Việt Nam -Quốc gia nhạy cảm với biến động khí hậu. PGS-TS Hoàng Xuân Nhuận

Con người đã can thiệp thô bạo đến quá trình hình thành mạng lưới thủy văn. Hậu quả là phù sa dồn vào cửa Ba Lạt và cửa Đáy làm đẩy nhanh quá trình phát triển delta tại đấy. Vùng duyên hải dài khoảng 70 km từ Quất Lâm đến Thịnh Long bị thiếu hụt phù sa và trong điều kiện dòng ven phân kỳ đã bị xói lở mạnh kể từ cuối thế kỷ XIX đến nay. Tại một số điểm thuộc huyện Hải Hậu những cấu trúc bờ biển được hình thành từ thế kỷ XV đã bị nước biển xâm thực. 

2. Chuẩn xây dựng và quy hoạch phát triển chưa được cập nhật để ứng phó với nguy cơ biến động khí hậu.

Tại nước ta việc lập quy hoạch phát triển và thiết kế  công trình vẫn được tiến hành theo chuẩn xây dựng và những quy định đã được ban hành cách đây khoảng 15 năm vì vậy tình trạng gia tăng đột biến của thiên tai và các nguy cơ khác của biến động khí hậu (như mực nước biển dâng) vẫn chưa được cập nhật.

Những phiếm khuyết trong công cụ quản lý nhà nước như đã nêu đang làm suy yếu năng lực phòng thủ của đất nước với biến động khí hậu. Hệ thống cảng cửa ngõ của các Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam là một minh chứng cần đặc biệt lưu ý: Với quy hoạch mặt bằng lấn ra vùng đất thấp cửa sông ven biển (xem hình trên) và chuẩn thiết kế như hiện nay, thì nhiệm vụ thích ứng với biến động khí hậu là rất tốn kém và có thể nói là bất khả thi.

3. An ninh năng lượng, phát triển sạch và phát triển tiêu thụ ít các bon chưa được quan tâm đúng mức

Dân tộc  Việt Nam chưa chú ý đúng mức đến an ninh năng lượng trong phát triển giao thông đường bộ. Phương tiện được mua sắm tùy tiện và lưu hành với tốc độ thời Thế chiến I, giá thành vận tải bộ đắt gấp 2 mặt bằng chung của khu vực và sẽ còn đắt hơn một khi chính sách tái định giá các bon đi vào hiệu lực. 

Dự án thủy điện sông Mực cũng đồng thời là dự  án mua bán các bon đầu tiên của Việt Nam và Nhật Bản theo cơ chế phát triển sạch. Chưa rõ ta được lợi gì?? Chỉ thấy nổi lên sự quan tâm chưa đúng tầm: Các con dấu xác nhận ông T. NiKai, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công thương, đại diện cho Chính phủ Nhật, còn ông Nguyễn Khắc Hiếu, Vụ phó, đại diện cho Vụ Đối ngoại của Bộ Tài nguyên và Môi trường – DNA của Việt Nam. 

Sự khinh xuất về mặt quản lý Nhà nước như đã nêu ở trên đang tạo ra tiền đề cho những thiệt hại lớn, thậm chí là sự đổ bể căn bản của hàng loạt lãnh vực công nghệ và kinh tế trong thập kỷ tới.

4. Hạ  tầng quan trắc và nghiệp vụ  đồng hóa dữ liệu phục vụ  dự báo số trị  quy mô trung bình chắc chắn có  vấn đề 

Để có được dự báo số trị chi tiết và đủ tin cậy, cần có dữ liệu quan trắc thích hợp để xấp xỉ trường ban đầu với độ phân giải cần thiết, tham số hóa các quá trình lọt lưới (ví dụ như rối, đối lưu v.v..) và thậm chí để điều chỉnh lại kết quả trong quá trình tính toán.

Với tình trạng như hiện nay của hạ tầng quan trắc (đặc biệt là mạng lưới quan trắc tại biển Đông) và của nghiệp vụ đồng hóa dữ liệu thì  việc nâng cao chất lượng và thời hạn dự báo thiên tai như bão, mưa mạnh và lũ quét v.v.. được xem là bất khả thi.

5. Bất cẩn trong việc xác lập các quan hệ dự báo dài hạn.

Hiện nay, các hiện tượng dao động khí hậu (Southern Oscillation với hai trạng thái El Nino và La Nina) đã được nghiên cứu tương đối hoàn chỉnh. Đã xác định được hai dạng quan hệ giữa dao động khí hậu và thiên tai, đó là: 

1.   Quan hệ trực tiếp giữa thiên tai với hoàn lưu khí quyển. Thí dụ trong điều kiện El Nino hoàn lưu Walker bị suy yếu và tách ra làm đôi. Khu vực gió mùa Á – Úc bị dòng giáng ngự trị và đó là điều kiện cần để xẩy ra hạn hán ;

2.   Quan hệ liên  đới từ xa (teleconnection) được phát hiện nhờ  phân tích thống kê. Sự liên quan giữa tình trạng dịch bệnh với El Nino là một ví dụ.      

Các nước trong khu vực đã đạt được những kết quả đáng chú ý trong việc xác lập các dạng quan hệ nói trên và sử dụng chúng trong dự báo dài hạn và trong thực tiễn giảm nhẹ tác động của thiên tai.  

Tại nước ta, mặc dù đã được các nhà khoa học cảnh báo về hai quan hệ nói trên vào giữa thập niên 1990, tuy nhiên cho đến năm 2006 thì việc nghiên cứu cả hai dạng quan hệ nói trên vẫn chưa mang lại kết quả đáng tin cậy. Đáng lo ngại hơn là các hiện tượng El Nino và La Nina được đưa ra làm bình phong để che đậy những yếu kém của hệ thống quan trắc và dự báo thời tiết của nước ta.Your browser may not support display of this image. 

Một trong những sự kiện đáng ghi nhận đó là cơn mưa đá dữ dội tại Hà Nội vào khoảng 17h30’ ngày 19 (?) tháng 11/2006. Trận mưa đá này do một đám mây đối lưu không lồ và phát triển rất nhanh (xem ảnh trên) gây ra. Căn cứ vào những thông báo thời tiết sau đó, có thể nhận thấy rằng cơn mưa đá tại Hà Nội chỉ là một bộ phận của khối không khí mất ổn định ẩm trong tầng đối lưu trải dài khoảng 100 km từ Quảng Ninh đến đền Hùng, tuy nhiên nó đã không được hệ thống quan trắc và cảnh báo thời tiết kịp thời phát hiện.

Sự việc là như vậy, nhưng bà Nguyễn Lan Châu, PGĐ  T.T. Dự báo Quốc gia đã thông báo với các phương tiện thông tin đại chúng rằng “Mưa đá mấy hôm nay là do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino. Thông báo như trên của bà Nguyễn Lan Châu đã gây sốc, bởi vì: (i) hiện tượng mưa đá là hậu quả trực tiếp của nhiễu động thời tiết với quy mô synốp và (ii) trong điều kiện El  Nino thì hoàn lưu tổng thể với dòng giáng ngự trị là bất lợi cho đối lưu, như vậy quan hệ trực tiếp có thể bị loại trừ. Việc phân tích chỉ số SOI (Southern Oscillation Index) cho thấy rằng bà Nguyễn Lan Châu đã “phát hiện” quan hệ liên đới từ xa mà chỉ căn cứ vào 1 cặp dữ kiện duy nhất.

Những bất cẩn tương tự có thể liệt kê thành một danh mục rất đáng lo ngại. Chúng ảnh hưởng có hại đến quá trình hình thành cơ sở khoa học nghiêm túc cho sự hiểu biết về thời tiết, khí hậu nói chung và cho dự báo dài hạn nói riêng.

6. Thay cho lời kết

 Hiện nay, “Chủ động phòng tránh và hạn chế tác động xấu của thiên tai, của sự biến động khí hậu bất lợi” đã được ghi nhận trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo. Mặc dù vậy, cộng động Việt Nam vẫn chưa được chuẩn bị ở mức độ cần thiết để thích ứng với biến động khí hậu trên cả hai mặt trận: (i) Đối phó với tình trạng thiên tai gia tăng(ii) Dự phòng biến động khí hậu

Với những phân tích tóm lược tại các mục từ 1 đến 5, chúng tôi thấy cần lưu ý rằng mặt trận (ii) hầu như còn đang bị bỏ trống và vì vậy đất nước sẽ ngày càng trở nên bị động hơn trên mặt trận (i). Nếu những phiếm khuyết vừa nêu không được điều chỉnh kịp thời trong quá trình hoạch định chiến lược phát triển thì đất nước có thể phải đối mặt với những đổ bể căn bản về kinh tế xã hội trong vài thập niên tới.