết luận rất quan trọng, đó là:

Hà Nội với địa cuộc như đã ghi rõ trong “Chiếu dời đô” của Lý Thái Tổ: “…thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước…”. là thành phố có phong thuỷ tốt nhất của Việt Nam trong thời đóng cửa tự lập, tự cường giữ nước;

Vân Phong có thế long, hổ, huyền vũ và chu tước chỉnh hợp; minh đường có sức chứa ngàn tàu, hữu thanh long và tả bạch hổ có quỹ đất thênh thang, vì vậy là địa bàn tốt nhất xây dựng một thành phố cảng chủ lực của nước ta trong thời mở cửa hội nhập.

Với kết luận thứ hai, vịnh Vân Phong xứng đáng được xem là một trong những tài sản vô giá của dân tộc. Đối chiếu với kết luận thứ nhất, ta nhận thấy để đánh thức tiềm năng đích thực cần có một quyết sách ngang tầm và súc tích như “Chiếu dời đô”.
Vói mong muốn phần nhỏ bé của mình trong việc hình thành một quyết sách như vậy, phần tiếp theo của báo cáo được dành để phân tích những nhu cầu cơ bản và cung cấp viễn cảnh sơ bộ về thành phố cảng Vân Phong.

3. Lựa chọn cho Vân Phong: siêu thành phố cảng đủ năng lực chống chọi lâu bền với biến động khí hậu.

Kể từ cuối thập niên 1990, cộng đồng Việt Nam đã day dứt tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi: Lựa chọn nào cho Vân Phong. Có nhiều phương án được đưa ra và chủ yếu xoay quanh 3 lựa chọn mang tính chiến thuật, ngắn hạn và cục bộ: hoặc du lịch, hoặc cảng công nghiệp, hoặc cảng trung chuyển.
Để góp phần hình thành một quyết sách chiến lược, trong phạm vi báo cáo này chúng tôi bước đầu làm rõ hai nhu cầu cơ bản, đó là nhu cầu xây dựng những thành phố mới của Việt Nam và nhu cầu phát triển một trung tâm logistics đa phương tiện mới tại tiểu vùng ASEAN.
Nhu cầu xây dựng những thành phố mới:
Hiện nay cộng đồng Việt Nam vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về nhu cầu này. Mặc dù vậy, mức độ cấp thiết của nó đã thể hiện ngày càng bức xúc hơn qua thực tiễn phát triển kinh tế xã hội.
Bảng 2: So sánh dân số và quỹ đất của Việt Nam với một số nước

 Nước  Dân số
[triệu người]
 Diện tích
[triệu km2]
 Mật độ dân cư
[người/km2]
 Đất nông nghiệp
[ha/nông dân]
 Việt Nam  89,571  0,331  271  0,130
 Trung Quốc  1.330,141  9,597  138  0,204
 Thái Lan  67,090  0,513  130 0,392 
 Campuchia  14,454  0,181  80  0,328
 Nam Hàn  48,636  0,100  486  0.195
 Nhật Bản  126,804  0,378  335  0.099

Ghi chú: Số liệu gốc từ World Factbook của CIA [14]
Trước hết, căn cứ số liệu trên bảng 2. ta nhận thấy rằng mật độ dân số của Việt Nam cao gấp 2 lần Trung Quốc, Thái Lan và gấp hơn 3 lần so với Campuchia. Hậu quả là, để đại được tỷ lệ đô thị hoá của một nước công nghiệp tương đối hiện đại (khoảng 40%) thì vấn đề tiếp cận đất đai tại Việt Nam sẽ phức tạp hơn rất nhiều so với Trung Quốc, ASEAN và hầu hết các nước đang phát triển của châu Á.
Rất đáng tiếc là chiến lược cơi nới đô thị, được theo đuổi trong vòng 30 năm qua, mặc dù đã phát huy được hiệu quả tình thế, nhưng kể từ nằm 2000 đã tỏ ra bất lực trước những khó khăn trong việc tiếp cận đất đai và từng bước làm cho đất nước ngày càng trở nên bị động hơn trong việc ứng phó với 3 nguy cơ vô cùng to lớn trong tương lai trung hạn, đó là:

Nguy cơ thiếu hụt quỹ đất phát triển đô thị tại các vùng cư trú truyền thống của người Việt;

Nguy cơ thâm hụt và suy thoái đất nông nghiệp , vì bị chuyển đổi mục tiêu sử dụng để cơi nới đô thị và hệ quả là mất an ninh lương thực;

Nguy cơ biến động khí hậu . Cuối thế kỷ 21, khoảng 10 triệu người Việt Nam, chủ yếu là nông dân có thể bị mất nơi cư trú vì mực nước biển dâng và chắc chắn sẽ biến hai nguy cơ đầu thành thảm hoạ.

Như vậy, để giảm nhẹ những khó khăn trước mắt trong việc tiếp cận đất đai và ứng phó bền bỉ và căn cơ với 3 nguy cơ trung hạn, thì việc đạt được sự đồng thuận và tiến tới hành động quyết liệt nhằm đánh thức những địa bàn tiềm năng, như vịnh Vân Phong, để xây dựng những thành phố mới cần được xem là nhu cầu cấp thiết.
Nhu cầu phát triển trung tâm logistics đa phương tiện mới cho ASEAN:
Về phía Việt Nam, phát triển hệ thống logistics quốc gia đã được từng bước nhìn nhận như một nhu cầu cốt lõi. Bằng quyết định số 51/2005/QĐ-TTg, ngày 11/03/2005, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt cảng Vân Phong là cảng trung chuyển quốc tế duy nhất, như vậy vị trí xây dựng trung tâm logistics cấp quốc gia cũng đã được làm rõ.
Về phía cộng đồng quốc tế, nhu cầu phát triển trung tâm logistics tương xứng với quy mô của Cộng đồng ASEAN đang trở nên bức thiết đến mức mà Singapore (PSA [18]) nhận định rằng hiện đang có cuộc chạy đua xây dựng các trung tâm logistics và họ không muốn đứng ngoài cuộc.
Nói tóm lại, việc phân tích nhu cầu cho thấy rằng để không bỏ lỡ cơ hội của mình trong kỷ nguyên châu Á – Thái Bình Dương thì Việt Nam phải ngay lập tức làm rõ nhu cầu xây dựng các thành phố mới và có mặt trong cuộc chạy đua xây dựng trung tâm logistics đa quốc gia cho cộng đồng ASEAN.
Căn cứ nhận định vừa nêu, căn cứ những kết quả nghiên cứu hiện đại về quan hệ động lực giữa phát triển cảng và phát triển đô thị [15,16,20], ba phương án lựa chọn mang tính chiến lược và lâu dài cho vịnh Vân Phong đã được đặt ra, đó là: 1) Trung tâm logistics đa phương tiện (MLH: Multimodal Logistics Hub); 2) Thành phố thông thường (GC: General City) và 3) Siêu thành phố cảng (PM: Port Metropolis) .
Với quyết tâm thực hiện chỉ thị của Chính phủ [3], sau khi cân nhắc kỹ lưỡng những lợi thế của vịnh Vân Phong về vị thế địa lý, tuyến tiếp biển nước sâu, điều kiện xây dựng cảng, đã được hầu hết các chuyên gia thừa nhận; những lợi thế về quỹ đất, phong thuỷ độc và nhu cầu như được cập nhật ở trên; chúng tôi đề xuất chọn phương án PM với hệ thống công trình bảo vệ được quy hoạch căn cơ để chống chọi bền bỉ với nguy cơ biến đổi khí hậu.
Phương án PM cho phép tổ hợp cân đối chức năng MLH và chức năng kinh tế đa dạng của GM, và trên cơ sở đó từng bước phát huy toàn diện tiềm năng vô cùng to lớn và chắc chắn là độc nhất vô nhị của vịnh Vân Phong.

4. Viễn cảnh sơ bộ về siêu thành phố cảng Vân Phong.

PM Vân Phong với quy mô dân số khoảng 9 triệu người, là một mũi nhọn phát triển đô thị trọng điểm nhằm thực hiện chủ trương xây dựng Việt Nam thành một nước công nghiệp tương đối hiện đại vào năm 2020.


Hình 2: Viễn cảnh sơ bộ về trần phát triển của siêu thành phố cảng Vân Phong
PM được quy hoạch với sự cập nhật xu thế phát triển thành phố cảng hiện đại của châu Âu và Đông Á và đảm bảo những tiêu chuẩn cao nhất về môi trường: Mặt biển trải rộng trên 400 km2; vùng lưu không bảo tồn cảnh quan sinh thái chiếm khoảng 65% tổng quỹ đất; mật độ dân số tại quỹ đất xây dựng là 9.738 người/km2, thấp hơn 2,3 lần so với Hongkong (~22.549 người/km2) và thấp hơn khoảng 1,5 lần so với Singapore (~14.831 người/km2).
An toàn biến động khí hậu và cơ chế phát triển sạch được theo đuổi ngay từ đầu. Các tuyến đê chắn sóng, đê biển và âu tàu được quy hoạch liên hoàn và căn cơ để bảo vệ vững chắc hậu phương trong điều kiện hiện tại và được dự phòng nâng cấp để chống chọi bền bỉ với mực nước biển dâng lên đến 5,0m và có thể cao hơn. Sau đây là những dự kiến sơ bộ:

Các tuyến đê biển được bố trí ở độ sâu trung bình 4m với sự lợi dụng tối đa chuỗi đảo ven bờ Trâu Nằm đến hòn Bịp (hình 2). Chức năng chủ yếu là công trình chủ lực để chống chọi với biến động khí hậu. Các chức năng kết hợp là xa lộ, chắn sóng để xây dựng làng nổi, nuôi thuỷ sản nước mặn và khai thác năng lượng tái tạo;

Các đê bao được xây dựng tại độ sâu trung bình khoảng 2,0m (hình 2). Chức năng chủ yếu là lấn biển bằng polder (giữ mực nước thấp hơn mực triều cao nhất khoảng 1,5m) để phát triển đô thị và nuôi trồng thủy sản nước lợ. Chức năng phụ là xa lộ.

Nếu cần thiết, một phần hậu phương của tuyến đê biển đa chức năng sẽ được sử dụng để làm hồ chứa nước ngọt.
Theo dự kiến sơ bộ, PM Vân Phong được phát triển theo 4 định hướng chính, đó là:

1) Trung tâm logistics đa phương tiện;

2) Trung tâm nuôi trồng và đánh bắt hải sản hiện đại nhất và lớn nhất Việt Nam;

3) Thành phố công nghiệp (fordism) và

4) Thành phố hậu hiện đại (post modernism).
Các tuyến tiếp biển nước sâu ít sa bồi và vùng nước tự nhiên kín sóng rộng lớn là những tài sản (assets) quan trọng nhất để phát triển hệ thống cảng đủ năng lực cạnh tranh nhằm theo đuổi các định hướng 1, và 3. Hệ thống cảng này bao gồm nhiều cảng nhỏ, các vùng neo đậu tàu (không được thể hiện trên bản vẽ) và bốn cảng chủ lực (xem hình 2), đó là:

Cảng Trung chuyển quốc tế Vân Phong: Tàu mục tiêu là tàu container siêu lớn 15.000 TEU, lượng thông qua trần 14,5 – 17,0 triệu TEU/năm (khoảng 200 triệu tấn/năm);

Cảng Dầu khí Mỹ Giang: Tàu mục tiêu là tàu chở dầu thô cỡ VLCC (220,000 – 300,000 DWT);

Cảng Tổng hợp Dốc Lết: Cụm bến mở: tàu mục tiêu Aframax (120.000 DWT), cụm bến kín: tàu mục tiêu Panamax (6.000 TEU),

Cảng Cá Hòn Khói, có kết hợp chức năng logistics cận hải: Tàu mục tiêu là tàu cá mẹ cỡ 50.000 DWT đủ năng lực vươn đến các ngư trường Nam Thái Bình Dương và ven Nam Cực.

Trong số các cảng này, hai cảng cuối được quy hoạch căn cơ để giảm thiểu phát thải ô nhiễm từ cảng ra biển và chống chọi bền bỉ với biến động khí hậu. Trong đó cảng Tổng hợp Dốc Lết được quy hoạch trên cơ sở kết hợp mô hình các cảng Mumbai (Ấn Độ) và Marseille (Pháp): Cụm bến mở thông trực tiếp ra biển với các bến nhô và bến băng chuyền để tiếp nhận tàu chở hàng rời và hàng lỏng ít gây ô nhiễm. Các bến này dễ dàng được nâng cấp để đối phó với mực nước biển dâng. Cụm bến kín thông ra biển qua âu tầu nhằm giữ mực nước trước bến ổn định và giảm thiểu phát thải ô nhiễm từ cảng ra biển.
Thành tựu nổi bật về nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản được trân trọng phát huy nhằm theo đuổi định hướng 2. Nhờ hệ thống đê biển và đê bao, vùng nuôi trồng thuỷ rộng khoảng 3.500 ha được hình thành. Cảng cá Hòn Khói được dành cho một vị trí nổi bật hướng đến viễn cảnh trung hạn, khi hạm tàu đánh cá của Việt Nam sẽ có mặt tại các ngư trường viễn dương.


Hình 3: Các nguyên mẫu để quy hoạch làng nổi và quần thể khách sạn nổi
Về phát triển đô thị, trong phạm vi báo cáo sơ bộ này chúng tôi chỉ đề cập đến những ý tưởng cốt lõi về thành phố hậu hiện đại. Trên cơ sở tham khảo ý kiến của các nhà lãnh đạo và các chuyên gia, toàn bộ vùng phong cảnh sơn thuỷ hữu tình nhất của huyện Vạn Ninh được dành để phát triển một thành phố hậu hiện đại (hình 2) với kỳ vọng tạo ra chuyển biến mang tính đột phá trong lãnh vực công nghiệp không khói của Việt Nam.
Do điều kiện tự nhiên đặc thù của vịnh Vân Phong việc xây dựng các làng nổi và các quần thể khách sạn nổi dọc theo tuyến đê biển đa năng từ hòn Trâu Nằm đến hòn Bịp sẽ được khởi động đi trước một bước. Nhà nổi và khách sạn nổi có lợi thế vượt trội trong việc ứng phó với mực nước biển dâng, khai thác năng lượng gió, năng lượng mặt trời và kết hợp nuôi hải sản. Không chỉ vậy, chúng còn được bố trí dễ dàng theo ý đồ kiến trúc, hầu như không xâm hại phong cảnh thiên nhiên vì không cần mở đường ra vào, không cần san ủi mặt bằng và khi hết hạn sử dụng có thể kéo đi tái chế.
Nhân dân Việt Nam có kinh nghiệm lâu đời trong việc sống trên mặt nước và đã xây dựng thành công một số làng nổi (hình 3). Trên thế giới đã có nhiều mẫu nhà nổi tân kỳ, đáng chú ý là khách nổi cao 30m, diện tích sàn lên đến 3.200 m do kiến trúc sư Nga A. Remizov thiết kế và có thể được thi công chỉ trong vòng 4 tháng [17]. Việc xây dựng các làng nổi và quần thể khách sạn nổi tại vịnh Vân Phong sẽ mở ra những phương hướng có triển vọng cho lãnh vực đóng tàu biển và cho việc khai khẩn những vũng vịnh tuyệt đẹp, nhưng thuận lợi cho việc xây dựng công trình thông dụng.
Các trục chính của hệ thống xa lộ nội thị của PM Vân Phong được quy hoạch trên cơ sở kết hợp chức năng của các đê biển và đê bao (hình 2). Đây là giải pháp nhằm giảm thiểu chi phí giải toả và kết nối các quần thể làng nổi và khách sạn nổi. Giải này về lâu dài sẽ trở thành tối ưu khi dân số của PM tăng đến mức trần dự kiến.
Hệ thống hạ tầng sắt, bộ kết nối liên vùng được giữ nguyên như trong quy hoạch Khu kinh tế Vân Phong, đã được Chính phủ phê chuẩn. Riêng về hàng không, đề nghị nâng cấp sân bay Đông Tác thành cảng hàng không chính của PM Vân Phong và đồng thời cho phép xây dựng thêm một số sân bay nhỏ cho máy bay nhẹ, thuỷ phi cơ và trực thăng.

5. Kết luận

Vịnh Vân phong là một tài sản vô cùng quý giá của dân tộc Việt Nam. Những tiềm năng và lợi thế vượt trội về phong thuỷ, vị trí địa lý, quỹ đất, quỹ mặt nước và các tuyến nước sâu cho phép xây dựng một siêu thành phố cảng không thua kém Hongkong hoặc Singapore.
Hiện nay, cảng Trung chuyển quốc tế Vân Phong và cảng Dầu khí Mỹ Giang đang được thi công. Mặc dù đây là những cố gắng rất lớn của Vinalines, Petrolimex và của tỉnh Khánh Hoà, song vẫn chưa đủ tầm để tạo ra những chuyển biến mang tính chiến lược.
Trong tình hình như đã nêu, việc lăng xê thêm cảng Tổng hợp Dốc Lết và xúc tiến song song một chương trình phát triển thành phố cảng đúng tầm cỡ, cần được xem là những cố gắng mang tính quyết định trong việc đánh thức tiềm năng đích thực của vịnh Vân Phong nhằm kịp thời khẳng định sự hiện diện của Việt Nam trong cuộc chạy đua phát triển trung tâm logistics đa phương tiện và đồng thời góp phần cải thiện một cách căn cơ các vấn đề về phát triển đô thị và ứng phó với biến động khí hậu của cả nước.
Cuối cùng, xin chân thành cám ơn TSKH Nguyễn Biểu, người đã cung cấp cho chúng tôi những thông tin quý báu về địa chất vịnh Vân Phong và KS Đoàn Văn Tuấn, người đã kiên trì thúc dục các tác giả của bài báo này nghiên cứu phong thuỷ và nhờ vậy, chúng tôi đã được may mắn chiêm ngưỡng viên ngọc quý Vân Phong từ góc độ địa lý cổ truyền của dân tộc.

Tài liệu tham khảo

Ban Quản lý khu kinh tế Vân Phong, 2006: Tài liệu kèm theo Công bố quyết định thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hoà.

Quyết định số 51/2005/QĐ-TTg, ngày 11/03/2005, của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch Khu kinh tế vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hoà đến năm 2020, do TTg Phan Văn Khải ký.

Thông báo số 198/TB-VPCP ngày 18/10/2004, do PTTg Nguyễn Tấn Dũng ký.

Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn, 2004: Thuyết minh tóm tắt quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế tổng hợp Đầm Môn đến năm 2020, tỉnh Khánh Hoà.

Doãn Mạnh Dũng, 2008: Dự án của Posco sẽ làm ‘hỏng’ cảng Vân Phong? http://www.tienphong.vn/Thoi-Su/109587/Du-an-cua-POSCO-se-lam-hong-cang-Van-Phong.html.

Hoàng Xuân Nhuận, Lê Văn Chính và Trần Thị Liên Phương, 2010: “Nghiên cứu quy hoạch hệ thống cảng khí – làm chủ hiện tại, hướng đến tương lai”. Tuyển tập báo cáo Hội nghị KH&CN quốc tế: Dầu khí Việt Nam 2010 tăng tốc phát triển; NXB Khoa học và Kỹ thuật, tr. 887-893.

Mai Văn Chiến, 2009: Bàn về cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, phần I và II. http://tapchicongnghiep.vn/News/channel/1/News/337/9018/ Chitiet.html.

Nhà xuất bản Bản đồ, 2005: Tập bản đồ hành chính 64 tỉnh, thành phố Việt Nam.

TEDI Nam, : Đề xuất kết nối Vân Phong với Tây Nguyên.

Tổng cục Thống Kê, Niên giám thống kê 1995 – 2005.

Vietnam Marine and Logistic forum, 2009: Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong trong chiến lược kinh tế biển. http://vietmarine.net/forum/ quan-ly-va-khai-thac-cang/1582-cang-trung-chuyen-quoc-te-van-phong-trong-chien-luoc-kinh-te-bien.html.

Vương Thị Nhị Mười, 2009: Phong thuỷ địa lý Tả Ao, tập I: Địa lý chính tông. NXB Mũi Cà Mau.

Vương Thị Nhị Mười, 2006: Phong thuỷ địa lý Tả Ao, tập II: Tầm long gia truyền bảo đàm, NXB Mũi Cà Mau, pp 336.

CIA, The World Fact Book, 2008: https://www.cia.gov/library/ publications/the-world-factbook/index.html

CNRS, 2004: Port-cities in Europe: Final report overview 2004. 14 pp. http://s4.parisgeo.cnrs.fr/game/biblioGAME/portcitiesinEU.pdf.

Ducruet C. and Jeong O., 2005: “European port-city interface and its Asian application”. KRISH Res. Report 2005-17, http://hal.archives-ouvertes.fr/docs/00/45/85/42/PDF/KRIHS-2005-17.pdf

Infonewslive.com, 2011: A Prototype the ARK a floating hotel. http://infonewslive.com/prototype-the-ark-a-floating-hotel-design-by-russian-architect-alexander-remizov.html

PSA

Stern review,

Wang J. et all, 2007: “Ports, cities and global suply chains”. Ashgate, 2007. ISBN 978 07546 7054 4 http://www.gowerpublishing.com/pdf SamplePages/Ports_Cities_and_Global_Supply_Chains_Intro.pdf.

World Bank, ?: “East Asian urbanization: Objectives, policies and programs, Vietnam. http://siteresources.worldbank.org/INTEAPREGTO PURBDEV/Resources/vietnam-objectives-policies.pdf

Hội Cảng đường thuỷ thềm lục địa VN.

Hội Khoa học và kinh tế biển TP. Hồ Chí Minh

Dã đàm Tả Ao, câu 4: “Văn chương, y dược, đạo này là ba.” [13]

Những chữ viết nghiêng là thuật ngữ phong thuỷ theo địa lý chính tông Tả Ao [12].

Từ 2001 – 2009 Việt Nam đã mất trên 5% diện tích đất trồng lúa (khoảng 400 ngàn ha), các vùng nhạy cảm nhất là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và toàn bộ nửa phía Bắc châu thổ sông Hồng.

Là nguy cơ toàn cầu mà Sir N. Stern đã khẩn thiết cảnh báo[19].

Kể từ 2015, ASEAN sẽ được tái cơ cấu theo mô hình EU và tiến tới xây dựng một khối kinh tế nhất thể có quy mô lớn: diện tích 4,5 triệu km2, dân số 556 triệu người, GDP 1.500 tỷ $ US (2008).

Xem tổ hợp chức năng cảng và thành phố, trang 8 – 10 [16].