Xây cảng biển ở mũi Kê Gà là hạ sách
Địa lý không thích hợp Khi xây dựng cảng, các chuyên gia phải tính sao để tổng chi phí vận tải là ít nhất, gồm chi phí vận tải hàng từ nhà máy đến cảng, xếp hàng từ cảng xuống tàu và chi phí vận tải biển. Trong các chi phí trên thì chi phí để hình thành một cảng thích hợp là chi phí lớn nhất. Để có một cảng an toàn và đủ độ sâu cho tàu lớn là không đơn giản và vô cùng tốn kém. Con người cần sử dụng các điều kiện thiên nhiên để giảm chi phí xây dựng. Ở miền Trung, các vịnh sâu và kín sóng gió phải có cửa vịnh quay về hướng nam và không có dòng sông lớn đổ vào vịnh. Tại mũi Kê Gà hoàn toàn không có những yếu tố trên, nên buộc phải làm các đê chắn cát và sóng nhân tạo. Hạ sách Khu vực này có tên địa phương là Khe Gà. Nhưng vì phiên âm sang tiếng Anh, người ta viết tắt Ke Ga, nên người Việt gọi là Kê Gà. Trong tài liệu “Tình hình một số yếu tố khí tượng hải dương vùng biển Việt Nam và lân cận” của phòng Bảo đảm hàng hải – Bộ Tư lệnh Hải quân, xuất bản năm 1985, có đoạn: “Riêng vùng ven bờ Thuận Hải đến Vũng Tàu, cần chú ý đến dòng biển có vận tốc khá lớn (có khi tới 31 hải lý/giờ) trong một dải khá hẹp ép sát bờ biển vùng mũi Kê Gà. Hướng của dòng biển ở đây chia thành hai mùa rõ rệt: Mùa gió đông bắc chảy về hướng tây nam, mùa gió tây nam chảy về đông bắc”. Vùng bờ biển Kê Gà có đường bờ theo hướng từ đông bắc xuống tây nam, nên không chỉ hứng gió đông bắc, mà còn hứng cả gió tây nam. Chính yếu tố này gây rất nhiều khó khăn khi xây dựng cảng tại mũi Kê Gà. Còn tốc độ dòng chảy tại mũi Kê Gà, như sách của hải quân hướng dẫn thì đó là vùng nguy hiểm khi điều động quay trở con tàu dù xuôi hay ngược nước, với tốc độ dòng chảy trên là rất khó thả neo và tàu dễ bị trôi neo. Vì vậy, chưa thấy tàu nào dám neo ở Kê Gà trong suốt thời gian qua. Chỉ có những người thiếu thực tế thì không quan tâm đến những yếu tố này. Dòng chảy bắc nam rất mạnh và nguy hiểm tại mũi Kê Gà. Do đó hải đăng tại mũi Kê Gà không những giúp xác định vị trí đổi hướng mà còn lưu ý tàu thuyền cần tránh xa mũi Kê Gà khi đi từ nam lên bắc để tránh dòng nước ngược, còn khi đi từ bắc xuống nam thì cần tránh dòng chảy đẩy vào bờ và tàu dễ bị mắc cạn. Trong trường hợp cương quyết xây dựng cảng Kê Gà thì buộc phải xây dựng đê chắn sóng để chống dòng ngầm bắc nam, gió đông bắc và cả gió tây nam. Hơn nữa vùng neo của tàu khi chờ đón hoa tiêu là không đơn giản. Chắc chắn chi phí xây đê chắn sóng để thay đổi môi trường biển là vô cùng lớn. Đó là chưa tính đến vùng đáy biển định làm cảng mà có nhiều đá thì vô phương cứu vãn. Rõ ràng, việc xây dựng cảng Kê Gà là một cuộc phiêu lưu lớn. Đông Anh ghi