Đại hội XI – ĐCSVN:Sức sống một bài báo trước Đại hội VI-Võ Văn Tạo

Sau Tuyên bố chung của Đại hội 81 đảng cộng sản và công nhân (tháng 12- 1960) tại Maxcơva, các đảng CS và CN đều trung thành tuyệt đối với nguyên tắc công hữu tư liệu sản xuất. Tại các quốc gia do đảng CS hoặc CN lãnh đạo, các xí nghiệp tư nhân đều nhanh chóng bị quốc hữu hóa. Trong nông nghiệp, đất đai, công cụ sản xuất bị tập trung để thành lập các hợp tác xã, nông trang tập thể hay nông trường quốc doanh. Thậm chí, các dịch vụ lặt vặt như cắt tóc, ăn uống…cũng gom vào hợp tác xã hay công ty quốc doanh. Kinh tế tư nhân bị thủ tiêu, cấm đoán và bị coi là thù nghịch với CNXH. Toàn bộ nền sản xuất xã hội bị điều hành bởi cơ chế kế hoạch hóa tập trung cao độ, triệt tiêu mọi năng động của cấp cơ sở. Mọi sản phẩm xã hội đều bị phân phối theo chế độ tem phiếu ngặt nghèo. Các quy luật phổ biến của sản xuất hàng hóa và kinh tế thị trường bị phớt lờ. Kết cục, sản xuất ngày càng đình đốn, ước vọng xây dựng CNXH “ưu việt” dựa trên năng suất lao động cao hơn hẳn chế độ TBCN biến thành ảo vọng.

Giữa những năm tháng khốn khó đó, từ thực tiễn sản xuất kinh doanh ở một số địa phương và cơ sở đã manh nha xuất hiện những phương cách tự cứu mình, mà sau này chúng ta gọi là tự “cởi trói”, mầm mống của đổi mới. Tuy nhiên, khi mới xuất hiện, việc“cởi trói” không dễ được hoan nghênh, một khi tư tưởng đổi mới chưa trở thành chủ trương, đường lối. Không ít cán bộ, lãnh đạo đã phải trả giá bằng kỷ luật, thậm chí tù tội…

Trước Đại hội VI – ĐCSVN (12-1986) ít lâu, giới trí thức và quản lý kinh tế xã hội rất bất ngờ và hết sức phấn khởi khi bài báo “Bài học giương cao bốn ngọn cờ” của Tổng Bí thư Trường Chinh xuất hiện trên trang nhất báo Nhân dân. Bài báo có đoạn: “…Khi Đảng ta chủ trương phát triển mạnh nền kinh tế nhiều thành phần, có nhiều cán bộ, đảng viên lo ngại vật tư, tiền vốn, nhân lực, chất xám, kỹ thuật quan trọng sẽ chạy sang khối ngoài quốc doanh. Lo ngại như vậy, chẳng lẽ chúng ta phải kìm hãm sản xuất lại hay sao?”. Bàn về quan hệ giữa lý luận và thực tiễn, giữa chủ trương chính sách đề ra và thực tế trình độ nhận thức của cán bộ và nhân dân, tác giả viết: “…Đề ra chủ trương, chính sách tưởng chừng đúng và hay rồi, nhưng thực tế trình độ nhận thức của cán bộ và nhân dân chưa theo kịp, chúng ta phải điều chỉnh lại chính sách cho phù hợp. Có như vậy, chủ trương, chính sách mới có thể đi vào thực tiễn và phát huy tác dụng”.

Những tư tưởng táo bạo, hết sức đúng đắn và sáng suốt của bài báo đã tác động mạnh mẽ nhận thức của đông đảo cán bộ, đảng viên. Cái mới mẻ, cái tiến bộ, phù hợp thực tiễn sinh động được khẳng định. Cái cũ kỹ, giáo điều, xơ cứng phải dẹp bỏ. Tư duy đổi mới của bài báo đã góp phần quan trọng vào việc hình thành tư tưởng đổi mới ở Đại hội VI của Đảng với các chủ trương, chính sách cụ thể. Cái “gông cùm” công hữu tư liệu sản xuất bị phá bỏ. Ruộng đất về lại hộ nông dân, từ chỗ mỗi năm phải nhập mấy triệu tấn lương thực để chống đói, Việt Nam nhanh chóng gia nhập hàng ngũ các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Kinh tế tư nhân được hình thành và phát triển, hàng hóa ngày một phong phú, đáp ứng các nhu cầu cơ bản của xã hội. Đa số các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa đều làm ăn khá hơn, đóng góp ngân sách cao hơn.

Một phần tư thế kỷ đã trôi qua, nhưng những tư tưởng chói lọi của bài báo vẫn rọi chiếu đến hôm nay, nhất là khi tại diễn đàn Đại hội XI, cuộc tranh luận về công hữu tư liệu sản xuất vẫn chưa ngã ngũ.,.

 

Võ Văn Tạo

95/2d Bạch Đằng, Nha Trang, Khánh Hòa – 0913490293