Vai trò của nghề môi giới hàng hải.

Chính vì vậy, việc thông qua môi giới để ký được nhiều hợp đồng với nhiều doanh nghiệp chủ hàng để đảm bảo hành trình liên tục cho những con tàu là điều rất cần thiết trong thời buổi hàng hóa ế ẩm như hiện nay. Hơn nữa, không phải tất cả các tàu của các doanh nghiệp vận tải đi cùng một tuyến cố định để khi cần vận chuyển, người chủ hàng biết ngay tàu đó để ký hợp đồng mà chủ hàng thường phải qua môi giới để tìm ra lịch trình con tàu phù hợp cho hàng hóa của mình. Chủ tàu chỉ có một số tàu nhất định đi một số tuyến nào đó nhất định, chủ hàng cũng chỉ biết một vài mặt hàng nào đó của mình chứ không thể có nhiều mặt hàng cùng lúc ở nhiều địa điểm khác nhau trên thế giới được và hàng hóa luân chuyển thì còn tùy thuộc vào yếu tố mùa vụ… Chỉ những nhà môi giới hàng hải chuyên nghiệp họ sẽ có nhiều quan hệ với các chủ tàu và chủ hàng từ đó có thể kết nối được rất nhiều chủ tàu với rất nhiều chủ hàng do đó sát suất tìm kiếm hàng hóa cho chủ tàu cao hơn giúp những con tàu có hàng hóa trong suốt các hành trình trên biển.
Trên thế giới, có những doanh nghiệp chuyên về môi giới hàng hải đã tồn tại cả trăm năm, chứng tỏ ngành này có sức sống mãnh liệt và mang lại nhiều lợi ích. Ở Việt Nam, nghề môi giới hàng hải mới chỉ xuất hiện khoảng 20 năm trở lại đây với thời điểm ban đầu với rất nhiều ưu thế khi chưa có nhiều sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp môi giới với nhau và các doanh nghiệp môi giới trong nước với nước ngoài… chính vì vậy thời kỳ này là hoàng kim của nghề môi giới hàng hải. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nhất là sự phát triển của công nghệ thông tin, nghề môi giới hàng hải cũng tiến thêm nhiều bước phát triển mới, khi thông tin luân chuyển rất nhanh, chỉ trong tích tắc thời gian. Hiện nay, tại Việt Nam giống như Hàn Quốc hay Trung Quốc cũng đã có những doanh nghiệp đầu tư và phát triển hệ thống môi giới điện tử (internet broking). Tuy nhiên, cũng từ đó phát sinh ra nhiều quan hệ phức tạp, rất nhiều những chào hàng ảo, có khi là những chào hàng cố ý phá hoại, cũng có khi là những đơn hàng lừa đảo… làm cho chủ tàu khó khăn trong việc tìm đúng chính xác đối tác thực sự để ký hợp đồng. 
Thực trạng doanh nghiệp môi giới hàng hải Việt Nam khó tiếp cận doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam. Có nhiều nguyên nhân, do khách hàng truyền thống của các chủ tàu Việt Nam xưa nay là các nhà môi giới nước ngoài, họ có nguồn hàng lớn và ổn định, họ có sự ủng hộ của Chính Phủ các nước sở tại trong việc dành cho họ các chính sách thuế thuận lợi có thể đảm bảo các khoản thu ngoài hợp đồng cho những người khai thác. Còn với các doanh nghiệp môi giới hàng hải Việt Nam, tình trạng chi 1, 2 hay 3 USD cho những người hai thác tàu của các doanh nghiệp chủ tàu là rất khó thực hiện, nếu các ông chủ doanh nghiệp không muốn bị rắc rối về thuế sau này. 
Sự ranh mảnh của các nhân viên khai thác tàu tại các doanh nghiệp chủ tàu hay chủ hàng làm cho nghề môi giới hàng hải trở nên là một nghề có tính rủi ro cao. Có những người khai thác tàu nhờ môi giới tìm hàng cho tàu của họ, nhưng khi biết được thông tin của chủ tàu thì họ cắt cầu, liên hệ trực tiếp với chủ hàng. Một số chủ hàng cũng vậy, chỉ cần đưa họ biết tên tàu, họ sẽ ngay lập tức liên hệ ngay đúng chủ tàu và bỏ qua người môi giới.
Việc một số nhà môi giới không có được những tố chất cần thiết khi không tôn trọng khách hàng của mình, cạnh tranh không lành mạnh, cắt cầu, qua mặt các nhà môi giới khác thậm chí qua mặt cả chủ tàu hay chủ hàng nếu họ có được những đối tác có thể dành được hợp đồng giá trị kinh tế khá hơn. Chính những điều này làm cho những nhà môi giới Việt Nam mất dần uy tín trên thị trường quốc tế. 
Năng lực hiện tại của những nhà môi giới Việt Nam còn nhiều hạn chế, hầu hết mới được thành lập những năm gần đây do những người có chức năng khai thác tàu từ các doanh nghiệp chủ tàu tách ra và đưa khách hàng về cho riêng mình. Cũng có những công ty môi giới được tách ra từ các doanh nghiệp chuyên kinh doanh lĩnh vực môi giới. 
Một nhà môi giới chuyên nghiệp thì ngoài việc kết nối giữa nhà vận tải với khách hàng thành công xong thì việc theo dõi, hỗ trợ thường xuyên từ khi ký được hợp đồng cho đến khi hàng hóa được dỡ ra khỏi con tàu giao cho khách hàng an toàn sẽ góp phần làm nên uy tín của nhà môi giới.
Hiện nay tại Việt Nam, do nhiều chủ tàu không có đủ vốn để cho tàu hành trình nên xuất hiện những nhà môi giới có khả năng tài chính bỏ tiền ra để khai thác con tàu và thu lại tiền của họ từ cước các chủ hàng trả. Ví dụ, có nhà môi giới ứng trước tiền để trả tiền đổ dầu, thanh toán cảng phí… và tiền cước chủ hàng sẽ chuyển vào tài khoản của nhà môi giới trước khi được thanh toán cho chủ tàu. Đây cũng là một cách làm hiệu quả hiện nay giúp cho những con tàu đảm bảo kinh doanh thường xuyên khi rất nhiều chủ tàu đang thực sự khó khăn về tài chính.
Để có những nhà môi giới, những doanh nghiệp môi giới hàng hải thực thụ, nhà nước cần có chính sách ưu đãi về thuế hơn nữa, hợp lý hóa những khoản chi theo thông lệ của ngành đối với các doanh nghiệp môi giới hàng hải để họ có thể có nhiều khả năng hơn góp phần cùng với chủ tàu Việt Nam phát triển ngành hàng hải hiện vẫn còn nhiều yếu kém của Việt Nam vươn ra tầm Thế giới.
Bản thân đội ngủ môi giới hàng hải cũng cần phải tự đầu tư, nâng cao trình độ và năng lực bản thân thiết lập quan hệ tốt với các chủ tàu, giúp các chủ tàu khai thác những con tàu một cách hiệu quả nhất, tạo một cơ sở dữ liệu về hàng hóa tốt làm sao đảm bảo những con tàu kinh doanh liên tục không ngừng nghỉ.
Nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành hàng hải Việt Nam, nhất thiết không thể thiếu đội ngủ những nhà môi giới hàng hải chuyên nghiệp. Bởi so với những việc trang bị tàu, làm cảng… thì môi giới hàng hải là nghề đòi hỏi đầu tư về vốn tương đối ít nhưng mang lại lợi nhuận vô cùng lớn. Hãy xem bài học của Singapore khi rất nhiều nhà môi giới hàng hải tầm cỡ thế giới đến từ đảo quốc nhỏ bé chẳng có chút tài nguyên thiên nhiên này.
La Quang Trí 
GĐ Công ty CP Thương Mại Nam Tinh – www.shipoffer.com