Chiến lược “đô thị và cảng biển song hành” ở miền Trung Việt Nam
Nhưng để tồn tại, con người cần phải ăn. Trong cái ăn của người, chất bột chiếm tỷ lệ lớn nhất. Muốn có chất bột thì phải trồng lúa, ngô, khoai, sắn… Để có đất trồng trọt, con người phải phá rừng. Khi mưa, bão sẽ sinh ra lũ quét, lũ ống. Con người đứng trước bão lũ là bất lực. Chính lũ là nguyên nhân xóa đi mọi nền văn hóa và sức mạnh của quá khứ ở miền Trung. Đó là cái quy luật khắc nghiệt của miền Trung Việt Nam.
Vì vậy, chúng ta có thể khẳng định miền Trung Việt Nam không thể sống dựa vào nông nghiệp. Rừng là mái nhà, là sự tồn tại cả cộng đồng. Rừng càng nhiều, mái nhà càng chắc chắn hơn, con người càng an toàn hơn. Vậy người dân miền Trung dựa vào sản xuất hay dịch vụ nào để tồn tại?
Chúng ta biết để sản xuất phải dựa vào ba yếu tố chính: lao động giản đơn, tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên trí tuệ. Còn vốn giúp quy mô sản xuất lớn, nhỏ và sức cạnh tranh ngắn hay dài. Với trình độ dân trí hiện nay, chúng ta khó mà bán chất xám để có tiền. Để có nền kinh tế trí thức, bán chất xám thu tiền chúng ta cần có nhiều thời gian. Hiện nay, giải pháp cơ bản là sử dụng các nguồn tài nguyên hiện có cùng chất xám trong tầm tay để thực hiện sản xuất và làm dịch vụ.
Vậy tài nguyên nào ở miền Trung đáng quan tâm? Tài nguyên khoáng sản trên núi không nhiều, không tập trung tạo nên khu công nghiệp lớn. Mặt khác khai thác khoáng sản trên sườn núi sẽ gây ra nhiều hậu quả về môi trường đưa đến lũ quét và lũ ống, cũng như nguồn nước uống. Tài nguyên về thủy điện chủ yếu là ở sông Ba, nhưng sự quản lý điều hành trữ nước không khoa học, không có sự phối hợp điều tiết nước chung trong lưu vực sông sẽ là một nguy cơ lớn cho tính mạng của con người.
Tài nguyên khoáng sản ven biển như các kim loại nặng và hiếm tập trung trong các cồn cát ven biển. Việc khai thác chúng cần đi đôi với việc trồng rừng và bảo vệ bờ biển. Nhìn chung khoáng sản và thủy điện ở miền Trung khi khai thác có tác động lớn tới môi trường sống. Vì vậy khi khai thác cần đưa khoa học và công nghệ vào để có hiệu quả cao. Nếu chỉ xuất khoáng sản thô thì nguồn thu không xứng với chi phí khắc phục hậu quả của môi trường.
Tài nguyên hải sản ven bờ ngày càng ít, tỷ suất nhiên liệu dành cho đánh cá ngày càng cao. Tài nguyên dầu khí đang giảm dần. Tài nguyên khoáng sản khác ở biển Đông đang trong quá trình tìm kiếm.Nhưng, tài nguyên lớn nhất của miền Trung là địa lý giao thông. Vì miền Trung Việt Nam nằm ngay trên tuyến đường hàng hải thế giới: từ Đông Bắc Á đi Ấn Độ, Trung Đông, châu Âu, Úc và từ Đông Nam Á đi châu Mỹ.
Với miền Trung Việt Nam nên có chiến lược “đô thị và cảng biển song hành”:
– Dân cư miền Trung nên sống tập trung ở các đô thị cảng biển. Việc sống tập trung giúp an toàn cho con người khi có bão lũ; giúp thuận lợi cho giáo dục phổ thông, dạy nghề, sản xuất và làm dịch vụ. Đất dành cho trồng rừng.
– Đô thị cảng biển cần có cảng nước sâu, kín sóng gió để giảm chi phí vận tải nguyên liệu, nhiên liệu và thành phẩm. Việc cải tạo bờ biển thành cảng nước sâu là chi phí rất lớn. Trước hết chúng ta nên sử dụng các bờ biển có yếu tố tự nhiên thuận lợi để làm cảng nước sâu. Sau đó từng bước mở rộng thêm các cảng nước sâu theo yêu cầu của thị trường. Hệ thống cảng là tiền đề hình thành trung tâm dịch vụ hàng hải ở miền Trung.Ví dụ, nên xây dựng cảng nhân tạo cho tàu 2 – 3 vạn tấn cho Quảng Bình để xuất xi măng Sông Gianh với giá thành vận tải thấp nhất.
Với giao thông ở miền Trung nên quan tâm các mục tiêu như sau: Thay đường sắt đơn khổ 1.000 mm TP.HCM – Hà Nội – Lạng Sơn thành đường đôi 1.435 mm. Nâng cấp Quốc lộ 1A: Cà Mau – TP.HCM – Hà Nội – Lạng Sơn. Phát triển các đường nhánh từ ven biển lên phía Lào và Campuchia.
Chúng ta nên chú ý các quan điểm chưa đúng như sau : Việc xây dựng đường Hồ Chí Minh quá sớm trong sự phát triển kinh tế miền Trung nên chưa đáp ứng nhu cầu thị trường, vừa tốn kém trong duy tu. Việc xây dựng đường Hồ Chí Minh chỉ nên làm sau khi đã hoàn chỉnh các đường xương cá từ đông dãy Trường Sơn ra biển.Với tình trạng thiếu vốn như hiện nay, chỉ nên tạm duy tu và không nâng cấp đường Hồ Chí Minh, mà nên tập trung vốn cho các dự án khác. Việc xây dựng con đường ven biển nối các khu du lịch ven biển là cần thiết, nhưng không nhất thiết là phải làm toàn bộ bờ biển miền Trung trong khi điều thiết yếu nhất là giao thông trên trục 1A và trục xương cá nối với Lào và Campuchia chưa hoàn thành.
Du lịch là một ngành công nghiệp không khói, chúng ta cần tận dụng. Nhưng du lịch là ngành công nghiệp bị động và không thể sử dụng công nghiệp du lịch để trở thành một cường quốc.
Một thành phố ven biển xây dựng đẹp ở miền Trung nhưng không thể phát triển ổn định nếu không có cảng nước sâu, kín sóng gió để không chỉ đón các tàu cá, tàu du lịch mà phải thuận lợi trong việc đón các tàu chở nguyên liệu, nhiên liệu từ nơi khác đến và đưa thành phẩm đi với giá thành thấp nhất. Vì vậy ở miền Trung Việt Nam, “đô thị và cảng biển song hành” là một chiến lược có tính nguyên tắc sống còn trong quá trình xây dựng và phát triển.
KS Doãn Mạnh Dũng( Báo Khoa học phổ thông số 23/11(1499) 24-6-2011)