Chuyện Vinashin dưới góc nhìn của một người dân thường- Lê Vũ Khánh

  1. Có hay không một vụ phá sản của Vinashin ? 

Tôi còn nhớ, báo chí đã từng đăng lời của Tiến sỹ Nguyễn Đức Kiên,  Đại biểu Quốc Hội nói rằng Vinashin đã phá sản, nhưng phá sản theo kiểu Việt Nam. Tôi cũng không rõ phá sản theo kiểu Việt Nam thì khác phá sản theo kiểu nước ngoài như thế nào mà chỉ đơn giản cho rằng khi doanh nghiệp không có khả năng trả được các khoản nợ của mình, không có đủ nguồn tài chính để tiếp tục vận hành thì nó đã rơi vào tình trạng phá sản. Phải chăng phá sản theo kiểu Việt Nam thì cũng gần như là chết mà không được mang đi chôn. 

 Vinashin, vốn điều lệ có trên 14 ngàn tỷ đồng, nợ đến trên 86 ngàn tỷ đồng, trong đó có nhiều khoản nợ đến hạn phải trả mà không thể tự trả được thì tức là nó đã phá sản. Việc chia sẻ bớt một phần trách nhiệm cho các đơn vị khác như Petro Vietnam hay Vinalines (san bớt một phần tài sản, một số dự án và tất nhiên phải là cả những thua lỗ gắn với tài sản hay dự án đó) thực ra chỉ là biện pháp tái cơ cấu sau phá sản chứ không phải vì san bớt ra mà tránh được phá sản và nói rằng như thế là nó không phá sản được. Với cách làm này, thì trước hết là các doanh nghiệp đó đã phải gánh nợ thay, trả nợ đậy cho Vinashin, ảnh hưởng ngay đến nguồn vốn, đến doanh thu, lãi kinh doanh của chính họ, và ít nhất là làm cho Bản Báo cáo Tài chính cuối năm của các doanh nghiệp này bớt phần hoành tráng. Tất nhiên sau đó thì việc gánh nợ này cũng sẽ ảnh hưởng đến phần đóng góp của họ vào ngân sách nhà nước. Còn xét dưới góc độ của toàn bộ nền kinh tế, của cả xã hội hay tác động của nó đến từng người dân thì mất tiền ở Vinashin hay mất tiền ở Vinalines hoặc Petro Vietnam thì cũng là mất. Hơn nữa, 2 doanh nghiệp phái gánh bớt cái nợ Vinashin kia lại cũng đều là doanh nghiệp nhà nước cả thì họ mất tiền, tức là nhà nước mất tiến hay mỗi người dân đều mất tiền.

 Kể cả với cái phần Vinashin còn lại kia thì nhà nước hay chính người dân, mỗi người như tôi, như bạn cũng vẫn là người gánh chịu. Đành rằng không phải là mất toàn bộ giá trị tài sản mà nhà nước đã đầu tư vào Vinashin, cộng thêm khoản nợ khổng lồ, nhưng trước mắt, nhà nước cũng vẫn phải chi tiền ra để thanh toán các khoản nợ đến hạn, để tái cơ cấu lại doanh nghiệp, khôi phục sản xuất, để cứu nó và nuôi nó cho đến khi nó có thể gượng dậy, tự đứng được. Chi phí ấy hẳn không nhỏ. Toàn xã hội vẫn bị mất đi ngần đó của cải vật chất chứ không phải là vì san nợ ra, hay nhà nước gánh chịu một phần mà không còn tổn thất.

Vậy thì tại sao lại phải tránh từ “Phá sản” khi mà bản chất của nó là vậy và mọi người dân đều hiểu như vậy. Sau này, Tiến sỹ Nguyễn Đức Kiên có nói khác đi một chút, cho rằng không phải là Vinashin phá sản. Phải chăng ông sợ là cách nói “phá sản” có thể tạo nên một tâm lý bất an cho những người dân thường như chúng tôi. Hoặc giả là từ trước đến nay chúng ta vẫn chưa có một tiền lệ nào một doanh nghiệp nhà nước to lớn đến vậy mà chính thức, công khai phá sản cả, trong khi trên thực tế thì không thể dùng một từ nào khác để chỉ chính xác hơn tình trạng của Vinashin hiện nay.     

 

  1. Có hay không những khiếm khuyết trong cơ chế, luật pháp quản lý doanh nghiệp.

 Trong phiên trao đổi trên truyền hình phát sáng ngày 22/11, các vị khách mời có ý kiến cho rằng chỉ có Vinashin là 1/8 các Tập đoàn bị lâm vào tình trạng “phá sản” này, nên không thể nói rằng về cơ chế có vấn đề. Tuy nhiên ngưởi dân lại thấy vấn đề ở chính chỗ đó. Riêng chuyện chưa có một nghị định riêng để quản lý Tập đoàn Kinh tế Nhà nước, bản thân tập đoàn Vinasshin cũng được thành lập và hoạt động theo một quyết định của Thủ tướng Chính phủ (trong khi các Tổng Công ty 91 đều được thành lập, và hoạt động theo những Nghị định riêng), đã là một lỗ hổng của cơ chế, của luật pháp rồi. Nếu cùng một cơ chế đó, cùng một hệ thống luật pháp đó, cùng một cách quản lý đó mà mô hình Vinashin bị hỏng thì những tập đoàn khác cũng hoàn toàn có nguy cơ bị hỏng tương tự. May mà tới giờ này chúng ta mới chỉ phát hiện thấy  hỏng ở một Vinashin mà thôi.  

 Người dân hỏi rằng tại sao những vấn đề trầm trọng như vậy lại không bị phát hiện hoặc phát hiện ra mà không được kịp thời xử lý ? Các cơ quan của Chính phủ cũng cho rằng không có tình trạng bao che cho Vinashin, cũng không hề có chuyện ngăn cản thanh tra Vinashin vậy thì tại sao vẫn xảy ra vụ việc nghiêm trọng này. Tại sao trong khi lỗ mà Vinashin vẫn báo cáo được là lãi? Nếu như có chế độ báo cáo tài chính, kiểm toán rõ ràng thì lỗ phải là lỗ, lãi sẽ là lãi, được thể hiện rõ ràng trên sổ sách giấy tờ chứ không phải là muốn báo cáo thế nào cũng được. 

 Nhiều ý kiến cho rằng lỗi cơ bản là ở cách quản lý, điều hành của người đứng đầu Vinashin, nhưng người dân thì cho rằng chính đó là lỗ hổng về cơ chế, về pháp luật. Người dân không thể trông chờ vào chuyện được ông Chủ tịch Hội đồng Quản trị hay ông Tổng Giám đốc tốt, giỏi, vừa hồng vừa chuyên thì được nhờ. Còn chẳng may mà Chính phủ lại bổ nhiệm nhầm phải một ông hoặc kém chuyên môn, dốt quản lý hoặc tồi về đạo đức vào vị trí lãnh đạo tập đoàn kinh tế, không biết sử dụng đồng tiền của dân thế nào đế mang lại lợi ích cho xã hội hoặc giả chỉ cầu lợi cho bản thân mình thì người dân cũng phải cắn răng mà chịu. Người dân đòi hỏi phải xây dựng được những cơ chế để chỉ tuyển người tài giỏi nhất, có đạo đức tốt nhất vào những vị trí nắm giữ tiền của dân mà thôi. Kể cả làm được vậy thì cũng vẫn còn có khả năng họ vẫn có thể mắc sai lầm, vậy thì chúng ta lại cần có những quy định cụ thể, có giám sát chặt chẽ, khi phát hiện thấy có vấn đề thì có cơ chế buộc người đứng đầu doanh nghiệp đó hay cơ quan quản lý nhà nước phải có biện pháp khắc phục ngay lập tức. Khi đó, thì dù muốn người đứng đầu một doanh nghiệp cũng không thể tự tung, tự tác được. Người dân đòi hỏi rằng khi Chính Phủ trao tiền vào tay doanh nghiệp, trao quyền cho người đứng đầu doanh nghiệp thì cũng phải kiểm soát được mọi hành vi, hoạt động liên quan đến tiền, đến quyền đó bằng luật pháp, bằng các cơ chế giám sát, chứ không thể chỉ trông chờ vào chuyện may rủi.  

  1. Liệu có thể vực Vinashin dậy nhanh chóng được không ?  

Chính phủ cũng đã thể hiện quyết tâm cao độ trong việc khôi phục Vinashin, đã đưa ra một kế hoạch theo đó năm 2011 sẽ giảm lỗ, năm 2013-14 sẽ có lãi. Đây quả là một kế hoạch tham vọng lớn, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới dù đang hồi phục nhưng với tốc độ chậm hơn so với nhiều dự báo trước đây. Nền kinh tế Việt Nam , dù có tốc độ tăng trưởng khá cao, nhưng cũng đang gặp một số khó khăn trong đó có một phần do chính vụ Vinashin gây nên. Ngành đóng tàu là một phần và phụ thuộc nhiều vào tình hình kinh tế thế giới. Kinh tế có phát triển, người ta mới có mua, có bán, từ đó mới có nhu cầu vận tải và từ nhu cầu vận tải mới dẫn đến nhu cầu về trọng tải tàu, người ta mới đặt đóng tàu. Năm 2010 này không giống như thời điểm năm 2007, khi mà một con tàu vừa mua xong, bán lại đã lãi ngay đến 5-10%, để thêm vài ngày, một tuần nữa, giá còn tăng lên vòn vọt. Vào những ngày đó, cả thế giới đổ xô đi mua tàu, bán tàu, người ta ào ạt đặt đóng tàu. Vào thời kỳ khủng hoảng và hậu khủng hoảng hiện nay, nhu cầu vận tải vẫn thấp, nhiều chủ tàu đã đặt đóng tàu rồi, còn tìm cách phá hợp đồng, từ chối hoặc trì hoãn nhận tàu, thì việc khôi phục nhanh ngành đóng tàu không phải chỉ muốn là được. Chưa kể còn phải đổ tiền vào để hoàn thiện các con tàu đã có trong hợp đồng rồi mới có thể giao được tàu thì mới thu được tiền về. Ngoài ra còn phải trả cả những khoản tiền phạt do chậm dự án, không giao được tàu đúng hạn hợp đồng mà chỉ những khoản này thôi cũng đã nặng oằn lưng rồi.

 

Phần có vẻ như đỡ khó khăn hơn một chút trong toàn bộ vấn đề tái cơ cấu Vinashin chính là chuyện đội tàu vận tải. Vinalines đang nắm trong tay một đội tàu trên 4 triệu tấn, nay tiếp nhận thêm đội tàu của Vinashin chuyển qua. Nhưng không phải là cứ thế mang ra khai thác tàu ngay được vì nhiều tàu của Vinashin đã phải nằm không cả năm qua. Người thuê tàu, nhất là người thuê tàu nước ngoài thường đòi hỏi phải đưa tàu lên đà, kiểm tra lại các điều kiện kỹ thuật, an toàn, có giấy chứng nhận của đăng kiểm thì mới chấp nhận thuê. Chưa kể đến chuyện giá cho thuê tàu hiện nay vẫn còn rất thấp, sau khi trừ đi chi phí chắc cũng chẳng còn được là bao, thậm chí có thể còn bị lỗ. Hẳn là Vinalines cũng sẽ phải gồng mình lên, dùng những con tàu khác, những doanh nghiệp khác thuộc Tổng Công ty gánh đỡ cho nó, mới mong tồn tại được đến ngày thị trường sáng sủa hơn. Từ nay cho đến ngày đó là bao lâu, không ai biết chắc.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và Việt Nam hiện nay cũng như trong tương lai gần, bức tranh Vinashin khó có thể tươi sáng ngay được. Hy vọng là để có mục tiêu mà phấn đấu, nhưng trong 3 năm mà từ một doanh nghiệp phá sản, nợ đầm đìa, trở thành làm ăn có lãi được, phải chăng là cách nhìn quá lạc quan. Nên chăng, cần có cách nhìn sát thực tế hơn. Người dân đã thất vọng trước vụ việc Vinashin, nhưng nay nếu người dân lại hy vọng vào một kế hoạch phục hồi Vinashin nhanh chóng như thế mà rồi kế hoạch đó không đạt được thì thất vọng lần sau còn lớn hơn nhiều và sẽ không chỉ gọi trong chuyện Vinashin mà thôi.

 

Tôi tin rằng mọi người dân thường như tôi đều muốn rằng từ vụ việc Vinashin này, các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội sẽ xem xét vấn đề dưới mọi góc độ, trong đó có quan tâm đến cách nhìn vấn đề của những người dân thường, để đất nước ta,  dân ta tránh được những vụ như Vinashin trong tương lai.

 

Hà Nội, 25/11/2010  

Lê Vũ Khánh