Độc lập, tự do và phát triển-Vũ Ngọc Hoàng
Sau này được nghe bà nội, cha tôi và những người lớn kể lại là ngày đó vui như ngày tết. Tưng bừng và khí thế. Mọi người ai cũng vui mừng và tự hào về nước mình độc lập. Ai cũng cảm thấy lớn lên, tự tin, trách nhiệm và mạnh mẽ hơn. Tinh thần “vì nhân dân quên mình” đã lan ra rộng khắp trong cán bộ và thanh niên.
Một nhà văn nổi tiếng còn kể lại cho tôi nghe là ngày đó tại Hội An Quảng Nam ông đã nhìn thấy một chị cán bộ mặc quần sột, đeo súng ngắn, cởi ngựa, trông oai lắm. Đó là lần đầu tiên ông thấy Việt Minh. Đi dự nghe những cuộc tranh luận giữa Nhóm Marx-xit với các Nhóm khác, ông thích lắm dù chưa hiểu gì nhiều. Và ông nói thêm “bao giờ cho đến ngày xưa”!
Bà nội là người đầu tiên nói cho tôi nghe đó là ngày Tết Độc Lập. Khi còn nhỏ tôi chưa hiểu Tết Độc Lập là gì, nhưng nghe nói tết thì thấy vui rồi. Bà tôi bảo đừng nói lại với ai “Ngày 2/9 là Tết Độc Lập”, vì nói vậy sợ Chính quyền (Sài Gòn) phạt. Ngày đó tôi sống ở Miền Nam với bà nội, cha mẹ lên chiến khu đi kháng chiến vệ quốc và đấu tranh cho thống nhất nước nhà. Sau ngày thống nhất đất nước 1975, năm nào cũng vậy, cứ đến ngày Tết Độc Lập thì cha tôi bảo các con phải về bên ông, cùng ăn với nhau một bửa cơm gia đình. Những lúc đó tôi thấy ông rất vui và hay kể chuyện về Ngày 2.9.1945.
Trước khi qua đời, vào lúc hấp hối, nội khoát tay bảo mọi người ra ngoài, chỉ giữ lại mình tôi. Bà nắm tay tôi và nói “ Tên nước của ta là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, thủ đô là Hà Nội, lãnh tụ là Hồ Chí Minh. Bà mất rồi con nhớ lên núi tìm ba mẹ của con ở bên đó”. Nói xong câu ấy thì bà tắt thở. Đó là lời trăn trối của nội tôi – một bà mẹ Việt Nam anh hùng liệt sĩ. Từ đó tôi bắt đầu biết thêm về cái tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hà Nội là thủ đô, Hồ Chí Minh là lãnh tụ. Về sau tôi đã nhiều lần tìm hiểu những chuyện liên quan đến cuộc Cách mạng tháng tám và ngày Tết Độc Lập của dân tộc.
Tên nước có chữ dân chủ. Dân chủ Cộng hòa. Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam có tên như vậy. Chân phương và dễ hiểu. Sau này đổi tên thành Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Vẫn Cộng hòa, chỉ có khác là chữ XHCN thay cho chữ dân chủ. Tên có khác nhưng bản chất không thay đổi – chúng tôi đã được nghe giải thích như vậy. Theo tinh thần đó, thì XHCN tức là dân chủ. Đặc trưng quan trọng nhất phải là dân chủ. Nước XHCN phải là một nước dân chủ, mà phải là dân chủ bậc cao. Trước sau gì cũng phải mục tiêu đó. Nước ta là nước dân chủ. Nhân dân là người chủ của đất nước. Hồ Chí Minh đã nói thế. Mọi quyền lực thuộc về nhân dân. Nhà nước là của dân, có trách nhiệm bảo vệ và phục vụ nhân dân. Dân ủy quyền cho nhà nước và cán bộ nhà nước đứng ra quản lý đất nước và xã hội. Dân ủy quyền và không mất quyền. Khi mất lòng tin thì thu quyền lại và chọn người khác để ủy quyền. Lý thuyết là vậy. Thực tế cũng phải là vậy. Chưa được vậy thì phải quyết làm cho được vậy. Phải thủy chung son sắt với tinh thần bất diệt của cuộc cách mạng mà cha ông ta đã ngã xuống. Đó là lời thề thiêng liêng với non sông và các anh hùng liệt sĩ. Trước khi từ biệt cỏi đời, trong di chúc của mình, Hồ Chí Minh căn dặn một lần nữa là phải “thực thi dân chủ rộng rãi” trong Đảng và trong xã hội. Thực thi chứ không phải lời nói hay khẩu hiệu. Người còn nhắc, chỗ dựa của Đảng và Nhà nước là nhân dân vĩ đại. Dân chủ là cách tốt nhất để giữ nước và phát triển bền vững. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Mất dân chủ là sự bội ước với lời thề thiêng liêng của cuộc cách mạng và phản lại bản chất của nhà nước mà Tuyên ngôn Độc lập đã khẳng định. Dân chủ là tên nước và mệnh lệnh của cuộc sống. Mất dân chủ thực chất cũng là thúc đẩy sự bất bình của dân chúng và tạo cơ hội cho lực lượng chống đối cực đoan. Để thực thi dân chủ thì các cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm giải trình và bảo đảm sự minh bạch về thông tin.
Mục tiêu dân chủ đã nêu ra từ ngày đầu lập nước. Đối với Đảng Cộng sản thì mục tiêu dân chủ còn được nêu ra 15 năm trước đó – khi thành lập Đảng. Vậy mà mãi đến nay ta vẫn chưa hoàn thành mục tiêu trở thành một nước dân chủ. Nguyên nhân nào đã làm cho bước tiến về sau bị chậm lại? Phải chăng là do sự tha hóa của bản thân quyền lực, chưa chọn được một đội ngũ cán bộ đủ tầm cao và độ chín về văn hóa như thời bác Hồ đã chọn, chưa có đủ thể chế để kiểm soát quyền lực và thực thi dân chủ, nhiều vấn đề khoa học đã bị chính trị hóa làm cho khoa học không còn là cơ sở chắc chắn cho các quyết sách ứng xử, chậm đổi mới và cải cách dù đường lối đã nêu ra.
Tên nước còn có chữ Cộng hòa. Nền cộng hòa nào đúng bản chất thì cũng đều phải gắn với nhà nước pháp quyền. Luật pháp phải có quyền uy tối thượng, chứ không phải cá nhân ai hay một tập thể nhỏ nào được đứng trên luật pháp. Nhưng pháp quyền ấy là của ai? Ngày xưa ở phương đông nếu tôi không nhớ nhầm thì Tần Thủy Hoàng đã nói đến pháp quyền của nhà nước. Nhưng đó là nhà nước của vua, chứ không phải của dân. Dân là “thần dân”, dân của vua, chứ không phải dân là chủ của nước như Hồ Chí Minh đã tuyên bố. Vậy nên pháp quyền nói ở đây là pháp quyền của dân quyền. Dân phải thật sự làm chủ đất nước. Quyền lập hiến thuộc về nhân dân. Dân có quyền tham chính. Pháp luật phải bảo vệ các quyền và lợi ích của người dân. Dân cử ra Quốc hội và người đứng đầu quốc gia để thi hành hiến pháp, ban hành các luật tuân theo hiến pháp ấy để thực thi. Trong đó phải xây dựng một nhà nước với thể chế bảo đảm dân chủ thật sự và có biện pháp kiểm soát quyền lực chặt chẽ để không ai có thể lợi dụng cho mục đích có hại đối với quyền lợi quốc gia, trong đó có việc phân quyền độc lập tương đối và có kiểm soát lẫn nhau cho các nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp – cái mà ngày nay nhiều người vẫn gọi là “Tam quyền phân lập”.
Gắn với tên của nước Việt Nam ngày ấy còn có tiêu đề Độc lập, tự do và hạnh phúc. Độc lập dân tộc là mong ước nghìn đời của các thế hệ người Việt Nam từ thuở Vua Hùng và Bà Trưng, Bà Triệu. Vì nền độc lập của nước nhà mà các anh hùng dân tộc đã đứng lên cứu nước như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung…Chiến đấu kiên cường, anh dũng để giành và giữ nền độc lập cho dân tộc là nhiệm vụ thiêng liêng của các thế hệ người việt Nam.
Nhưng nếu nước độc lập mà nhân dân không được hưởng tự do và hạnh phúc thì độc lập cũng chưa có nghĩa lý gì. Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày đó đã khẳng định quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc của nhân dân. Đó là tư tưởng tiến bộ từ Phương Tây và cũng là tư tưởng chính thống của Hồ Chí Minh. Chân lý ấy sẽ trường tồn. Nước dân chủ thì dân phải được tự do. Dân chủ và tự do tuy hai mà một. Không thể dân chủ mà mất tự do. Không thể tự do mà không dân chủ. Độc lập là để có tự do và hạnh phúc. Tự do và hạnh phúc là mục đích của độc lập. Tự do mang giá trị vĩnh hằng đối với cuộc sống của con người. Sau khi được sống, con người trước hết là cần tự do. Tự do mang lại hạnh phúc. Con người hạnh phúc nhất khi được tự do. Tự do là để được sống theo đúng nghĩa của từ ấy. Sống mà không được tự do thì chưa phải là sống. Để có tự do và hạnh phúc thì dân tộc và đất nước phải phát triển, không thể có con đường khác thay thế. Mọi sự phát triển đều do con người tạo ra. Tự do mới có thể và là động lực quan trọng nhất để phát triển bền vững. Tự do sẽ giải phóng năng lực của con người khỏi mọi sự kìm hảm – nhân tố quyết định sự phát triển, đồng thời cũng là mục đích của sự phát triển vì con người. Tự do đem lại sự phát triển của con người. Con người làm nên sự phát triển của đất nước. Và đến lượt nó, sự phát triển sẽ đem lại tự do lớn hơn cho con người.
Dân tộc ta trong lịch sử đã nhiều lần mất độc lập và mất nước, thậm chí rất dài đến cả ngàn năm. Mất nền độc lập cũng là mất nước. Nguyên nhân chủ yếu của việc mất nước đó không phải do nước ta nhỏ, càng không phải do nước ta thiếu anh hùng, mà là do ta không phát triển, bị lạc hậu không đủ sức tự vệ. Cụ Phan Chu Trinh từ lâu đã nói điều này. Mất nước rồi, bị nô lệ rồi, bằng sự anh hùng và máu xương ông cha ta đã giành lại nước. Giành lại được nước rồi nhưng vẫn không phát triển và lại mất nước thêm lần nữa, vì nguyên nhân chính chưa được khắc phục. Cứ thế, lặp đi lặp lại nhiều lần. Phát triển không chỉ là yêu cầu tiến lên mà còn là yêu cầu tất yếu để tồn tại của một dân tộc và quốc gia độc lập, văn hiến.
Tuyên ngôn độc lập đã ba phần tư thế kỷ rồi, nhưng mãi tới nay nền độc lập của nước nhà vẫn chưa thể đã hoàn toàn yên tâm vững chắc. Tình hình Biển Đông và thái độ của nhà cầm quyền Phương Bắc đã nhắc ta phải luôn cảnh giác. Ngay cả việc lệ thuộc một số mặt về kinh tế cũng không thể chủ quan. Chính trị là biểu hiện tập trung của kinh tế. Trong thời đại ngày nay, hoàn toàn có thể một quốc gia nào đó bị mất độc lập không nhất thiết phải bằng thua-thắng của một cuộc chiến tranh quân sự, mà có khi chỉ bằng sự thua thiệt trong cạnh tranh kinh tế.
Có ý kiến cho rằng, ngày xưa nước ta đã bị mất nước và bị nô lệ một nghìn năm nhưng dân tộc ta vẫn không bị đồng hóa. Trong khi rất nhiều dân tộc khác khi bị nô lệ trực tiếp hơn 200 năm liên tục thì bị đồng hóa về căn bản. Nhân loại chỉ có vài ba nước có sức sống kỳ dịêu như Việt Nam. Một dân tộc bất diệt và trường tồn. Không có sức mạnh nào hủy diệt hoặc đồng hóa được. Vậy thì ngày nay nước ta đã mạnh hơn rất nhiều so với thuở lạc hậu xa xưa, chẳng có gì phải sợ người khác có thể đồng hóa Việt Nam. Tự tin là cần thiết nhưng mất cảnh giác thì lại nguy hiểm.
Lý lẽ nói trên mới nghe qua cảm thấy đúng, nhưng thực ra là sự chủ quan có thể dẫn đến lâm nguy đối với cơ đồ. Trong lịch sử, lãnh đạo nước ta của các thời kỳ trước kia đã từng không ít lần chủ quan, mất cảnh giác, cả tin mà phải trả giá rất đắt, bị lâm vào thế trận của Phương Bắc và kể cả bị mất nước. Ngày nay và thuở trước điều kiện rất khác nhau kể cả thời cơ và nguy cơ trong công cuộc giữ nước. Thời cha ông ta chống xâm lược phong kiến phương Bắc, cả họ và ta đang cùng một nền văn minh xét về mặt kỹ thuật. Sau mấy chục năm qua giữa họ và ta đã kéo dài khoảng cách. Bây giờ họ đã tự tạo ra được những phương tiện chiến tranh hiện đại và nguồn tài chính lớn mà nước ta chưa làm được. Điều kiện di cư, nhập cư, định cư cũng rất khác trước. Các phương tiện duy chuyển người hàng loạt cũng khác hẳn ngày xưa. Chỉ sau vài tiếng đồng hồ là có thể duy chuyển rất nhiều người từ nước này sang nước khác. Với một nước rất đông người, chỉ cần một tỷ lệ nhỏ cũng đủ tràn ngập lãnh thổ của những nước nhỏ hẹp về không gian. Cộng đồng người sẽ quyết định văn hóa và ngôn ngữ. Sự thay đổi văn hóa và ngôn ngữ có ý nghĩa quyết định đối với việc bị đồng hóa hay không bị đồng hóa.
Điểm lại các vấn đề có tính mục tiêu chiến lược về dân chủ, cộng hòa, độc lập, tự do và hạnh phúc đã đặt ra từ cuộc Cách mạng và Quốc Khánh của Mùa Thu năm đó để không quên, không xa rời mục tiêu chiến đấu của cả dân tộc. Đó là những vấn đề cốt lõi, được nói đến từ lâu, tưởng như đã cũ rồi, nhưng vẫn còn nguyên đó tính thời sự, vừa chiến lược, vừa mang tính khẩn trương cấp bách. So với 75 năm trước, bây giờ đất nước đã có một bước tiến rất đáng kể trên nhiều mặt. Tuy nhiên, các mục tiêu nêu ra ngày đó đến nay vẫn chưa xong, mà còn phải phấn đấu rất nhiều nữa, cho hôm nay và cho mai sau. Trong di chúc trước lúc ra đi, Bác Hồ còn dặn lại phải tổ chức tốt cuộc chiến đấu khổng lồ để chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra cái mới mẻ tốt tươi. Tôi hiểu và nghĩ rằng đó phải là một công cuộc đổi mới, cải cách lớn lao và căn bản.
Nhân kỷ niệm lần thứ 75 ngày Quốc Khánh nước nhà, tôi xin thắp một nén hương lên bàn thờ các anh hùng liệt sĩ và xin ghi lại những lời này để chuyển đến bạn bè, người thân và bạn đọc cùng suy ngẫm ./.
Quảng Nam ngày 30 tháng 8 năm 2020