Năm mâu thuẩn cơ bản hiện nay của xã hội Việt Nam, nguyên nhân và giải pháp
Dẫn nhập
Thế giới hôm nay là thế giới của các quốc gia liên kết và phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, ảnh hưởng lẫn nhau về chính trị và văn hóa. Mỗi cá nhân chỉ thành công khi biết hợp tác và làm việc nhóm. Mỗi dân tộc cũng chỉ thành công khi biết hợp tác quốc tế và tiếp thu tinh hoa của các quốc gia khác. Nền kinh tế hàng hóa đang chuyển dần sang nền kinh tế trí thức. Với thành tựu của tin học, hàm lượng trí tuệ ngày càng chiếm nhiều hơn so với hàm lượng vật chất trong hàng hóa hay dịch vụ. Quá trình khai thác thiên nhiên cũng tạo sự ấm dần của khí hậu mang tính toàn cầu gây nguy hiểm cho loài người, nên cả thế giới không chỉ hợp tác với nhau trong làm ăn mà còn hợp tác với nhau để bảo vệ trái đất này. Tình yêu của con người không còn giới hạn trong phạm vi lòng yêu nước, yêu quốc gia nơi mình sinh ra và cùng ngôn ngữ, mà tình yêu con người và con người đang vượt qua biên giới cứng của quốc gia, mở rộng hơn đến đồng loại, dù ở hòn đảo nhỏ giữa biển khơi hay góc núi xa xôi trên trái đất. Lòng nhân ái và khoan dung của con người ngày càng được ngợi ca và trân trọng trong nền văn minh của thế kỷ XXI. Đó là thời đại tuyệt vời mà chúng ta đang được sống. Tiếc thay trong thời đại đó ngưòi dân Việt Nam vẫn loay hoay với nhiều khó khăn do chính mình tạo ra, con người vẩn sống quá kham khổ, quá gian truân.
Cách đây hai ngày, hôm 31/7/2010, tại sân bay Tân Sơn Nhất, tôi gặp một đoàn bạn trẻ đi xuất khẩu lao động tại Malaysia. Hỏi kỹ, mới biết các em chỉ học hết lớp 5, quê ở Quảng Bình, tuổi 18 nhưng người nhỏ bé vì thiếu dinh dưỡng. Phải chăng chúng ta tiến hành một cuộc kháng chiến trường kỳ, mất mát 3 triệu con người và bị thương 10 triệu dân để hôm nay đi làm nông dân cho các nước láng giềng nhằm mưu cầu hạnh phúc?
Để mưu cầu hạnh phúc, trước hết dân tộc đó phải có độc lập. Sau khi có độc lập, cộng đồng dân tộc đó muốn mưu cầu hạnh phúc thì phải lao động sản xuất hay làm dịch vụ. Nhân dân Mỹ đã từng nổi dậy chiến đấu giành độc lập từ nước Anh. Người Việt Nam cũng vậy, vì vậy nhiều thế hệ người Việt đã đứng dậy giành độc lập cho đất nước. Người Mỹ tự hào về một thế hệ yêu nước đã giành độc lập cho nước Mỹ. Người Việt Nam cũng tự hào về những thế hệ đã chấp nhận hy sinh tất cả vì độc lập và thống nhất đất nước.
Sức mạnh lớn nhất của người Việt là lòng yêu nước. Sức mạnh của lòng yêu nước lại được lãng mạn hóa với giấc mơ hạnh phúc của loài người: “Làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu”. Chính sự lãng mạn này đã nhân thêm sức mạnh, làm nên các chiến thắng quân sự mà loài người khó tưởng tượng.
Nhưng sau 35 năm kiến quốc, giấc mơ lãng mạn một xã hội tốt đẹp như trên ngày càng xa vời và bị thay thế dần bằng một xã hội mà chính các đại công thần tham gia việc sinh ra và dựng nên cũng phải thất vọng, đừng nói đến lòng dân hay bạn bè chân chính trên thế giới. Xã hội tích tụ ngày càng nhiều kẻ biếng nhác hơn, nói dối nhiều hơn, nói một đằng làm một nẻo. Con người làm giàu bằng bàn tay và trí tuệ sáng tạo thì ít mà chủ yếu bằng con đường quyền lực của quan chức hoặc gắn bó với các quan chức để chiếm hữu các nguồn lực dành cho sản xuất, dịch vụ hay phân chia kết quả của sản xuất, dịch vụ. Hậu quả, xã hội ngày càng thiếu nhiều hơn sản phẩm hay dịch vụ có chất lượng cao của Việt Nam và Việt Nam trở thành xã hội tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ nước ngoài. Đổi lại Việt Nam phải bán các nguồn tài nguyên thô và đi vay tiền các nước để thế hệ con cháu đời sau sẽ trả. Hiểm nguy hơn, nền độc lập của Việt Nam đang bị đe dọa và lãnh thổ Việt Nam đã bị ngoại bang cắt xén.
Vậy xã hội Việt Nam thật sự tồn tại những mâu thuẫn cơ bản gì, nguyên nhân và giải pháp. Tác giả chọn sự quan sát với góc độ nhìn từ nguyên lý tạo ra sản phẩm hàng hóa và dịch vụ để phân tích. Vì nhu cầu kiến quốc có bản chất chủ yếu từ các quá trình sản xuất hay làm dịch vụ.
Bản chất sự hình thành hàng hóa và dịch vụ
Con nguời ta muốn sống phải lao động nhằm mục đích tạo ra hàng hóa hay dịch vụ để tự sử dụng hay trao đổi. Trong nền kinh tế hàng hóa, các sản phẩm hàng hóa hay dịch vụ được tạo ra chủ yếu dùng để trao đổi lẫn nhau. Sự trao đổi trên được định giá bằng tiền theo quy luật cung và cầu. Trong quá trình trao đổi hàng hóa và dịch vụ có sự chênh lệnh giữa tổng vốn bỏ ra và tổng vốn thu được, người ta gọi đó là giá trị thặng dư hay lãi thu được.
Trong học thuyết của Mác, học thuyết về giá trị thặng dư là hòn đá tảng của học thuyết Mác. Học thuyết giá trị thặng dư được Mác mô tả bằng công thức sau:
G= c+v+m (Công thức 1)
Trong đó: G: Giá trị hàng hóa và dịch vụ được tạo ra; c: là máy móc, vật tư. Mác cho rằng “c” có giá trị bất biến ; v: là phần tiền đưọc trã cho người công nhân; và m: là phần nhà tư bản chiếm hữu.
Thời mà Mác viết công thức trên, khi đó nhà tư bản bóc lột giai cấp công nhân chủ yếu dựa vào hai yếu tố: cường độ lao động và thời gian lao động. Chính khi tăng cường độ lao động hay tăng thời gian lao động trong ngày thì người công nhân chỉ còn con đường nổi dậy phá tan xiềng xích hoặc là chết. Vì vậy Mác cho rằng giai cấp công nhân là người đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản. Với nhận thức “c” là bất biến nên những người nghèo tin rằng kẻ giàu vì cướp phần lao động của mình. Với nhận thức trên, những người nghèo đã tập hợp lại, tạo ra sức mạnh vô biên cho các cuộc cách mạng lật đổ chính quyền tư sản và phong kiến.
Nhưng khi kiến quốc, chúng ta phải đối mặt với “Công thức 1” của Mác.
Để hiểu “Công thức 1” ta xem xét các công đoạn sản xuất ra chiếc máy hơi nước như sau:
Muốn chế tạo máy hơi nước, phải dùng quặng sắt và than để luyện thành thép. Quặng sắt và than là tài nguyên thiên nhiên. Để có thể luyện thành sắt, người công nhân phải sử dụng trí tuệ luyện thép của loài người tích lũy hàng ngàn năm. Để ráp các mảnh sắt thành máy hơi nước phải sử dụng phát minh chiếc máy hơi nước của ông Giêm Oát.
Hai vị trí khác nhau trên trái đất sẽ có nguồn tài nguyên thiên nhiên khác nhau. Chính vì vậy, tại hai vị trí khác nhau trên trái đất con người sẽ tạo ra sản phẩm có giá thành khác nhạu.
Hai con người khác nhau nên khả năng tích lũy nguồn tài nguyên trí tuệ của loài người cũng khác nhau. Chính vì vậy hai con người khác nhau sẽ tạo ra những chiếc máy có hiệu suất khác nhau.
Chính những sự khác nhau đó đã tạo ra sự chênh lệch về lợi nhuận. Hay nói cách khác, nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguồn tài nguyên trí tuệ đã tạo ra lợi nhuận cho nhà tư bản. Hai vị trí khác nhau, hai con người khác nhau sẽ tạo ra giá trị thặng dư khác nhau.
Vì vậy “c” là biến và không phải bất biến như Mác nhận định.
Khi thừa nhận “c” là biến, có nghĩa nhà tư bản có những ba hướng tìm ra lợi nhuận xếp theo thứ tự như sau: một là từ lao động giản đơn của người công nhân hay chính nhà tư bản, hai là từ tài nguyên thiên nhiên, ba là từ tài nguyên trí tuệ. Các yếu tố sau có xu thế tạo ra nhiều lợi nhuận hơn yếu tố trước theo sự tiến hóa của xã hội loài người. Ví dụ, các nước ở Trung Đông giàu có nhờ dầu thô; ông Bill Gate giàu có nhất thế giới nhờ tài nguyên trí tuệ tạo ra phần điều hành máy tính. Khi chỉ ra nhà tư bản có ba hướng tìm được lợi nhuận thì mâu thuẫn giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư bản không phải là mâu thuẫn đối kháng.
Tóm lại quá trình sản xuất hàng hóa và dịch vụ được mô tả bằng công thức giản đơn như sau :
G= Lq+Lg +Lt +T (Công thức 2)
Trong đó, G: Giá trị hàng hóa hay dịch vụ; Lq: Lao động quá khứ (vốn tự có hay vốn đi vay) ; Lg: Lao động giản đơn ; Lt : Lao động trí tuệ; và T: Tài nguyên thiên nhiên.
Tùy theo từng loại hàng hóa hay dịch vụ mà tỷ lệ các thành phần trên khác nhau.
Dựa vào nguyên lý tạo ra sản phẩm và dịch vụ, ta có thể thấy các hiện tượng phức tạp của xã hội Việt Nam hiện nay nằm trong năm mâu thuẫn cơ bản sau đây:
1. Mâu thuẫn giữa năng lực thật của con người Việt Nam và nhu cầu phát triển đất nước.
Sau 80 năm nô lệ dưới chính quyền đô hộ Pháp và 30 năm chiến tranh, cả dân tộc Việt Nam đều háo hức xây dựng lại đất nước, mưu cầu hạnh phúc cho chính mình và cho cả cộng đồng dân tộc. Nhưng năng lực thật của người Việt Nam là còn quá thấp so với nhu cầu kiến quốc.
Mặc dầu trong chiến tranh chúng ta đã tiến hành đào tạo nhiều cán bộ khoa học ở trong và ngoài nước, nhưng năng lực chuyên môn của cán bộ khoa học Việt Nam quá ít và quá kém.
Tiêu biểu là nhóm các Tiến sĩ học ở Liên xô trong thời chiến tranh, đã trình với Quốc hội tiềm năng cảng nước sâu Dung Quất. Thực chất ở vịnh Dung Quất tiềm năng về cảng biển là yếu kém nhất miền Trung, đê chắn sóng hiện tại làm xong chỉ làm tăng nhanh sự bồi lấp cảng Dung Quất. Sự dốt nát trên đã làm ngành hóa dầu Việt Nam – ngành mũi nhọn mà toàn dân hy vọng – bị sa lầy.
Hoặc ngành đóng tàu Việt Nam được ưu tiên với một nguồn ngân sách khổng lồ, kể cả tiền vay đổ vào Vinashin. Nhưng sau nhiều năm, ngành đóng tàu Việt Nam đến hôm nay không làm được việc gì hơn là công việc cắt thép sau đó hàn lại và lắp ráp. Việt Nam chưa sản xuất được những thứ nhỏ nhất như cái công tắc điện hay vòi nước cho con tàu, đừng nói gì đến các thiết bị phụ trợ cho con tàu. Trong khi đó lại đầu tư quá nhiều ụ đà cho dự án “cắt và hàn con tàu” cùng các dự án ngoài chuyên môn đóng tàu nên ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam phá sản là tất yếu.
Tư duy quy hoạch đô thị từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh đều có vấn đề, làm khủng hoảng trầm trọng hơn giao thông và môi trường đô thị.
Nguyên nhân sự yếu kém này vì chúng ta đã tiếp nhận “Công thức 1”, coi trọng giá trị tạo ra sản phẩm hàng hóa và dịch vụ từ lao động giản đơn. Coi trọng cán bộ có lý lịch tốt, có quan hệ thân hữu, có biểu hiện tích cực bằng hành động và nói hay, ngược lại coi thường tầng lớp trí thức trung thực, những người dành nhiều thời gian cho nghiên cứu.
Để giải quyết mâu thuẫn này, giải pháp cơ bản là tập trung nâng cao giáo dục và dân trí của toàn dân với quan điểm cụ thể như sau:
a) Bằng mọi giá, chúng ta nên phổ cập cấp III cho thanh niên Việt Nam. Có nghĩa là Nhà nước phải ưu tiên đặc biệt cho hệ thống giáo dục phổ thông bằng tiền ngân sách.
b) Bằng mọi giá, chúng ta nên cho thanh niên vay tiền để học những nghề mà xã hội Việt Nam hay trên thế giới cần.
c) Giáo dục đại học hay trên đại học mang tính chuyên sâu nên rất cần những người có năng khiếu nghiên cứu. Hệ thống giáo dục đại học chấp nhận sự cạnh tranh gay gắt để chọn nhân tài. Nhà nước chỉ tạo thuận lợi về tài chính cho các nhân tài đặc biệt của đất nước.
Bằng giải pháp trên, chúng ta tập trung được nguồn tài chính giúp thanh niên Việt Nam có thể tự lập vào đời với hành trang tốt nghiệp phổ thông. Với giáo dục nghề phổ cập, giúp xã hội Việt Nam ổn định vì ai cũng có khả năng cung ứng lao động của chính mình cho thị trường trong và ngoài nước. Còn những người tốt nghiệp đại học và trên đại học thực sự là nhân tài của đất nước là nguyên khí của quốc gia.
2. Mâu thuẫn giữa nhu cầu môi trường sống với sự biến đổi môi trường trong quá trình khai thác tài nguyên.
Khi sử dụng tài nguyên thiên nhiên cho sản xuất hay dịch vụ, tài nguyên có các loại như sau:
– Tài nguyên không tái tạo được: than, dầu mỏ
– Tài nguyên tái tạo chậm: rừng
– Tài nguyên được tăng lên trong quá trình khai thác: Tài nguyên đất, tài nguyên địa lý giao thông.
Đặc biệt có loại tài nguyên trong quá trình khai thác buộc thải ra nhiều chất thải gây ô nhiểm nặng môi trường. Ví dụ khai thác bôxít Tây Nguyên, khai thác vàng sử dụng các chất xúc tác để phân kim …
Mâu thuẫn giữa môi trường sống cần trong sạch và sự biến đổi trong quá trình khai thác tài nguyên thiên nhiên là mâu thuẫn tất yếu trong quá trình phát triển. Mâu thuẫn sẽ gay gắt khi trí tuệ của các quan chức có quyền lực bị hạn chế, lợi ích nhóm đặt trên lợi ích của cộng đồng. Với nhận thức đúng đắn về môi trường, Chính phủ sẽ chủ động hướng các doanh nghiệp chọn sản phẩm hay dịch vụ kinh doanh phù hợp với môi trường thiên nhiên của đất nước. Hơn nữa Chính phủ giúp các doanh nghiệp chủ động xử lý môi trường trong quá trình sản xuẩt hay làm dịch vụ.
Mâu thuẫn này có xu thế ngày càng gay gắt và chỉ có thể giải quyết trên nền tảng hai yếu tố: Dân trí cao và Dân chủ thật sự trong xã hội.
3. Mâu thuẫn giữa quyền lợi của cộng đồng dân tộc và quyền lợi nhóm
Sau khi nước nhà được độc lập, ai cũng mong kinh doanh sản xuất hay làm dịch vụ để kiếm sống. Nhưng để sản xuất hay làm dịch vụ, cá nhân hay doanh nghiệp phải cần bốn yếu tố như “Công thức 2”.
Về vốn, không phải ai cũng được tiếp cận với nguồn vốn thuận lợi. Điển hình như Vinashin tiếp cận dể dàng nguồn vốn, còn các doanh nghiệp khác thì vô cùng khó khăn. Nhiều đơn vị sử dụng tiền thuế của dân lại đứng ra kinh doanh cạnh tranh với hệ thống dân doanh. Như vậy sự tiếp cận với nguồn vốn là còn nhiều bất cập và không công bằng.
Việc tiếp cận với tài nguyên thiên nhiên vô cùng khó khăn với người dân thường. Đơn giản với đất ở hay đất sản xuất và kinh doanh. Người dân rất khó khăn làm thủ tục sở hữu đất đai. Thậm chí nơi cư trú và kinh doanh của người dân nếu có tiềm năng đặc biệt thì dễ bị chiếm hữu bởi các nhóm có quyền lực. Chúng ta chưa có chính sách rõ ràng và công bằng trong việc sử dụng các loại tài nguyên của đất nước.
Sự tham nhũng, bản chất của nó là sự sử dụng quyền lực để chiếm hữu các nguồn lực cung ứng cho sản xuất hay dịch vụ hay phân phối lại các kết quả của quá trình sản xuất hay dịch vụ. Tham nhũng chỉ có thể có khi có quyền lực. Vì vậy việc thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực là nguyên nhân tham nhũng tràn lan. Chính vì vậy, con người trong xã hội Việt Nam có xu hướng đi tìm kiếm quyền lực hơn là đi tìm kiếm các phát minh trí tuệ. Khi cả xã hội không có hàng hóa chứa nhiều chất xám, thì xã hội đó nghèo là tất yếu.
Để giải quyết mâu thuẫn này cần tạo ra môi trường tự do, dân chủ và bình đẳng giữa các cá nhân cũng như giữa các doanh nghiệp trong quá trình sử dụng các nguồn lực để sản xuất hay làm dịch vụ, cũng như công bằng trong chia sẽ các kết quả kinh doanh. Trên thế giới, kết quả kinh doanh được chia sẻ công bằng bằng công cụ thuế, như vậy toàn dân có lợi chứ không chỉ vài cá nhân có lợi. Giải pháp khắc phục mâu thuẫn này chính là tôn trọng sự dân chủ và trực tiếp của toàn dân. Để chính sách này có thể trở thành hiện thực, việc đầu tiên Việt Nam cần sòng phẳng tôn trọng công lao các công thần, các cựu chiến binh và những người có công trong chiến tranh. Chấp nhận sự ưu đãi về tinh thần, vật chất và cả sự thừa kế về vật chất với các công thần, các cựu chiến binh và những người có công như nước Mỹ vẩn trân trọng với các chiến binh của họ đã chiến đấu giành độc lập từ nước Anh. Có như vậy mới hy vọng rút ngắn thời gian khủng hoảng để có nền dân chủ thật sự trên đất nước Việt Nam.
4. Mâu thuẫn giữa đồng bào bị tổn thất trong chiến tranh, trong di tản và trong cải tạo Công thương với Chính quyền trong nước.
Cuộc chiến tranh và các chính sách của quá khứ đã gây tổn thất từng con người, từng gia đình là vết thương đau đòi hỏi cần nhiều thời gian cho tất cả các bên. Đất nước cần mọi người khép lại quá khứ, nhìn về tương lai với tấm lòng khoan dung vì tình yêu đất nước, vì tấm lòng nhân bản mong muốn con cháu người Việt sống trong tự do, hạnh phúc và yêu thương nhau.
Người Việt trong nước hiểu rõ ba triệu người Việt ở nước ngoài là một trong các yếu tố rất quan trọng cung cấp nhân lực, tài lực hay thông tin để khắc phục sự lạc hậu về năng lực xây dựng và quản trị đất nước.
Ba triệu người Việt sống ở nước ngoài cũng như nhiều triệu người dân trong nước cần có thời gian để giảm dần các nỗi đau mất mát do chiến tranh, trong di tản và trong cải tạo Công thương ở miền Nam. Để hòa hợp và hòa giải dân tộc, Chính quyền trong nước không chỉ chấp nhận Việt kiều có hai quốc tịch mà còn cần chấp nhận chính sách tôn trọng sự bình quyền giữa người Việt trong và ngoài nước kể cả quyền bầu cử và ứng cử. Có như vậy chúng ta mới mong tạo một trào lưu đại đoàn kết giữa người Việt Nam với nhau.
5. Mâu thuẫn nội bộ Việt Nam trong đường lối quan hệ với Trung Quốc
Chúng ta biết ơn sự hỗ trợ của Trung Quốc trong các cuộc chiến tranh giành độc lập và thống nhất đất nước. Chúng ta tôn trọng sự lớn mạnh và phát triển của Trung Quốc, nhưng quyết không bị lệ thuộc vào họ. Chúng ta luôn luôn mong muốn hữu hảo với Trung Quốc nhưng không thể vì sự hữu hảo mà phải cúi đầu để trở lại làm nô lệ và buộc phải thực thi chính sách của họ.
Trung Quốc đang phát triển mạnh trong sản xuất hàng hóa nhưng chủ yếu dựa vào yếu tố sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên như nhiên liệu, khoáng sản, thủy sản… Vì nền kinh tế phụ thuộc vào tài nguyên nên càng làm Trung Quốc bất chấp dư luận, bất chấp láng giềng, bất chấp ý thức hệ … tìm mọi cách thôn tính và mở rộng lãnh thổ để có nhiên liệu và nguyên liệu phục vụ cho sự phát triển nóng của nền kinh tế Trung Quốc. Nếu Trung Quốc hướng nền kinh tế của Trung Quốc sang nhanh nền kinh tế tri thức, ít dùng nhiên liệu và nguyên liệu hơn thì sức mạnh Trung Quốc sẽ tăng nhanh hơn và góp phần xây dựng tình hữu nghị và ổn định trong khu vực.
Người Việt Nam hiểu rõ sự cay đắng khi lệ thuộc là phải thực thi chính sách của họ. Đó là chính sách chia rẽ và tàn sát người Việt Nam như trong Cải cách ruộng đất 1954, như ngăn cản thống nhất đất nước Việt Nam, như bị mất Hoàng Sa 1974, như bị chiếm Núi Đất (bây giờ kẻ cướp được đặt tên là Lão Sơn) – Hà Giang 2-4-1984, như bị chiếm Gạc Ma (Trường Sa) 14-3-1988. Gần đây Trung Quốc áp dụng chiến lược âm thầm chiếm các rừng đầu nguồn và đặt chân vào các vị trí trọng yếu quân sự của Việt Nam như Tây Nguyên. Tháng 7/2010 Trung Quốc xây dựng Nhà máy điện nguyên tử tại Phòng Thành cách thủ đô Hà nội 280 Km, nằm về phía đầu hướng gió Đông Bắc. Khi sự cố nhà máy điện nguyên tử xảy ra, nếu có thì Thủ đô Hà Nội và cả đồng bằng Bắc bộ nằm trong khu vực nhiễm xạ nhanh nhất. Hành động trên càng làm mối quan hệ Việt Trung càng thêm gay gắt. Muốn hay không Việt Nam buộc xem xét lại chiến lược quy hoạch kinh tế, an ninh và cả Thủ đô trong tình hình mới.
Bài học ở Cam-pu-chia, một dân tộc tự tàn sát lẫn nhau theo chính sách của bọn Pôn Pốt là bài học lớn cho cả loài người phải cảnh giác khi thích hợp tác và bị phụ thuộc vào Trung Quốc.
Về phía Việt Nam chỉ còn con đường duy nhất là tập trung nâng cao sức mạnh Việt Nam về kinh tế và quốc phòng. Mặt khác phải sẵn sàng hợp tác với các nước đồng minh mạnh trên Thế giới để bảo vệ an ninh Biển Đông và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Lời kết
Mọi học thuyết mà giúp con người yêu con người hơn là học thuyết tiến bộ. Còn học thuyết nào giúp con người căm thù hay đố kỵ với con người đều là tội ác với nhân loại. Với phương pháp luận trên nền tảng học thuyết cơ cấu hình thành hàng hóa và dịch vụ theo “Công thức 2” chúng ta dễ dàng tìm được nguyên nhân và giải pháp để đẩy nhanh quá trình kiến quốc. Để giải quyết năm mâu thuẫn trên trong xã hội Việt Nam, chúng ta nên trân trọng đề xuất của ông Nguyễn Văn An – Cựu Chủ tịch Quốc hội Việt Nam – cần khôi phục Hiến Pháp năm 1946 do Chủ tịch Hồ Chi Minh đề xướng. Nguyên tắc của nó là Dân lập Hiến, Quốc hội lập Pháp, Chính quyền hành pháp theo Hiến pháp và Pháp luật, Tư pháp theo Hiến pháp và Pháp Luật. Không đi theo con đường trên, năm mâu thuẫn trên của xã hội Việt Nam ngày càng trầm trọng, kéo dài sự khốn khó cho số đông người Việt Nam và làm suy yếu tiềm năng bảo vệ đất nước. Thực tế chúng ta đã mất nhiều vùng biển, đảo và đất liền với Trung Quốc. Vì sự tồn vong của dân tộc, sự chọn lựa của chúng ta không còn con đường nào khác.
TP HCM, 1/8/2010
DMD
ĐN Mạng Bauxite Việt Nam biên tập