Nên cân nhắc lại việc xây dựng thành phố Thủ Đức
Sài Gòn phát triển thành một thành phố lớn nhất nước nhờ có cảng Sài Gòn. Chính quyền thời Pháp và thời Việt Nam Cộng hòa đã không đô thị hóa Quận 4. Họ coi đây là vùng ngoại thành và cảng Sài Gòn nằm trên đường vành đai ngoài cùng của thành phố Sài Gòn. Khi đất nước mở cửa, vì sự hấp dẩn của bất động sản với chi phí đầu tư thấp, quận 4 đã nhanh chóng bị đô thị hóa. Vì vậy tình trạng kẹt xe đã buộc chính quyền Tp HCM đưa ra giải pháp đóng cửa cảng Sài Gòn. Sau chủ trương trên, cảng Cát Lái hình thành và phát triển. Vì đặc điểm tự nhiên, luồng xe đường bộ từ Tp HCM đi Biên Hòa hay đi Bình Dương gặp luồng xe công-tai-nơ cũng từ cảng Cát Lái đi BÌnh Dương hay Biên Hòa trên quốc lộ 1 từ Ngã ba Cát Lái đến cầu Đồng Nai. Để khắc phục tình trạng trên, Hội Biển Tp HCM đã từng đưa ra giải pháp xây đường cao tốc từ cảng Cát Lái đến đường cao tốc ở ngã tư Thủ đức.
Gần đây chính quyền Tp HCM đề nghị Chính phủ cho phép xây dựng thành phố Thủ Đức bao gồm quận 2, quận 9, quận Thủ Đức và trung tâm đô thị đặt tại Quận 2 là quận đang có cảng Cát Lái. Với kế hoạch trên, toàn bộ hậu cứ cảng Cát Lái sẽ bị đô thị hóa. Nên nhớ rằng, xung quanh cảng còn có rất nhiều kho hàng, hệ thống dịch vụ hậu cần cho cảng. Chắc chắn số phận của cảng Cát Lái trong tương lai không khác số phận cảng Sài Gòn hôm nay.
Chuyện đô thị hóa dân cư quanh khu vực cảng luôn luôn mang xu thế của thị trường. Vì người làm việc tại cảng cần thời gian di chuyển từ nhà đến nơi làm việc là ít nhất. Nhưng trách nhiệm của chính quyền đô thị là cần phải cân đối giữa lợi ích của xã hội và lợi ích của thị dân.
Chuyện những tòa nhà cao ốc tập trung dày đặc tại Tân Cảng xưa đã làm người Sài Gòn lo lắng trạng thái kẹt xe cục bộ tại chân cầu Sài Gòn khi các tòa nhà trên tiếp nhận đầy đủ dân cư.
Vụ nổ ở cảng Beirut , Lebano ngày 4/8/2020 đã cảnh báo với loài người việc đô thị hóa dân cư khu vực cảng biển là một rủi ro không lường trước với nhân loại.
Trong tư duy phát triển kinh tế của xã hội, chúng ta phải dựa vào ba loại Tài nguyên theo thứ tự : Tài nguyên sức lao động cơ bắp, Tài nguyên thiên nhiên và Tài nguyên trí tuệ. Trong thứ tự trên Tài nguyên thiên nhiên đem lại nhiều lợi nhuận hơn Tài nguyên sức lao động. Còn Tài nguyên Trí tuệ đem lại nhiều lợi nhuận hơn Tài nguyên thiên nhiên. Vì vậy việc bảo vệ Tài nguyên cảng tại Cát Lái là một việc lớn cần quan tâm và tránh chỉ thấy đất tạo nên đô thị cho lợi ích trước mắt. Hiểu được những tác động của sự việc trên, đòi hỏi ở những nhà chuyên môn có chuyên môn sâu và có trách nhiệm với xã hội.
Việt Nam đã có quá nhiều bài học thiếu tầm nhìn trong quy hoạch. Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh nên tổ chức đối thoại để có thể đưa ra những giải pháp cụ thể không hối tiếc.
KS Doãn Mạnh Dũng