Nguyên nhân họa ngập do mưa lớn và triều cường ở Tp Hồ Chí Minh
Vậy đâu là nguyên nhân ?
Nguyên nhân ngập do mưa :
Ngày 17/6/2020 Liên hiệp Hội Khoa học Kỹ Thuật Tp HCM tổ chức lắng nghe ý kiến của giới trí thức Tp HCM trong việc xây dựng Tp HCM.
Trong cuộc họp trên có một vị lên diển đàn ca ngợi sự đóng góp của vị đó trong Quy hoạch khu Phú Mỹ Hưng.
Trong cuộc họp trên cũng có vị đề nghị đầu tư xây dựng hệ thống ngăn triều vào Tp HCM.
Tại cuộc họp trên, tôi nêu rõ những quan điểm sau :
Để một xã hội tồn tại, mọi người đều phải sản xuất hay làm dịch vụ. Sản xuất hay làm dịch vụ đều dựa vào 3 yếu tố : Sức lao động; Tài nguyên thiên nhiên; Tài nguyên trí tuệ. Xưa thời Pháp và Mỹ, họ sử dụng tài nguyên cảng biển tại Quận 4. Như vậy cảng biển buộc phải nằm ở đường vành đai của Tp HCM. Chính vì lý do trên, Thời Pháp và Mỹ họ không đô thị hóa Quận 4, Quận Nhà Bè… và coi khu vực vực này là đường thoát nước mưa của Tp HCM.
Bản quy hoạch khu Phú Mỹ Hưng rất đẹp, nhưng lại đặt tại Quận Nhà Bè. Tp HCM có mặt bằng nghiêng từ Tây sang Đông, từ Tây Bắc xuống Đông Nam. Khi xây dựng đường Nguyễn Văn Linh như xây dựng con đê bao bọc Tp HCM và bê tông khu Phú Mỹ Hưng tất yếu gây ra ngập vùng thường lưu khi có mưa lớn. Như vậy khu đô thị Phú Mỹ Hưng đem lại nhiều lợi cho các nhà đầu tư nhưng sự tổn hại do ngập khi mưa là nhân dân Tp HCM. Ở đây ta chưa nói đến việc biến nhiều ao hồ trong nội thành Sài Gòn xưa thành khu dân cư. Khi nhỏ, năm 1952-1953, tôi đứng tại đường Điện Biên Phủ – tên gọi hôm nay – ngã ba với đường Nguyễn Thiệt Thuật, là thấy cả một vùng bưng biền ngập nước trong đó có hồ Kỳ Hòa. Nhưng nay vùng này đã bị bê tông hóa thành khu dân cư.
Nguyên nhân ngập do triều cường :
Giữa thập niên 1990, vị Giáo sư TKT từ Pháp về kêu gọi mở luồng sông Soài Rạp để xây dựng cảng Hiệp Phước. Với tư duy trên, Tp HCM bõ cảng Sài Gòn, đô thị hóa Quận 4, xây dựng khu Phú Mỹ Hưng. Một lần tình cờ , ông Nguyễn Hải – vốn là Thành ủy viên Tp Hải Phòng, quê Kỳ Hà , Quảng Nam-đưa tôi đến gặp ông Vũ Ngọc Hoàng, đang lảnh đạo tỉnh Quảng Nam vào làm việc tại Tp HCM và đang ở khách sạn tại quận Tân Bình. Trong buổi gặp trên còn có một vị khách lạ đã đến trước và đang ngồi với ông Vũ Ngọc Hoàng. Gặp nhau, tôi đã nói thẵng với ông Vũ Ngọc Hoàng rằng tư duy xây dựng cảng Kỳ Hà , cũng như tư duy mở luồng Soài Rạp của ông Giáo sư TKT sẽ thất bại và chỉ góp phần đưa đất nước đến sự lụn bại. Khi đó ông Vũ Ngọc Hoàng đạp chân tôi và nói nhỏ :
– Ông khách đang ngồi là Giáo sư TKT.
Sau đó, ông Vũ Ngọc Hoàng tiển chúng tôi ra về đến bãi xe gắn máy và tôi đã nói hết sự sai lầm của Giáo sư TKT. Thời gian đã chứng minh những ý kiến trên là đúng.
Vì sao tôi có thể khẵng định như vậy ?
Thời Pháp, người Pháp rất hiểu bờ biển Việt Nam nên đưa ra nguyên tắc đặc biệt để tổ chức luồng tàu biển vào cảng Sài Gòn. Đó là tàu biển phải theo cửa phụ và luồng phụ để vào dòng sông chính. Không sử dụng cửa sông chính cho tàu biển ra vào cảng, đó là nguyên tắc được ứng dụng cho cảng Sài Gòn và cả cảng Hải Phòng. Ông Giáo sư TKT đã đi ngược lại quy luật tự nhiên, sử dụng cửa sông chính là cửa Soài Rạp để đưa tàu biển vào cảng Hiệp Phước giống như ý tưởng sử dụng cảng Kỳ Hà ở Quảng Nam.Sông Trường Giang từ Thăng Bình chảy về và ra biển tại Kỳ Hà. Dòng sông Trường Giang mang theo nhiều phù sa nên không thể nạo vét để hình thành cảng biển nước sâu Kỳ Hà.
Về phía những người cộng sản lảnh đạo Tp HCM không ý thức được giá trị tài nguyên trong xây dựng đất nước. Vì học thuyết Mác- Lê chỉ quan tâm đến sức lao động của người công nhân mà không quan tâm đến Tài nguyên thiên nhiên và Tài nguyên trí tuệ. Vì vậy lảnh đạo Tp HCm nhanh chóng loại bõ cảng Sài Gòn, đô thị hóa Quận 4 và nhờ vậy hệ thống cảng Thị Vãi Cái Mép được phát triển. Những chuyên gia tư vấn về phát triển cảng cũng mắc sai lầm trong nhận thức về xu thế phát triển cảng trên thế giới. Trong kinh doanh cảng, yếu tố tự nhiên là yếu tố cốt lõi. Yếu tố tự nhiên bao gồm đầu mối giao thông và độ sâu tự nhiên của cảng cần sử dụng.
Cảng Sài Gòn là đầu mối giao thông tự nhiên giữa miền Tây và miền Đông, giữa Tây Nguyên với miền Tây. Từ miền Tây, miền Đông và Tây nguyên ra biển bằng cảng Sài Gòn thì thuận lợi nhất.
Độ sâu luồng và tại cảng Sài Gòn là độ sâu tự nhiên .
Yếu tố vĩ mô của Sài gòn trong kết nối các vùng kinh tế và yếu tố vi mô về độ sâu tự nhiên của luồng và vùng nước cảng đã đưa Sài Gòn xưa vốn là bến nghé trở thành thành phố lớn nhất Việt Nam.
Nay xây dựng cảng ở Thị Vãi Cái Mép, luồng tàu sông từ miền Tây phải cắt ngang qua sông Lòng Tàu. Sự bất tiện trên đã đẩy giao thông bộ chở hàng từ miền Tây về cảng Cái Mép Thị Vãi. Điều đó đi ngược lại thế mạnh vận tải sông của ĐBSCL.
Song điều quan trong hơn và lâu dài hơn là cảng Thị Vãi Cái Mép không thể cạnh tranh với cảng Singapore..Hệ thống cảng biển của Việt Nam lại tiếp tục là cảng vệ tinh gom hàng cho Singapore và Hồng Kong.
Để nâng cấp luồng Soài Rạp và luồng vào cảng Cái Mép Thị Vãi việc nạo vét luồng phải thực hiện. Tàu biển muốn vào cảng Cái Mép Thị Vãi hay sông Lòng Tàu hay sông Soài Rạp đều phải qua phao số 0 – là cửa của vịnh Gành Ráy. Chính việc nạo vét từ phao số 0 mở rộng luồng vào cảng Cái Mép Thị Vãi đã đưa luồng triều tiếp cận sâu vào thượng nguồn sông Đồng Nai. Dòng triểu lại được tiếp ứng bằng việc nạo vét sông Soài Rạp nên càng đi sâu vào nội thị Tp HCM. Đây là nguyên nhân cơ bản cho sự ảnh hưởng triều cường ở các vùng dân cư Tp HCM.
Xin giải thích thêm đôi lời vì sao nạo vét cửa sông thì bị thủy triều xâm nhập mạnh vào nội thủy ?
Vũng tàu là vùng bờ biển có thủy triều cao nhất so với cả vùng bờ biển Nam bộ và Trung Bộ. Biên độ đạt đến 5 m. Trong khoa học thủy lợi, từ công thức tính lưu lượng Xê-di cho dòng chảy qua kênh, tác giả viết tài liệu này tin rằng lưu lượng sẽ tăng và giảm theo lủy thừa bậc 2 khi thay đổi cao độ dòng chảy h.
Ví dụ khi mở luồng mới như luồng kênh Quan Chánh Bố . Cao độ ban đầu là : 0. Khi nạo sâu 1 m thì lưu lượng là V. Khi giảm 2 m độ sâu ở cửa sông thì lượng nước triều xâm nhập vào nội thủy tăng lên 4 lần V. Khi giảm độ sâu 3 m, lưu lượng nước triều xâm nhập tăng 9 lần V.
Với việc nạo vét luồng đã có như tại phao số 0 từ biển vào vịnh Gành Ráy -Vũng Tàu và cửa sông Soài Rạp thì lượng nước triều tăng vào nội thủy có thể tính như sau : Ví dụ độ sâu ban đầu tự nhiên của luồng là 7 m, nay cần nạo vét sâu thêm để có cốt luồng 8 m thì lượng nước triều xâm nhập vào nội thủy tăng 15% , nếu nạo vét để có cốt luồng 9 m thì tỷ lệ nước triều vào nội thủy sẽ tăng thêm 32 %. Như vậy để tăng 1 m độ sâu của luồng, con người phải chấp nhận tăng thêm 15 % lượng nước biển vào nội thủy. Đây là nguyên nhân chính của họa thủy triều tại Tp HCM.
Với phương pháp tính như trên, việc mở luồng kênh Quan Chánh Bố sẽ gây nhiểm mặn nặng nề cho ĐBSCL. Vì nguyên lý này, khi nghiên cứu cảng Trần Đề cho ĐBSCL, chúng tôi giữ nguyên tắc là không được phép tác động thay đổi cốt luồng ngay cửa sông Trần Đề. Rất tiếc, những nhận thức về học thuật này rất ít được quan tâm của các chuyên gia khi đưa ra các dự án liên đới đến các cửa sông có biên độ thủy triều cao.
Xưa, thời Pháp và Mỹ đã sử dụng luồng tàu hoàn toàn tự nhiên. Cảng Nhà Bè có thể tiếp nhận tàu 3,5 vạn tấn đầy tải. Cảng Sài Gòn có thể tiếp nhận cảng 3 vạn tấn đầy tải. Sau trên 20 năm xây dựng cảng Hiệp Phước và Thị Vãi Cái Mép, cảng kinh doanh có hiệu quả nhất tại Nam Bộ lại là cảng Cát Lái nằm ở gần vành đai của Tp HCM. Có nghĩa là cảng Cát Lái vẩn tiếp tục hưởng vai trò Tài nguyên địa lý vĩ mô của Sài Gòn xưa và có độ sâu 12.5 m tương đương cảng Sài Gòn. Cảng Cát lái thật ra cũng chỉ là cảng vệ tinh cho cảng Singapore và Hồng Kong.
Cả hệ thống quản lý cảng Việt Nam đã sa lầy trong quy hoạch cảng. Vòng xoáy trên không chỉ đem lại sự tổn hại trong kinh doanh cảng mà còn hệ lụy nhiều đến hoạt động của cả xã hội như tai nạn và ùn tắc trong giao thông và sự ngập úng khi mưa lớn và triều cường.
Sự việc trên nên có sự nghiên cứu sâu hơn để có bài học cho các thế hệ sau. Giới trí thức, dù có bằng cấp cao ở nước ngoài, cần hết sức thận trọng khi đề xuất với chính quyền các dự án cụ thể. Học thuật, ở đây không chỉ cần chuyên môn sâu mà cần cả sự am hiểu bằng trãi nghiệm thực tế tự nhiên của địa phương. Song điều quan trọng hơn để có sự chọn lựa tối ưu là đối thoại. Với những kẻ đưa ra dự án để kiếm tiền thì phải cảnh giác và miển bàn. Nhưng với ý kiến từ các nhận thức khác nhau cũng cần được đối thoại.
Xin kết luận bằng lời của nhà triết học Voltaire (1694-1778):
“Tôi hoàn toàn không đồng ý với anh, nhưng tôi sẵn sàng hy sinh tính mạng để bênh vực quyền tự do phát biểu ý kiến của anh “ ( Câu chuyện Triết học- Will Drant- NXB Thời Đại- Hồng Đức, trg 206 ).
KS Doãn Mạnh Dũng